Bài 1: Xã "treo" hồ sơ của dân và dấu hiệu khuất tất

20/01/2015 08:05

(Baonghean) - Với bất kỳ hộ gia đình nào cũng đều mong muốn có được quyền sở hữu đúng luật pháp mảnh đất ở của mình, thể hiện qua việc được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Người dân xã Cát Văn (Thanh Chương) cũng không ngoại lệ. Và từ bức xúc vì sau nhiều năm hoàn thành các nghĩa vụ thuế, phí đất đai nhưng không được chính quyền trao Giấy CNQSDĐ, họ đã làm đơn kiến nghị gửi Báo Nghệ An...

TIN LIÊN QUAN

Tại đơn kiến nghị, các hộ dân trình bày họ "vô cùng bức xúc, vô vọng với lãnh đạo chính quyền xã Cát Văn, bởi sau nhiều năm bán đất ở cho dân nhưng không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất". Theo đó, từ năm 1995 đến nay, chính quyền xã đã họp, xét và thực hiện cấp bán rất nhiều nền đất cho nhân dân làm nhà ở. Là người dân, họ chỉ biết tuân thủ sự chỉ đạo của UBND xã. Họ đã viết đơn để được xét duyệt; đã thực hiện các thủ tục trả tiền mua đất, đóng góp xây dựng quê hương; được cán bộ địa chính, lãnh đạo UBND xã đo đất, cắm mốc để dựng nhà. Sau đó, hàng năm đóng nộp thuế đất; không dưới hai lần đóng nộp lệ phí làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vậy nhưng qua hơn 10 năm vẫn không được thực hiện. Hỏi rất nhiều lần thì UBND xã, ban địa chính hứa hẹn, khất lần rằng xã sẽ có trách nhiệm, sẽ thực hiện mọi thủ tục để dân được cấp Giấy CNQSDĐ, rằng "bà con hãy yên tâm"...

Hầu hết những gia đình bám Tỉnh lộ 533 đoạn qua xã Cát Văn đều chưa có Giấy CNQSDĐ.
Hầu hết những gia đình bám Tỉnh lộ 533 đoạn qua xã Cát Văn đều chưa có Giấy CNQSDĐ.

Vì sự chậm trễ của chính quyền xã Cát Văn, trong đơn người dân đã hoài nghi tính minh bạch trong việc xét bán đất; việc thu và sử dụng tiền đất người dân đã nộp. Họ viết rằng: Xã thông báo ai trong diện được UBND xã xét cho mua đất, thì đến gặp kế toán trưởng để làm thủ tục nạp tiền. Đến thì UBND xã và kế toán ra tiếp điều kiện: muốn nạp tiền mua đất thì phải ký vào đơn nạp tiền tự nguyện ủng hộ "xây dựng quê hương" trước. Ai không tuân thủ, sẽ không cho nạp tiền mua đất… Đơn tự nguyện thì in sẵn, tiền "xây dựng quê hương" xã cũng ấn định, người dân ai chấp nhận thì nạp tiền, ký vào đơn. Biết là có "vấn đề", nhưng vì "khát" đất ở, nên người dân buộc phải nhắm mắt làm theo quy định trái khoáy này...!.

Tìm về xã Cát Văn, tiếp xúc với người dân, chúng tôi càng rõ hơn sự lo lắng, bức xúc của họ. Theo chị Nguyễn Thị Hoàn (trú tại xóm 6B), năm 2000, chị ở xóm 7, vì nhu cầu kinh doanh nên chị thuê ki-ốt bám đường 533, tại xóm 6. Một thời gian sau, xã có chủ trương bán cho người dân có nhu cầu, nên chị đã làm đơn và đã được xã xét bán. Mảnh đất chị mua có chiều dài bám mặt đường Tỉnh lộ 533 là 10m, chiều sâu hơn 20m tại xóm 6B (chỗ ở hiện nay), chị phải nộp lệ phí mua đất và tiền xây dựng quê hương tổng cộng 6.700.000 đồng vào năm 2002. Sau đó được cán bộ địa chính và Chủ tịch UBND xã trực tiếp đến đo đạc giao đất. Từ đó đến nay, cùng với nhiều hộ dân trong xã, chị đã nộp đầy đủ thuế đất hàng năm, nộp lệ phí thực hiện hồ sơ cấp Giấy CNQSDĐ, tuy nhiên đến nay chưa được cấp. Chị Hoàn đã trực tiếp gặp các cán bộ có liên quan của xã hỏi nhiều lần, nhưng chỉ nhận được câu trả lời là phải… chờ! Chị Hoàn nói: "Chúng tôi làm nghề kinh doanh, rất cần có sổ đỏ để thế chấp vay tiền ngân hàng để có vốn, vậy nhưng chính quyền cứ "treo" nên hết sức khó khăn...".

