Bài 2: Cần phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội

13/06/2013 19:01

>> Bài 1: Còn thiếu những sân chơi an toàn(Baonghean) - Sự bất bình đẳng trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em diễn...

>> Bài 1: Còn thiếu những sân chơi an toàn

(Baonghean) - Sự bất bình đẳng trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em diễn ra ngay trong từng địa phương, địa bàn cơ sở. Điều này có thể thấy, các trung tâm văn hóa, TDTT, nhà văn hóa dành cho thiếu nhi chỉ được xây dựng, hình thành ngay tại các trung tâm hành chính địa phương. Hiện tại chưa có một mô hình nhà thiếu nhi nào được xây dựng tại các làng bản, thôn xóm đúng quy chuẩn dành cho trẻ em. Bởi vậy, ở nhiều nơi dường như các công trình, thiết chế văn hóa, nếu có, cũng chỉ dành cho nhóm trẻ em ở khu vực trung tâm, là con em những gia đình có điều kiện kinh tế tốt hơn so với đa số còn lại ở khu vực khó khăn.

Mặt khác, các trung tâm văn hóa, TDTT, sân bóng đá, bóng chuyền cũng chủ yếu dành cho người lớn. Trẻ em, nhất là trẻ em gái ít có cơ hội để tham gia các hoạt động vui chơi, vận động tập thể. Khoảng cách về không gian địa lý, sự phân hóa vùng miền, sự chênh lệch trong phát triển kinh tế - xã hội đã tạo ra những tồn tại có tính phổ biến trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em. Công tác giáo dục, y tế, văn hóa và nhiều tiêu chí khác dành cho trẻ em vùng đặc thù đều ở mức thấp.

Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi muốn nghĩ đến những điều lớn lao hơn cho trẻ em thì phải giúp các em có một không gian an toàn nơi cư trú theo đúng nghĩa. Nghệ An là một trong những địa phương có tỷ lệ trẻ em tử vong do bị tai nạn thương tích nhiều, nhất là tử vong do đuối nước. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Quỳ Hợp cho biết, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Huyện đoàn tổ chức các khóa dạy bơi cho trẻ; nguồn kinh phí đang đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh hỗ trợ. Trên thực tế, thời gian qua chương trình dạy bơi cho trẻ em cũng được một số địa phương triển khai, như huyện Đô Lương, Anh Sơn… nhưng nhìn chung hiệu quả chưa cao.

Bà Trương Thị Kim Chi - Giám đốc Nhà thiếu nhi huyện Quỳ Hợp cho rằng, việc quan tâm đến trẻ em cần đi vào thực chất hơn. Trước đây, Nhà thiếu nhi huyện Quỳ Hợp cũng đã trực tiếp đến nhiều địa bàn, thôn, bản vùng sâu, vùng xa tổ chức các hoạt động tuyên truyền, văn hóa - văn nghệ giúp cho thiếu nhi các địa bàn khó khăn được tiếp xúc và tham gia vui chơi, hòa nhập với tập thể. Tuy nhiên, vì không có kinh phí nên hoạt động này không duy trì được thường xuyên. “Chúng tôi mong muốn mở các lớp học, phân hiệu của Nhà thiếu nhi tại địa bàn cơ sở, nhưng để thực hiện điều này cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành” – bà Kim Chi chia sẻ.

Có lẽ chưa khi nào vấn đề về trẻ em lại được quan tâm như hiện nay. Tuy vậy, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em chỉ có thể đạt kết quả nếu có sự vào cuộc sâu sát của các ngành chức năng và các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị. Ông Vi Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết, huyện đã đề ra 7 giải pháp cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đó là các nội dung liên quan đến công tác kiểm tra giám sát, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, nhất là ngành Giáo dục và tổ chức Đoàn Thanh niên; chỉ đạo xây dựng các xã có tiêu chí phù hợp với trẻ em (hiện Quỳ Châu mới có duy nhất Thị trấn Tân Lạc đạt chuẩn phù hợp với trẻ em)...

Mặc dù nhiều địa phương đã đưa ra được những giải pháp cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, song qua thực tế có thể nhận thấy, các giải pháp, phương án chủ yếu vẫn nặng tính kế hoạch, ít đi vào cụ thể, thực chất. Do đó, để trẻ em có cơ hội phát triển bình đẳng, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, mọi tổ chức chính trị, xã hội, nhà trường, gia đình và cộng đồng. Trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức và hành vi trong cộng đồng về các quyền của trẻ em; Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, trong đó nòng cốt là Đoàn Thanh niên và đội ngũ cộng tác viên cơ sở, từ đó có sự giám sát, thống kê chính xác, kịp thời về môi trường, điều kiện sống, sinh hoạt của trẻ em.

Ngoài ra, một trong những vấn đề đặt ra cho công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em hiện nay là sự cần thiết phải hình thành các công trình phúc lợi dành cho trẻ em để các em có không gian hoạt động, vui chơi, chia sẻ kỹ năng sống, qua đó chủ động phòng tránh các vấn đề về thảm họa thiên nhiên, tai nạn thương tích và các vấn đề liên quan đến xâm hại sức khỏe, tinh thần. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách để các đơn vị, ngành liên quan thường xuyên tổ chức các hoạt động phổ biến pháp luật, mở rộng phạm vi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại các bản, làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mặt khác, trong điều kiện tỉnh ta vẫn còn nhiều địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống vật chất – tinh thần còn nhiều hạn chế nên việc xây dựng các xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em là thực tế hết sức khó khăn, do đó cần có sự đầu tư đồng bộ và đúng hướng song song với công tác xã hội hóa về bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Đối với vấn đề tạo sân chơi cho thiếu nhi, bà Hoàng Thị Quỳnh Anh – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho rằng, hiện tại Nghệ An chưa có Nhà Văn hóa thiếu nhi cấp tỉnh, tuy nhiên không nhất thiết phải đầu tư xây dựng công trình này. Triển khai các chương trình, hoạt động tại cơ sở, hướng về cơ sở - đó thực sự mới là điều cần thiết và quan trọng.

Về vấn đề xã hội hóa công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, năm 2012 Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã thu hút được trên 19,2 tỷ đồng bằng tiền và chuyên môn kỹ thuật trong các chương trình giúp đỡ trẻ em. 6 tháng đầu năm nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em đã vận động, kêu gọi được trên 3,6 tỷ đồng. Có thể nói, hoạt động bảo trợ, nhân đạo, từ thiện đã mang lại kết quả quan trọng. Tuy vậy, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cần được nhìn nhận trên phương diện từ nhận thức, tư duy đến hành động thực tế, và cần sự vào cuộc tích cực của đảng ủy, chính quyền, các ban, ngành, để dành sự quan tâm cần thiết, cụ thể cho trẻ em và góp phần xây dựng một xã hội tiến bộ và phát triển bền vững.

Để từng bước rút ngắn khoảng cách về sự phát triển và đi đến xóa bỏ những rào cản trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ngày 5/11/2012 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-T.Ư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Trên tinh thần đó, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định số 682/QĐ-UBND ngày 1/3/2013, Quyết định số 859/QĐ-UBND ngày 15/3/2013 nhằm triển khai Chỉ thị 20 của Bộ Chính trị, đồng thời xây dựng chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2013 - 2020. Theo đó mục tiêu được xác định là: “Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em và trẻ em giữa các vùng, miền. Nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em”.


Đào Tuấn

Mới nhất
x
Bài 2: Cần phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO