Bài 1: Niềm vui từ những chuyến biển
(Baonghean.vn) - Sự cố môi trường biển Formosa xảy ra ở vùng biển Hà Tĩnh gián tiếp ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ hải sản và phát triển kinh tế du lịch biển của Nghệ An trong những tháng đầu năm 2016.
Tuy nhiên, từ cuối quý 3/2016 đến nay, ngư dân liên tục nhận tin vui với những chuyến tàu cập bến đầy ắp hải sản. Điều đó một lần nữa khẳng định, với ngư dân, “thuyền là nhà, biển cả là quê hương”- Mẹ Biển sẽ luôn chở che, đắp xây cho cuộc sống của họ.
Mẻ lưới vây bội thu của ngư dân Quỳnh Lưu. Ảnh: Đào Tuấn |
Lộc biển đầu năm
Có mặt tại bến lạch Quèn, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) lúc 6h sáng ngày 4/4, hàng chục chiếc thuyền của ngư dân giáo xứ Mành Sơn cập bến neo đậu, vận chuyển hải sản lên bờ. Ngư dân Nguyễn Văn Hồ điều khiển chiếc thuyền áp sát vào bến, xúc từng khay ruốc biển dưới thuyền lên trong niềm phấn khởi được mùa biển. Anh Hồ cho biết, thuyền của anh thường xuất bến từ 18h chiều và ra biển đánh bắt khoảng từ 5 - 8 hải lý. Qua 1 đêm, anh thu về hơn 2,5 tạ ruốc biển, trừ chi phí cho thu nhập 2 triệu đồng.
Đã thành nghề đánh bắt truyền thống, ngư dân xã Tiến Thủy thường sử dụng thuyền có công suất từ 18 - 24CV với các loại nghề khác nhau như đánh bắt ghẹ, tôm tít, ruốc biển, tôm và cá các loại... Mỗi nghề sử dụng một loại ngư cụ lưới đánh bắt khác nhau. Ngư dân Phạm Văn Hưng cho biết: "Do thuyền nhỏ nên chỉ đánh bắt cách đất liền khoảng tầm 10 - 20 km, hiện nay đang vào vụ ruốc và tôm biển, sang tháng sau sẽ vào mùa câu mực và đánh ghẹ. Chuyến biển này, tàu của tôi đánh bắt được nhiều ruốc biển và tôm bán được hơn 2 triệu đồng". Những khoang tàu đầy ắp ruốc biển của bà con giáo xứ Mành Sơn được các thương lái ở địa phương nhanh chóng thu mua, sau đó phân phối đi các chợ, cung cấp cho các cơ sở chế biến. Ngoài ra, ngay tại bến còn có các hộ thu mua hải sản tươi sống về nuôi trong bể sục khí để cung cấp cho các nhà hàng.
Bám biển, yêu biển và náo nức ra khơi ngay từ những ngày đầu năm, đến nay, nhiều ngư dân ở giáo xứ Mành Sơn và xã Tiến Thủy thu được sản lượng lớn. Trước đó, chiều 31/3, hàng chục tàu cá của ngư dân xã Tiến Thủy vui mừng cập cảng lạch Quèn với những khoang thuyền đầy ắp hải sản. Đặc biệt, tàu cá mang số hiệu NA 97688 TS67 được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ với trị giá 13 tỷ đồng của ngư dân Hồ Bá Dũng, trong chuyến vươn khơi đầu tiên, tàu anh Dũng đã khai thác được 20 tấn hải sản chủ yếu là cá hố và mực tươi có giá trị trên 300 triệu đồng.
Ngay trong tháng 1/2017, ngư dân ở giáo xứ Mành Sơn đánh bắt được 340 tấn ruốc, hơn 1,4 tấn tôm biển; tháng 2 đánh bắt được 200 tấn ruốc và 10 tấn tôm, cho doanh thu hàng trăm triệu đồng. Riêng tháng 4 này, ngư dân đang tiếp tục vào mùa khai thác ruốc, tôm biển, đồng thời có nhiều thuyền chuyển sang đánh ghẹ và câu mực. Được biết, xã Tiến Thủy có trên 328 tàu thuyền với tổng công suất gần 90.000 CV, trong đó có 157 tàu xa bờ (4 tàu vỏ sắt, riêng xóm Sơn Hải có 2 tàu vỏ sắt đóng theo Nghị định 67). Năm 2016 sản lượng khai thác hải sản đạt 17.685 tấn; quý I/2017 đạt 7.851 tấn, tổng giá trị sản xuất đạt 145,6 tỷ đồng.
Tại cảng cá xã Tiến Thủy - nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân xã Tiến Thủy và một số xã lân cận, trong đó có xã Quỳnh Long, khắp bến cá rộn ràng không khí làm việc khẩn trương, sôi động. Dưới thuyền, thủy thủ khệ nệ bê những thùng cá ướp đá tươi nguyên lên băng chuyền; trên bến, những người phụ nữ nhanh chóng rửa sạch, đóng thùng và cho lên cân để đội vận chuyển với hàng chục xe đông lạnh chờ sẵn đưa đi tiêu thụ. Phấn khởi vì chuyến biển đầy khoang với hơn 5 tấn cá, trong đó có 3 tấn cá ù loại trên 2kg/con và 2 tấn cá đốm, anh Ước - một chủ thuyền cho biết: Với giá bán ngay tại bến là 50.000 đồng/kg đối với cá ù, 17.000 đồng/kg đối với cá đốm, chuyến này tàu của tôi thu về gần 200 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi người sẽ được khoảng 8 triệu đồng cho 10 ngày đi biển.
Mua bán hải sản trên cảng cá lạch Quèn. Ảnh Việt Hùng |
Nói về truyền thống đánh bắt hải sản ở huyện Quỳnh Lưu còn phải kể đến xã Quỳnh Long. Có mặt tại địa phương này, cảm nhận đầu tiên là không khí phấn khởi, tươi vui lan tỏa khắp xóm làng, khi những chuyến ra khơi đầu năm đã mang về đầy ắp lộc biển. Sản lượng đánh bắt cao, lại được giá, kéo theo thu nhập tăng nên nhiều ngư dân Quỳnh Long rất phấn khởi. Có chuyến đi trong vòng 2 tuần người dân đánh bắt được hơn 10 tấn cá. Theo đó, thu nhập từ lao động nghề cá những tháng đầu năm 2017 tăng, bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng. Riêng nghề vây đạt 10 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân toàn xã đạt 37 triệu đồng/người/năm - thuộc tốp cao nhất của huyện Quỳnh Lưu.
Ông Trần Quang Vệ - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long vui mừng cho biết: Những chuyến biển cuối năm 2016 và đầu năm 2017, ngư dân trúng lớn. Không những thế, nhiều loài cá từ lâu vắng bóng, nay bỗng xuất hiện trở lại cho sản lượng cao như cá chìa vôi, cá mòi, cá lụ, cá bẹ hương... Nhiều chuyến cho đến cả chục tấn cá với giá trị hàng trăm triệu đồng.
Không một ngày xa biển
Cảng cá lạch Quèn những ngày này tấp nập tàu đi thuyền về. Tiếng máy chạy, tiếng ngư dân ồn ã cả bến cảng dài. Trong khi những con tàu cập cảng trong hân hoan chiến thắng với tôm, cá đầy khoang, thì nhiều đội tàu khác lại náo nức chuẩn bị ngư yếu cụ ra khơi. Chưa đến mùa biển chính, nhưng tràn ngập cảng cá lạch Quèn không khí tấp nập, khẩn trương, nhộn nhịp với những hoạt động vận chuyển đá lạnh, tiếp xăng dầu, nhu yếu phẩm cho những con tàu vươn khơi, xua tan đợt gió lạnh muộn của tháng 4. Hàng trăm con tàu công suất lớn, nhỏ xếp hàng trong, hàng ngoài chờ tiếp nhiên liệu. Dọc cảng cá, những cây xăng dầu, nhà máy đá với hàng trăm ngư dân và cả nhân công trên bờ làm việc hết công suất để kịp phục vụ hậu cần cho những con tàu ra khơi.
|
Đối với ngư dân, việc bám biển và đánh bắt cá không chỉ là nghề nuôi lớn họ, nuôi sống gia đình họ, một nghề mà từ bao đời nay cha ông họ đã gây dựng và truyền thụ nghề, truyền cảm hứng về tình yêu đối với biển. Ông Hồ Sửu - ngư dân xã Quỳnh Nghĩa, chủ một tàu cá đang cùng vợ tất bật chuẩn bị chuyến đi biển vui vẻ nói: “Nghề biển vất vả thật đấy nhưng một ngày không ra khơi buông lưới là thấy nóng ruột, nhớ đến lạ. Bởi với chúng tôi, sóng gió, sự mặn mòi của biển dường như đã ngấm vào da thịt mỗi người. Hơn nữa đi biển có của ăn, của để nên ai cũng vui”.
Ngư dân Nguyễn Kim Đương ở giáo xứ Mành Sơn, xã Tiến Thủy vừa chuẩn bị khâu cuối cùng cho một chuyến đi biển mới. Thực hiện chương trình đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, ông Đương đã mạnh dạn đăng ký đóng tàu vỏ sắt công suất 829CV có trị giá 16 tỷ đồng. Tháng 8/2016, tàu hoàn thành và đưa vào hoạt động. Đây là tàu vỏ sắt đầu tiên của Tiến Thủy. Dạn dày kinh nghiệm đi biển cùng với việc được sử dụng con tàu hiện đại nên sau mỗi lần ra khơi, tàu của ông đều trúng đậm, lưới nặng cá đầy.
Ông Đương chia sẻ: Con tàu này đã ra khơi được 9 chuyến. So với khi còn chạy tàu nhỏ gần bờ công suất 165CV thì nay, với con tàu lớn, trang thiết bị hiện đại giúp người lao động nhàn việc hơn mà hiệu quả lại cao. Khai thác ở vùng biển Vịnh Bắc bộ, từ khi thành lập các tổ liên kết khai thác trên biển, giúp đỡ nhau về vị trí đánh bắt nên hiệu quả vượt trội. Mỗi chuyến đi 5-7 ngày, thu nhập khoảng 250 triệu đồng, vì thế ai cũng phấn khởi.
Ngư dân Nguyễn Kim Đương ở giáo xứ Mành Sơn, xã Tiến Thủy vừa chuẩn bị khâu cuối cùng cho một chuyến đi biển mới. Thực hiện chương trình đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, ông Đương đã mạnh dạn đăng ký đóng tàu vỏ sắt công suất 829CV có trị giá 16 tỷ đồng. Tháng 8/2016, tàu hoàn thành và đưa vào hoạt động. Đây là tàu vỏ sắt đầu tiên của Tiến Thủy. Dạn dày kinh nghiệm đi biển cùng với việc được sử dụng con tàu hiện đại nên sau mỗi lần ra khơi, tàu của ông đều trúng đậm, lưới nặng cá đầy.
Ông Đương chia sẻ: Con tàu này đã ra khơi được 9 chuyến. So với khi còn chạy tàu nhỏ gần bờ công suất 165CV thì nay, với con tàu lớn, trang thiết bị hiện đại giúp người lao động nhàn việc hơn mà hiệu quả lại cao. Khai thác ở vùng biển Vịnh Bắc bộ, từ khi thành lập các tổ liên kết khai thác trên biển, giúp đỡ nhau về vị trí đánh bắt nên hiệu quả vượt trội. Mỗi chuyến đi 5-7 ngày, thu nhập khoảng 250 triệu đồng, vì thế ai cũng phấn khởi.
Trở về TX. Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu hay Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, những người con xa quê đều vui mừng bởi đời sống người dân biển ngày một nâng lên, nhà cao tầng mọc lên san sát, nhà nào cũng mua sắm phương tiện đi lại, nghe nhìn hiện đại. Những năm qua, đánh bắt hải sản là nghề chính của người dân và với sự năng động, cần cù chịu khó của mình, biển đã mang lại cho họ cuộc sống ấm no.
Về với bà con ở nhiều làng biển, chúng tôi cảm nhận một tình yêu sâu nặng của ngư dân dành cho mẹ biển. Nhiều ngư dân có hàng chục năm gắn bó với biển, nghề biển truyền từ đời ông đời cha sang đời con cháu, chưa bao giờ ngưng nghỉ. Gắn bó nghề đánh bắt cá trên biển với bao gian khổ, sóng gió lênh đênh, nhưng chưa từng có ý định từ bỏ nghề để làm một công việc khác nhẹ nhàng hơn. “Từ bao đời nay, đối với mỗi ngư dân thì tàu là nhà, biển cả là quê hương, là nguồn sống vô tận và họ đã làm giàu trên chính quê hương mình. Vì thế, dù có những rủi ro, dù cuộc sống đã sung túc hơn nhiều, nhưng ngư dân vẫn ra khơi trong những chuyến biển dài với tâm niệm rằng phải giữ lấy nghề, yêu lấy biển để sống, để phát triển kinh tế và bảo vệ biển đảo quê hương”. – Ngư dân, giáo dân Nguyễn Kim Đương tâm sự.