Bài 2: Khởi nghĩa Hoan Châu
-->> Xem Bài 1: Mai Thúc Loan - quê hương và gia thế1. Thời gian cuộc khởi nghĩa.
1. Thời gian cuộc khởi nghĩa.
Về năm khởi nghĩa và thất bại, hầu hết các công trình nghiên cứu trước đây đều chép vào năm 722. Do đó, có người coi như một cuộc khởi nghĩa địa phương, chỉ nổ ra trên đất Hoan Châu, có người cho rằng nghĩa quân đã tấn công phủ thành An Nam nhưng thất bại. Nguyên do là các công trình đó đều dựa vào sự ghi chép của chính sử, trước hết là ba bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, đều chép thống nhất cuộc khởi nghĩa bùng nổ và thất bại trong năm Nhâm Tuất, niên hiệu Khai Nguyên thứ 10 đời Vua Đường Huyền Tông, tức năm 722.
Kết quả thu thập, khai thác, đối chiếu các nguồn tài liệu liên quan của nước ta và của Trung Quốc, nhất là An Nam chí lược của Lê Tắc, Hương Lãm Mai Đế ký của Chư Cát Thị, trong Tân đính hiệu bình Việt điện u linh của ta và Cựu Đường thư, Tân Đường thư (phần thực lục và liệt truyện) kết hợp với một số sách khác như Sách phủ nguyên quy, Quảng Tây thông chí... trong thư tịch cổ Trung Quốc, cho phép xác định cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo bùng nổ năm Quý Sửu, năm đầu niên hiệu Khai Nguyên đời Vua Đường Huyền Tông, tức năm 713.
Lễ rước trong Lễ hội Đền Vua Mai. Ảnh: Mai Hoa
Về năm thất bại, từ những nguồn sử liệu trên cho phép kết luận là năm Nhâm Tuất, niên hiệu Khai Nguyên thứ 10 đời Vua Đường Huyền Tông, tức năm 722. Đây cũng chính là kết quả nghiên cứu mới đã được kết luận từ Hội thảo khoa học Quốc gia “Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu” do Khoa Lịch sử Trường Đại học Vinh phối hợp với Viện Sử học Việt Nam tổ chức năm 2008.
2. Nguyên nhân của khởi nghĩa
Trong các truyền thuyết về Mai Thúc loan có truyền thuyết đi phu cống vải và từ dạng truyền khẩu đã đi vào hát chầu văn, vào thơ, khá phổ biến ở vùng Nghệ - Tĩnh, nhất là vùng Nam Đàn. Đó là một bộ phận trong kho tàng truyền thuyết dân gian mà giá trị của nó cần được nhìn nhận và đánh giá theo tiêu chí của thể loại văn học dân gian. Những truyền thuyết đó ít nhiều có xuất phát từ lịch sử và phản ánh dưới những khía cạnh khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp, thực tế lịch sử đã qua được lưu giữ hay ảnh xạ qua ký ức của nhiều thế hệ.
Nhưng coi truyền thuyết như lịch sử là sai lầm về nhận thức và phương pháp luận sử học. Một số tác giả khi biên soạn sách giáo khoa hay lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc, không nghiên cứu, đối chiếu với các sử liệu đáng tin cậy, đem các truyền thuyết Mai Thúc Loan đi phu cống vải vào lịch sử là sai lầm. Chế độ cống vải thời Bắc thuộc cần được nghiên cứu và xác minh từ các cứ liệu lịch sử, trước hết là sử liệu được tìm tòi và giám định trong các nguồn thư tịch cổ. Nhưng đến thời Đường, theo Tân Đường thư (Q. 43 thượng), Tư trị thông giám (Q.250), Thông giám tổng loại (Q.6) thì vải cống lấy từ Lĩnh Nam, chủ yếu từ Nam Hải, và vận chuyển khẩn cấp bằng ngựa trạm. Sau đó, nhà Đường cho ngâm vải vào nước muối hay mật để bảo quản. Đến đời Vua Đường Ý Tông (860-874) thì có lệnh đình chỉ chế độ tiến vải (Đường đại chiếu lệnh tập, Q.86).
Như vậy vào thời nhà Đường, chế độ cống vải không còn thi hành ở nước ta nữa và dĩ nhiên, không thể dựa vào truyền thuyết để cho rằng Mai Thúc Loan đã từng đi phu cống vải và cũng không thể coi chế độ lao dịch cống vải là nguyên nhân, dù là nguyên nhân trực tiếp của cuộc khởi nghĩa.
Xét về nguyên nhân của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, chúng ta cần nhấn mạnh cội nguồn sâu xa trong chế độ bóc lột, áp bức của nhà Đường, trong tình hình kinh tế, xã hội và những mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân ta với chính quyền đô hộ. Như vậy, cuộc khởi nghĩa Hoan Châu nổ ra đã phản ánh ý chí độc lập, tự cường của cộng đồng dân tộc Việt chống lại ách đô hộ của chính quyền nhà Đường và là một sự tiếp nối và phát triển của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta thời Bắc thuộc.
(Còn nữa)
Khoa Lịch sử - Đại học Vinh