Bài 1: Thuận lợi và thách thức
Với mục tiêu đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, KCN Nam Cấm được xác định là một trong những trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh, giúp đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
(Baonghean.vn) Với mục tiêu đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, KCN Nam Cấm được xác định là một trong những trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh, giúp đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Điểm đến hấp dẫn
Những năm qua, song song với việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong KCN Nam Cấm, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, đặc biệt, đã ban hành Quyết định 02/2010/QĐ-UBND, ngày 07/01/2010 về một số chính sách ưu đãi hỗ trợđầu tư trong khu kinh tếĐông Nam Nghệ An. Nhiều dự án đã được hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật, bồi thường GPMB, san nền... tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ. Đây là bước đi đúng đắn trong quá trình thu hút đầu tư, phát triển kinh tế bền vững.
Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Bia Hà Nội - Nghệ An.
KCN Nam Cấm do Công ty phát triển KCN Nghệ An (đơn vị sự nghiệp có thu) làm chủđầu tư với diện tích 327,83 ha. Vốn đầu tư xây dựng hạ tầng KCN do nguồn ngân sách Nhà nước cấp, đến nay đã thực hiện là 227,57 tỷđồng. Trong đó, vốn giải phóng mặt bằng và san nền chiếm gần 47,9% (109 tỷđồng). Với mô hình và bước đi rõ ràng, những năm gần đây, KCN Nam Cấm phát triển khá nhanh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực và được hưởng cơ chếưu đãi của nhà nước, bảo đảm từng bước phát triển kinh tế một cách có hiệu quả.
Công ty Cổ phần ván nhân tạo Tân Việt Trung, dù mới đi vào sản xuất tại KCN Nam Cấm hơn hai năm nay, tạo việc làm trực tiếp có thu nhập ổn định cho khoảng 172 lao động, đóng các loại bảo hiểm đầy đủ theo quy định, thu nhập bình quân 3.9 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, công ty đóng góp ngân sách Nhà nước gần 7 tỷđồng. Riêng 6 tháng đầu năm nay, sản xuất được 13.200m3 sản phẩm, doanh thu đạt 52 tỷđồng, nộp ngân sách gần 4 tỷđồng.
Công ty cũng nhận tài trợ thường xuyên cho Trung tâm trẻ em mồ côi khuyết tật 19/3 của tỉnh Nghệ An đóng tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc. Vừa chăm lo bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, cạnh tranh tốt với hàng trong nước và hàng nhập khẩu, Công ty đã trở thành một trong những điểm sáng điển hình về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở KCN Nam Cấm.
Ngoài Công ty CP ván nhân tạo Tân Việt Trung, còn phải kểđến Công ty CP Bia Hà Nội - Nghệ An (Tổng Công ty Bia rượu Nước giải khát Hà Nội) - một trong những dự án có vốn đầu tư lớn (gần 600 tỷđồng), mới đi vào sản xuất nhưng theo số liệu tổng hợp, 6 tháng đầu năm 2011, sản xuất đạt 10,02 triệu lít sản phẩm, doanh thu 134 tỷđồng, nộp ngân sách gần 39 tỷđồng. Công ty TNHH 1 thành viên Omya Việt Nam 6 tháng đầu năm 2011 doanh thu đạt 47,342 tỷđồng, nộp ngân sách 8,691 tỷđồng...
Những thách thức
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Quản lý KKT Đông Nam, đã gần 8 năm đi vào hoạt động, với những lợi thế về vị trí địa lý gần sân bay, bến cảng, giao thông thuận tiện cũng như chính sách đầu tư nhiều ưu đãi thì những kết quảđạt được còn khiêm tốn. Ngoài vấn đề khó khăn vốn, thì bất cập lớn nhất nhiều năm liền là vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng và có quá nhiều dự án triển khai tiến độ chậm, có biểu hiện găm giữđất.
Mặc dù được thành lập khá sớm so với các KCN của tỉnh, nhưng theo đánh giá, KCN Nam Cấm chưa thu hút được các dự án quy mô lớn, có công nghệ, thiết bị hiện đại; số lượng các dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn ít. Hiệu quả sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp đã hoạt động trong KCN còn thấp, đóng góp cho ngân sách Nhà nước chưa cao; chưa tạo được nhiều việc làm cho lao động địa phương (khoảng 1.600 lao động toàn khu).
Nguyên nhân đầu tiên phải kể tới là KCN Nam Cấm vẫn chưa thoát khỏi căn bệnh "đói vốn", do đó, hạ tầng chưa hoàn thiện. Trong số diện tích đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) là 327ha, còn lại 8.800m2, thì hạ tầng nhiều khu vẫn còn chưa hoàn thiện. Hiện hạ tầng khu C, bao gồm hệ thống đường giao thông nội bộ, cấp điện, cấp nước đã cơ bản hoàn thành. Hạ tầng khu A, khu B chưa được đầu tư xây dựng. Hệ thống xử lý nước thải toàn KCN chưa được xây dựng.
Ngoài ra, công tác GPMB còn nhiều bất cập. Trong thời gian dài, việc đền bù GPMB tại KCN Nam Cấm đã diễn ra không ít khó khăn, gây nhiều trở ngại cho không chỉ nhà đầu tư, mà cả chủđầu tư hạ tầng là Công ty phát triển KCN, chính quyền địa phương và lực lượng công an. "Hiện nay, vấn đề GPMB của KCN Nam Cấm cũng như các khu khác trên địa bàn đang bế tắc." là than phiền của nhiều cán bộ trách nhiệm khi giải quyết vướng mắc ở KCN Nam Cấm. Nhiều dự án đã GPMB xong nhưng người dân địa phương vẫn tiếp tục sản xuất, cản trở nhà đầu tư thi công.
Đáng lưu ý hơn, có một thực trạng đang diễn ra tại KCN Nam Cấm là nhiều dự án triển khai cầm chừng, vốn đầu tư thực hiện thấp, tiến độ xây dựng quá chậm theo quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Nhiều dự án đã được giao đất sau thời gian dài, chủđầu tư gần như không triển khai xây dựng, sau nhiều năm vẫn là bãi đất hoang.
(còn nữa)
Thu Huyền