Bài 11: Di tích gắn với cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

06/11/2011 15:34

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 400 di tích liên quan đến hoạt động từ tổ chức tiền thân của Đảng đến giai đoạn rút lui bảo toàn lực lượng. Trong đó có trên 100 di tích đã trở thành phế tích. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã lập hồ sơ khoa học 38 di tích và địa điểm di tích trình Bộ VHTT cấp bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia gồm các loại hình di tích. Trong bài viết này chúng tôi giới thiệu một số di tích đại diện cho các loại hình này...

(Baonghean) - Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 400 di tích liên quan đến hoạt động từ tổ chức tiền thân của Đảng đến giai đoạn rút lui bảo toàn lực lượng. Trong đó có trên 100 di tích đã trở thành phế tích. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã lập hồ sơ khoa học 38 di tích và địa điểm di tích trình Bộ VHTT cấp bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia gồm các loại hình di tích. Trong bài viết này chúng tôi giới thiệu một số di tích đại diện cho các loại hình này...

Cụm di tích Làng Đỏ

Cụm di tích Làng Đỏ (phường Hưng Dũng - TP. Vinh) gồm cây Sanh chùa Nia, Dăm Mụ Nuôi, đình Trung, nhà ông Nguyễn Hữu Diên, nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến, nhà ông Lê Mai.

Cây Sanh chùa Nia trước là vùng đất rộng khoảng 5 mẫu, ở đây nhân dân đã trồng cây Sanh cao 15m, ở xa có thể trông thấy cành lá sum suê. Bên cạnh có chùa Nia thờ Phật. Hàng năm, nhân dân trong vùng thường đến để làm lễ cầu yên. Trước khi chưa có Đảng, vùng đất này thường là nơi tập trung trong những ngày rằm, tháng tết của nhân dân. Bọn hào lý cũng thường đến đây hạch sách nhân dân. Sau này, tên địa chủ Thừa Ba đã cất nhà trên vùng đất đó. Đây là vùng đất thuận đường đi lại, gần trung tâm xã nên trong thời kỳ 1930 - 1931, chi bộ Yên Dũng Thượng đã chọn làm nơi đấu tranh cách mạng. Trải qua thời gian, nay chùa Nia đã không còn. Riêng cây Sanh vẫn được chăm sóc, bảo vệ. Hiện Trường Công nhân kỹ thuật 3 (nay là Đại học kỹ thuật Vinh) xây dựng tại đây. Và cây Sanh trở thành nơi sinh hoạt truyền thống của các thế hệ học sinh, sinh viên nhà trường.

Nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến nằm trên khu đất 2 sào Trung bộ, 4 phía cây cối um tùm, sau nhà là bãi tha ma, ít người qua lại. Địa thế có nhiều thuận lợi để đảm bảo cho hoạt động của Xứ uỷ, nhất là bảo toàn được lực lượng và tài liệu khi địch đến. Gia đình trước đây có hai ngôi nhà, nhà chính dài 11m, rộng 4m, nhà tứ trụ gỗ lim mái nhà lợp tranh, xung quanh thưng ván. Khi Xứ uỷ về lấy đây làm cơ quan ấn loát, 2 gian ngoài được làm nơi để in ấn tài liệu, 3 gian trong là nơi nghỉ ngơi của cán bộ, nhà có hai cửa thông ra phía sau. Hiện ngôi nhà chính được làm thành nhà ngang. Còn ngôi nhà nhỏ đã bị thực dân Pháp đốt phá trong thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hàng năm, nhiều cán bộ của Xứ uỷ đã được gia đình nuôi nấng thường qua lại đây thăm viếng.

Nhà ông Nguyễn Hữu Diên chính là nhà ông Nguyễn Hữu Thu - hai bố con đều là những người bảo vệ cơ quan ấn loát những năm 1930. Nhà xây trên khu đất rộng 2 sào, gồm 1 nhà lớn 3 gian và 1 nhà nhỏ 2 gian. Nhà lớn là nơi in ấn tài liệu, hội họp. Nhà nhỏ làm nơi nghỉ ngơi, có một cửa thông ra phía sau, khi cần thiết có thể chạy ra ngoài để bảo toàn lực lượng. Nhà ông Nguyễn Hữu Diên đã bị thực dân Pháp phá hỏng hoàn toàn, tài sản trong nhà bị tịch thu gần hết. Hiện nay, tại khu vực đó, con trai ông Diên đã xây lại ngôi nhà mới. Toàn bộ di tích chỉ còn lại cây chay nơi chôn chum tài liệu.

Đình Trung xưa được xây dựng trên khu đất rộng, đình có 5 gian. Ngày xưa đình được xây dựng để dùng làm nơi làm việc của bọn hương hào chức sắc trong làng. Đình được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim. Từ năm 1927, đình lợp bằng tranh, đến đầu năm 1928 được thay bằng ngói vảy. Năm 1964, do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhiều đơn vị đã đóng quân tại đình. Năm 1976, Đảng bộ và nhân dân xã Hưng Dũng đã dựng lại ngôi đình trên nền đất cũ. Để bào tồn, phát huy giá trị lịch sử, nhân dân đã xây thêm ngôi nhà truyền thống của địa phương bên cạnh ngôi đình. Nơi đây đã trở thành quần thể di tích lịch sử văn hoá cách mạng, thường xuyên đón các em học sinh đến tham quan, học tập.

Di tích Đài liệt sỹ Thái Lão



Mộ các liệt sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh (Hưng Nguyên).

Từ tháng 9/1930, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh phát triển lên đến đỉnh cao. Hàng loạt các cuộc biểu tình nổ ra ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nhân dân Hưng Nguyên. Sáng ngày 12/9/1930, khoảng 8.000 nông dân thuộc ba tổng: Phù Long, Thông Lãng (Hưng Nguyên) và Nam Kim (Nam Đàn) dưới sự lãnh đạo của Phủ uỷ, giương cờ đỏ búa liềm kéo về ga Yên Xuân. Khi đoàn biểu tình vừa tiến đến Thái Lão, thực dân Pháp cho máy bay ném bom vào giữa đám đông làm nhiều người hy sinh và bị thương. Cuộc khủng bố dã man này đã làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế. Từ năm 1930 - 1955, nơi đây là vùng đất nổi lên giữa đồng với những nấm mồ của các liệt sỹ đắp bằng đất thấp. Đời đời ghi nhớ công ơn của các chiến sỹ, năm 1956 Tỉnh uỷ Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An cho khởi công xây dựng di tích với qui mô như một nghĩa trang liệt sỹ. Năm 1960, Ty Văn hoá Nghệ An thiết kế và thể hiện theo quy mô Đài liệt sỹ.

Đài liệt sỹ Thái Lão toạ lạc trên khuôn viên rộng 4.200m2, đây là khu di tích lịch sử văn hoá gồm một số công trình kiến trúc có giá trị lịch sử và nghệ thuật, ghi công những người con trên quê hương Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã anh dũng hy sinh dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng. Đây còn là địa điểm ghi sâu tội ác và lòng căm thù không đội trời chung của nhân dân ta đối với bọn cướp nước và lũ bán nước. Trong dịp về thăm quê lần thứ hai năm 1961, Bác Hồ đã đến đặt vòng hoa trước đài và tưởng nhớ 217 chiến sỹ đã hy sinh ngày 12/9/1930. Hàng năm vào ngày 12/9, nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh về đây thắp hương, kỷ niệm ngày truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Di tích nhà cụ Vi Văn Khang

Ngôi nhà của cụ Vi Văn Khang nằm bên bờ sông Giăng, thuộc bản Thái Hoà, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Nhà cụ Khang xây dựng năm 1919, trên vùng đất rộng khoảng 1.000m2. Ngôi nhà làm theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Thái. Kiến trúc nhà gồm 3 gian, 2 hồi, cầu thang lên xuống đặt ở hai bên. Khung nhà bằng gỗ, mái lợp lá cọ, vách ngăn bằng phên nứa, sàn lát bằng gỗ. Tầng trên đặt bàn thờ, nơi tiếp khách, phòng ngủ, bếp. Dưới sàn để nông cụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Xung quanh vườn rộng trồng cây xanh, cây ăn quả như bao nhà dân khác trong bản. Gần một thế kỷ qua ngôi nhà vẫn hiện diện như một minh chứng về truyền thống lịch sử, văn hoá của mảnh đất và con người nơi đây.

Là một thanh niên năng động có vốn hiểu biết, được cán bộ giác ngộ, đồng chí Vi Văn Khang hăng say tham gia hoạt động cách mạng. Trên cơ sở đó, tháng 4 năm 1931, chi bộ Môn Sơn được thành lập tại nhà đồng chí Vi Văn Khang. Chi bộ có 6 đồng chí, do Vi Văn Khang làm bí thư. Dưới sự hướng dẫn của các đồng chí Lê Xuân Đào, Lê Mạnh Duyệt, Nguyễn Hữu Bình, cơ sở đóng tại nhà Vi Văn Khang bí mật in tài liệu, truyền đơn, sau đó đem đi rải khắp các bản làng trong tổng. Trong kháng chiến chống Pháp, Môn Sơn trở thành căn cứ địa vững chắc không chỉ riêng của Nghệ An mà cho cả nước bạn Lào. Chi bộ Môn Sơn là chi bộ đầu tiên ở miền núi vùng cao Nghệ Tĩnh. Nhà đồng chí Vi Văn Khang là nơi thành lập chi bộ, nơi hội họp, in ấn tài liệu truyền đơn, nơi nuôi dưỡng bảo vệ cán bộ Đảng... là nhân chứng lịch sử hùng hồn của Đảng bộ và nhân dân địa phương trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931.

Năm 1994, nhà cụ Vi Văn Khang được xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia theo Quyết định số 152/QĐ-BT, ngày 25 tháng 1 năm 1994 của Bộ Văn hoá - Thể thao. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, từ năm 1994, ngày thành lập chi bộ Đảng hàng năm trở thành ngày lễ hội truyền thống văn hoá ở Môn Sơn, Con Cuông. Các hoạt động lễ hội được tổ chức tại nhà cụ Vi Văn Khang và cây đa Cồn Chùa đã góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hoá tốt đẹp của nhân dân Môn Sơn.

Di tích đền Trìa



Di tích đền Trìa (Hưng Lộc - TP. Vinh).

Đền Trìa (còn có tên gọi là đền Lộc Đa) nay thuộc xã Hưng Lộc - TP. Vinh), được xây dựng vào năm 1893 để thờ một vị tướng có công trong sự nghiệp chống quân Thanh đã được phong là Thượng Đẳng Thần. Đây là một công trình kiến trúc đồ sộ, uy nghiêm gồm ba tòa: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện, hai bên là nhà Tả vu và Hữu vu. Không chỉ là di tích mang giá trị văn hóa kiến trúc, mỹ thuật, đền Trìa còn là một di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu trên mảnh đất Hồng Lam trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.

Với những giá trị to lớn đó, di tích đền Trìa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 26/6/1995. Hiện nay đền Trìa đã được tu bổ, tôn tạo để phát huy truyền thống yêu nước của nhân dân Hồng Lam nói chung và Lộc Đa nói riêng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Di tích đền Xuân Hòa

Đền được xây dựng ở trung tâm làng Xuân Hòa nên nhân dân lấy tên của làng đặt tên cho đền. Là công trình kiến trúc tín ngưỡng, nơi tôn thờ và tưởng niệm các vị thần có công với dân, với nước như: Cao Sơn, Cao Các, Thành hoàng làng. Là ngôi đền linh thiêng, trong đền còn lưu giữ 2 đạo sắc triều vua Khải Định (1925), 3 đạo sắc năm Tự Đức (1880), Đồng Khánh (1887) và năm Duy Tân (1909) ghi nhận công lao của thần với dân, với nước. Đền còn là nơi hội tụ nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương: Trong phong trào 1930 - 1931, đền là cơ sở cách mạng của Đảng, là địa điểm tập trung nhân dân đi biểu tình. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945, đền là nơi biểu dương lực lượng của nhân dân rồi kéo về phủ lỵ giành chính quyền. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đây là trụ sở của làng, địa điểm sinh hoạt của các tổ chức quần chúng và là nơi học chữ quốc ngữ. Năm 1947 - 1950, đây là trụ sở của xưởng công binh Phạm Hồng Thái. Năm 1950 - 1954, đây là nơi cất giấu lương thực cung cấp cho chiến trường.

Năm 1968, bom Mỹ phá hỏng, năm 2006 đền Xuân Hoà được phục hồi. Hiện đền Xuân Hòa có các hạng mục công trình: cổng tam quan, tường bao, tắc môn, bia dẫn tích, sân vườn, bái đường và hậu cung. Hàng năm vào dịp ngày mùng 7, ngày Rằm tháng Giêng và ngày Rằm tháng Bảy, nhân dân làng Xuân Hòa tập trung tại đền tế lễ, tưởng niệm các vị thần rất long trọng, trang nghiêm.

Nhằm phát huy giá trị truyền thống lịch sử cách mạng của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Năm 2009, UBND tỉnh phê duyệt "Dự án bảo tồn và phát huy giá trị Xô Viết Nghệ Tĩnh" có tổng mức đầu tư 328 tỷ đồng. Dự án chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2009 - 2012) gồm xây dựng khu mộ và đền thờ, quảng trường Xô Viết Nghệ Tĩnh và tượng đài, các hạng mục hạ tầng và phụ trợ có liên quan. Giai đoạn 2 (2013 - 2015) xây dựng tiếp các hạng mục còn lại theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tổng diện tích quy hoạch 22,28 ha. Đến thời điểm hiện nay, dự án đã xây dựng xong phần tu bổ mộ liệt sỹ, xây mới bức phù điêu mộ, xây mới đền thờ, tứ trụ, tường rào...


Thanh Thuỷ

Mới nhất
x
Bài 11: Di tích gắn với cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO