Bài 2: Lan tỏa tình người xứ Nghệ

16/04/2015 14:47

(Baonghean.vn) - Hiểu hơn cốt cách người Nghệ, yêu hơn ví, giặm Nghệ Tĩnh và mảnh đất xứ Nghệ là những xúc cảm đã được nhiều người chia sẻ sau đêm diễn " Ân tình ví, giặm" tại Nhà hát Bến Thành (TP Hồ Chí Minh).

TIN LIÊN QUAN

Bà Dương Thị Nga, người gốc Hà Nội vào thăm con ở TP. Hồ Chí Minh khi biết có đêm nhạc này đã đến xem bằng được. Bà cũng chia sẻ dù không thể hiểu được từ địa phương trong ví, giặm nhưng tôi yêu giai điệu, yêu những giá trị của ví, giặm bởi nó là cốt cách của người Nghệ.

Còn với PGS - TS Nguyễn Cảnh Huệ - Quyền Trưởng khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh là học sinh hệ chuyên khóa 1972 -1975 của Trường Phan Bội Châu khẳng định đây là hoạt động đầy ý nghĩa của Hội Cựu học sinh Trường Phan Bội Châu Nghệ Tĩnh đã kết nối tình quê hương, tình thầy trò và hơn cả là quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của dân ca”.

Thầy giáo Võ Thế Dũng - cựu giáo viên Trường Phan Bội Châu, người đã từng tham dự 2 đêm diễn là “Về miền ví, giặm” tại Trường Phan và đêm “Ân tình ví, giặm” tại nhà hát Bến Thành xúc động nói: “Đây là nét đẹp riêng có của học sinh Trường Phan, luôn hướng về mái trường đã nuôi dưỡng mình khôn lớn, hướng về các thầy, cô giáo cũ và có một tình yêu đặc biệt với câu hát quê hương, có những hành động đẹp để câu ví được lan tỏa. Và hơn hết là gửi được cái tình của người Nghệ đến với mọi miền đất nước qua ví, giặm”.

Tiết mục Đêm trăng phường vải.
Tiết mục "Đêm trăng phường vải"
Bần hát ghẹo - một tiết mục đã đem lại những tiếng cười sảng khoái cho khán giả
"Bần hát ghẹo" đã đem lại những tiếng cười sảng khoái cho khán giả

Ông Nguyễn Cảnh Nam - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, hàng năm Hội Doanh nghiệp đều tổ chức mời Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ vào biểu diễn phục vụ bà con người Nghệ Tĩnh trong này, nhưng tôi thực sự ấn tượng với đêm diễn này. Cũng những nghệ sỹ ấy, cũng với bàn tay đạo diễn đó nhưng lần này các nghệ sỹ biểu diễn với tinh thần phấn chấn hơn, hết mình hơn cũng có lẽ bởi sự nhiệt thành của đông đảo khán giả. Và chắc cũng bởi sự tôn vinh của thế giới đối với Dân ca ví giặm xứ Nghệ đã là “cú hích” để anh chị em nghệ sỹ cống hiến hết mình hơn cho nghệ thuật. Tôi nghĩ, đã đến lúc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cần xem ví, giặm là thế mạnh để phát triển du lịch, bởi từ những đêm nhạc như thế này sẽ có nhiều người hiểu hơn, yêu hơn ví, giặm và mỗi khi về với quê hương là muốn tìm về với ví, giặm”.

Cũng ngay sau đêm diễn, tràn ngập trên các trang Facebook cá nhân của các cựu học sinh là những tình cảm tốt đẹp dành cho đêm nhạc. Chị Nguyễn Thị Lệ Thu - cựu học sinh chuyên Toán - K12, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - hiện là Giám đốc Tiếp thị và Phát triển kinh doanh Bệnh viện FV tại TP. Hồ Chí Minh, có chồng là người Pháp nên chị vốn tiếp xúc nhiều với văn hóa nước ngoài, thế nhưng sau đêm diễn, chị chia sẻ trên trang cá nhân: “Một buổi tối thật tuyệt vời với Ân tình ví, giặm. Cùng với những trận cười sảng khoải là sự xúc động tràn đầy khi chìm đắm trong các giọng ca mượt mà được thể hiện hết sức duyên dáng của các nghệ sỹ quê nhà. Vừa lãng mạn, vừa sâu sắc, vừa dí dỏm, vừa trí tuệ... đó là những gì tôi cảm nhận được tình người xứ Nghệ từ câu ví quê hương”.

"Nghệ nhân nhí" Bình Dương đến từ CLB dân ca Phúc Thành (Yên Thành) với bài "Lời mẹ hát"
Giọng ca đầy triển vọng Thanh Xuân với điệu xẩm thương Công cha nghĩa mẹ ơn thầy
Giọng ca đầy triển vọng Thanh Xuân - 14 tuổi với điệu xẩm thương "Công cha nghĩa mẹ ơn thầy"

Anh Hoàng Nguyên Vũ - Giám đốc Nội dung tiếp thị - Tập đoàn truyền thông VCCorp chia sẻ “ Tôi đã tham gia nhiều chương trình tôn vinh những di sản văn hóa phi vật thể được UNESSCO công nhận, nhưng ít có chương trình nào để lại những cảm xúc khác nhau như chương trình này. Đó là một đặc sản đúng nghĩa của người Nghệ, không hề biến thiên qua thời gian; vẫn mộc mạc, chan chứa và chất đầy những suy tư, vẫn thể hiện đúng người Nghệ với sự thông minh, cầu thị và đoàn kết. Đáng ngạc nhiên, chương trình lại do các cựu học sinh của một ngôi trường đặc biệt trên đất Nghệ đứng ra tổ chức, bằng tất cả những ân nghĩa với mảnh đất nơi họ đã được sinh ra, và giáo dục họ nên người. Nó khơi dậy được lòng tự hào, tình yêu quê hương và ý thức bảo vệ di sản văn hóa cho dân tộc cho mỗi người. Cứ tinh thần ấy, trách nhiệm ấy và tình cảm ấy, tôi tin các di sản văn hóa không những không mất đi, mà nó luôn được sống trong đời sống của người dân Việt Nam.

Và thế là, bắt đầu từ trang “Ký ức Trường Phan xứ Nghệ” trên Facebook, đã có rất nhiều thế hệ học trò Trường Phan tìm được sợi dây kết nối với thầy cô, bạn bè và mái trường yêu dấu của mình nhân dịp kỷ niệm 50 năm hệ chuyên và 40 năm thành lập Trường Phan. Để rồi từ đây, đã có rất nhiều hoạt động ý nghĩa do các cựu học sinh Trường Phan phát động như tri ân thầy cô giáo, hướng đến các chiến sỹ đang cầm súng nơi đầu sóng ngọn gió và gần đây nhất là việc tổ chức 3 show tại Vinh, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để góp phần giữ gìn và phát huy Dân ca ví, giặm.

Chương trình nghệ thuật “Ân tình ví, giặm” được tổ chức giữa những ngày tháng Tư lịch sử giữa thành phố mang tên Bác đã góp một phần nhỏ để ví, giặm được bảo tồn và lan tỏa hơn trên khắp mọi miền đất nước, để Dân ca ví, giặm trường tồn mãi với thời gian và quê hương xứ Nghệ. Và trong sâu thẳm để mỗi học trò Trường Phan tự hào thêm với nơi mình đã sinh ra, nuôi mình khôn lớn và bởi mình có ví, giặm!

Bài: An Nhân

Ảnh: Nhóm ảnh Crosing Bridge

Mới nhất
x
Bài 2: Lan tỏa tình người xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO