Bài 2: Người Tây Nguyên trên đất Nghĩa Đàn

31/12/2012 18:14

Trong một dịp lên tìm hiểu về các dân tộc đang sinh sống tại huyện miền núi Nghĩa Đàn, tôi được ông Lương Bá Viễn (Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện) cho biết, tại đây có một số hộ dân từ trong Tây Nguyên chuyển ra sinh sống, và mang theo dòng họ của người Ê đê, người Giẻ Triêng đến mảnh đất vùng tây bắc xứ Nghệ...

(Baonghean) - Trong một dịp lên tìm hiểu về các dân tộc đang sinh sống tại huyện miền núi Nghĩa Đàn, tôi được ông Lương Bá Viễn (Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện) cho biết, tại đây có một số hộ dân từ trong Tây Nguyên chuyển ra sinh sống, và mang theo dòng họ của người Ê đê, người Giẻ Triêng đến mảnh đất vùng tây bắc xứ Nghệ...

>>Bài 1: Người Nùng trên quê mới

Theo lời chỉ dẫn của ông Viễn, tôi tìm lại 2 gia đình người dân tộc Ê Đê đang sinh sống tại xã Nghĩa Hội, Nghĩa Đàn. Gồm hộ ông Niê P. Vinh (xóm Đông Hội 1), và Niê P. Quang (xóm Hòa Hội). Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Niê P. Vinh đã đi làm ăn xa tận bên Lào, còn ông Niê. P Quang đã mất cách đây hơn 5 năm. Chị Nguyễn Thị Hòa (SN 1970), vợ ông Quang cho biết: “Nhà tôi mất rồi, nhà bác Vinh cũng đi làm ăn xa, con cháu chúng tôi giờ chẳng giữ được cái gì của cha cả. Ngày xưa, chúng tôi cũng hỏi cha về quê quán, nhưng cha bảo đi bộ đội từ năm 14, 15 tuổi, khi đi anh em không còn ai, rồi tập kết ra Bắc, nên cũng không nhớ chính xác làng mình ở đâu. Mà ngày xưa cha nói khó nghe lắm, không biết dạy con cháu tiếng Ê Đê. Chúng tôi chỉ giữ được cái họ thôi, giờ con cháu đi học chúng cũng đều thích khi thấy được mang dòng họ khác lạ với xung quanh của mình”.

Cũng theo lời chị Hòa, ngày xưa cha mình có 2 người anh em kết nghĩa là ông Bưởi và ông Bứng. Các ông đều già rồi, không biết còn sống nữa hay không? Thật may mắn, khi tìm đến xóm 8, xã Nghĩa Phú, người dân ở đây ai cũng biết ông Bứng người Tây Nguyên, ông vẫn còn sống khỏe mạnh.



Ông Đinh U Bứng với công việc đan lát hằng ngày.

Gia đình ông Đinh U Bứng, người dân tộc Giẻ Triêng duy nhất hiện đang sinh sống tại Nghĩa Đàn. Quê hương của ông Bứng là ở xã Xốp (xưa là làng Bồng Băng), huyện Đắck Glei, tỉnh Kon Tum. Năm 18 tuổi, ông tham gia đi bộ đội để đánh Pháp. Đuổi được giặc Pháp đi rồi, năm 1954, người lính Cụ Hồ từ Tây Nguyên tập kết ra Bắc, trên người chỉ mang theo bộ quân phục, khẩu súng... ông hào hứng khoe: “Ngày xưa, tôi còn là bạn của Anh hùng Núp đấy, năm 1951 họp Chiến sĩ thi đua ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, Anh hùng Núp được hạng Nhất, có huân chương, còn tôi được hạng Nhì, chỉ có giấy khen thôi”.

Tập kết ra Bắc, ông Đinh U Bứng được ra Hà Nội để học văn hóa. “Hồi đó tôi đã biết chữ đâu, phải học văn hóa, 25 tuổi còn học i tờ đó, nhưng có cái chữ thì mới làm việc được, phải cố gắng”. Sau khi học văn hóa ở Hà Nội 7 năm, ông về công tác tại huyện Nghĩa Đàn. được học tiếp Trung cấp Kỹ thuật 3 năm, rồi làm công nhân tại Nông trường 22/12. Từ đó, ông lấy vợ, sinh con và gắn bó với mảnh đất này, cho đến nay đã 83 tuổi. Cũng tại đây, ông kết nghĩa anh em với ông Bưới, ông P. Lum đều là những cán bộ tập kết như mình, cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống. “Ông Bưới quê ở Quảng Nam, là người Kinh, chỉ có P. Lum người Ê Đê thôi”.

Suốt gần 50 năm sống xa quê, ông già Bứng vẫn giữ tiếng nói của mình: “Tiếng mẹ đẻ làm sao mà quên được”, vẫn nhớ những phong tục tập quán của dân tộc Giẻ Triêng, dù ngày đi bộ đội, chỉ mới 18 tuổi. Ông kể, người Giẻ Triêng con trai đóng khố, còn con gái mặc váy, con trai thạo đan lát, con gái giỏi dệt vải. Đến 13, 14 tuổi là con trai con gái yêu nhau rồi. Khi thấy ưng nhau, xin phép 2 bên gia đình về ở với nhau. Ngày cưới, có ché rượu, tặng nhau cái vòng bạc, nhà nghèo thì vòng đồng. Ở nhà con gái ít năm, rồi lại về nhà con trai ở. Cứ thay phiên nhau như thế cho đến khi bố mẹ 2 bên qua đời mới ra ở riêng.

Người Giẻ Triêng cũng có ngày lễ tết, không gói bánh chưng, bánh dày như người Kinh, mà ăn cơm bình thường. Cơm của người Giẻ Triêng được cho vào ống nứa, rồi đốt trên lửa cho chín mà ngoài Bắc vẫn gọi là cơm lam. Cũng có làm con heo, con gà để cúng thần linh, tổ tiên, nhưng ngày xưa còn nghèo lắm, nhà nào không có heo, có gà, thì cúng bằng con chim, con chuột bẫy được. Ngày tết, mọi người tập trung giữa làng, rồi đánh cồng, đánh chiêng, nhảy múa, vui lắm!

Ngoài cồng chiêng, người dân làng Bồng Băng còn có đàn M’bin được làm từ vỏ quả bầu khoét rỗng phía sau, tạo ra những âm thanh vui tươi.

Ông già Bứng nói: “Tôi đi khỏi làng bản từ ngày còn thanh niên, nên không nhớ được nhiều. Nhưng sau khi đánh đuổi hết giặc Pháp, giặc Mỹ là tôi tìm về quê mình chứ. Cứ vài ba năm vợ chồng con cái lại về Kon Tum. Năm ngoái, chúng tôi vừa ăn tết trong quê đấy, còn được coi lễ hội đâm trâu”.

Ở đây, ông lấy vợ là người Kinh, sống với người Kinh nên mình cũng theo mọi người, sống hòa thuận, thương yêu xóm làng, tham gia hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ địa phương, tích cực giúp đỡ mọi người. Tiếng nói của ông khi nói chuyện với tôi là tiếng Kinh, vẫn mang âm điệu không thể trộn lẫn được của một người dân tộc phía miền trong của đất nước. Năm nay ông Đinh U Bứng đã có hơn 60 năm tuổi Đảng, cả cuộc đời đã cống hiến sức mình cho Tổ quốc, dù ở bất cứ nơi đâu.

Khi chỉ có riêng một gia đình, thì khó để phát huy bản sắc của mình, nhưng họ đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tại nơi họ sinh sống. Và sâu thẳm trong tim, họ vẫn có sự nhớ mong và quay về với nguồn cội. Ông Bứng có 5 người con gái, thì có 3 người đã quay lại huyện Đắck Glei sinh sống, cô con gái thứ 3 trở về đúng làng Xốp quê ông đi dạy học và cũng là cô con gái duy nhất nói thạo tiếng Giẻ Triêng.


Hồ Lài

Mới nhất
x
Bài 2: Người Tây Nguyên trên đất Nghĩa Đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO