Bài 2: Bức thư người lính đảo

29/03/2013 19:11

(Baonghean) - Ở xã Diễn Nguyên (Diễn Châu), có một phụ nữ 25 năm qua sống lặng lẽ và nuôi con một mình. Đã bước vào độ tuổi 50, trải qua bao đắng cay, sóng gió cuộc đời, chị vẫn ôm ấp và gìn giữ mối tình với một người đã khuất. Người phụ nữ ấy là chị Trần Thị Ninh, vợ liệt sỹ Phan Huy Sơn, người đã hy sinh trong trận Hải chiến bảo vệ Trường Sa ngày 14/3/1988...

>>Bài 1: Những chàng trai quê biển

Hạnh phúc vượt trùng khơi

Lần theo địa chỉ, chúng tôi về xóm 2, xã Diễn Nguyên để gặp chị Trần Thị Ninh (sinh năm 1963). Người hàng xóm cho biết, chị Ninh ra đồng từ lúc sáng sớm, đến trưa mới trở về. Đang cặm cụi làm cỏ lúa, có khách ra tìm, chị tạm gác lại công việc và dẫn khách về nhà. Ngôi nhà nhỏ, vững chãi, đó là món quà tình nghĩa của Quân chủng Hải quân dành tặng mẹ con chị. Bên chiếc bàn gỗ đơn sơ, chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu thêm về liệt sỹ Phan Huy Sơn. Chưa nói được lời nào, nước mắt đã chảy tràn trên khuôn mặt khắc khổ và đen sạm vì nắng gió của chị. Tưởng chừng như bao nỗi nhớ thương và khổ đau trong 25 năm qua đã dồn nén, tích tụ thành những giọt nước mắt để giây phút ấy tuôn rơi chan chứa. Sau giây phút xúc động, lấy lại bình tĩnh, chị Ninh kể...



Chị Trần Thị Ninh bên những kỷ vật của chồng.

Anh chị sinh cùng năm, cùng lớn lên trong một làng, cùng chăn trâu cắt cỏ và cùng chung con đường đến lớp. Theo thời gian, tình cảm giữa hai người ngày càng gắn bó. Và rồi, tình yêu đến lúc nào không biết. Học xong cấp 3, được sự đồng ý của gia đình hai bên, đám cưới của họ được tổ chức vào một ngày cuối năm 1981. Đang ngập tràn trong niềm hạnh phúc thì vào một ngày đầu tháng 2/1982, anh Sơn lên đường nhập ngũ. Ngày chia tay, đôi vợ chồng trẻ không muốn rời nhau, bắt đầu những ngày chia ly, nhung nhớ.

Cũng như hầu hết thế hệ thanh niên thời kỳ đó, anh chị luôn ý thức được nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc nên sẵn sàng tạm gác niềm hạnh phúc riêng tư. Chiếc xe chở tân binh bắt đầu lăn bánh và khuất dần sau lũy tre làng, chị Ninh vẫn dõi theo bàn tay người chồng yêu thương đang vẫy chào những người ở lại. Tiễn chồng vào quân ngũ, chị lại trở về thực hiện phận sự dâu con, với cánh đồng đầy nắng gió. Những lúc nỗi nhớ chồng cuộn lên da diết, chị phải kìm nén bằng cách lao vào công việc. Ngày làm quần quật ngoài đồng, tối về chăm đàn gà, đàn lợn, mệt để dễ tìm đến giấc ngủ, ngủ để quên đi nỗi nhớ người chồng đang ở phương xa. Vậy mà hầu như đêm nào trong giấc ngủ chập chờn, chị đều mơ thấy hình bóng anh. Lúc thì anh về gõ cửa trong đêm khuya vắng, lúc thì anh ra tận ngoài đồng đón chị cùng món quà của biển khơi là những hòn san hô lấp lánh, có lúc lại thấy nét mặt anh trầm ngâm...

Sau khi nhập ngũ, anh Phan Huy Sơn được bổ sung vào Quân chủng Hải quân, đơn vị lúc đầu đóng quân ở vùng Cửa Hội (Nghi Lộc). Sau đó, anh được điều chuyển ra Hải Phòng học y tá, rồi học lên y sỹ. Xong lớp y sỹ quân y, anh được điều động ra đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa nhận công tác. Hai năm sau kể từ ngày nhập ngũ, anh Sơn được trở về thăm gia đình. Khỏi phải nói đến niềm vui sướng hạnh phúc và tình cảm dạt dào của đôi vợ chồng trẻ sau 2 năm xa cách, điều mà cho đến nay chị Ninh vẫn cất giữ vẹn nguyên trong ký ức để giúp chị đứng vững mỗi khi gặp phải sóng gió cuộc đời.

Điều đáng mừng nhất là sau lần về phép này của anh Sơn, chị Ninh nhận thấy trong con người mình có một mầm sống đang hình thành. Từ đảo xa nhận được tin này, anh Sơn hạnh phúc và sung sướng đến phát khóc. Trong thư, anh kể rằng khi cầm bức thư báo tin mừng của người vợ, anh reo như một đứa trẻ. Bức thư được chuyền tay khắp đơn vị, đồng đội cùng ăn mừng bằng cách mổ thịt một con lợn mới nhận từ đất liền gửi ra. Đêm đó, anh em cán bộ, chiến sỹ đảo Song Tử Tây đàn hát đến tận khuya, những con sóng Trường Sa cũng bắt nhịp để chia vui với người lính đảo. Nhưng điều không may lại xẩy đến, từ lúc chào đời, bé Phan Huy Hà - con trai đầu lòng của anh chị đã bị dị tật, não phát triển không bình thường, thân hình quặt quẹo. Nhưng mỗi khi thư từ qua lại, anh chị thường động viên nhau rằng đó là giọt máu của chính mình, là đứa con mình dứt ruột đẻ ra nên dù thế nào cũng phải yêu quý nó. Thương nhớ anh, chị dồn hết tình cảm vào việc chăm sóc bé Huy Hà.

Trước chuyến đi xa

Bốn năm sau, anh Phan Huy Sơn được về phép lần thứ 2, đó là dịp sau Tết Nguyên đán năm 1988. Thông thường, kỳ nghỉ phép kéo dài tới 15 ngày nhưng mới hơn một tuần, anh liên tục nhận được 3 bức điện từ đơn vị vào quân cảng Cam Ranh gấp để ra đảo làm nhiệm vụ. Nhận được điện, anh Sơn lập tức thu xếp việc gia đình để lên đường theo lệnh của đơn vị. Vào một ngày trung tuần tháng 3/1988, khi đang làm cỏ trên đồng làng, tình cờ chị Ninh nghe Đài Tiếng nói Việt Nam (loa công cộng) phát thông tin ngày 14/3, có 3 chiếc tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam bị đắm ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, khoảng 70 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Bấm đốt ngón tay tính từ ngày chồng ra đi đến ngày xẩy ra tai nạn, chị sững sờ vì linh tính mách bảo việc anh Sơn có mặt trên 1 trong 3 chiếc tàu bị đắm ấy. Cảnh vật xung quanh như quay cuồng, chị Ninh ngất xỉu bên bờ ruộng, hàng xóm phải dìu chị về nhà. Mấy ngày sau, chị nhận được thư, bức thư anh viết vào ngày 09/3/1988, tức là trước lúc anh lên tàu 1 hoặc 2 ngày và trước lúc hy sinh 5 ngày. Trải qua một phần tư thế kỷ, nét chữ anh Sơn vẫn còn rõ ràng, chỉ có điều bức thư đã bị rách một vài chỗ do gấp đi gấp lại nhiều lần hoặc có thể do những dòng nước mắt của chị Ninh tuôn rơi làm cho giấy ướt và rách dần.

Lời mở đầu, anh Sơn viết: “Ninh em thương! Như vậy là anh đã xa em và con được mấy ngày. Lòng nhớ em và con khôn xiết. Trên đường đi vào an toàn. Hiện nay anh chuẩn bị ra đảo nhưng chưa rõ đảo nào. Trước khi ra đi anh chúc 2 mẹ con trẻ-khỏe-yên tâm và hạnh phúc!”. Tiếp đến là những lời dặn dò người vợ trẻ: “Theo như đã nói với em khi ở nhà, anh gửi em 1 quần pho, 1 tấm vải xẹc (em đóng áo mà mặc), 2 gói mỳ chính (ngoại 1 gói+ nội 1 gói) để em và con dùng và 50 nghìn đồng để em bồi dưỡng lúc sinh đẻ hoặc mua cái gì đó để làm vốn. Tiền anh gói trong tấm vải bộ đội. Gửi cho mẹ 10 nghìn đồng, tiền anh bỏ trong cái áo trắng dài, khi đưa cho mẹ em bảo là anh gửi về để mẹ và bố mua thêm thức ăn cho các chú kẻo các chú ăn đói. Gửi cho chú Giang 2,5m vải bộ đội để chú may quần hay áo tùy chú, bảo với chú đó là quà tết. Gửi cụ Bảy 2,5m vải sọc để cụ may áo. Còn anh gửi về cho em 70 viên Tê-tơ-ra-xi-lin (anh gói và bỏ trong quần pho của anh). Ninh em thương! Không phải anh quên Hà con đâu nhé, vì điều kiện quá gấp em lấy tiền mua cho con bộ áo thật tốt để Hà mặc”.

Mặt sau của bức thư bị nhòe gần hết, chúng tôi chỉ luận ra được một số đoạn, trong đó có việc nhờ chị Ninh cất giữ đồ quần áo cẩn thận và gửi lời chúc sức khỏe tới mọi người trong đại gia đình và bà con lối xóm. Ở mặt trong của chiếc phong bì, có thêm mấy lời của chủ nhân: “10/3/88. Ninh em! Trước khi đi đảo anh đã gửi thêm cho em 10 nghìn đồng theo đường bưu điện. Hôm nay anh gửi quần áo cho Hà con nữa. Bưu điện sẽ báo 3 đợt: 2 đợt bưu kiện và 1 đợt tiền. Em đón nhận nghe em! Anh: Hà Sơn”.



Bức thư của liệt sỹ Phan Huy Sơn gửi vợ trước khi ra đảo.

Chị Ninh nhận thư, tiền và bưu kiện chồng gửi về được ít lâu thì đơn vị anh Sơn gửi giấy báo tử về cho gia đình. Vậy là nỗi thấp thỏm, lo âu bấy nay đã trở thành sự thật. Một lần nữa, chị tưởng chừng như gục ngã. “Có lúc tôi thật sự không còn thiết sống, nhưng nghĩ tới đứa con trai tật nguyền và đứa còn lại đang nằm trong bụng mẹ nên phải gắng gượng để nuôi các con, vì chúng là giọt máu của chồng”- chị Ninh chia sẻ.

Và trong năm đó, bé Phan Thị Trang chào đời. Điều đáng mừng là bé Trang phát triển bình thường cả về thể chất lẫn trí tuệ, đó là nguồn động viên rất lớn để chị Ninh vững bước trong những ngày khó khăn, gian khổ. Chị Ninh mở cánh tủ trước bàn thờ chồng cho chúng tôi xem kỷ vật của anh Sơn để lại trước lúc đi xa. Đó là những bộ quân phục và quần áo rất đẹp, 25 năm đã đi qua vẫn còn nguyên nếp gấp và tỏa ra mùi thơm phức. Theo lời chị Ninh, bé Trang (giờ đã là một nữ sinh) thỉnh thoảng lại đưa áo quần bố ra giặt, là thành nếp và xức nước hoa. Còn với chị Ninh, mỗi khi cảm thấy cô đơn, buồn tủi, chị lại mở tủ để ngắm nghía, mân mê những kỷ vật của người chồng yêu thương như để tìm nguồn hơi ấm, tiếp thêm nguồn sức mạnh để chị vững tin giữa cuộc đời. Chị tâm sự: “Mỗi lúc nhìn thấy kỷ vật này, tôi lại nghĩ anh ấy không thể chết được, chỉ đến một nơi nào đó rất xa chưa kịp trở về...”.

Hiện tại, chị Trần Thị Ninh vẫn tần tảo kiếm sống để nuôi nấng hai con. Phan Huy Hà đã gần tuổi 30, không tự lo được cho bản thân mình, dù đó là những việc nhỏ nhặt như tắm rửa, thay quần áo, thậm chí ăn cơm vẫn phải nhờ mẹ bón giúp. Đã thế, suốt ngày lại còn đi quấy rầy từ nhà này sang nhà khác. Còn Phan Thị Trang đã tốt nghiệp đại học sư phạm, lại tiếp tục theo học Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An. Lý do Trang đưa ra là muốn được theo nghiệp bố, để sau này sẽ có điều kiện hơn để chăm sóc mẹ khi già yếu và người anh trai bệnh tật...

Trước lúc chúng tôi chào tạm biệt, chị Ninh còn đưa ra “khoe” tấm ảnh vừa được xử lý bằng phần mềm photoshop. Bức ảnh ấy có đầy đủ các thành viên trong gia đình. Ngoài chị Ninh và Trang, có Huy Hà. Đặc biệt, có cả anh Phan Huy Sơn đứng bên cạnh chị và các con, cả gia đình cùng nở nụ cười hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy có thể rất bình thường đối với nhiều gia đình, nhưng với gia đình chị Ninh thì đấy mãi là nỗi khát khao...


Bài, ảnh: CÔNG KIÊN

Mới nhất
x
Bài 2: Bức thư người lính đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO