Bài 2: Nhà sàn, thổ cẩm và guồng nước
Ông Vi Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết, địa phương vùng cao này có mỗi bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến) là quen với nghề du lịch. Qua báo chí, tôi đã biết bản có làng nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng khắp gần xa. Sản phẩm có mặt trong Nam, ngoài Bắc. Nghe đâu, đã sang tận trời Âu, đất Mỹ...
(Baonghean) - Ông Vi Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết, địa phương vùng cao này có mỗi bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến) là quen với nghề du lịch. Qua báo chí, tôi đã biết bản có làng nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng khắp gần xa. Sản phẩm có mặt trong Nam, ngoài Bắc. Nghe đâu, đã sang tận trời Âu, đất Mỹ...
Từ hơn chục năm nay, người Hoa Tiến đã quen với những đoàn khách du lịch đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Pháp... Mỗi năm, có dăm bảy lượt khách nước ngoài đến bản. Khách du lịch trong nước thì đến thường xuyên hơn, bình quân mỗi tháng vài ba lượt.
Trước đây, tôi tình cờ gặp những bà mế bản Hoa Tiến và ghế mây, thổ cẩm, hương trầm trên đất thủ đô. Lần đó Liên minh HTX Việt Nam tổ chức hội chợ các làng nghề truyền thống tại Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội). Bằng sự chất phác vốn có, những bà mế đã thuyết phục được các vị khách phương Tây khó tính nhất vui vẻ móc hầu bao mua sản phẩm thổ cẩm. Ngày ấy, tôi từng nghĩ ngoài sự kỳ công sáng tạo, một điều làm nên thành công của họ là nhờ sự hồn nhiên, trung thực trong khâu tiếp thị sản phẩm.
Canh cửi - nghề phụ của phụ nữ nơi đây. Ảnh: Trần Ngọc Lan
Chỉ có ngần ấy “dữ liệu” về các bà mế Hoa Tiến trước khi tôi ghé thăm làng bản của họ, một ngày đầu tháng 2 âm lịch. Nhà bà Sầm Thị Bích ở ngay đầu bản, cũng là nơi đặt gian hàng dệt may thổ cẩm có gắn biển ghi bằng 2 ngôn ngữ Việt và Anh. Trong nhà các nghệ nhân dệt thổ cẩm vẫn cần mẫn làm việc, chỉ có chủ nhà rót nước mời khách. Bà Bích cho hay, tổ dệt của bà đang gấp rút chuẩn bị hàng tham gia hội chợ tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 4 sắp tới. Phụ nữ làm nghề canh cửi nơi đây đã quá quen thuộc với báo chí, truyền hình, những người góp một phần lớn làm nên tiếng tăm của làng nghề.
Bà Bích kể, từ khoảng năm 1996 đến nay, cứ vào đầu năm bản lại được đón những đoàn du khách Pháp. Họ đến thăm thú làng bản, những guống nước tưới ruộng. Một hoạt động thường xuyên nhất của họ là leo núi, khám phá thiên nhiên. Hầu như mỗi cuộc viếng thăm họ đều lên đầu nguồn con sông, ngọn suối rồi xuôi bè về bản. Khách du lịch ngoại quốc mà dân bản Hoa Tiến quen gọi là những người “đi thể thao”, cũng là nguồn tiêu thụ quan trọng đối với sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ nơi đây. Nhờ họ, sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến có cơ hội xuất ngoại. Theo bà Bích, vui nhất vẫn là khi có khách Thái Lan. Họ vẫn ít nhiều có sự tương đồng về văn hóa với người Thái Việt Nam, nhất là trong ngôn ngữ. Thế nên khách Thái đến bản lại mở hội rượu cần tiếp đón.
Những dịp đến với bản, các đoàn khách du lịch Pháp thường chọn nhà trưởng bản Sầm Văn Duẩn làm chỗ lưu trú. Căn nhà có từ năm 1996, theo kiến trúc cổ nhà sàn người Thái. Ông Duẩn cho biết, khách du lịch đến đây thường không cầu kỳ trong sinh hoạt. Họ sẵn sàng ngủ trong căn buồng mà người dân nơi đây vẫn có thói quen nhường lại khi có khách quý. Khách Tây cũng ăn những món của người Thái, như canh bón, canh ột, hòa nhã như người bản. Họ cũng nghe hát nhuôn, xuối, thổi pí và thích kiến trúc nhà sàn...
Ông Duẩn cho biết thêm, điều khiến du khách thích tìm đến với bản Hoa Tiến, ngoài những sản phẩm thổ cẩm vốn được báo chí nhắc đến rất nhiều thì kiến trúc nhà sàn và nếp sinh hoạt của bản thuần người Thái này cũng có thể coi như một sản phẩm du lịch. Khách nước ngoài vốn ưa thích những cánh đồng lúa và guồng nước tưới ruộng của dân bản. Không chỉ đi du lịch họ còn tổ chức các hoạt động từ thiện, trao tặng quà cho học sinh. Một điều quan trọng nữa, theo ông Duẩn, nhờ những khách du lịch mà bà con nơi đây có ý thức gìn giữ cảnh quản môi trường. “Khách đến đây thường cho vỏ kẹo và các thứ thải loại và thùng rác. Điều này, khiến người bản rất suy nghĩ vì ý thức gìn giữ môi trường sống”. - Ông Sầm Văn Duẩn nói thêm. Cảnh quan sạch đẹp cũng là một trong những yếu tố thu hút du khách quay trở lại với Hoa Tiến.
Những guồng nước ở Hoa Tiến. Ảnh: Trần Ngọc Lan
Tuy nhiên, hoạt động du lịch cũng chỉ mới là nghề phụ của bà con nơi đây. Những người có thu nhập khá nhất từ hoạt động du lịch và sản xuất, kinh doanh thổ cẩm là các xã viên của Hợp tác xã thổ cẩm Hoa Tiến, mỗi tháng khoảng 1,5 triệu đồng. Xã viên Lô Thị Nga chia sẻ: Nghề nông vẫn là nguồn sống chính của cả bản. Còn trưởng bản Sầm Văn Duẩn cho rằng, lượng khách du lịch đến bản Hoa Tiến vẫn ít là do khâu quảng bá và đầu tư xây dựng hạ tầng chưa được chú trọng.
Chúng tôi đi ngang qua cánh đồng Tổng Mộng đầu bản để trở về xuôi thì vừa hoàng hôn. Mặt trời ửng đỏ khuất dần sau chóp núi. Giữa đồng lúa xánh ngát, những chiếc guồng tưới vẫn nhẫn nại rót từng ống nước lên chiếc mãng dẫn vào ruộng. Trên lối cỏ, người nông dân đánh trâu về bản vẻ nhàn tản thong dong. Phía xa, những mái nhà sàn ẩn hiện dưới tán cây. Tất cả gợi nên một bức tranh yên bình nơi sơn dã. Tôi chợt nghĩ, sau này nếu chính quyền địa phương xây dựng nơi đây thành một điểm du lịch kèm theo đó là các hạng mục hạ tầng quy mô liệu còn giữ được vẻ bình dị vốn đã và đang làm nên sức hút của bản Hoa Tiến đối với du khách phương xa.
Hữu Vi