Bài 2: Lao động bỏ trốn và hệ lụy

02/06/2015 08:26

(Baonghean) - Như đã đề cập, thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc đang là thị trường hấp dẫn về thu nhập và độ ổn định cao. Tuy nhiên, tại Nghệ An, hiện còn 1.031 lao động đã thi xong tiếng Hàn, có chứng chỉ nhưng vẫn phải “vò võ” chờ được đi lao động ở xứ sở kim chi. Nguyên nhân chính là do Việt Nam chưa khống chế được tình trạng lao động bỏ trốn ở nước bản xứ. Còn tại

Gian nan giải quyết lao động bỏ trốn

Thay vì ký hợp đồng dài hạn, từ khoảng 3 năm trở lại đây do lao động của Việt Nam trốn ra ngoài làm việc, cư trú bất hợp pháp sau khi hết hợp đồng quá nhiều, nên mỗi 1 năm Chính phủ Hàn Quốc mới ký kết hợp tác lao động với Việt Nam một lần. Bởi thế, từ năm 2011 đến nay, Việt Nam chưa tổ chức thi thêm một kỳ thi tiếng Hàn nào và các trường hợp được trở lại Hàn Quốc chỉ ưu tiên cho 2 đối tượng: Thứ nhất là những người đã đỗ kỳ thi chứng chỉ tiếng Hàn theo Chương trình EPS và thứ 2 là những người lao động Việt Nam đã hoàn thành đúng quy định lao động về nước để thi lại. Bên cạnh đó, ưu tiên cho một số đối tượng là hộ nghèo (Bộ LĐ - TB&XH tổ chức cuộc thi riêng cho các hộ nghèo) và chương trình cấp phép E7 dành cho những lao động có tay nghề cao (thường là những lao động có trình độ tiếng Anh, trình độ tay nghề cấp quốc tế và có nhiều năm kinh nghiệm).

Gia đình em Công ở xã Nghi Phong (Nghi Lộc) trình bày với P.V về việc bị doanh nghiệp môi giới XKLĐ lừa đảo.
Gia đình em Công ở xã Nghi Phong (Nghi Lộc) trình bày với P.V về việc bị doanh nghiệp môi giới XKLĐ lừa đảo.

Tuy số lượng đã rất bó hẹp, chủ yếu là đối tượng “ưu tiên”, nhưng vì số lượng lao động Hàn Quốc hàng năm tuyển dụng có hạn, nên hiện vẫn có hàng nghìn lao động đã có chứng chỉ mà vẫn chưa được sang Hàn Quốc làm việc. Riêng tại Nghệ An con số này hiện có tới 1.031 người. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến những lao động về nước đúng thời hạn và tác động tiêu cực đến tâm lý những lao động đang làm việc ở nước sở tại.

Nói về tình trạng này, ông Ngô Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Nghi Hải, địa bàn có số lao động đang làm việc tại Hàn Quốc đông nhất Thị xã Cửa Lò, chia sẻ rằng: Mỗi một năm phường Nghi Hải được thông báo có gần 20 trường hợp phải về nước đúng thời hạn. Ngoài tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng, phường cũng đã tổ chức nhiều cuộc vận động đến từng gia đình; nhưng ở nhà cam kết là một lẽ, người ở Hàn Quốc có về hay không lại là một chuyện khác...

Trò chuyện với anh Nguyễn Hữu Việt ở xã Diễn Hải (Diễn Châu), người có 8 năm làm việc từ Hàn Quốc trở về, anh nói: “Mặc dù 8 năm tôi chỉ làm một công ty những vẫn nhận thấy được rõ ràng lao động chính thức và lao động “chui” khác nhau thế nào. Cụ thể nhất là về quyền lợi: Nếu mình là lao động hợp đồng thì mình được đóng bảo hiểm, được hưởng các chế độ nghỉ lễ, nghỉ phép đầy đủ. Khi đã là lao động “chui” thì đi ra ngoài đều phải “nhìn trước ngó sau”, sơ sẩy là bị công an bắt. Chủ lao động ngoài trả lương thì không cho mình một quyền ưu tiên nào khác...”.

Anh Việt cũng nói thêm rằng: Người lao động Việt Nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc chủ yếu bởi 3 nguyên nhân. Trước tiên là vì mục đích kinh tế, bởi đối tượng tham gia xuất khẩu lao động hầu hết có thu nhập thấp, trước khi đi lao động ở nước ngoài phải vay mượn số tiền khá lớn nhằm trang trải chi phí từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Do đó, sức ép đối với họ để mau chóng hoàn trả vốn và có một khoản tích lũy để làm ăn khi về nước cũng rất lớn. Hơn nữa, mức thu nhập của người lao động được trả tại Hàn Quốc khá cao nên nhiều người sau khi hết hợp đồng không chịu về mà cố tình trốn ra ngoài để ở lại làm “chui” bất chấp rủi ro.

Đối tượng thứ 2 là những lao động thuộc diện bị lừa đảo. Đây là những người bị những kẻ cò mồi, môi giới lừa đảo. Khi ra nước ngoài, họ biết rằng mình không phải đi theo con đường chính thống nên phải tìm đường trốn, chấp nhận cư trú bất hợp pháp để tìm việc khác với mong muốn kiếm tiền để thu hồi vốn chi phí đã bỏ ra. Qua tìm hiểu một số người đã từng có thời gian làm việc tại Hàn Quốc, chúng tôi còn được biết: Theo quy định bắt buộc của nước sở tại, khi người lao động làm việc theo đơn hàng, họ được chủ sử dụng lao động đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm cũng như an sinh xã hội. Tuy nhiên, khi họ bỏ ra ngoài làm việc, do chủ sử dụng lao động không phải đóng các chế độ theo quy định, nên các khoản này được chi trả cho người lao động. Vì vậy, số lao động “chui” cũng được nhận lương cao hơn.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói thêm rằng: Vấn đề cốt lõi vẫn là nhận thức của người lao động. Những lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thiếu ý thức tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật Hàn Quốc, chỉ biết đến lợi ích cá nhân mà không hề nghĩ đến lợi ích cộng đồng.

Thiệt thòi cho người lao động ở quê nhà

Tình trạng lao động bỏ trốn cũng ảnh hưởng đến những người về nước đúng thời hạn. Chị Ngô Thị Trang ở khối Tân Phúc, phường Nghi Hòa (TX. Cửa Lò) từ Hàn Quốc trở về được hơn 1 năm theo đúng thời hạn. Thời điểm chị Trang về, gia đình rất kỳ vọng, bởi theo như quy định, những lao động gương mẫu là đối tượng “ưu tiên” số 1 để trở lại làm việc. Tuy nhiên, từ 2 năm nay do Việt Nam chưa hạn chế được tình trạng lao động bỏ trốn, nên mỗi năm Hàn Quốc chỉ cho phép một số lượng nhỏ đi xuất khẩu lao động. Vì vậy, dù đã chuyển hồ sơ lên Cục Quản lý lao động ngoài nước đã lâu, nhưng chị Trang và nhiều người về nước đúng thời hạn chưa có cơ hội để trở lại Hàn Quốc làm việc. Dù hoàn cảnh đang còn rất khó khăn, nhưng đầu tháng 4 năm nay, khi biết em trai Ngô Quốc Việt đã hết hạn xuất khẩu lao động theo Chương trình EPS, chị và gia đình lại tiếp tục vận động để Việt về nước đúng thời hạn. Hôm chúng tôi đến, Việt đang ra Hà Nội ôn tiếng để tiếp tục chuẩn bị cho kỳ thi tiếng Hàn do Bộ LĐ - TB&XH tổ chức dành cho những lao động về nước thực hiện đúng cam kết.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Ngô Văn Nam, bố của chị Trang và Việt thành thật kể: Mặc dù Trang và Việt đều đi lao động theo Chương trình EPS, nhưng số tiền mà gia đình phải chi trả cho một người đi nhiều hơn rất nhiều số tiền 636 USD theo quy định của Bộ LĐ - TB&XH. Thậm chí trường hợp của Việt, mặc dù thời điểm ấy gia đình đã rút kinh nghiệm, biết hồ sơ của Việt được Hàn Quốc chọn là hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng sát ngày đi vì sợ đối tượng “cò mồi” gây khó dễ, gia đình vẫn phải bấm bụng chi thêm gần 100 triệu đồng (ngoài kinh phí chính)..

Cơ hội sang Hàn Quốc ngày càng bị thu hẹp, vì vậy, bằng nhiều cách khác nhau, nhiều lao động đã tìm cách “lách” luật. Dễ nhận thấy nhất là việc sang Hàn Quốc bằng con đường “du học”. Mới đây, trò chuyện với ông Lưu Giang Nam, Trưởng phòng Thị trường Công ty Incomex, ông cho biết: Thực chất của việc du học rất tốt và nếu thực hiện đúng, người lao động có thể “đường đường chính chính” sinh sống tại Hàn Quốc. Đơn giản, vì học sinh du học hầu hết có khả năng ngoại ngữ tốt, có kiến thức nên có rất nhiều cơ hội để đi làm những công việc được trả lương cao như phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch.

Hơn thế, đối tượng du học là người sống hợp pháp nên trong thời gian làm việc không phải đóng thuế, rất có lợi về kinh tế...Tất nhiên, để có được kết quả này, học sinh du học phải mất ít nhất gần 2 năm để làm quen với ngôn ngữ, phong tục, tập quán nước sở tại và có một trình độ kiến thức, tay nghề nhất định. Còn hiện tại, đối tượng đi du học chủ yếu muốn “ăn xổi ở thì”, coi du học là con đường ngắn nhất để hợp pháp sang Hàn Quốc. Sau đó, chỉ dăm bữa nửa tháng là tìm cách trốn ra ngoài làm việc. Hiện ở Công ty Incomex cũng rất “đau đầu”, bởi từ đầu năm 2015 đến nay, 80% học sinh sang du học qua công ty chỉ sau 1 tháng là trốn ra ngoài, chấp nhận sống chui lủi để làm việc. Về phía công ty cũng bất khả kháng, chưa có giải pháp nào để hạn chế tình trạng này, kể cả cầm cố bìa đỏ nhà đất của các trường hợp du học.

Đây cũng là vấn đề của nhiều công ty du học hiện nay. Tại buổi tư vấn du học của Công ty Atlanta, đại diện công ty cũng thẳng thắn nói rằng: Tôi rất tiếc khi nhìn thấy một thực trạng đó là các em học sinh của chúng ta gọi là đi du học, nhưng thực chất lại sang Hàn Quốc để kiếm việc làm. Đây là một điều rủi ro lớn, bởi chi phí đi du học (bao gồm cả tiền học phí rất cao), gần 200 triệu đồng/người. Nếu qua đó sau khi trốn ra ngoài các em bị bắt, bị trục xuất thì gánh nặng kinh tế đè lên gia đình lại rất lớn. Tìm hiểu cũng biết thêm rằng, bên cạnh du học, nhiều lao động khác lại chọn sang Hàn Quốc bằng con đường du lịch, bằng cách đi qua một nước trung gian, theo đường thủy rồi bỏ trốn lên bờ làm việc...

Thời gian gần đây, Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh cũng đã tiếp nhận được nhiều đơn tố cáo của người lao động về việc lừa đảo của Bùi Văn Phúc - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại xuất, nhập khẩu Phúc Đức có địa chỉ tại 134, Kim Đồng (TP. Vinh) trong việc đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc bất hợp pháp. Đến nhà em Nguyễn Chí Công, xóm Phong Thịnh, xã Nghi Phong (Nghi Lộc) - một trong những đối tượng bị Phúc lừa đảo gần 200 triệu đồng, được biết: Vì có anh trai đang làm việc tại Hàn Quốc nên sau khi học xong cấp III gia đình có ý định đưa Công sang Hàn Quốc cùng làm việc.

Qua người quen trong xã, gia đình được giới thiệu đến Công ty TNHH xây dựng và thương mại xuất, nhập khẩu Phúc Đức và được hướng dẫn sang Hàn Quốc bằng con đường du học. Một thời gian, vì không thực hiện được, nên Phúc lại hứa đưa sang Hàn Quốc bằng con đường bảo lãnh. Để chắc chắn, Phúc đã gọi gia đình Công và nhiều gia đình khác đến, giới thiệu cho họ tấm visa đã được đóng dấu. Mặc dù khi đó, hình ảnh của tấm visa chỉ được nhìn thấy trên mạng, nhưng vì tin tưởng Phúc nên các gia đình vẫn chấp nhận đóng cho Phúc 11.000 USD và về nhà khấp khởi chờ ngày con em họ được bay sang Hàn Quốc.

Sau đó 1 tháng, Công cũng được công ty thông báo vào TP. Hồ Chí Minh làm thủ tục, nhưng vào đó hơn 30 ngày nằm chờ mà chưa xuất cảnh được. Đến cuối tháng 3/2014, Công và 5 người khác được phía công ty cho biết sẽ sang đảo Chechu bằng đường du lịch. Tuy nhiên, khi tất cả vừa đặt chân đến sân bay của đảo Chechu thì bị trục xuất về nước vì bị nghi ngờ là lao động bất hợp pháp. Từ khi về Việt Nam, biết chắc mình bị lừa, Công và nhiều người lao động khác đã tìm khắp nơi để tìm Phúc đòi lại tiền nhưng bất thành. Quá lo lắng, các gia đình đã phải tìm đến cơ quan công an để tố cáo.

Tìm hiểu ở phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Sở Giáo dục và Đào tạo cũng được biết: Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hàng chục công ty có đăng ký thông báo việc đăng ký du học Hàn Quốc, nhưng thực chất chỉ khoảng hơn 10 đơn vị là được cấp phép. Tuy nhiên, ngay cả những đơn vị đủ điều kiện cũng chưa chứng minh được làm ăn có hiệu quả.

Còn trả lời chúng tôi về việc lao động bị lừa qua Hàn Quốc, Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh - Phó Đội trưởng Đội Điều tra - Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Nghệ An nói rằng: Hầu hết những nạn nhân bị lừa đảo đều đã biết trước đây đều là con đường lao động bất hợp pháp nhưng họ vẫn chấp nhận rủi ro, miễn là được sang Hàn Quốc. Đến khi sự việc vở lỡ báo cho cơ quan công an thì đã muộn, đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa bàn nên việc điều tra, xác minh gặp nhiều khó khăn...

(Còn nữa)

Mỹ Hà - Khánh Ly

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Bài 2: Lao động bỏ trốn và hệ lụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO