Bài 2: Bám biển

02/05/2013 19:01

>> Bài 1: Không cho đất nghỉ(Baonghean) - Sau một ngày ngược xuôi vùng bãi ngang để thâm nhập vùng sản xuất rau nổi tiếng...

>> Bài 1: Không cho đất nghỉ

(Baonghean) - Sau một ngày ngược xuôi vùng bãi ngang để thâm nhập vùng sản xuất rau nổi tiếng trong vùng, chúng tôi ghé vào một nhà nghỉ ven biển Quỳnh Minh tiện cho sáng mai dậy sớm để đến Lạch Cờn, xã Quỳnh Phương. Sáng sớm ngày 17/4, lúc này mới hơn 5 giờ sáng, Lạch Cờn đã ồn ã bởi cái chợ cá mở ra ngay bên bến thuyền. Tàu thuyền đã về bến từ quãng nửa đêm, chờ sáng ra là tấp nập người mua kẻ bán. Cứ vậy mà thành chợ. Những khay cá trích, cá nục, cá lượng… được phủ kín đá lạnh lần lượt được các thuyền viên bê ra khỏi khoang tàu. Hàng chục chiếc xe máy và ô tô đông lạnh dừng đỗ bên ngoài lạch để chờ vận chuyển hải sản đi tiêu thụ. Bến cá Lạch Cờn những lúc như như thế này sặc mùi hải sản. Một ngư dân cho chúng tôi biết, hôm nay không phải ngày tàu thuyền đánh bắt xa bờ về nên Lạch Cờn còn có nhiều chỗ trống, hải sản cũng không có cá to. Ngư dân ở đây đi khơi, đi lộng thường theo con nước để ra khơi (1 tháng 2 con nước). Do đó, số tàu thuyền về bến hôm nay phần lớn là tàu dưới 90CV. Tại bến, một số phụ nữ dựng lều tạm bán bánh xèo, bánh gói, nước uống, thuốc lá… Những người ghé vào quán chủ yếu thanh niên, phụ nữ chuyên bốc xếp cá thuê tại bến. Tranh thủ ít phút nghỉ ngơi, khi có tàu cập bến, họ lại vội vã xuống mép nước để đón cá. Lạch Cờn nhộn nhịp như thế chỉ diễn ra trong vòng vài tiếng đồng hồ, vào buổi sáng hàng ngày...



Lạch Cờn khi cá về.

Hơn 7 giờ sáng, một chiếc thyền thúng vừa cập bờ chở cá vào bến bán. Chúng tôi có nhã ý muốn được ngồi lên chiếc tàu lớn, một thuyền viên vồn vã cõng tôi qua vài sãi nước để ngồi lên chiếc thuyền thúng, ra tàu. Đấy là con tàu của ông Hồ Văn Bình, vừa trở về sau chuyến đi lộng kéo dài một tuần lễ. Nhâm nhi chén rượu với con cá mực phơi khô, ông Bình cho hay, đi lộng chỉ vậy thôi chứ ra khơi thì chí ít cũng phải đi nửa tháng về mới có lãi. Chuyến đi lộng lần này, ông và đoàn thủy thủ gồm 9 người thu được 3 tấn cá. Trù tính ban đầu, trừ hết các khoản chi phí mua dầu, trả tiền nhân công, lãi khoảng 20 triệu đồng. Đó là khoản thu có thể gọi là “bình thường” bởi trong tháng 3 vừa qua ông và thủy thủ đoàn đi đánh cá xa bờ thu gần 100 triệu đồng mỗi chuyến. Gặp những lúc gió to, thuyền nhỏ vào bờ trú ẩn, tàu của ông vẫn hoạt động bình thường, bởi theo kinh nghiệm đi biển thì khi gió lớn cấp 6, cấp 7 biển nhiều cá nhất. Mình thuyền to máy lớn (300CV) tranh thủ đánh bắt. Biển cả lúc này là “vương quốc” của những người dũng cảm. Đi biển bây giờ thường ít gặp rủi ro do thời tiết hơn, bởi hiện giờ các phương tiện báo bão đều đã được trang bị trên tàu, ngư dân rất chủ động theo dõi.

Với trên 30 năm kinh nghiệm làm nghề đi biển đánh bắt hải sản và đã 3 lần thay tàu mới, với ông, nghề đi biển có thể cho thu nhập cao, nhưng vẫn bấp bênh và việc đầu tư sắm tàu là không hề đơn giản. Sắm mới một con tàu lớn, cộng với ngư cụ, tiêu tốn 2 - 3 tỷ đồng. Đó là cả một khoản tiền mơ ước đối với bà con ngư dân. Mặc dù vậy, đôi khi vẫn phải về không, vì thuyền máy trục trặc, hoặc bất ngờ gặp thời tiết xấu… lỗ hàng chục triệu đồng. Biết nghề đi biển là gian nan, vất vả, người dân Quỳnh Phương vẫn bám trụ.

Ông Hồ Xuân Hường – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Phương, tự hào: Xã hiện có 591 tàu thuyền, với tổng công suất 38.700 CV, trong đó có 181 tàu có công suất 90 đến 400 CV; 180 chiếc công suất 20 đến 90 CV; 230 chiếc thuyền dưới 20 CV. Toàn xã có 3.200 lao động tham gia khai thác hải sản. Điều đáng nói, là hàng năm ngư dân mua mới từ 10-20 tàu công suất 90 CV trở lên, đồng nghĩa với việc số tàu thuyền nhỏ ngày càng giảm. Mặc dù sự đầu tư cho một chiếc tàu công suất lớn, cộng với ngư cụ là tiền tỷ, nhưng ngư dân xác định, muốn làm ăn lớn phải đầu tư đánh bắt xa bờ, và phải chung nhau đầu tư. Họ sẵn sàng thế chấp tài sản nhà cửa, đất đai, vay vốn ngân hàng để đầu tư mua sắm tàu thuyền. Có một điều khiến bà con gặp khó là số tiền ngân hàng cho ngư dân vay tối đa chỉ có 30 triệu đồng, nên họ phải tìm mọi cách để huy động vốn.

Nghề đánh bắt hải sản hiệu quả phải thừa nhận là thu nhập cao hơn cả đi lao động xuất khẩu, nhưng phải chăng vì “bấp bênh” nên ngân hàng không muốn đầu tư lớn! Chứng minh cho tính hiệu quả của nghề đi biển, ông Hường cho biết: Thu nhập bình quân của Quỳnh Phương đạt 18 triệu đồng/người/năm, nhưng đối với nghề đi biển đạt 60 triệu đồng/lao động/năm. Người Quỳnh Phương bao đời nay sống bằng nghề biển, nên lực lượng lao động xuất khẩu không nhiều như các địa phương khác. Cả xã chỉ có chưa đầy 20 người đi lao động xuất khẩu. Nghề đánh bắt hải sản ngày càng phát triển, hàng năm Quỳnh Phương có sản lượng hải sản luôn vượt kế hoạch đề ra. Năm 2012, kế hoạch 9.990 tấn, ngư dân đánh bắt được 12.500 tấn. Trong đó, sản phẩm xuất khẩu đạt 4.200 tấn. Nghề đánh bắt hải sản ngày càng phát triển, kéo theo các loại hình dịch vụ khai thác hải sản cũng phát triển mạnh. Đó là trên 30 hộ chuyên thu mua hải sản, 20 kho đông lạnh, chứa trên 500 tấn hải sản. Nguyên nhân sản lượng đánh bắt hải sản của Quỳnh Phương hàng năm tăng, một phần là do sự phối hợp của ngư dân, đó là bà con đã thành lập được 21 tổ hợp đánh bắt cá xa bờ (mỗi tổ hợp có 7 tàu thuyền).

Đi dọc bãi ngang Quỳnh Lưu, chúng tôi còn được chứng kiến diêm dân sản xuất muối. Đầu giờ chiều ngày 18/4, chúng tôi có mặt tại cánh đồng muối của xã Quỳnh Nghĩa. Trong cái nắng đầu mùa yếu ớt, bà con vẫn ra đồng, để mong làm ra hạt muối. Già có, trẻ có, họ đầu đội nón, mặt trùm khăn và đi chân đất, âm thầm mỗi người một việc. Nghề muối ở đây “cha truyền con nối” từ bao đời. Người từ nơi khác về làm dâu cũng chẳng mấy chốc đã làm quen với nghề này. Qua trò chuyện, chúng tôi cũng đã hiểu được cái nghề mặn mòi này. Chị Nguyễn Thị Luyến, ở xóm Nghĩa Bắc dành ít phút tâm sự: Làm muối không phải đầu tư nhiều như cấy lúa, nhưng vất vả hơn nhiều. Nhìn hạt muối trắng phau, tưởng dễ ợt, nhưng đằng sau đó là một nỗi cực nhọc... Trong quãng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9, đối với diêm dân, mồ hôi của người làm muối đổ ra còn mặn hơn cả muối. Giá muối đầu mùa 1.800 đồng/kg, còn khi vào chính vụ thì muối rớt giá thê thảm.



Diêm dân Quỳnh Nghĩa làm muối đầu mùa.

Vùng bãi ngang Quỳnh Lưu có 2 xã sản xuất muối, trên tổng số 9 xã của toàn huyện làm nghề muối: Quỳnh Nghĩa và Quỳnh Minh. Xã Quỳnh Nghĩa có 437 hộ làm muối, mỗi năm sản xuất được hơn 8 nghìn tấn muối. Xã Quỳnh Minh có 370 hộ làm muối, mỗi năm sản xuất được gần 6 nghìn tấn muối. Công đoạn làm muối nhà nào cũng giống nhau, đều vất vả như nhau, chất lượng muối cũng sạch và trắng như nhau, chỉ khác nhau về nhân lực và sản lượng muối trên từng ô. Người làm muối Quỳnh Nghĩa cho biết, 1 giát muối chưa đầy 200m2, chỉ cần 1 nhân lực, mỗi năm sản xuất được khoảng 20 tấn muối, bèo lắm cũng có hơn 20 triệu đồng, so với trồng lúa thì gấp nhiều lần.


Xuân Hoàng - Hữu Vi

Mới nhất
x
Bài 2: Bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO