Bài 2: Chưa tìm được tiếng nói chung

15/05/2014 08:31

(Baonghean) - Những vấn đề liên quan đến ô nhiễm chưa được giải quyết dứt điểm, giữa doanh nghiệp và người dân không tìm được tiếng nói chung, nhất là từ khi Công ty CP bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh thực hiện đầu tư dây chuyền nâng công suất lên 50 triệu lít/năm vào năm 2005 đang khiến câu chuyện khắc phục ô nhiễm môi trường ở Công ty CP bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh trở nên nóng hơn. Người dân bức xúc gửi đơn thư khiếu kiện kéo dài, vượt cấp…

(Baonghean) - Những vấn đề liên quan đến ô nhiễm chưa được giải quyết dứt điểm, giữa doanh nghiệp và người dân không tìm được tiếng nói chung, nhất là từ khi Công ty CP bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh thực hiện đầu tư dây chuyền nâng công suất lên 50 triệu lít/năm vào năm 2005 đang khiến câu chuyện khắc phục ô nhiễm môi trường ở Công ty CP bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh trở nên nóng hơn. Người dân bức xúc gửi đơn thư khiếu kiện kéo dài, vượt cấp…

Cần phải khẳng định, quá trình mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng công suất trong khi các điều kiện đảm bảo môi trường chưa hoàn thiện của Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh gây ô nhiễm môi trường (khí thải, bụi than, nước thải, tiếng ồn…) tại nhiều thời điểm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân là có thực. Ông Hồ Sỹ Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) cho biết: “Thực tế, công ty cũng đã nhiều lần bị các cơ quan chức năng thuộc Bộ và Sở TN&MT kiểm tra, xử phạt hành chính do vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, công ty cũng đã nỗ lực khắc phục tình trạng trên bằng việc đầu tư dây chuyền công nghệ, tập trung đầu tư, cải tạo hệ thống xử lý nước thải và triển khai một số biện pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...”.

Ông Phạm Ngọc Mai - Khối trưởng khối 10, phường Trường Thi,  phản ánh về vấn đề ô nhiễm với PV.
Ông Phạm Ngọc Mai - Khối trưởng khối 10, phường Trường Thi, phản ánh về vấn đề ô nhiễm với PV.

TIN LIÊN QUAN

Toàn bộ nước thải được thu gom qua hệ thống xử lý tập trung bằng phương pháp sinh học yếm khí và hiếu khí, công suất xử lý 1200m3/ngày đêm, sau đó xả ra mương số 3 bằng một cửa thải. Khí thải lò hơi được thu gom qua hệ thống xử lý ướt, hấp thụ bằng dung dịch NaOH loãng, sau đó được xả ra môi trường qua ống khói cao khoảng 26m. Đối với chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất gồm bùn thải sinh học, bã malt, bã bia và bã hoa houblon được bán thanh lý cho các đơn vị có nhu cầu chế biến thức ăn; bao bì đựng nguyên liệu, vỏ chai bia được bán cho các cơ sở gia công tái chế; xỉ than bán lại cho cơ sở sản xuất thủ công. Rác thải sinh hoạt: giấy báo, túi nilon, bao gói và thức ăn thừa được thu gom chuyển cho Công ty Môi trường đô thị Vinh xử lý theo quy định. Đối với chất thải nguy hại như bóng đèn huỳnh quang, dầu thủy lực thải, dầu thải, pin ắc quy thải… được thu gom, phân loại, lưu giữ tại kho, có biển báo trong và ngoài kho theo quy định.

Trong kết luận thanh tra bảo vệ môi trường đối với Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh (Kết luận số 3068 ngày 3/10/2012) của Bộ Tài nguyên & Môi trường có ghi rõ “kết quả phân tích mẫu nước thải sau hệ thống xử lý nước thải của công ty trước khi thải ra mương số 3 - phường Trường Thi, so sánh với QCVN 40: 2011, với Kq=0,9,kf=1,0 cột B, các thông số được phân tích đều đạt quy chuẩn cho phép. Kết quả phân tích mẫu khí thải sau hệ thống xử lý so sánh với QCVN 19:2009/BTNMT (cột ba) các thông số đều đạt quy chuẩn cho phép. Công ty đã có sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, thực hiện nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, đã có báo cáo tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại theo quy định và thực hiện quan trắc môi trường định kỳ.

Tuy nhiên, vào thời điểm thanh tra, công ty chưa có đề án bảo vệ môi trường cho Dự án Nâng cấp dây chuyền sản xuất bia công suất 50 triệu lít/năm, không có giấy phép xả thải vào nguồn nước; không thực hiện giám sát chất thải, giám sát môi trường xung quanh theo quy định vi phạm Điểm C, Khoản 2, Điều 8, Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường và bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 12.500.000 đồng.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý, khắc phục về môi trường nhưng năm 2013, công ty vẫn để xảy ra sự cố ngoài ý muốn khiến người dân bức xúc gửi đơn thư khiếu kiện khắp nơi, mang băng rôn khẩu hiệu gây sức ép với chính quyền địa phương yêu cầu công ty ngừng sản xuất, di chuyển nhà máy.

Ban lãnh đạo công ty thừa nhận trong năm 2013, công ty đã để xảy ra các sự cố liên quan đến hệ thống nước thải và khói lò như nước thải gây mùi do công nhân vận hành và cán bộ quản lý kiểm soát quy trình thực hiện không đúng, do đó làm yếu vi sinh vật một bể xử lý sinh học hiếu khí. Bụi than phát tán ra khu dân cư do bơm của hệ thống dập bụi ướt bị hỏng, người vận hành không phát hiện kịp thời, thời gian mua thiết bị thay thế lâu do không sẵn có trên thị trường; đóng cặn bám trên bề mặt bể dập bụi làm cho các vòi phun bị giảm hiệu quả do bị che chắn tia phun. Sự cố mùi hôi là do trong quá trình hoạt động bề mặt bê tông nắp bể có hiện tượng nứt, các đường ống công nghệ lắp vào bể do rung động của quạt hút mùi nên gây hở tại vị trí gắn vào bể yếm khí. Còn việc gây ồn ào và mất vệ sinh tại cổng phụ nhà máy là do phương tiện vận tải vào ra giao nhận hàng hóa; ý thức giữ gìn vệ sinh chung chưa tốt…

Trước phản ánh của người dân, ngày 30/5/2013, công ty đã có buổi làm việc gặp gỡ dân cư và đại diện phường Trường Thi tại UBND phường. Tại buổi làm việc, giám đốc công ty đã nhận trách nhiệm, nêu rõ nguyên nhân, đồng thời cam kết khắc phục nhanh nhất các sự cố. Và trên thực tế, công ty đã triển khai một số biện pháp cụ thể, như: Để khắc phục nước thải gây mùi, công ty đã thay thế cán bộ kiểm soát quy trình; rút toàn bộ men vi sinh vật về xilo chứa bùn để xử lý; thay thế men vi sinh vật mới cho bể sự cố để hệ thống hoạt động trở lại bình thường. Sau 2 ngày, sự cố đã được khắc phục xong. Để tránh sự cố bụi than phát tán ra khu dân cư, công ty đã cho thay thế bơm mới, lắp thêm 3 bơm dự phòng; vệ sinh sạch trong lòng bể dập bụi; xây thêm bể lắng 12m3 để lắng cặn tránh làm hỏng bơm. Đồng thời di chuyển quạt hút mùi gây rung động xuống dưới đất, làm sạch bề mặt bể và vị trí tiếp giáp nắp và thành bể, rải lớp phụ gia không co ngót; thảm lớp bê tông đá dăm mác 200 dày 10 cm toàn bộ mặt bể yếm khí nơi phát sinh mùi để hạn chế việc phát tán mùi.

Đối với việc gây ồn và mất vệ sinh ở khu vực cổng phụ, công ty đã có văn bản thông báo đến các đơn vị vận tải, quy định cụ thể để các đơn vị vận tải khi đến giao nhận hàng hóa tại cổng sau công ty, lái xe không được bóp còi ồn ào làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của khu dân cư kề cận; các xe vào giao nhận hàng đăng ký số thứ tự, số xe... Công ty cũng đã khẩn trương lập Đề án Bảo vệ môi trường chi tiết cho Nhà máy bia Sài Gòn Nghệ An công suất 50 triệu lít /năm được Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 2344/QĐ-BTNMT ngày 25/11/2013. Thực hiện giám sát môi trường không khí định kỳ 6 tháng/lần; bụi và tiếng ồn 6 tháng/lần; nước thải 3 tháng/lần lúc sản xuất bình thường, 1 tháng/lần lúc sản xuất cao điểm.

Tuy nhiên, “không ưa thì dưa có dòi”, những thiện chí và nỗ lực đó của Công ty CP bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh không được người dân ghi nhận và tình hình vẫn căng thẳng. Thậm chí, trước Tết Nguyên đán 2014, một số hộ dân khối 10, phường Trường Thi còn quyên góp 20 triệu đồng để mua vật liệu lấp mương ngăn không cho công ty bia xả thải nguồn nước ra mương số 3, nhưng đã được chính quyền địa phương phát hiện và ngăn chặn kịp thời….

Trước tình hình trên, ngày 25/2/2014, Thường trực HĐND,UBND phường Trường Thi đã tổ chức hội nghị để lãnh đạo Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh đối thoại với nhân dân về tình trạng ô nhiễm do sản xuất của công ty gây ra, có sự tham gia của đại biểu cấp tỉnh và thành phố. Tại hội nghị này, đại diện người dân (chủ yếu tập trung ở khối 10) kiến nghị UBND tỉnh đình chỉ sản xuất của Công ty CP bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh; di chuyển Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh ra khỏi khu dân cư; cấm xả thải ra mương số 3 (trong thời gian chưa di chuyển); xử lý ô nhiễm mương số 3 và vùng bị ô nhiễm, bồi thường thiệt hại sức khỏe cho nhân dân vùng bị ô nhiễm; khi thực hiện đề án bảo vệ môi trường phải có sự giám sát của nhân dân… Tại cuộc đối thoại này, Giám đốc Công ty CP bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh - ông Hoàng Lâm Hòa đã phát biểu: “Hiện tại tôi giải thích thế nào thì người dân cũng không tin, không nghe, tôi sẽ hành động bằng biện pháp cụ thể. Xin cho tôi thời gian để khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường”.

Tuy vậy, ngày 15/3/2014, một số hộ dân, chủ yếu tập trung ở khối 10, vẫn gửi đơn “kêu cứu” khắp nơi, ra tận Trung ương. Ông Phạm Ngọc Mai - Phó Bí thư chi bộ, Khối trưởng khối 10 - người trực tiếp soạn thảo đơn, cho rằng: Thực tế ô nhiễm môi trường công ty bia là khó khắc phục vì dây chuyền công nghệ đã lạc hậu, không đồng bộ, được lắp đặt cải tạo từ cơ sở sản xuất của nhà máy nước ngọt trong một diện tích, không gian chật hẹp lại sản xuất quá tải. Hiện tại, lượng nước thải xử lý không triệt để vẫn liên tiếp xả ra kênh số 3 dọc đường Nguyễn Xí gây ô nhiễm nghiêm trọng cho cả một vùng Đông Nam Thành phố Vinh. Đã có hơn trăm người tại khối 10 và các khối lân cận chết do căn bệnh ung thư và đang có rất nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo do nhiễm phải những chất thải độc hại, nhất là những người ăn nước giếng khoan, những người đã sinh sống lâu năm tại địa bàn. Tại buổi đối thoại ngày 25/2/2014, nhiều hộ dân khối 10 cũng yêu cầu công ty bia phải “bồi thường thiệt hại sức khỏe cho người dân”.

Tuy nhiên, chính ông Phạm Ngọc Mai (người đại diện cho người dân khối 10 phát biểu tại các cuộc đối thoại, trực tiếp soạn thảo các đơn thư kiến nghị - như lời ông nói) cũng thừa nhận “người dân chỉ nghi ngờ chứ không có căn cứ”, “nhà tôi không ảnh hưởng gì, chỉ tội cho dân”. Một người dân khối 10 cho biết: “Nếu như nói ảnh hưởng sức khỏe thì những người sản xuất trực tiếp trong nhà máy phải ảnh hưởng đầu tiên, mấy chục năm nay có thấy ai bị gì đâu…”. Theo Công văn số 3608 ngày 3/10/2012 của Bộ Tài nguyên & Môi trường, Công văn số 280KL-TTr-TNMT ngày 25/1/2013 của Tổng cục Môi trường cũng như kết quả quan trắc quý 1 năm 2014 của Trung tâm Quan trắc và kỹ thuật môi trường (Sở Tài nguyên & Môi trường) thì chất lượng nước thải của công ty bia là đạt tiêu chuẩn cho phép.

Trên thực tế, không chỉ riêng nhà máy bia xả thải vào kênh số 3 mà có cả nước thải sinh hoạt của người dân các khối 7, 8, 9, 10, 11, 14… cộng với quán ăn, nhà hàng, khách sạn, cơ sở rửa xe, sản xuất tinh nghệ… đổ vào với đủ các loại rác thải nên theo ý kiến của nhiều người, việc đổ hết tội cho nhà máy bia gây ô nhiễm mương là không khách quan. Ông Đậu Hồng Quang - Khối trưởng khối 9 cho biết: “Khách quan mà nói, ô nhiễm môi trường mương số 3 là do nước sinh hoạt của người dân các khối kéo dài dọc mương, nhà máy bia chỉ một phần nào đó thôi. Rác thải ngâm ngày này qua ngày khác bốc mùi hôi thối là chuyện bình thường. Kể cả việc nói nhà máy bia gây ung thư cũng chưa có giám định hay cơ sở nào chứng minh. Tôi ký vào đơn vì họ nói là khối trưởng phải đại diện cho dân (khối 9 có 13 hộ dân sống dọc mương số 3). Mục đích ký là để kiến nghị khắc phục ô nhiễm mương số 3 chứ không phải ký để bắt nhà máy bia bồi thường hay di chuyển”. Ông Trần Anh Quyển - khối 14, cũng cho rằng: “Đổ lỗi cho nhà máy bia 100% là không đúng vì nước thải khu dân cư cũng đổ ra mương, có cả nhà hàng, chỗ rửa xe, quán ăn... rất bẩn thỉu”. Chính lãnh đạo phường Trường Thi cũng khẳng định: “Mương nước số 3 là công trình dân sinh và nước thải của người dân cũng đổ vào đó”.

Một trong những nguyên nhân khác khiến người dân bức xúc là khi nâng công suất lên 50 triệu lít/năm, Công ty CP bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh chưa hoàn thiện Đề án Bảo vệ môi trường chi tiết dẫn tới sự nghi ngờ về việc xả thải vượt công suất của người dân. Đây là một thiếu sót lớn, tuy nhiên sau này công ty đã khắc phục thiếu sót và Đề án Bảo vệ môi trường chi tiết đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt.

Tại cuộc đối thoại ngày 25/2 và trong lá đơn mới đây (đề ngày 4/5/2014) đại diện cho người dân khối 10 gửi Tổng cục Môi trường, ông Phạm Ngọc Mai cho rằng, việc công ty bia lập Đề án Bảo vệ môi trường chi tiết cho Dự án Sản xuất 50 triệu lít/năm mà không tham vấn ý kiến của UBND phường Trường Thi, tổ chức đối thoại với cộng đồng dân cư khối 10 và các khối xung quanh nhà máy đã vi phạm điều 14,15, NĐ 29 ngày 18/4/2011 của Chính phủ; Điều 6, Thông tư 01 ngày 16/3/2013. Vì vậy, việc đề án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt cũng khiến người dân bức xúc.

Về vấn đề này, ông Bạch Hưng Cử - Phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) cho biết: Theo Điều 6, Thông tư 01 ngày 16/3/2013 về tham vấn ý kiến Đề án Bảo vệ môi trường chi tiết (Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011) quy định cụ thể như sau: 1, Chủ cơ sở có trách nhiệm gửi văn bản kèm theo tóm tắt những nội dung chính của Đề án Bảo vệ môi trường chi tiết đến ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở để xin ý kiến tham vấn.

2, Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận văn bản của chủ cơ sở, UBND xã, phường có văn bản trả lời theo mẫu quy định, quá thời hạn này, UBND cấp xã, phường được tham vấn không có ý kiến bằng văn bản gửi chủ cơ sở thì được xem nhất trí với chủ cơ sở.

3, Trường hợp cần thiết, trước khi có văn bản trả lời, UBND cấp xã, phường được tham vấn yêu cầu chủ cơ sở phối hợp tổ chức cuộc họp với đại diện cộng đồng dân cư để trình bày, thảo luận, đối thoại về đề án bảo vệ môi trường chi tiết. Tại Khoản 1, Điều 15, Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 quy định việc tham vấn ý kiến của UBND cấp xã, phường chịu tác động trực tiếp của dự án như sau: a, Chủ dự án gửi văn bản đến UBND cấp xã, đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức chịu tác động trực tiếp của dự án kèm theo tài liệu tóm tắt về các hạng mục đầu tư chính, vấn đề về môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường để xin tham vấn; b, Trong trường hợp cần thiết, UBND cấp xã, phường triệu tập đại diện của tổ chức, cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án, thông tin cho chủ dự án biết về thời gian, địa điểm, thành phần tham gia buổi đối thoại, cùng chủ dự án chủ trì đối thoại trong thời hạn chậm nhất 10 ngày, kể từ khi nhận được văn bản xin ý kiến tham vấn của chủ dự án.

Trong trường hợp này, Công ty CP bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh đã có Văn bản số 187/CV-BSGNT gửi UBND phường Trường Thi xin ý kiến về Đề án Bảo vệ môi trường chi tiết đối với Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh. Ngày 8/5/2013, UBND phường Trường Thi đã nhận được công văn và có Văn bản trả lời số 101/UBND-DT ngày 15/5/2013 “cơ bản đồng tình bản tóm tắt nội dung của Đề án Bảo vệ môi trường chi tiết đối với Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh” và “đề nghị các cơ quan chức năng xem xét phê duyệt Đề án Bảo vệ môi trường chi tiết cho Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh”. Ông Nguyễn Tất Thiện - Chủ tịch UBND phường Trường Thi cho biết: Sau khi ban hành văn bản gửi nhà máy bia, phường cũng đã gửi văn bản công khai xuống các khối phố.

Như vậy, việc Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt Đề án BVMT chi tiết của Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh là đúng quy định của pháp luật, còn hai lần trước (Báo cáo đánh giá tác động Tài nguyên Môi trường năm 2005 và Đề án bảo vệ môi trường năm 2009) không được duyệt là do thiếu mục tham vấn, điều tra xã hội học.

Điều đáng tiếc ở đây là UBND phường Trường Thi đã làm theo quy trình ngược nên khiến người dân bức xúc và cho rằng công ty bia “làm tắt” không tôn trọng ý kiến của người dân. Trong trường hợp này, nếu xét thấy không cần thiết phải triệu tập đại diện của tổ chức, cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp để đối thoại, đáng lẽ trước khi gửi văn bản cho nhà máy bia, phường nên gửi cho các khối dân cư để nhân dân cùng tham gia đóng góp ý kiến.

Bài ảnh: Nhóm phóng viên

Mới nhất

x
Bài 2: Chưa tìm được tiếng nói chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO