Bài 1: Ở đâu cũng... mất an toàn!
(Baonghean) - Sau khi Báo Nghệ An số 9513, ngày 4/8 đăng bài "Không chỉ là chuyện một con trâu chết..." phản ánh việc hạ tầng lưới điện ở xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ) mất an toàn gây chết gia súc; một số cán bộ ngành Điện sở tại thiếu trách nhiệm... bạn đọc đã thông tin cho biết ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng chung tình trạng này. Thậm chí, đã có một nhân viên ngành Điện bị điện giật dẫn đến tử vong...
Nhân viên ngành Điện bị điện giật tử vong mà bạn đọc cung cấp thông tin tên là T.S.T quê ở xã Phúc Sơn, công tác tại Chi nhánh Điện lực huyện Anh Sơn. Tuy nhiên, để xác minh thật chẳng dễ dàng. Liên lạc với Giám đốc Chi nhánh Điện lực huyện Anh Sơn, ông cho biết đang họp tại Thành phố Vinh và hứa sẽ giao cho Phó Giám đốc trả lời. Ít phút sau, khi chúng tôi có mặt tại trụ sở Chi nhánh Điện lực Anh Sơn thì phòng làm việc của Phó Giám đốc đã khóa ngoài. Điện thoại liên lạc thì được ông Phó Giám đốc trả lời đang làm nhiệm vụ tại cơ sở (?!). Đề nghị cán bộ phòng Kỹ thuật cho được tìm hiểu thông tin về hạ tầng điện nông thôn, ban đầu vị phó phòng từ chối vì nhiệm vụ phát ngôn là của lãnh đạo.
Hiện trường nơi nhân viên Điện lực Anh Sơn bị điện giật tử vong
Tuy nhiên, sau đó ông cho biết, bởi lúc bàn giao hạ tầng điện lưới hạ áp nông thôn Anh Sơn rất kém, chủ yếu do dân đóng góp đầu tư xây dựng từ những năm 1990 nên đã xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn. Và dù ngành Điện đang đầu tư xây dựng hạ tầng điện nông thôn theo Dự án Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Nghệ An vay vốn của Ngân hàng tái thiết Đức (KFW), tuy nhiên chỉ mới thực hiện ở các trục điện chính nên các đường điện dẫn vào thôn, xóm hầu như vẫn giữ nguyên trạng. "Hầu như xã nào ở Anh Sơn cũng đang trong tình trạng như vậy..." - vị phó phòng kỹ thuật nói. Khi được hỏi: Với hạ tầng điện như vậy, đã bao giờ xẩy ra các tai nạn về người và tài sản hay chưa? Vị phó phòng trả lời: Chưa. Hỏi: Vậy tại sao có thông tin nhân viên ngành Điện ở Anh Sơn bị điện giật dẫn đến tử vong? Vị phó phòng lúng túng: Do sơ suất khi thực hiện nhiệm vụ!.
Qua một người có trách nhiệm ở huyện Anh Sơn, chúng tôi được biết, nhân viên điện lực bị tai nạn khi đang làm nhiệm vụ ở xã Lạng Sơn vào ngày 23/3/2013. Tìm về xã Lạng Sơn, người dân cho biết sự việc này xẩy ra tại khu vực xóm 3, gần nhà anh Lê Văn Định. Tìm đến nhà anh Lê Văn Định thì được biết, vụ việc xẩy ra ngay trước nhà của anh, tại cột điện hạ thế dựng trên khoảnh ruộng lúa nước ở trục điện chính của xóm, trên cột treo một số công tơ điện.
Anh Định thuật lại: "Hôm đó trời nắng rất to, có hai nhân viên ngành Điện đến kiểm tra công tơ điện và đường dây. Một người trèo lên cao để kiểm tra dây, một người đứng dưới xem công tơ. Người trên cao không việc gì nhưng người ở dưới không biết sơ suất thế nào đã ôm phải dây điện hở nên bị điện giật. Khi người ở trên phát hiện ra thì đã quá muộn. Lúc đưa được người bị điện giật lên khỏi ruộng cấp cứu thì anh này đã chết". Là thợ sửa chữa máy nổ, anh Định thắc mắc: "Theo nguyên tắc, khi sửa chữa thì phải cắt điện, không hiểu sao cột điện nằm tại ruộng lúa nước mà họ lại sơ suất như vậy...".
Theo nhiều người dân và cán bộ xã Lạng Sơn, các vấn đề về điện đang là nỗi bức xúc ở nơi đây. Lạng Sơn bàn giao hạ tầng điện cho ngành Điện đã được một năm nhưng đi vào các ngõ xóm nơi nào cũng thấy hiện trạng hạ tầng điện xuống cấp nghiêm trọng bởi có rất nhiều cột gỗ cũ chắp nối, nhiều cột bê tông lở lói với những quả sứ nứt hoặc sứt mẻ. Ngay tại trụ sở UBND xã Lạng Sơn, nơi có một trạm biến áp cũng đầy rẫy những cột điện bằng gỗ, mét hoặc cột bê tông đã vỡ chân, lòi thép, có những cột đã nghiêng hẳn xuống, có những cột điện được kết bằng những đoạn thép, bê tông, mét và treo trên đó là những đường dây điện trần chắp nối chi chít... Anh Trương Bá Hoàn - Trưởng Ban Văn hóa xã Lạng Sơn nói: "Ở khu vực trung tâm xã chất lượng điện còn tương đối chứ ngược lên các xóm 1, 2 bám đường Hồ Chí Minh với chiều dài khoảng 4km thì điện hết sức phập phù, lúc sáng, lúc tối, có nhiều khi người dân không sử dụng nổi đành phải "trên điện, dưới đèn dầu...".
Những cột điện xiêu vẹo, chắp nối bằng gỗ đã mục, bằng tre mất an toàn ở xã Lạng Sơn (Anh Sơn).
Ông Hà Văn Hiến - Phó phòng Công Thương huyện Anh Sơn cho biết: Đến thời điểm hiện tại có 15/21 xã đã bàn giao lưới điện cho ngành Điện lực. Ngành Điện đã triển khai các dự án Năng lượng nông thôn 2 mở rộng (RE2 mở rộng), KFW, tuy nhiên, do tiếp nhận nhiều xã cùng một lúc nên công tác đầu tư, cải tạo hệ thống lưới điện chỉ được xử lý phần công tơ và một số tuyến chính nên hầu như chất lượng hạ tầng lưới điện hạ áp chưa được cải thiện, vẫn đang trong tình trạng chưa đảm bảo quy định của ngành Điện...
Nam Đàn là huyện tổ chức bàn giao lưới điện trung - hạ thế cho ngành Điện quản lý và bán điện trực tiếp cho hộ dân sử dụng từ khá sớm. Đến nay đã có 19/21 xã, thị trấn đã bàn giao lưới điện hạ thế cho ngành Điện. Tìm hiểu một số cán bộ phòng Công Thương huyện Nam Đàn, được biết: Từ năm 2009 đến nay, ngành Điện đã đầu tư cho Nam Đàn 35 trạm biến áp và đang thực hiện nâng cấp hạ tầng từ Dự án KFW nên hạ tầng điện nơi đây tương đối đảm bảo. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại như nhu cầu cấp điện phục vụ sản xuất, kinh doanh cho các cụm công nghiệp, các hộ sản xuất chưa đảm bảo; phát triển phụ tải của các tổ chức, cá nhân phát sinh mới ở các xã có nhu cầu sử dụng điện nhiều khi phải kéo dài nhiều ngày; các sự cố xẩy ra không được khắc phục nhanh khiến thời gian mất điện kéo dài... Và đây là những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân.
Về xã Xuân Hòa (Nam Đàn), dù nơi đây bàn giao lưới điện được hơn 1 năm nhưng tại các trục đường liên thôn, hiện trạng lưới điện hạ áp mất an toàn rất rõ. Hỏi chuyện ông Trần Hữu Khuông - Chủ tịch UBND xã, ông cho biết: Hệ thống lưới điện hạ áp đã quá xuống cấp nhưng từ khi bàn giao đến nay chưa thấy ngành Điện có một động thái gì. Xã đề nghị Chi nhánh Điện lực xen dắm thêm trạm biến áp để tăng công suất, kịp thời phục vụ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong vùng nhưng cũng không được. Vừa qua có mấy cột điện bị ngã đổ, dân gọi nhưng không thấy cán bộ ngành Điện xuống xử lý sửa chữa. Ở xóm 7, xóm 11 cũng bị sự cố chập chạm điện làm hỏng hóc vật dụng của một số hộ nhưng ngành Điện chưa tỏ rõ trách nhiệm...
Đi dọc đường Hồ Chí Minh qua các xã Ngọc Lâm, Thanh Thủy, Hạnh Lâm (Thanh Chương), Khai Sơn (Anh Sơn) cũng lồ lộ một hiện trạng hạ tầng điện nông thôn mất an toàn. Ven quốc lộ là những cột điện gỗ cũ thấp lè tè, những cột điện bê tông vỡ, chắp, nghiêng ngả phải dùng cột chống và chi chít những đường dây điện trần len trong những hàng cây... Ngược lên đất Tân Kỳ cũng những hình ảnh hạ tầng điện tương tự. Một lãnh đạo huyện Tân Kỳ cho hay: Đâu chỉ ở Nghĩa Dũng mới có chuyện trâu chết vì hạ tầng điện nông thôn mất an toàn. Ở Tân Kỳ hầu như nơi nào hạ tầng điện cũng yếu kém như vậy. Từ Kỳ Tân, Nghĩa Bình, Phú Sơn... và kể cả thị trấn cũng đều như vậy. Kỳ họp HĐND huyện nào cũng nghe cử tri lên tiếng chỉ trích ngành Điện kéo dài tình trạng hạ tầng lưới điện hạ áp nông thôn yếu kém, mất an toàn và thái độ phục vụ thì thiếu trách nhiệm...
Tập đoàn Điện lực Việt Nam quy định công tác quản lý kỹ thuật - vận hành và công tác an toàn lưới điện hạ áp nông thôn sau khi tiếp nhận như sau: "...Ngay sau khi tiếp nhận, các Công ty Điện lực; Điện lực huyện, quận, thành phố, thị xã phải có văn bản gửi tới chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước các tồn tại về mặt kỹ thuật và các nguy cơ gây mất an toàn của lưới điện hạ áp nông thôn mới tiếp nhận bàn giao, trong đó cần nêu thời hạn khắc phục các tồn tại có nguy cơ gây mất an toàn trên lưới; Ngay sau khi tiếp nhận các đơn vị phải khắc phục các tồn tại, sửa chữa tối thiểu lưới điện đảm bảo điều kiện vận hành an toàn và kinh doanh bán điện...;
|
Nhật Lân - Đức chuyên