Bài 1: Từ La Mã đến Công đồng Vatican II
(Baonghean) Trong thời gian vừa qua, đã xuất hiện một số hoạt động gây rối mang tính cá biệt do bộ phận nhỏ chức sắc và tín đồ quá khích đạo Công giáo gây ra ở một vài địa phương. Điều này đã tạo nên những dư luận không tốt đến hình ảnh của Đạo Công giáo và giáo dân “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”.
Để bạn đọc hiểu hơn về Đạo Công giáo, Báo Nghệ An có một số bài viết giới thiệu về lịch sử hình thành đạo Công giáo và hành trình đem đạo vào đời ở nước ta; những chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Nghệ An đối với tôn giáo; Những đường lối tiến bộ của Giáo hội hôm nay.
Ki-tô giáo ra đời ở các tỉnh phía Đông đế quốc La Mã cổ. (Vào khoảng thế kỷ V – TCN, nhà nước chiếm hữu nô lệ La Mã được thành lập ở phía Bắc bán đảo Italia. Đến thế kỷ I – TCN, mặc dù là một đế chế hùng mạnh, một nhà nước chiếm hữu nô lệ hoàn chỉnh ở trình độ cao nhưng trong lòng đế quốc La Mã đã chứa chất mâu thuẫn và rạn nứt – mâu thuẫn giữa nô lệ và chủ nô, giữa các dân tộc bị xâm lược và kẻ chinh phục. Quần chúng lao khổ bị bóc lột, càng bị đàn áp dã man càng cảm thấy bất lực trước cuộc sống thực tại. Họ luôn trông chờ vào sự giúp đỡ của lực lượng siêu nhiên, một vị thần hay đấng cứu thế để có thể đánh đổ đế quốc La Mã, giải phóng dân tộc, xây dựng một vương quốc của sự công bằng. Ki-tô giáo đã ra đời trong hoàn cảnh chính trị xã hội như vậy). Ăng –ghen đã nhận xét: “Nguồn gốc của Ki-tô giáo là cuộc vận động của những người bị áp bức; đạo đó xuất hiện trước hết như một thứ tôn giáo của người nô lệ và bán tự do, của những người nghèo khó và những người bị tước hết mọi quyền lợi, các dân tộc bị Roma đô hộ hay làm tan tác”…
Đạo Ki-tô ra đời, xét về mặt tư tưởng là sự kế thừa và tiếp nối giáo thuyết của Do Thái giáo, đồng thời có sự thu nhận những yếu tố duy tâm của triết học Hy Lạp, La Mã cổ đại; ngoài ra còn sử dụng nhiều yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của các dân tộc vùng Trung Cận Đông để xây dựng học thuyết của mình; trong quá trình hoàn thiện đã chọn lọc, cải biên, gạt bỏ những chi tiết địa phương không thích hợp.
Thời kỳ mới ra đời, dưới con mắt giai cấp thống trị của đế quốc La Mã, Ki-tô giáo là tà giáo, những người theo Ki-tô giáo là những kẻ phản loạn. Do đó, nhà cầm quyền La Mã đã thẳng tay đàn áp những người Ki-tô giáo. Vào thế kỷ II – Sau CN, đã xuất hiện trong cộng đồng Ki-tô giáo những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp để hình thành tổ chức giáo hội sơ khai. Từ cuối thế kỷ thứ III trở đi, cùng với sự suy yếu và tan rã của chế độ chiếm hữu nô lệ, nhiều người thuộc tầng lớp bóc lột đã theo đạo Ki-tô. Sự biến đổi thành phần xã hội trong các cộng đồng Ki-tô giáo đã gây ra những chuyển biến về nội dung tư tưởng và tổ chức cộng đồng. Chính quyền La Mã dĩ nhiên không thể dửng dưng, không thể không quan tâm đến chuyển biến đó và đã thay đổi thái độ, từ chỗ cấm đoán xua đuổi, chuyển sang ủng hộ, tạo điều kiện cho Ki-tô giáo phát triển. Đến cuối thế kỷ IV, Ki-tô giáo chính thức được thừa nhận là quốc đạo của La Mã…
Đến thời kỳ trung cổ (được xác định từ năm 476 với sự suy vong của đế quốc Tây La Mã), Ki-tô giáo có nhiều sự kiện gắn bó với một giai đoạn lịch sử đầy biến động ở châu Âu. Sau khi đế quốc La Mã diệt vong, lợi dụng tình hình không ổn định về chính trị - xã hội, giáo hội mở rộng ảnh hưởng bằng việc thâm nhập các bộ tộc, các vương quốc mà họ cho là những đứa con man di. Đến đó giáo hội tự nhận mình là người thầy, người mẹ để truyền giáo, dạy bảo. Từ thế kỷ VI đến thế kỷ IX, với sự đỡ đầu của giáo hội, bộ tộc Frank chiếm được xứ Gaule, Clovis lên ngôi vua năm 481; năm 800, giáo hội ủng hộ Saclomannho chiếm hầu hết các nước Tây Âu lập nên Thành Quốc La Mã… Sự quan hệ chặt chẽ với những đứa con man di đã đem lại kết quả to lớn cho giáo hội. Giáo hội đã lập được nước Tòa Thành và giáo hoàng thoát khỏi sự kiềm tỏa của các thế lực phong kiến.
Từ giữa thế kỷ IX đến thế kỷ XI, giáo hội lại bước vào thời kỳ “đen tối, hư hỏng” do một số thế lực phong kiến tranh giành ngôi vị giáo hoàng và những quyền lợi do giáo hoàng đưa lại. Giữa thế kỷ XI, một sự kiện lớn xảy ra trong đạo Ki-tô là sự chia rẽ về tổ chức giữa Giáo hội Roma và Giáo hội Constantinople, hình thành Chính thống giá ở phương Đông. Nguyên nhân chia rẽ Đông – Tây, một phần là vì lý do tôn giáo, một phần vì những nguyên nhân chính trị, xã hội, văn hóa…
Từ đó, hai bên công kích nhau, phủ nhận sự hiện diện của giáo hội đối lập. Cuối thế kỷ XI, Giáo hội Roma có sức mạnh to lớn về vật chất và tinh thần. Với sức mạnh đó, giáo hội nhận thấy không những phải hoàn toàn thoát khỏi sự khống chế của vua chúa mà còn phải trở thành thế lực siêu phàm, đứng trên, trùm lên thế quyền. Ngược lại, vua chúa phong kiến châu Âu cũng muốn giáo hội là công cụ của họ. Điều đó đã dẫn đến cuộc đấu tranh giành giật quyền lực giữa thế quyền và giáo quyền hơn 200 năm. Đến năm 1302, cuộc đấu tranh này chấm dứt, Giáo hội Công giáo bước vào giai đoạn sa sút, chịu sự chi phối của thế lực phong kiến…
Thời kỳ cận đại ở châu Âu được lịch sử viết đậm nét bằng các cuộc cải cách tôn giáo hình thành đạo Tin Lành và các cuộc cách mạng tư sản. Cuộc cải cách tôn giáo ở châu Âu được thúc đẩy bằng một loạt nguyên nhân mang nội dung kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng sâu sắc. Phong trào cải cách đầu tiên nổ ra ở Đức, rồi lan sang Thụy Sĩ, Pháp và trở thành phong trào rộng lớn ở các nước Tây Âu, Bắc Âu. Sau hơn 100 năm đấu tranh quyết liệt với Giáo hội Công giáo và thế lực phong kiến, đến giữa thế kỷ XVII, phong trào cải cách tôn giáo chính thức cho ra đời một tôn giáo mới – Đạo Tin Lành.
Cuộc cải cách này đã làm Giáo hội Công giáo mất đi một lực lượng đáng kể, từ đó uy tín, ảnh hưởng cũng như quyền lực, quyền lợi của Giáo hội Công giáo bị thu hẹp và suy giảm. Tiếp đó, trong 3 thế kỷ XVII, XVIII, XIX, một loạt cuộc cách mạng tư sản nổ ra ở Châu Âu. Các cuộc cách mạng này đều có mục đích xóa bỏ giai cấp phong kiến và tấn công vào Giáo hội Công giáo – được coi là lực lượng gắn bó và bảo vệ chế độ phong kiến… Để bù lại những suy giảm thế lực ở châu Âu, Giáo hội Công giáo thực hiện một chương trình truyền giáo với quy mô lớn ra bên ngoài, đến các nước châu Phi, châu Á và châu Mỹ. Kết quả, Giáo hội đã mở rộng ảnh hưởng đến hầu hết các vùng dân cư trên thế giới.
Thời kỳ hiện đại, với sự xuất hiện hệ tư tưởng mới là Chủ nghĩa Cộng sản khoa học – học thuyết này nhanh chóng trở thành hiện thực với nhà nước công nông đầu tiên sau Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 và nhanh chóng trở thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XX. Cộng thêm sự phát triển vượt bậc của khoa học, kỹ thuật làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, xã hội thế giới đã tác động mạnh mẽ đến Giáo hội Công giáo. Từ những phản ứng phê phán, tuyệt thông với chủ nghĩa cộng sản, Giáo hội Công giáo đã ý thức rõ làm cho tôn giáo thích ứng với đời sống xã hội, để theo kịp bước tiến của thế giới…
Sau 3 năm chuẩn bị, ngày 11/10/1962, Công đồng lần thứ 21 tại Vatican được Giáo hội khai mạc, với sự tham gia của 2.500 giám mục. Qua 168 phiên họp với 538 cuộc bỏ phiếu kéo dài trong 3 năm, Công đồng Vatican II bế mạc vào ngày 8/12/1965, đã thông qua 16 văn kiện quan trọng với nhiều đường lối thích nghi thời đại. Công đồng Vatican II cho rằng, Giáo hội không thể tự vỗ ngực là thần thánh như trước đây mà phải hạ mình xuống, phải nói đến chuyện phục vụ con người. Giáo sĩ được Công đồng Vatican II đề cập: Giám mục không phải bắt người hầu hạ mà đi hầu hạ người, linh mục phải từ bỏ quyền lợi cá nhân, đừng tính toán đến quyền lợi riêng. Công đồng Vatican II chủ trương coi trọng những đặc điểm tâm lý, lối sống, phong tục, tập quán và tín ngưỡng truyền thống của mỗi dân tộc; chủ trương tự do tôn giáo cho mọi người, là tự nguyện và phải xuất phát từ lương tâm; cho rằng các tôn giáo khác đều có những cái hay cần phải tôn trọng; khoa học kỹ thuật phù hợp với đức tin tôn giáo…
Một buổi lễ cầu nguyện.
Đạo Công giáo bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào năm 1533 – Đây là giai đoạn Giáo hội Công giáo mở rộng nước Chúa đến “những vùng đất ngoại”. Tuy nhiên, mãi tới thế kỷ XIX, khi mà chế độ phong kiến ở nước ta dường như bất lực trước tình trạng chậm tiến của đất nước thì Công giáo mới có sức sống và phát triển mạnh mẽ. Thời kỳ này, tình hình trong nước nhân dân đói khổ, quan quân sách nhiễu thối nát trong khi đó họa xâm lăng đang từng ngày hiện rõ. Tư tưởng “tự do - bình đẳng - bác ái” tuy là tư tưởng cốt lõi trong các cuộc cách mạng tư sản, nhưng tư tưởng này từ lâu đã có trong giáo lý Công Giáo. Tư tưởng này gần như trái ngược hoàn toàn với giáo dục Nho giáo.
Cũng chính vì điều này mà tầng lớp nho sỹ, quan lại mới phản ứng, chính quyền phong kiến ban hành các chỉ dụ cấm đạo, chính sách bế quan tỏa cảng. Trong khi đó, các tầng lớp xã hội khác lại có một phản ứng trái ngược. Giáo lý Công giáo đưa đến cho họ nhận thức thế giới và nhân sinh quan mới. Họ tìm thấy cho mình được cảm giác bình đẳng, tôn trọng và bảo vệ trong quyền năng của Chúa, đó là một cảm giác mới lạ và thú vị với tầng lớp bình dân. Tư tưởng tiến bộ của văn hóa phương Tây được truyền bá qua tôn giáo đáp ứng được nguyện vọng của một bộ phận người dân bản địa vốn đang muốn phá bỏ đi trật tự xã hội phong kiến đang áp đặt họ, cũng như tìm phương cách mới để thoát khỏi cuộc sống đang càng ngày bị bần cùng hóa.
Sự xuất hiện của đạo Công giáo ở Việt Nam bên cạnh những đóng góp các giá trị văn hóa vật chất còn có các đóng góp về mặt tinh thần. Công giáo xuất hiện, với bản chất quy hướng về Chúa, tạo cho một bộ phận người bản địa có được lựa chọn niềm tin mới, giúp họ có được những an ủi về mặt tinh thần trong bối cảnh đất nước phải chịu những đau khổ do hậu quả của chế độ phong kiến mục nát. Tuy nhiên, do sự du nhập Công giáo vào Việt Nam cùng thời gian với sự xâm lược của các nước phương Tây với Việt Nam, vì vậy, trong quá trình tồn tại phát triển ở Việt Nam, đạo Công giáo thường bị lợi dụng cho các mục đích chính trị xấu xa của quân xâm lược.
(Còn nữa)
Thành Chung – Khánh Ly