Bài 1: Những giáo dân - công dân gương mẫu

27/09/2011 10:05

(Baonghean.vn) Với phương châm "sống tốt đời đẹp đạo", "kính Chúa, yêu nước", "sống phúc âm trong lòng dân tộc", những năm qua, đồng bào công giáo Nghệ An đã thể hiện trách nhiệm công dân của mình trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các qui định của địa phương...


hỉ tính trong vòng 10 năm trở lại đây đã có 28 giáo xứ, giáo họ, 183 giáo dân trên địa bàn tỉnh được Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ tỉnh và UBND tỉnh tặng bằng khen suy tôn tại các kỳ đại hội Người công giáo tỉnh Nghệ An xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nghị biểu dương gương điển hình tiên tiến trong đồng bào công giáo.

Ngoài ra còn có hàng nghìn tập thể, cá nhân được suy tôn vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước ở cấp huyện, cấp xã. Họ là những tấm gương tiêu biểu sống tốt đời, đẹp đạo, kính chúa yêu nước trong các xứ, họ. Điển hình như gia đình ông bà Nguyễn Văn Ánh, Nguyễn Thị Đào - giáo họ Xuân Kiều ở xóm 14 A xã Nghi Kiều (Nghi Lộc). Tâm niệm "người công giáo tốt cũng là người công dân tốt", không chỉ làm kinh tế giỏi, ông bà còn luôn chấp hành nghiêm các qui định của địa phương, hương ước, qui ước của thôn xóm, sống gần gũi, chan hòa với bà con lối xóm, tích cực đóng góp tham gia xây dựng quê hương và nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi.

Hiện tại 2 con đầu đang theo học tại các trường đại học, cậu con trai thứ 3 là Nguyễn Văn Tuấn vừa trúng tuyển vào Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) với số điểm 28, cô con gái út đang học lớp 12 năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.

Trong các xứ, họ xuất hiện ngày càng nhiều gia đình có từ 1-3 con vào đại học, có gia đình có 4-5 con vào đại học, cao đẳng, nhiều em đạt giải cao tại các kì thi học sinh giỏi các cấp. Điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Châu (giáo họ Đan Nhiệm, giáo xứ Qui Chính), gia đình thương binh Nguyễn Văn Thái ở giáo họ Xuân Hội (giáo xứ Trung Hoà), gia đình ông Phan Văn Đức ở giáo xứ Vĩnh Hoà, gia đình bà Đậu Thị Quy ở giáo họ Vạn Cảnh giáo xứ Trang Cảnh... đều có 5 con học đại học.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình tiên tiến góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Điển hình như Công ty TNHH Sao Mai do giáo dân Trịnh Xuân Giáo (giáo xứ Yên Đại - TP. Vinh) làm giám đốc đã đầu tư 26,8 tỷ đồng xây dựng Nhà máy sản xuất cáp điện và ống nhựa xuất khẩu, tạo việc làm cho trên 100 lao động với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/ tháng.

Bên cạnh đó, người giáo dân làm kinh tế giỏi này còn mạnh dạn đầu tư 20 tỷ đồng xây dựng Nhà máy sản xuất cáp điện tại Lào và Trang trại cam Thiên Sơn với diện tích 19 ha ở huyện Yên Thành. Thực hiện lời răn của Chúa về tình yêu thương con người, ở giáo xứ Yên Lý (xã Yên Lý - Diễn Châu) có giáo dân Nguyễn Xuân Tiến- Giám đốc Công ty Thương mại tổng hợp Tuấn Anh Tiến, không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương mà anh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Mỗi năm công ty anh Tiến trích quỹ phúc lợi hàng chục triệu đồng để ủng hộ xây dựng trường học, trao học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ gia đình khó khăn làm nhà Đại đoàn kết. Trên cương vị là Uỷ viên Ban đoàn kết công giáo huyện, Uỷ viên BCH Hội Chữ thập đỏ huỵên, giáo dân Nguyễn Xuân Tiến tích cực vận động bà con trong giáo xứ đoàn kết yêu thương nhau, cùng nhau sống tốt đời đẹp đạo. Anh được Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh tuyên dương là giáo dân điển hình tiên tiến xuất sắc giai đoạn 2005-2010...


Ở các giáo xứ, giáo họ, giáo dân đã và đang khẳng định mình "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào". Những ai đã từng một lần đến với Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật 19/3 (tại xã Nghi Diên, Nghi Lộc) do linh mục Nguyễn Đăng Điền sáng lập sẽ không khỏi xúc động trước tấm lòng yêu thương, chia sẻ của các xơ thuộc dòng Thừa Sai Bác Ái (thuộc giáo phận Vinh) đối với trẻ em khuyết tật bẩm sinh, trẻ em nhiễm chất độc da cam. Nhiều em không ý thức được hành vi của mình. Mọi sinh hoạt từ ăn uống, ngủ nghỉ đến tắm rửa vệ sinh đều do một tay các sơ lo liệu. Với tâm niệm: quên mình phục vụ, tận hiến, vui vẻ, hòa nhã, chu đáo đối với những số phận bất hạnh trong xã hội, những con người giàu đức hy sinh như sơ Hà Thị Hồng Châu và các sơ ở Trung tâm đã mang đến cho các em tình yêu thương của người mẹ, làm vơi bớt nỗi đau mà các em đang phải gánh chịu. Hạnh phúc với họ chính là được sẻ chia, bù đắp cho những trẻ em thiệt thòi. Và đó không chỉ là việc làm thực hiện theo điều răn của Chúa mà còn thể hiện trách nhiệm công dân của mình đối với xã hội.


Giác ngộ sự hòa hợp giữa "đạo" và "đời", nhiều đảng viên gốc giáo vừa là con chiên của Chúa vừa là người đảng viên của Đảng, la công dân tốt, một lòng phụng sự nhân dân. Họ đóng vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào giáo dân, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, phát triển đổi mới địa phương. Ông Phan Hải Thanh- Thư ký Ủy ban Đoàn kết công giáo (MTTQ tỉnh) là một ví dụ điển hình. Vốn là Phó Bí thư Trực đảng ở xã Hợp Thành (Yên Thành), mấy chục năm nay, người con của giáo họ Xuân Tiêu luôn cống hiến hết mình trong vai trò là cầu nối giữa đạo với đời, tôn giáo với dân tộc.

Bên cạnh đó gia đình ông cũng là gia đình người công giáo gương mẫu với 2 vợ chồng đều là đảng viên, 2 con đều học đại học. Ghi nhớ lời huấn từ của Giáo hoàng Benedict XVI "... giáo dân phải chứng tỏ là người công giáo tốt cũng là người công dân tốt", đại đa số đồng bào công giáo là những người "kính Chúa, yêu nước", chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước.

Trong đợt bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016, phần lớn bà con giáo dân đều hiểu và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của người công dân. Nhiều giáo dân đã mạnh dạn tự ứng cử vào Hội đồng nhân dân cấp xã với mong muốn "đưa tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói của người dân, nhất là bà con ở địa phương nơi cư trú đến gần hơn với các cấp chính quyền". Điển hình như giáo dân Nguyễn Văn Thi (sinh năm 1972) ở xóm Hưng Thịnh 1, xã Hưng Tây - Hưng Nguyên. Giáo dân Lê Đăng Sơn, sinh năm 1958 ở xóm 11 xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ). Việc làm của họ đã được 100% cử tri giáo dân nơi cư trú đồng tình, ủng hộ. Nhiều vị HĐMV ở các giáo xứ, giáo họ đã tích cực tuyên truyền vận động bà con giáo dân làm tròn bổn phận của người công dân "kính Chúa, yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo", tham gia lựa chọn những đại biểu ưu tú vào Quốc hội và HĐND các cấp, chăm lo đời sống chung của nhân dân góp phần cho " nước vinh, đạo sáng".


Kết quả trong kỳ bầu cử này có 2 vị trúng cử đại biểu HĐND tỉnh, tỷ lệ 2,3%; 25 vị trúng cử đại biểu HĐND huyện, đạt tỷ lệ 3,2%; 395 vị trúng cử HĐND cấp xã, đạt tỷ lệ 3,17%. Trong đó có rất nhiều người là xóm trưởng, xóm phó, bí thư chi bộ, phó bí thư trực đảng, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND xã; chủ tịch, phó chủ tịch MTTQ xã, trưởng, phó các đoàn thể, Trưởng ban hành giáo họ, chủ tịch HĐMV giáo họ, ban hành giáo xứ. Quỳnh Lưu là một trong những huyện dẫn đầu về số lượng chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo trúng cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2011-2016 với 6 vị đại biểu HĐND huyện, 79 vị HĐND xã, trong đó có 3 trưởng, phó ban hành giáo họ và 1 trưởng ban hành giáo xứ là ông Nguyễn Ngọc Định (Quỳnh Hưng). Nghi Lộc có 77 vị trúng cử HĐND các cấp, trong đó có 7 nữ giáo dân. Nam Đàn có 22/38 vị trúng cử HĐND các cấp là đảng viên, trong đó có cả đảng viên nữ như chị Nguyễn Thị Lý, sinh năm 1973 ở xã Nam Lộc. Đại biểu HĐND trẻ nhất là chị Đinh Thị Khuyên, sinh năm 1989, Bí thư Chi đoàn xóm Hồng Lĩnh xã Nam Hưng (Nam Đàn)...


Những kết quả trên khẳng định người Công giáo Nghệ An đang ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh, theo tinh thần Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam: "sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào".


Quốc Hưng

Mới nhất
x
Bài 1: Những giáo dân - công dân gương mẫu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO