Bài 2: Khi tiềm năng được đánh thức
(Baonghean) - Đến mỗi vùng quê, chúng tôi đều cảm nhận được sự đổi thay dọc hai bên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Dải Trường Sơn vắt qua những phố núi, ngôi làng, rừng cây, đồi chè… đã mang lại ánh sáng cho 29 xã vùng trung du miền núi. Đây là tiền đề để các địa phương phát huy tiềm năng, nguồn lực của mình...
(Baonghean) - Đến mỗi vùng quê, chúng tôi đều cảm nhận được sự đổi thay dọc hai bên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Dải Trường Sơn vắt qua những phố núi, ngôi làng, rừng cây, đồi chè… đã mang lại ánh sáng cho 29 xã vùng trung du miền núi. Đây là tiền đề để các địa phương phát huy tiềm năng, nguồn lực của mình...
>>Bài 1: Một dải trù phú
Xã Nghĩa Bình, cửa ngõ của huyện Tân Kỳ, một diện mạo mới của trung tâm xã hiện rõ ngay bên cạnh đường Hồ Chí Minh. Trung tâm xã Nghĩa Bình bây giờ đã có nhà văn hóa, trụ sở xã, trường học các cấp đã được xây dựng khang trang. Bên cạnh là khu vực chợ Nghĩa Bình, cũng đã được đầu tư xây dựng đình, lều vững chắc. Xa hơn nữa là những xóm nhà dân sum suê mái ngói, vườn cây ăn quả, bám chặt vào những chân đồi là bạt ngàn rừng cây gỗ nguyên liệu. Bí thư Đảng ủy xã Võ Đình Môn hồ hởi tiếp chuyện: Trước đây, vùng đất này hoang vắng. Khi đường bắt đầu xây dựng, xã có chủ trương vận động nhân dân ra ở xung quanh trụ sở để quy tụ thành trung tâm xã. Đến nay, dân cư trung tâm đã đông đúc. Địa phương còn có chợ nằm sát đường, là nơi tiêu thụ, trao đổi hàng hóa cho người dân các địa phương: Nghĩa Hợp, Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), xã Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn) và nhiều hàng hóa từ Quỳnh Lưu, Yên Thành cũng buôn bán tại đây. Giao thông thuận lợi, người dân Nghĩa Bình hăng hái trồng keo, tràm lấy gỗ, vì thế rừng nguyên liệu của xã hiện đã có 2,9 nghìn ha, là xã có nhiều rừng nguyên liệu nhiều nhất so với các xã của Tân Kỳ.
Có đường, người dân có cơ hội tìm kiếm được việc làm, thu nhập. Xã Nghĩa Bình có 20% số hộ kinh doanh buôn bán dọc đường và trong các thôn bản, nhất là lĩnh vực kinh doanh tiêu thụ nông sản. Đếm trên ngón tay, Nghĩa Bình có 7 gia đình chuyên làm dịch vụ đầu ra cho nông sản. Ngô, sắn, lạc, đậu, vừng… người dân làm ra, được thu mua ngay tại chỗ, không sợ ế như trước. Một số hộ đầu tư mua sắm xe ô tô vận tải, những hộ chưa có điều kiện thì thuê xe, với mục đích vận chuyển “hàng 2 chiều” các mặt hàng nông sản tại địa phương đi nơi khác tiêu thụ, rồi vận chuyển những mặt hàng phục vụ sinh hoạt hàng ngày từ thành phố về, nhập các đại ký, ki-ốt trong vùng, đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân.
Ông Nguyễn Thành Đồng (xã Thanh Mai - Thanh Chương) thu hoạch chè.
Tại các thị tứ, thị trấn dọc đường Hồ Chí Minh, nhiều người dân nắm bắt thời cơ, đầu tư mua đất ở dọc hai bên đường để mở dịch vụ sửa chữa xe máy, ô tô, hàng ăn, giải khát, dịch vụ vui chơi giải trí… Đi trên đường bây giờ không sợ hỏng xe, hoặc đến bữa ăn không sợ vắng hàng quán. Những vùng dân cư đông đúc hai bên đường, giá đất ở bây giờ đắt đỏ. Vợ chồng Thành - Loan, ở thị tứ Hạnh Lâm (Thanh Chương), làm nghề sửa chữa xe máy, bộc bạch: Cưới nhau cách đây 10 năm, được cha mẹ hỗ trợ ít vốn, năm 2008, anh chị quyết định mua thửa đất bám mặt đường ngay tại thị tứ Hạnh Lâm để làm nghề. Giá 15 triệu đồng/mét dài. Đến nay, giá đất ở đây đã tăng lên gấp 3 lần so với thời điểm đó. Thị tứ Hạnh Lâm bây giờ hàng quán san sát, các ki-ốt dịch vụ hàng hóa mọc ngày càng nhiều. Đời sống của người dân thêm no ấm.
Sự thay đổi một cách mạnh mẽ và rõ nét nhất trên suốt chặng đường 134 km qua địa phận Nghệ An có lẽ là tại Km số 0 ở Thị trấn Lạt (Tân Kỳ). Đoạn đường qua thị trấn này dài gần 3 km, được thiết kế đường 2 chiều, mỗi bên 2 làn xe cơ giới, có điện cao áp chiếu sáng. Hai bên đường, bây giờ là hàng quán, nhà hàng, khách sạn, và các loại dịch vụ khác, rất phong phú, đa dạng, phục vụ nhu cầu của con người. Tối hôm đó, chúng tôi nghỉ chân tại Thị trấn Lạt. Đêm đến, khi ánh đèn đường bật lên, người dân thị trấn kéo nhau ra đường đi bộ, dạo chơi quanh Cột mốc số 0. Các loại hình dịch vụ giải khát được bày bán hai bên hành lang đường. Thỉnh thoảng, bắt gặp những chuyến xe khách giường nằm cao cấp chạy tuyến Bắc - Nam dừng lại ít phút cho hành khách được nhìn thấy Cột mốc số 0 trên con đường lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ông Nguyễn Duy Thủy - Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ, khẳng định: Đường Hồ Chí Minh là cơ hội để Tân Kỳ mở mang, hội nhập, giao lưu và phát triển. Trước đây, Tân Kỳ được ví là ngõ cụt, có mấy ai để ý, kinh tế - xã hội của địa phương chậm phát triển. Bây giờ mạng lưới giao thông của Tân Kỳ rất thuận lợi, Đường Hồ Chí Minh nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, cũng như phía Nam. Đoạn đường Hồ Chí Minh chạy qua Tân Kỳ dài 38 km, nối với Quốc lộ 7, Quốc lộ 48 và mạng lưới giao thông xương cá nối các xã với đường Hồ Chí Minh đã được cứng hóa, nhựa hóa.
Tại ngã tư Cột mốc số 0 là điểm nối với Tỉnh lộ 15 A, đi Đô Lương, Diễn Châu, vào Thành phố Vinh, dài 90 km. Ngày nay, nhà nước có chủ trương xây dựng tượng đài “Hậu phương hướng về tiền tuyến”, một công trình có ý nghĩa lịch sử quốc gia, là nơi góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ. Cùng với đường Hồ Chí Minh và gắn với một số điểm du lịch khác trên địa bàn, trong tương lai Tân Kỳ là điểm đến khá hấp dẫn cho khách du lịch. Bây giờ, đường Hồ Chí Minh được ví như cái “xương sống” để thúc đẩy địa phương phát triển kinh tế - xã hội, không những kinh tế nông, lâm nghiệp mà còn có cả kinh doanh, dịch vụ. Nghề rừng là thế mạnh của Tân Kỳ từ khi có đường Hồ Chí Minh. Diện tích rừng nguyên liệu trồng mới hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Huyện Anh Sơn chỉ có 2 xã: Khai Sơn và Cao Sơn là có đường Hồ Chí Minh chạy qua. Nhưng nhờ lợi thế là điểm giao nhau giữa đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 7, tại ngã tư Tri Lễ, thuộc địa phận xã Khai Sơn, đã tạo thành điểm nhấn trong tương lai. Năm 2004, huyện Anh Sơn đã quy hoạch xây dựng Thị trấn Tri Lễ. Chỉ ít phút ngồi với Phó Chủ tịch UBND xã Khai Sơn - ông Nguyễn Tất Hồng, chúng tôi được biết: Thị trấn Tri Lễ được quy hoạch 180 ha, hiện nay nhiều người từ nơi khác đến mua đất làm nhà ở. Xung quanh ngã tư Tri Lễ đã có 228 hộ làm nghề kinh doanh, sản xuất.
Gần đây, cạnh ngã tư này hình thành một cái chợ mang tính tự phát. Chiều đến, bà con sinh sống trong vùng mang rau quả, cá, thịt… ngồi bán trong những cái lều tạm bợ được dựng sát Quốc lộ 7. Vì không đản bảo an toàn giao thông, đã nhiều lần chính quyền địa phương muốn “dẹp”, vẫn không được. Sắp tới, Khai Sơn sẽ quy hoạch một vùng đất để họp chợ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Kinh doanh vận tải là loại hình dịch vụ mới và phát triển nhanh nhất của Khai Sơn hiện nay. Ông Hồng thống kê, hiện đã có 3 hộ đầu tư mua 4 xe khách giường nằm (chạy tuyến Bắc - Nam) và 2 xe khách (loại 24 chỗ ngồi); gần 30 ô tô vận tải hàng hóa, trọng tải từ 1,5 - 5 tấn; 8 gia đình kinh doanh máy múc phục vụ cho việc xây dựng nông thôn mới, vận chuyển vật liệu xây dựng. Sau khi lập quy hoạch xây dựng Thị trấn Tri Lễ, đã có một số đơn vị về khảo sát xây dựng bến xe, cụm công nghiệp nhỏ.
Đặc thù của các xã miền núi huyện Thanh Chương là sản xuất, kinh doanh chè công nghiệp. Tháng 5 là thời điểm thu hoạch chè chính vụ, do vậy, khi đến địa phận xã Thanh Đức đã dậy mùi chát ngọt của chè búp tươi. Bao đời nay, người dân các xã: Thanh Đức, Hạnh Lâm, Thanh Mỹ, Thanh Hương, Thanh Tịnh, Thanh An, Thanh Thủy, sống dựa vào cây chè là chính. Gia đình ông Đàm Huy Tính, xã Thanh Đức, là người gắn bó với đất chè đã 39 năm nay. Nói về hiệu quả của cây chè, ông Tính xởi lởi: Gia đình có 0,6 ha chè trồng từ năm 2000, nay mỗi năm thu hoạch được từ 8-10 tấn búp tươi, giá thời điểm này tại Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Hạnh Lâm là 3,2 nghìn đồng/kg. Như vậy đồi chè của gia đình ông năm nay thu về từ 25 đến 30 triệu đồng. Với mức thu đó, ông Tính khẳng định là trên vùng đất này, chưa có cây trồng nào địch nổi. Người dân nơi đây bao đời nay bám lấy cây chè để xóa đói, giảm nghèo.
Ghé vào Xí nghiệp Chế biến dịch vụ chè Hạnh Lâm (Tổng Công ty chè Nghệ An), ông Trần Phi Hùng - Giám đốc Xí nghiệp, cho biết thêm: Tổng diện tích chè của Xí nghiệp hiện có 550 ha, trong đó 500 ha đã cho thu hoạch. Đây là thời điểm chính vụ thu hoạch chè của bà con nên cán bộ của Xí nghiệp luôn bận bịu với việc thu mua, chế biến chè. Xưởng chế biến chè của Xí nghiệp có công suất 30 tấn chè búp tươi/ngày. Bằng cách giao khoán sản phẩm của Tổng Công ty, đội ngũ bán bộ, CNVC Xí nghiệp xuống địa bàn, nỗ lực thu mua nguyên liệu, nên vào những thời điểm chính vụ, xưởng chế biến chè của Xí nghiệp hoạt động hết công suất. Theo tính toán của ông Hùng, 1 ha chè trung bình mỗi năm thu hoạch 15 tấn búp tươi, tương đương trên 45 triệu đồng, trong đó chi phí khoảng 30-35%, người trồng chè còn lãi 65-70%.
Được biết, huyện Thanh chương hiện có hơn 4.000 ha chè, với 4 xí nghiệp chế biến chề trực thuộc Tổng Công ty chè Nghệ An. Ngoài ra, còn có khoảng 40 xưởng chế biến chè tư nhân, công suất nhỏ, mọc hai bên đường Hồ Chí Minh. Một vấn đề đặt ra hiện nay là tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các xí nghiệp chè trực thuộc Tổng Công ty và các xưởng chế biến chè tư nhân. Ông Hùng cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là nhiều người trồng chè mặc dù được nhà nước thông qua Tổng Công ty chè và Xí nghiệp đầu tư để trồng, nhưng khi có sản phẩm lại mang bán cho các xưởng tư nhân. Vì lý do đó, số tiền nợ của người trồng chè đối với Xí nghiệp còn hơn 2 tỷ đồng.
Tìm hiểu từ người trồng chè, chúng tôi được biết có 4 nguyên nhân chính: Thứ nhất, giá cả thu mua giữa Xí nghiệp nhà nước với xưởng chế biế tư nhân chênh lệch khá lớn. Hiện tại xí nghiệp nhà nước mua 2,8-3 nghìn đồng/kg, nhưng xí nghiệp tư nhân mua với giá 3,5-3,8 nghìn đồng/kg. Thứ hai, mối quan hệ thanh toán giữa xưởng chế biến tư nhân nhanh gọn hơn xí nghiệp nhà nước. Thứ ba, không thể loại trừ một số gia đình do chây lười, thiếu ý thức trách nhiệm, không muốn trả nợ cho xí nghiệp nên mang chè đi bán cho xí nghiệp tư nhân. Và cuối cùng, có những gia đình do không có lao động nên thuê lao động thu hái, họ bán cho các xưởng chế biến gần nhà cho đỡ tốn kém công vận chuyển. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là sự chênh lệch giá thu mua giữa xí nghiệp nhà nước và xí nghiệp tư nhân.
Dọc đường Hồ Chí Minh, chúng tôi còn bắt gặp những trại ong mật nép mình dưới những bóng cây rừng keo dày đặc. Từ đây, đã sinh ra nghề nuôi ong dạo...
Bài, ảnh: Xuân Hoàng