Bài 2: Gian nan công tác thu hồi nợ!

01/11/2012 14:27

>Bài 1: Hệ lụy việc cán bộ tín dụng dính " chàm"

Với vai trò là trung gian tài chính, hoạt động của ngành Ngân hàng luôn đứng trước nguy cơ gặp rủi ro. Ngoại trừ nợ xấu phát sinh bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan như: kinh tế khó khăn, kinh doanh thua lỗ, công nợ khó đòi, khó khăn do thay đổi cơ chế, thay đổi chính sách tăng trưởng của Nhà nước, thì không ít khoản nợ xấu bắt nguồn từ khâu thẩm định của cán bộ tín dụng.

Điều đáng lo ngại là chiếm phần lớn trong danh mục tài sản thế chấp vay vốn hiện nay tại các ngân hàng thương mại cũng là bất động sản, nhưng việc xử lý tài sản thế chấp lại không hề đơn giản khi có nợ xấu phát sinh. Thường thì nếu không đạt được sự thoả thuận với khách hàng hoặc khách hàng không hợp tác, cố tình chây ỳ để kéo dài thời gian trả nợ thì ngân hàng chỉ còn cách chuyển hồ sơ khởi kiện sang tòa án. Song nhiều trường hợp, dù có phán quyết của toà, ngân hàng vẫn còn gặp trở ngại vì khâu thi hành án. Xung quanh vấn đề này, qua trao đổi của cán bộ ngân hàng cũng như thi hành án đều thừa nhận, liên quan đến tài sản thế chấp là bất động sản thì phong tỏa được đã khó, việc đấu giá, bán tài sản để thu hồi vốn còn gian nan hơn, khiến nhiều vụ việc kéo dài. Theo số liệu tổng hợp từ Cục Thi hành án Nghệ An, từ năm 1996 đến nay riêng lĩnh vực ngân hàng có 20 bản án có quyết định thi hành án với số tiền phải thi hành là gần 20 tỷ đồng, nhưng đến nay mới chỉ thi hành án được 3,7 tỷ đồng và rất nhiều vụ phải kéo dài cả chục năm trời.

Vụ Ngân hàng Công thương chi nhánh Nghệ An kiện bà Nguyễn Thị Mịa là một ví dụ. Ngày 6/9/1995 bà Mịa làm thủ tục vay vốn NHCT Nghệ An số tiền 150 triệu đồng. Tài sản thế chấp đảm bảo cho khoản vay là nhà và đất tại khối 16, phường Trường Thi (TP.Vinh) có giấy chứng nhận QSDĐ do vợ chồng con gái là bà Ngô Thị Mai Thanh và ông Nguyễn Huy Hoàng đứng tên (bà Ngô Thị Mai Thanh và ông Nguyễn Huy Hoàng bảo lãnh cho bà Mịa). Tuy nhiên, vì không có khả năng thanh toán, ngân hàng buộc phải kiện đương sự ra tòa; nhưng cho đến ngày Ngân hàng Công thương kiện bà Mịa ra tòa thì ngân hàng này vẫn chưa quản lý giấy chứng nhận QSDĐ! Vụ việc khó khăn phức tạp kéo dài, mới đây (ngày 1/7/2012) NHCT chi nhánh Nghệ An tiếp tục có công văn gửi Cục Thi hành án đề nghị có biện pháp buộc bà Mịa, ông Hoàng và bà Thanh thực hiện nghiêm bản án số 08/2007 mà Toà án nhân dân tỉnh đã tuyên.

Những trường hợp phải qua thi hành án thường nợ lãi cao hơn nợ gốc. Ngay như vụ thi hành án nêu trên, vụ việc diễn ra đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa kết thúc, số tiền 285 triệu đồng (thời điểm cuối năm 2011) phải thi hành đến nay chưa thu được đồng nào, trong khi lãi mẹ đẻ lãi con. Được biết, khó khăn không chỉ đối với trường hợp ngân hàng không nắm được tài sản thế chấp mà nhiều trường hợp đương sự hợp tác để ngân hàng niêm yết tài sản nhưng tài sản vẫn rất khó bán. Đó là trường hợp Nguyễn Xuân Lai ở Hưng Chính (Hưng Nguyên) vay Ngân hàng Công thương Bến Thủy và số tiền phải thi hành án là trên 1 tỷ đồng, đến tháng 11/2011, cơ quan thi hành án mới thu được 50 triệu đồng, số còn lại vẫn chưa thu được. Để vay tiền ngân hàng, anh Lai làm 2 hợp đồng vay vốn. Một hợp đồng có tài sản thế chấp là đất ở của bà Nguyễn Thị Thu ở Quán Bàu (TP. Vinh) và một hợp đồng có tài sản thế chấp là nhà và đất ở xóm 3, xã Hưng Chính. Tuy nhiên, tài sản thế chấp ở Hưng Chính vì ở trong hẻm, sau tới 6 lần Trung tâm Đấu giá tài sản tiến hành đấu giá và hạ giá, từ 1,1 tỷ đồng nay còn 600 triệu đồng nhưng vẫn không có ai mua, trong khi đó chi phí cho cưỡng chế thi hành án ngày càng tăng lên. Tâm lý người mua vốn ngại tài sản phát mại, lại trong hoàn cảnh thị trường bất động sản đóng băng, nên việc bán càng khó khăn gấp bội, và không chỉ riêng lĩnh vực đất đai, tài sản thế chấp là máy móc nhà xưởng cũng rất “khó giải”.

Đó là trường hợp xử lý nợ vay của Công ty ô tô Trường Sơn tại KCN Bắc Vinh. Lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương Vinh cho biết, thời điểm năm 2005, đây là dự án trọng điểm của tỉnh và nhận được sự quan tâm của nhiều ngành. Để đẩy nhanh tiến độ trong khi cổ đông chưa góp đủ vốn, doanh nghiệp này vay ứng hơn 4,5 tỷ đồng của Ngân hàng Ngoại thương Vinh để đầu tư nhà máy lắp ráp ô tô. Sản phẩm chưa có thương hiệu, hệ thống dịch vụ sau bán hàng không có khiến đầu ra gặp khó khăn, sản xuất kinh doanh thua lỗ dẫn đến phá sản kéo theo số nợ cả gốc và lãi đến thời điểm hiện nay đã trên 10 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là máy móc của doanh nghiệp công nghệ vừa lạc hậu vừa cũ kỹ, đã ngừng hoạt động nhiều năm nay, vì thế việc bán tài sản này không dễ và không phải ai cũng được mua, vì phải được sự chấp thuận của Ban quản lý KCN Bắc Vinh. “Hiện chúng tôi đang có 3 trường hợp phải kiện ra tòa, bản án có hiệu lực đã chuyển sang thi hành án. Riêng khoản nợ của Công ty CP ô tô Trường Sơn, về phía ngân hàng cũng chưa muốn cưỡng chế vì nếu lấy tài sản này việc bán chưa biết thế nào, trong khi phải mất thêm khoản chi phí thuê người trông coi!” - cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương Vinh chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Công - Phó Phòng nghiệp vụ (Cục Thi hành án Nghệ An) cho biết thêm: “Một khó khăn khác mà chúng tôi thường gặp phải là khi tài sản của doanh nghiệp là các máy móc thiết bị chuyên dùng thì rất khó thanh lý. Nhiều trường hợp thế chấp ô tô, máy công trình nhưng ngân hàng chỉ giữ giấy tờ, còn tài sản thì vẫn được khách hàng sử dụng, nên khi phải xử lý tài sản thì máy móc nằm ở đâu không rõ, ô tô thì có khi đã qua tay vài chủ. Không ít trường hợp khách hàng báo cho cơ quan cảnh sát giao thông mất giấy tờ xe để được cấp lại, rồi sang tên chuyển nhượng”.

Quá trình tìm hiểu chúng tôi cũng nhận thấy, thủ tục xử lý tài sản phải qua nhiều cơ quan, nhiều cấp xử lý, khởi kiện ở toà án, trung tâm thi hành án, cơ quan định giá tài sản, trung tâm đấu giá... dẫn đến mất quá nhiều thời gian và chi phí. Một số tài sản thế chấp chưa hoàn thành đầy đủ thủ tục chứng nhận sở hữu gây khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác có nhu cầu mua; thanh lý tài sản đảm bảo...

(Còn nữa)


Thu Huyền

Mới nhất

x
Bài 2: Gian nan công tác thu hồi nợ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO