Bài 1: Nỗi lo "núi đè, sông nuốt"
(Baonghean) - Khu dân cư khe Chóng và khe Ò, xã Yên Na, huyện Tương Dương là hai khu tái định cư theo hình thức di vén của Thủy điện Bản Vẽ với hơn 150 hộ dân được hình thành từ năm 2005 đến nay. Đã gần 6 năm, các hộ dân ở đây luôn canh cánh nỗi lo "núi đè, sông nuốt" mỗi khi mùa mưa lũ về, nhất là sau cơn mưa kéo dài mấy ngày qua...
T rận mưa dai dẳng, kéo dài trong mấy ngày qua đã đẩy các hộ dân khe Chóng lâm vào tình cảnh đứng ngồi không yên khi ngọn khe Chóng nằm trấn phía sau bản làng lại một lần nữa "nổi giận" trút cơ man nào là đất đá xuống hàng chục hộ dân, làm sập nhà cửa, hư hỏng vật dụng sinh hoạt trong gia đình.
Ngày 14/9, tức là đã 3 ngày sau khi ngọn khe Chóng nổi "cơn tam bành", khi phóng viên có mặt tại hai khu dân cư này thì tâm trạng của hàng trăm hộ dân vẫn cực kỳ hoang mang, nhà cửa của nhiều hộ dân khóa trái vì gia chủ đã đi lánh nạn.
Đi khắp cái bản nhỏ này, đâu đâu cũng nghe mọi người than thở về một tai họa không biết sẽ ập tới lúc nào.
Nước sông Nậm Nơn làm sụt lở đường dẫn vào khe Chóng.
Ông Kha Văn Nguyên, dân tộc Thái chỉ cho tôi những vết nứt trên sàn, tường nhà, giọng run rẩy: "Hôm đó, trời mưa to lắm, nên cả nhà không thể lên rẫy được. Tôi đang xem ti vi thì nghe đất đá lao xuống ầm ầm, rồi đổ ập vô tường nhà. Không kịp phản ứng gì, cả nhà chỉ kịp chạy ra đường thôi".
Cạnh nhà ông Nguyên, là gia đình anh con trai của ông, Kha Văn Nhân, sau trận núi lở làm nứt hết tường hai gian nhà chính và khu bếp bị đất ập vào, cả gia đình anh Nhân đành thu dọn hết đồ đạc chuyển sang ở tạm nhà ông Nguyên. Chị Kha Thùy Vân vợ anh Nhân, bồng đứa con nhỏ, nói: "Hai vợ chồng được Dự án Thủy điện làm cho ngôi nhà giờ không ở được, không biết mai đây làm răng. Bây giờ ở nhà bố mẹ, cả nhà cứ lo ngay ngáy, đêm ngủ cũng không yên, vì nhà bố mẹ cũng hư cả rồi, mất an toàn lắm".
Trong trận mưa lớn vừa qua, thiệt hại nặng nhất khu tái định cư khe Chóng là gia đình anh Lương Văn Chanh. Ngôi nhà sàn xây bao kiên cố khá khang trang của gia đình anh bị nước, đất, đá ập vào bất thình lình vào khoảng 11 giờ trưa làm sập cả mảng tường sau gian nhà bếp, còn nhà chính thì nứt khắp nơi. Quá sợ hãi vì tai họa ập đến bất ngờ, chưa chờ xã vận động, cả gia đình 5 người của anh đành thu vén đồ đạc đi tá túc tạm nhà người bà con. Anh dẫn tôi đi xem khắp nhà, gian nhà bếp hãy còn lênh láng bùn đất. Nhìn cái cơ ngươi cả đời gây dựng bỗng chốc hư hại, ánh mắt anh cứ bần thần, nói không lên tiếng: "Nhà cửa thành ra thế này xót lắm chú à! Nhưng cũng phải chuyển đi thôi, còn người còn của, không dám ở đây nữa mô", anh chia sẻ.
Nếu như hàng chục hộ dân có nhà tựa lưng vào núi khe Chóng có chung tâm trạng sợ "núi đè" thì hàng trăm con người sống trong 30 nóc nhà thuộc khu tái định cư khe Chóng nằm ven dòng Nậm Nơn lại mang trong mình nỗi lo "sông nuốt". Anh Lương Văn Trí - Phó bản chỉ cho tôi những ngôi nhà, và cả bể nước sinh hoạt tại khu tái đinh cư này nằm chênh vênh bên dòng Nậm Nơn, với phần sau hầu như nghiêng hoàn toàn ra sông, lo lắng: "Mấy chục hộ ở đây, nhà bị "sông nuốt" khi nào không hay. Nước Nậm Nơn lên cao gây xói lở, trong khi đất đá trên núi thì đè xuống làm những nhà này nghiêng hẳn ra sông". Như để chứng minh cho nhận định của mình, anh Trí chỉ cho tôi những vết nứt dọc theo con đường chia đôi bản nhỏ này. Những vết nứt cho thấy nền đất tại đây đang bị đứt gãy từng ngày, tạo ra mối ẩn họa lớn cho người dân.
Theo số liệu của UBND xã Yên Na, huyện Tương Dương, trận mưa trong các ngày từ 9-14/9/2011 qua đặt tình cảnh của người dân khu tái định cư khe Chóng và khe Ò vào tình thế vô cùng nguy hiểm. Có 8 hộ phải di dời đi lánh nạn do nhà cửa bị hư hỏng, 24 hộ khác đang đặt trong tình trạng nguy hiểm cao. Ông Lô Hoài Thơm - Chủ tịch UBND xã Yên Na, cho biết: "Hiện nay, xã đã vận động được những hộ thuộc diện nguy hiểm chuyển sang ở các nhà khác an toàn hơn. Đồng thời, để đảm bảo an toàn, mỗi đêm xã đều cử dân quân xã và bản canh gác không cho người dân trở lại nhà ngủ".
Trời về chiều, mây đen ùn ùn kéo về miền Tây, chuẩn bị ngược trở ra Thị trấn Hòa Bình, chúng tôi vẫn nghe văng vẳng giọng của một cụ bà: "Cầu trời tối nay đừng mưa, không núi lại lở mất thôi".
Nguyễn Thành Duy