Với trường hợp anh Nguyễn Viết Khoa - cán bộ Trạm Y tế xã Cát Văn (trú tại xóm 6A), năm 2002, xã thông báo tại xóm 6A có quy hoạch xen dắm đất ở dân cư, ai có nhu cầu thì đăng ký. Vợ chồng anh Khoa khi đó ở cùng bố mẹ tại xóm 6B với 2 em trai, cần phải có đất làm nhà riêng, vì vậy, đã làm đơn để được xét mua. Anh đã nộp 1.750.000 đồng cho khoản "lệ phí cấp đất nền nhà" và 10.500.000 đồng "xây dựng quê hương" vào ngày 9/6/2003 cho khoảnh đất rộng 350m2. Anh cũng đã nộp thuế, phí, thực hiện đo đạc, làm hồ sơ đầy đủ nhưng mãi chưa được cấp Giấy CNQSDĐ. Anh Khoa băn khoăn: "Nhiều lần hỏi, cán bộ xã cứ nói vòng vo. Lúc thì bảo hồ sơ chưa chuẩn; khi thì nói chính sách Nhà nước thay đổi. Hết năm này qua năm khác. Hay là tiền sử dụng đất của dân họ không nạp vào ngân sách nên không làm được Giấy CNQSDĐ cho dân?".

Chị Đặng Thị Hường - giáo viên Trường Tiểu học Cát Văn (trú tại xóm 6A), anh Nguyễn Văn Nga - cán bộ bưu chính xã, ông Nguyễn Văn Bình - thương binh 1/4... cùng chung tâm trạng với anh Nguyễn Viết Khoa khi cho rằng có điều gì đó không ổn trong việc cấp Giấy CNQSDĐ. Với chị Đặng Thị Hường, để mua lô đất 310m2 nằm lối 2 Tỉnh lộ 533 vào thời điểm năm 2003, chị đã phải vay mượn đến 9.300.000 đồng để nộp (1.800.000 đồng "lệ phí nền đất", 7.500.000 đồng "tiền xây dựng quê hương"). "Tôi hoàn thành các nghĩa vụ về thuế đất; 2 lần nộp lệ phí làm hồ sơ cấp Giấy CNQSDĐ nhưng vẫn chưa được cấp. Hỏi thì cán bộ xã trả lời có đến hàng trăm người có cùng nhu cầu, phải hoàn thiện để làm đồng loạt. Tôi muốn hỏi, nếu trường hợp họ không nộp tiền sử dụng đất đã thu vào ngân sách thì liệu chúng tôi có được trên xét cấp Giấy CNQSDĐ hay không?" - chị Hường lo lắng.

Trong số các hộ dân chúng tôi tìm gặp, ông Nguyễn Văn Lương - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Sơn là người đã viết thư và sau đó được chính quyền xã Cát Văn "làm rõ" việc chậm thực hiện cấp Giấy CNQSDĐ. Theo Công văn số 75/UBND về việc trả lời thư công dân ngày 25/7/2014 của UBND xã Cát Văn thì trong khoảng thời gian từ năm 1995 - 30/6/2004, trên địa bàn xã này có đến 163 hộ dân được xét cấp đất ở nhưng chưa làm được hồ sơ đề nghị cấp Giấy CNQSDĐ. Nguyên nhân của việc "chậm trễ" là do các chính sách trong cấp Giấy CNQSDĐ có sự thay đổi. Từ Quyết định số 10/2013/QĐ-UBND ngày 22/1/2013 của UBND tỉnh “Về việc cấp Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An” đến Chỉ thị 14/2013/CT-UBND ngày 22/4/2013 của UBND tỉnh “Về việc tập trung chỉ đạo biện pháp thực hiện hoàn thành cơ bản việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An” rồi sang Quyết định số 46/2013/QĐ-UBND ngày 22/8/2013 của UBND tỉnh “Về việc ban hành quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân được giao đất không đúng thẩm quyền để làm nhà ở trước ngày 1/7/2004 trên địa bàn tỉnh”.

Tại Công văn số 75 của UBND xã Cát Văn nêu, vì hạn chót trình hồ sơ xin cấp Giấy CNQSDĐ huyện Thanh Chương quy định vào tháng 8/2015; vì "do hệ thống văn bản hướng dẫn có sự thay đổi điều chỉnh"; và vì "xã nhà có số lượng lớn" nên "đến nay vẫn chưa thể hoàn thành được"; đồng thời hứa "UBND xã sẽ tiếp tục chỉ đạo bộ phận chuyên môn hoàn chỉnh các hồ sơ thủ tục để đề nghị cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả các hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trên địa bàn xã...".

Dù được UBND xã trả lời nhưng cũng như các hộ gia đình nêu trên, ông Lương thấy việc thực hiện cấp Giấy CNQSDĐ ở Cát Văn có điều gì đó không ổn và cần phải làm sáng tỏ. "Mới đây có đoàn cán bộ phòng TN&MT huyện về làm việc tại xã Thanh Sơn, tôi đã hỏi và được một lãnh đạo Văn phòng đăng ký QSDĐ trả lời: Nếu tiền sử dụng đất đã nộp đầy đủ vào kho bạc thì được cấp từ lâu rồi. Với trường hợp của thầy, nếu phải thực hiện theo Quyết định 46 của UBND tỉnh tức là đất cấp trái thẩm quyền..." - ông Lương trình bày. Liên hệ lại việc mua đất ở của mình, ông Lương cho biết rằng 2 vợ chồng ông là giáo viên miền núi gần 20 năm. Trở về địa phương không có đất ở, phải ở nhà bố mẹ. Khi đó, tỉnh có chủ trương ưu tiên cho giáo viên có thời gian công tác trên 15 năm ở miền núi cao được mua đất ở; xã lại có chủ trương bán đất cho dân, thế là ông làm đơn rồi được xét mua một lô đất ở bám Tỉnh lộ 533 vào năm 2002.

Làm cán bộ quản lý, nên thời điểm mua đất, ông Lương rất băn khoăn với các thủ tục xã thực hiện, nhất là về khoản tiền ấn định "xây dựng quê hương". "Để mua mảnh đất hiện ở, tôi bị ấn định nộp đến 12 triệu đồng, trong đó đến 3/4 là tiền "xây dựng quê hương". Thời điểm đó, số tiền này là không nhỏ. Ông Lương thắc mắc tại sao đóng góp xây dựng quê hương lại không để người mua tự nguyện. Tuy nhiên, các cán bộ xã bảo thẳng "không đóng thì không được mua đất" và quả quyết “không phải băn khoăn, miễn sao anh có đất ở là được". Cả làng, cả xã, ai cũng phải thực hiện, nên ông Lương đã vay mượn, nộp làm mấy lần. Khi nộp đủ tiền mới được xã cắm mốc. “Dù xã đã có văn bản trả lời nhưng tôi cũng rất lo. Nếu xã không nộp tiền sử dụng đất đã thu của dân vào kho bạc theo quy định mà sử dụng trái mục đích thì làm sao đây. Giấy CNQSDĐ bị treo thì chúng tôi, các thế hệ con cháu sau này đâu có quyền sở hữu đất ở" – ông Lương nói.

Cũng tại xã Cát Văn, chúng tôi đã gặp và tìm hiểu thêm một số người dân, ngoài những điều tương tự, họ bức xúc đưa ra những tờ phiếu thu "lệ phí nền đất", "xây dựng quê hương" không có dấu của chính quyền xã, không có chữ ký của chủ tài khoản, chỉ có thủ quỹ, kế toán ký tên sơ sài; đồng thời cho biết thực tế đã có người mua đất ở do xã bán cùng thời kỳ nhưng đã được cấp Giấy CNQSDĐ....

(Còn nữa)

Nhật Lân - Đặng Cường

Bài 1: Xã "treo" hồ sơ của dân và dấu hiệu khuất tất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO