Bài 2: Câu hỏi trách nhiệm còn bỏ ngỏ

04/10/2012 10:37

(Baonghean) Ngoài rừng bị người dân chặt phá để phục vụ việc sấy măng, chúng tôi còn chứng kiến cảnh gỗ rừng bị đốn hạ. Các lâm sản quý đang lìa khỏi “lá phổi xanh”quan trọng vào hàng bậc nhất quốc gia, trong khi các lực lượng chức năng vắng bóng.

Bài 1: Mùa măng - mùa... phá rừng

Khe Yên ngổn ngang gỗ

Càng vào sâu thượng nguồn khe Yên, chúng tôi chứng kiến vùng lõi rừng Pù Mát bị tàn phá nghiêm trong. Những khúc gỗ phiến, gỗ tròn mới có, cũ có, dài, ngắn, nằm dưới dòng nước. Nhiều cây gỗ đường kính ước khoảng 50 cm, vừa bị chặt hạ, kéo từ trên núi xuống bìa khe. Thỉnh thoảng, chúng tôi thấy những con trâu đực to, đằm mình dưới lòng khe.

Đến thác Ang, thượng nguồn của khe Yên đã 1 giờ chiều, mặc dù đã thấm mệt, nhưng chúng tôi vẫn cố bám theo lòng khe để vào sâu hơn và tiếp tục phát hiện rất nhiều phiến gỗ dài trên 3m, rộng từ 20 - 30 cm, dày 10 - 15 cm được xếp đặt gọn gàng dưới đáy khe.

Theo quan sát, nơi đây có thể là bến gỗ vì đoạn khe này khá rộng, mực nước quá đầu gối, phía trên bờ còn có nhiều vết tích của việc tập kết gỗ. Tại bến này, chúng tôi đếm được khoảng hơn 40 phiến gỗ các loại. Theo người dân cho biết, vùng rừng này chủ yếu là gỗ sến, táu, vừ… Hai bên mép khe, núi rừng trùng điệp, thỉnh thoảng bắt gặp những lối trượt trên mặt đất, bề rộng chỉ đủ cho một con trâu đi lại. Cách bãi gỗ này khoảng hơn 100m thấy một vệt trượt lớn còn tươi màu đất từ trên sườn núi xuống gần mép khe. Đó là vệt trượt của lâm tặc lao gỗ từ trên xuống. Chúng tôi cố leo lên sườn núi để xem cảnh khai thác gỗ, nhưng tuyệt nhiên không bắt gặp người.



Cây gỗ to vừa bị chặt, kéo xuống khe.

Một người đi hái măng cho biết, dọc khe không còn gỗ to, gỗ đẹp nên lâm tặc đã chuyển đến khu vực núi cao khai thác. Trên vách núi, gần một lán bị đốt, chúng tôi thấy một số gốc cây rất to bị đốn hạ bởi máy cưa xăng. Từ dưới lòng khe nhìn về bên phải, chúng tôi phát hiện có dấu vết của một vụ cháy rừng vừa xảy ra. Nhưng đến nơi, trước mắt là cây, que, xoong nồi méo mó nằm ngổn ngang, một loạt lán vừa bị đốt cháy, chỉ còn lại những cái cọc trơ khung. Hỏi ra mới biết, lực lượng kiểm lâm mới rồi vào đốt lán khai thác măng của dân. Dưới lớp tro ấy, còn có những tấm gỗ rộng chừng 40cm, dài hơn 2m, dày tới 10cm. Xung quanh những cái lán bị đốt ấy, chúng tôi còn phát hiện một số gốc cây rất to, bị đốn hạ bởi máy cưa xăng.

Dọc con đường độc đạo ấy, chúng tôi còn bắt gặp một số nam giới cởi trần ngâm mình dưới lòng khe. Dừng chân hỏi đường vào thác Ang, nhưng tuyệt nhiên không một câu trả lời. Sau ánh mắt dò la, họ đều lắc đầu nguầy nguậy, rồi lẩn vào rừng sâu.

Trong 4 giờ đồng hồ ngược dòng khe Yên, trên chặng đường khoảng 10km, chúng tôi đếm được gần 100 khúc gỗ nằm dưới lòng khe, sẵn sàng xuôi theo dòng nước ra khỏi rừng. Còn phía trong rừng sâu thẳm ấy còn bao nhiêu thân cây bị đốn hạ nữa chưa kịp vận chuyển xuống khe Yên? Mặt trời xuống núi, bóng chiều bao trùm cả khu rừng, cũng là lúc xuất hiện những chiếc bè nứa chở từng gùi măng khô xuôi dòng khe Yên ra khỏi rừng Pù Mát. Đó là sản phẩm do người dân làm ra trong những ngày bám rừng. 6 giờ tối, chúng tôi ra đến địa điểm xuất phát, nơi đây có một xưởng cưa lớn của ông Vi Văn Hòa vẫn đang chong điện để hoạt động. Phía dưới bến, những con trâu đực cũng đang hì hục kéo từng khúc gỗ từ khe vào bản. Tôi có ý hỏi mua gỗ để làm nhà, thì một số người dân bản Yên trả lời ngay, anh muốn gỗ gì cũng được, đặt hàng là có ngay, kể cả gỗ để làm dong (phản).

Vắng bóng lực lượng chức năng

Nạn khai thác măng một cách “vô tư” giữa vùng lõi VQG Pù Mát đang khiến khả năng tái sinh của những cánh rừng tại đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi cả trăm con người vào rừng nhiều ngày liền, không chỉ có hái măng mà kéo theo đó là việc khai thác gỗ và săn bắt thú rừng trái phép, chưa kể đến nguy cơ cháy rừng từ hoạt động nấu và sấy măng tại rừng thì có thể thấy vai trò của cơ quan chức năng vô cùng mờ nhạt.

Người đứng đầu ngành Kiểm lâm huyện Con Cuông, ông Lê Quang Hợp có trao đổi rằng: “Rất khó xử lý những người khai thác măng, bởi theo quy định thì người dân vẫn được khai thác khoảng 50% tổng số mầm măng tại phần rừng đã được giao, tất nhiên phải đi kèm với giải pháp bảo vệ rừng”. Nhưng xem ra người dân đã không biết hoặc cố tình làm ngơ đến những quy điịnh về bảo vệ rừng, đặc biệt rừng vùng lõi nghiêm cấm khai thác. Chính sách giao rừng đến từng hộ dân tại huyện Con Cuông cũng đã thực hiện từ 10 năm nay, nhưng có thể khẳng định rằng, hiện rất nhiều diện tích được giao đang bị chủ rừng bỏ bê và bị khai thác tràn lan. Một nguyên nhân cũng dễ nhận ra là những khoản phụ thu từ rừng không đủ sức thu hút chủ rừng gắn bó với phần rừng đã được giao. Vì vậy, chuyện người dân miền núi “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” lặn lội suốt mùa măng để kiếm thêm một khoản thu nhập khá nhất trong năm từ rừng cũng là chuyện dễ hiểu.

Bà Ngân Thị Hà - Chủ tịch UBND xã Môn Sơn, cho rằng: Việc quản lý rừng dù rừng gì nhưng trên địa bàn xã thì xã có trách nhiệm phối hợp với lực lượng kiểm lâm để bảo vệ. Đối với người dân xã Môn Sơn vào rừng Pù Mát hái măng, địa phương không thể thống kê có bao nhiều người. Nhưng theo bà Hà được biết, những gia đình có điều kiện về nhân lực thì lao động chính vào rừng mấy ngày liền, còn với những gia đình có con nhỏ thì cha mẹ tranh thủ vào rừng từ sáng sớm đến chiều tối phải về. Biết rằng người dân vào rừng khai thác măng để lại nhiều hệ lụy về phá rừng, nhưng rất khó kiểm soát, vì đây là nghề của bà con và cũng là nghề có mức thu nhập khá cao.

Theo chúng tôi, vấn đề đặt ra không chỉ là chuyện tăng cường kiểm tra, xử lý một cách đơn giản: phạt, đẩy đuổi, đốt lán trại của người khai thác măng mà cần phải tìm một giải pháp bền vững. Phải khoanh vùng cấm nghiêm ngặt, vùng được phép thì bà con phải được hướng dẫn quy trình khai thác để việc khai thác này thực sự mang lại lợi ích cho việc tái sinh rừng. Cần tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn cho bà con, mà việc trước hết là tuyên truyền để bà con hiểu được hệ lụy trực tiếp từ việc khai thác măng và lâm sản tràn lan làm chậm sự tái sinh của rừng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến chính lợi ích của họ. Chỉ cần bà con hái măng đúng quy định rồi chở về chế biến tại nhà, sẽ tránh được nguy cơ cháy rừng và việc đốn gỗ rừng cấm làm củi đun một cách vô tội vạ.

Đối với việc khai thác lâm sản trái phép khác, theo ông Phan Đình Xuân - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Pù Mát: Để bảo vệ được rừng tại gốc, Hạt đã bố trí 10 trạm quản lý bảo vệ rừng tại 10 địa bàn Cao Vều (Anh Sơn), bản Yên, Lục Dạ, Khe Kèm, Khe Choăng, Khe Bu (Con Cuông), Khe Thơi, Tam Đình, Tam Hợp (Tương Dương) và 1 đội cơ động ở Hạt có 9 người. Như vậy mỗi trạm được cử 5 – 7 cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng. Riêng trạm Làng Yên có 6 người tham gia bảo vệ rừng.

Trong số 68 tiểu khu thì điểm nóng về khai thác lâm sản hiện nay đang xảy ra tại 20 tiểu khu, chủ yếu ở các vùng giáp ranh với vùng đệm. Đối với tiểu khu bản Yên (gồm: 821a, 821b, 821c và 942) chưa phải là điểm nóng. Ông Xuân thừa nhận, thượng nguồn khe Yên thuộc vũng lõi lâu nay vẫn bị người dân vào khai thác gỗ, nhưng chưa đánh giá được mức độ nghiêm trọng. Con đường từ bản Yên vào thượng nguồn khe Yên phải 4 giờ lội bộ nên lực lượng kiểm lâm rất khó khăn trong việc tuần tra. Những năm qua, Hạt chỉ đạo các trạm chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực, trang bị đầy đủ dụng cụ hỗ trợ, lương thực, thực phẩm, tuần tra sâu vào các tiểu khu, với phương châm “bảo vệ rừng tại gốc” để theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và các tác động xâm hại rừng. Hàng tháng, mỗi trạm tổ chức tuần tra rừng từ 2 – 5 lần, mỗi lần từ 2 – 7 ngày. Khi phát hiện các điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, kịp thời tăng cường lực lượng cơ động xuống các trạm để phối hợp tuần tra, truy quét.

9 tháng đầu năm 2012, các trạm tổ chức tuần tra 262 đợt, phát hiện 197 gốc cây bị chặt mới tại 26 tiểu khu. Xử lý 32 vụ vi phạm, tịch thu gần 43m3 gỗ các loại. Tuy nhiên, khi hỏi về tình hình phát hiện và xử lý các đối tượng khai thác lâm sản trái phép ở vùng thượng nguồn khe Yên, do Trạm Kiểm lâm bản Yên quản lý, thì ông Xuân cho biết là xử lý không nhiều. Trong 6 tháng đầu năm 2012, Trạm quản lý bảo vệ rừng bản Yên phát hiện 54 cây bị chặt, xử lý 17 vụ vi phạm lâm luật, chủ yếu ở các khu vực thuộc xã Môn Sơn, Lục Dạ, Khe Thơi và Cao Vều.

Còn bà Ngân Thị Hà thì cho rằng, tình hình khai thác lâm sản và khai thác gỗ trái phép vùng thượng nguồn khe Yên chính quyền chưa nắm được. Việc xã biết là trên địa bàn có 21 xưởng cưa, trong đó có 9 xưởng cưa chưa có giấy phép kinh doanh. Hàng năm chính quyền địa phương trực tiếp kiểm tra tình hình hoạt động tại các xưởng cưa và phát hiện một số trường hợp vi phạm về tàng trữ gỗ trái phép, đặc biệt là xử phạt những xưởng chưa đăng ký kinh doanh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Đình Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho rằng: Hàng năm, VQG Pù Mát có phương án phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các cuộc triển khai quản lý bảo vệ rừng. Các đội, trạm cũng phối hợp với các xã để hoạt động. Cách đây gần 1 tháng, huyện tổ chức họp bàn về các vấn đề cấp bách về khai thác lâm sản và thành lập các đoàn kiểm tra, do các hạt kiểm lâm phối hợp thực hiện. Cách đây 1 tuần, huyện đã thành lập đoàn liên ngành, gồm: Công an, Bộ đội Biên phòng và các hạt kiểm lâm… mở đợt truy quét tại các điểm “nóng” về khai thác lâm sản trên toàn huyện.

Chính quyền huyện và các cơ quan chức năng thì báo cáo vậy, còn chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy ở thượng nguồn khe Yên trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát thực sự không yên tĩnh, vùng lõi đại ngàn Pù Mát đang bị rút ruột một cách vô tội vạ mà chưa được ra tay ngăn chặn quyết liệt. Và dù huyện có thành lập bao nhiêu đoàn đi chăng nữa, nhưng khi thực hiện nhiệm vụ nếu không cương quyết và làm tận gốc thì thực trạng phá rừng vẫn tiếp tục tái diễn. Mà gốc rễ ở đây chính là câu hỏi về giải pháp cần phải được trả lời sớm nhất.


Nhóm P.V

Bài 2: Câu hỏi trách nhiệm còn bỏ ngỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO