Bài 1: Tiềm năng vùng đất mới

19/06/2012 15:31

Báo, đài đã nhiều lần phản ánh cuộc sống khó khăn của người dân tái định cư Thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương về vùng đất tái định cư tại 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn, huyện Thanh Chương. Với chúng tôi, điều cảm nhận trước tiên ở đây không phải là vùng đất khó, mà chính là địa bàn có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp.

(Baonghean) - Báo, đài đã nhiều lần phản ánh cuộc sống khó khăn của người dân tái định cư Thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương về vùng đất tái định cư tại 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn, huyện Thanh Chương. Với chúng tôi, điều cảm nhận trước tiên ở đây không phải là vùng đất khó, mà chính là địa bàn có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp.

Từ đường Hồ Chí Minh, mất khoảng 15 phút chạy xe gắn máy, chúng tôi đến xã Thanh Sơn. Trước mắt là những ngôi nhà sàn được xây dựng theo mô hình tái định cư, xen lẫn sau những tán cây ăn quả, cây lấy gỗ… Phía sau những bản làng ấy là trùng điệp đồi núi có độ dốc thấp. Dọc đường trung tâm xã, hàng quán được bày bán lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu khác. Các nẻo đường xe máy ngược xuôi, điện thoại di động được người dân sử dụng phổ biến, trên mỗi nóc nhà đều đã có chảo bắt sóng ti vi… Những hình ảnh đó chắc chắn ở nơi quê cũ “thâm sơn cùng cốc” khó có thể mơ đến.

Anh Lô Văn Tuyến – cán bộ Văn phòng Đảng ủy, Phó Chủ tịch HĐND xã cho biết: Xã Thanh Sơn có 16 bản, với tổng số 1.117 hộ, 4.740 nhân khẩu, 70% dân số là dân tộc Thái, còn lại là dân tộc Khơ mú. Sau khi được thành lập xã mới, địa phương có tổng diện tích tự nhiên 7.387 ha, chủ yếu là đất đồi thấp, chỉ có khoảng 50 ha là đất ven khe suối. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng ở đây đã khá thuận lợi, điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Nhà văn hóa các bản cũng đã được xây dựng đủ thiết chế. Bộ máy chính trị, các hội, đoàn thể từ xã đến bản đã ổn định. Đảng bộ Thanh Sơn có 243 đảng viên sinh hoạt tại 19 chi bộ, trong đó 13 chi bộ bản, 3 chi bộ trường học.



Khai thác cây nguyên liệu ở Thanh Chương.Ảnh: Văn Hải

Khi đề cập đến tiềm năng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của địa phương, ông Tuyến thừa nhận, Thanh Sơn có điều kiện để phát triển cây trồng lâu năm, đặc biệt là cây chè công nghiệp, vì phần lớn là đồi núi thấp, trong khi đó trên địa bàn huyện đã có Xí nghiệp chè Hạnh Lâm, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã còn có 6 con khe, suối, trong đó có 2 khe lớn là khe Rào Con và khe Thác Liếp quanh năm nước chảy, rất thuận lợi cho gieo trồng lúa nước nếu như có công trình thủy lợi.

Qua khảo sát, toàn xã có 6 vùng có thể khai hoang được ruộng nước với diện tích khoảng 200 ha, thuộc các bản: Kim Lâm, Kim Chương, Thái Lâm, Kim Hạnh, Nhạn Càn và Kim Thanh. Thời gian qua, Ban quản lý Dự án Thủy điện 2 đang tiến hành đưa máy móc vào san ủi mặt bằng để lấy ruộng sản xuất lúa nước. Hiện Ban quản lý Dự án Thủy điện 2 đã khai hoang được một số diện tích và đang xây dựng hệ thống mương máng nên chưa đưa vào sản xuất. Ngoài ra, bà con các bản còn tự khai hoang được một số diện tích đất dọc các khe suối để gieo cấy lúa nước. Ngoài tiềm năng trồng trọt, Thanh Sơn còn có thể đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn, trâu, bò.

Ông Lô Hoài Dung – Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cho biết: Ngày trước ở quê cũ, từ giao thông đến trường học, trạm y tế… khó gấp vạn lần. Tập quán sản xuất của bà con lạc hậu, khó có cơ hội tiếp cận với các tiến bộ KHKT. Từ ngày tái định cư mới, người dân bắt đầu tiếp cận với xã hội, được tiếp thu các chính sách của Đảng, Nhà nước… được Nhà nước quan tâm nhiều hơn về mọi mặt. Đến nay, bộ máy chính trị, các tổ chức hội, đoàn thể từ xã đến bản đã ổn định và hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ. Đất đai ở đây nhìn chung không xấu, nhưng do cơ quan chức năng chậm chia đất cho dân nên bà con chưa thể phát triển kinh tế mang tính bền vững được. Vấn đề cần quan tâm là bà con cần có ruộng nước để gieo cấy lúa. Theo khảo sát, trên địa bàn xã có rất nhiều địa điểm để khai hoang ruộng lúa, nguồn nước khe suối cũng khá dồi dào.

Đi cơ sở cùng anh Tuyến, cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Thanh Sơn, chúng tôi đến thăm gia đình ông Vi Tuyền Quynh ở bản Tân Lập. Trong căn nhà sàn vững chãi do gia đình chuyển từ nơi ở cũ về, nhìn bốn bên là đồi chè, cây ăn quả, vườn ươm cây giống, ao cá, chuồng trại chăn nuôi lợn… ông Quynh phấn khởi cho biết: Thực hiện chủ trương di dời nhường đất cho công trình Thủy điện Bản Vẽ, tháng 6/2006, gia đình ông chuyển về đây sinh sống. Ông bà sinh được 5 người con, đều đã đến tuổi lao động, do vậy vấn đề đặt ra đầu tiên là tìm kiếm tạo việc làm cho mỗi thành viên.

Với tổng diện tích 1,5 ha đất vườn nhà và đất sản xuất, ông bố trí nhiều loại cây trồng khác nhau. Trên cùng ông trồng 117 gốc vải, kế tiếp là 1 ha chè công nghiệp, dưới cùng là khai hoang cấy lúa nước, ở giữa ông xây dựng vườn ươm cây chè giống và chuồng trại chăn nuôi lợn sinh sản. Ông Quynh thổ lộ, vườn chè đã cho thu hoạch 3 năm nay, cứ 1,5 tháng thu hái một lứa được khoảng 3 tạ búp, bán cho Xí nghiệp chè Hạnh Lâm. Vườn ươm chè giống 3 năm nay chuyên cung cấp cây giống cho bà con trong vùng. Trong chuồng lúc nào cũng có 4 lợn nái cung cấp lợn giống cho bà con nuôi. 300 m2 ruộng lúa ấy mỗi năm thu hoạch 6 – 7 tạ thóc. Năm nay ông dự định thuê máy về đào ao thả cá, để tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình và thuê nhân công thời vụ.

Ngoài ông Quynh, ở xã Thanh Sơn còn có gia đình ông Lương Công Đào, bản Kim Chương phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Hay ở bản Noòng, xã Ngọc Lâm có gia đình ông Nông Văn Phùng, ngay từ khi vừa đặt chân đến vùng đất mới đã biết tận dụng đất đai để đào ao thả cá, kết hợp lấy nước tưới làm vườn, đầu tư chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò, tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình, là địa chỉ để bà con dân bản học hỏi kinh nghiệm.

Mô hình của Trưởng bản Thái Lâm, xã Thanh Sơn – ông Lô Dương Tấn mặc dù chưa thành mô hình kinh tế rõ rệt, nhưng cũng đáng để bà con học tập. Sau khi được địa phương chia cho vùng đất sản xuất, ông dành 2 sào đất đồi để trồng chè công nghiệp. Đầu năm 2011, ông vay vốn ngân hàng mua 1 con trâu, 1 con bò sinh sản hết 35 triệu đồng. Một thời gian ngắn, con bò sinh bê và ông bán để đầu tư thêm chuồng trại chăn nuôi lợn. Tận dụng đất vườn đồi, ông trồng sắn, chuối, rau để chăn nuôi đàn lợn thịt, trồng măng cải thiện cuộc sống. Thời gian nhàn rỗi, ông còn tìm việc làm cho các lao động trong gia đình, bằng cách khai thác rừng nguyên liệu cho một số hộ trong xã. Bằng cách chịu khó lao động và tiết kiệm, cuộc sống gia đình ông Tấn đã dần ổn định.

Xác định được tiềm năng đó, thời gian qua, huyện Thanh Chương đang xây dựng đề án trồng chè công nghiệp và đề án phát triển nghề dệt thổ cẩm tại 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn. Thực hiện được đề án này sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Vấn đề là địa phương đầu tư như thế nào cho có hiệu quả. Nhưng muốn sớm thực hiện đề án này, việc trước mắt là phải chia đất sản xuất ổn định cho dân vì từ khi người dân chuyển đến tái định cư đã 6 năm nay nhưng chưa được nhận đất sản xuất theo quy hoạch của nhà nước.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Thủy điện 2, đến đầu tháng 6, đơn vị đã chia và giao đất trồng cây lâu năm đủ diện tích cho người dân 2 xã Ngọc Lâm (9.616.041 m2) và Thanh Sơn (8.891.098,8 m2). Tuy nhiên, còn 2 bản: Chà Coóng 1 và Chà Coóng 2 của xã Thanh Sơn mặc dù đã chia cho dân, nhưng do sự vướng mắc giữa hộ này với hộ khác nên nội bộ chưa giải quyết được. Đối với đất trồng lúa nước, đến thời điểm này, Ban Quản lý Dự án thủy điện 2 đã chia cho dân hơn 5 ha tại xã Thanh Sơn, rải rác ở các bản: Xốp Lầm, bản Bủng, bản Com và hơn 3 ha tại các bản: Chà Luân, Kim Hồng, Xiềng Lằm của xã Ngọc Lâm. Hiện tại, Ban Quản lý Dự án Thủy điện 2 cũng khai hoang được 50 ha tại xã Thanh Sơn, đã chia cho dân, chuẩn bị đưa vào sản xuất trong vụ đông xuân tới. Theo khảo sát của Ban Quản lý Dự án Thủy điện 2, hiện tại trên địa bàn 2 xã còn khoảng 100 ha có thể khai hoang được ruộng nước, nhưng phải có trạm bơm nước thì mới chủ động được nước tưới. Do vậy, đơn vị đã báo cáo với UBND tỉnh để có phương án đầu tư.

Với tổng mức đầu tư cho Dự án Tái định cư 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn là 881 tỷ đồng, đến nay Ban Quản lý Dự án Thủy điện 2 đã và đang tiếp tục đầu tư xây dựng cho địa phương các hạng mục từ cơ sở hạ tầng một cách thuận lợi để đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây ổn định cuộc sống.


Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Bài 1: Tiềm năng vùng đất mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO