Bài 2: Những cách làm sáng tạo, tự chủ

15/05/2015 09:36

(Baonghean) - Nhiều bản vùng cao đã chủ động khắc phục, có nơi, bà con tự đóng góp tiền của để cùng nhau làm công trình nước sạch, phục vụ cuộc sống của gia đình mình...

Không để lãng phí công trình

Bản Nam Đình, xã Chi Khê, huyện Con Cuông có 117 hộ, được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tự chảy năm 2007, với 9 bể nước cộng đồng. Tại mỗi bể nước, được lắp đặt van đóng mở, có sân sinh hoạt, nhà tắm... Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, do ý thức của một số người dân kém, dẫn đến một số thiết bị hư hỏng, hơn nữa tại các bể nước không có hệ thống thoát nước nên nước thải ứ đọng, gây mất vệ sinh chung. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng, người dân đi làm về tập trung đến các bể chứa nước tắm giặt, rửa ráy... dẫn đến tình trạng tranh giành, chen lấn nhau.

Năm 2010, xuất phát từ ý kiến của một số người dân rằng các hộ nên đầu tư lắp đặt hệ thống dẫn nước về tận từng nhà, vừa đỡ phải chen lấn, lại nâng cao ý thức bảo vệ công trình. Thấy ý tưởng hợp lý, khả thi, người dân bản này đã thống nhất cao thực hiện.Theo đó, mỗi hộ dân đầu tư mua van đóng, mở ống dẫn nước và xây dựng bể chứa nước... để lắp đặt ống dẫn nước từ trục chính vào nhà. Được HĐND xã đồng ý, chỉ trong 2 tháng của năm 2011, gần 100% số hộ lắp đặt được hệ thống dẫn nước về tận nhà. Tùy theo thực tế của từng hộ để đầu tư, hộ ít nhất đầu tư 300 nghìn đồng, nhiều nhất 1 triệu đồng.

Sau khi làm xong, các gia đình đã được sử dụng nước thoải mái, không lo mưa, nắng mỗi khi ra bể nước cộng đồng như trước. Bản còn thống nhất, mỗi hộ đóng 10.000 đồng/tháng để có kinh phí hỗ trợ cho tổ quản lý, bảo vệ công trình từ đầu nguồn về tận bản. Bà Lô Thị Thám, người dân bản Nam Đình, phấn khởi nói: “Từ khi có nước về tận nhà, mình sử dụng thoải mái, tiện lợi hơn, không sợ thiếu nước như trước nữa. Không những tắm giặt, sinh hoạt, gia đình còn dùng nguồn nước này để trồng rau trong vườn, cải thiện bữa ăn hàng ngày”. Cách làm này cũng được bà con các bản Liên Đình, Trung Đình, Sơn Khê, Tổng Chai và Bãi Văn áp dụng. Vậy nên công trình nước ở những nơi đây luôn hoạt động hiệu quả, nhân dân rất phấn khởi.

Ông Lô Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Chi Khê, cho biết: 6 bản nói trên có 415 hộ, đến nay đã có 403 hộ lắp đặt được hệ thống dẫn nước về tận nhà. Thấy cách làm hay của 6 bản trên, năm 2014, bản Chằn Nằn đã đề xuất với xã xin được làm theo, được HĐND xã đã đồng ý, bà con trong bản đang đầu tư lắp đặt hệ thống dẫn nước.

Ngược xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) chúng tôi cũng thấy bà con ở đây có biện pháp bảo vệ công trình của mình bằng cách bầu ra tổ quản lý công trình. 11 bản của xã Tà Cạ đều được xây dựng công trình nước tự chảy từ chương trình, dự án đầu tư của OXFAM, 134CP, 135CP. Tổ quản lý công trình được bầu từ 3 đến 4 người chịu trách nhiệm phân phối, điều tiết nước về bể chứa cũng như bảo dưỡng hệ thống đường ống dẫn nước. Ngoài ra, để nước đầu nguồn luôn được sạch sẽ, người dân ở đây đã thống nhất không được chặt phá rừng đầu nguồn, không dùng thuốc bảo vệ thực vật ở rẫy và không thả gia súc gần nguồn nước. Ý thức của từng người dân được nâng cao, nên các công trình cấp nước tại xã Tà Cạ hoạt động tốt sau hàng chục năm xây dựng.

Còn bà con bản Thơ của xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) trước đây sử dụng nguồn nước giếng đào là chủ yếu. Vào mùa khô, giếng thường khô trơ đáy, bà con phải đi rất xa để mang nước về nhà sinh hoạt. Từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng một công trình nước sinh hoạt tự chảy bằng nguồn vốn 134/CP với 7 bể chứa tại 7 điểm khác nhau, bà con trong bản mừng lắm, xem đây là tài sản chung, ai cũng có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn. Đã có những quy định bất thành văn, nhưng đã hình thành trong nếp nghĩ, ý thức của bà con. Cả 7 bể nước đều được xây dựng hàng rào bảo vệ bằng thép B40 và bể nào cũng đầy nước. Bà Vi Thị Đầu, nhà gần bể số 3, nói: Bà con trong bản thường xuyên nhắc nhở nhau, khi ra bể tắm giặt hay rửa rau cỏ... không được làm mất vệ sinh, mỗi lần sử dụng xong phải vặn chặt vòi lại, không để nước chảy tự do. Khi bị tắc nước, bản cử người đi kiểm tra, xử lý. Ở đây mỗi người trong bản đều có ý thức bảo vệ công trình nước để sử dụng lâu dài.

Trưởng bản Lê Văn Truyền cho biết thêm: Những lúc mưa to, lũ lụt, lá cây, đất đá chui vào đường ống dẫn nước, gây tắc nghẽn. Để kịp thời khắc phục, bản bố trí người lên tận đầu nguồn nạo vét, sửa chữa. Bằng cách làm đơn giản như vậy, chưa khi nào địa phương phải đóng góp tiền để khắc phục, sửa chữa đường ống. Ông Lữ Văn Thấn, nhà ở gần bể số 2 chia sẻ với chúng tôi kinh nghiệm sửa đường ống mỗi khi bị đất đá lấp: “Sau mỗi trận lũ lụt là đàn ông chúng tôi bảo nhau mang cuốc, xẻng, lên tận đầu nguồn để xúc đất, đá, cây que ra khỏi miệng ống. Nếu đường ống dẫn nước bị tắc, theo kinh nghiệm thực tế, mỗi người đi một khúc, dùng thân cây đập nhẹ vào đường ống để đất, đá phía trong long ra, dòng nước thông ngay”.

Không trông chờ Nhà nước

Đối với nhiều địa phương chưa được nhận hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, bà con đã bảo nhau không nên trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, mà chủ động đóng góp kinh phí xây dựng công trình nước sinh hoạt. Một số bản như Hòa Sơn, Sơn Hà, Sơn Thành của xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) bà con còn thành lập các tổ nước riêng để tự xây dựng các công trình dẫn nước chứ không đợi nguồn hỗ trợ từ các dự án hay ngân sách của huyện. Mỗi tổ như vậy thường có từ 10 đến 15 hộ cùng góp kinh phí từ 2 đến 4 triệu đồng/hộ. Đó là số tiền không hề nhỏ so với thu nhập của người dân ở đây, nhưng bà con vẫn đồng lòng quyết tâm thực hiện. Ông Lô Xuân Việt, một người dân bản Hòa Sơn, cho hay: “Gia đình chủ yếu làm nương rẫy, vì vậy khoản tiền vài triệu đồng cũng là lớn, nhưng đổi lại từng đó để có nước sinh hoạt về tận nhà thì cũng xứng đáng, chứ thiếu nước khổ lắm”.

Với sự đồng lòng và nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nước sinh hoạt, người dân bản Na Cống, xã Châu Hoàn (Quỳ Châu) đã cùng nhau góp công, góp của xây bể chứa nước tại trung tâm bản. Từ bể nước đó, bà con tiếp tục đầu tư kéo nước về từng hộ. Bà Vi Thị Hồng, người dân bản Na Cống, cho biết: “Trước đây cứ vào mùa khô là người dân chúng tôi cơ cực vì thiếu nước sinh hoạt, vì vậy người già, trẻ nhỏ... cũng phải đi gùi nước vài ba cây số về để dùng, vừa mất nhiều thời gian mà sử dụng phải tiết kiệm từng gáo nước”. Trước thực tế đó, mặc dù kinh tế gia đình còn khó khăn, nhưng 20 hộ dân trong bản đã họp bàn tự bỏ tiền, bỏ công để làm bể đầu nguồn, lắp đường ống dẫn về bể chứa của từng hộ gia đình. Giờ đây nước sinh hoạt về tận nhà, sử dụng thoải mái, cuộc sống như được “đổi đời”.

Người dân bản Liên Đình, xã Chi Khê (Con Cuông) đầu tư đường ống dẫn nước về tận nhà.
Người dân bản Liên Đình, xã Chi Khê (Con Cuông) đầu tư đường ống dẫn nước về tận nhà.

Ông Lữ Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Châu Hoàn, cho biết: “Thiếu nước sinh hoạt là thực tế tại địa phương, bởi hiện nay 3 công trình nước sinh hoạt cộng đồng được Nhà nước đầu tư xây dựng từ Chương trình 135/CP ở bản Na Ba, Mờ Póm, Na My đến nay chỉ còn 2 công trình sử dụng được nhưng nước lúc có lúc không. Vì vậy, việc một số hộ tại bản Na Cống tự bỏ tiền xây dựng bể nước là một sự nỗ lực rất lớn từ phía người dân. Chúng tôi sẽ tuyên truyền để nhiều hộ gia đình ở các bản khác học tập làm theo”.

Tại bản Lè, xã Châu Hội, người dân cũng tiên phong trong việc tự bỏ kinh phí xây dựng bể chứa nước. Với thể tích trung bình 15m3, hiện ở bản Lè có 4 bể, 2 bể ở đội 1 và 2 bể ở đội 3, đủ cung cấp nước sinh hoạt cho gần 80 hộ dân với 340 nhân khẩu. Đáng nói, tất cả các bể nước đều được xây dựng từ sự góp sức của người dân. Họ tự góp của, góp công để làm, mỗi hộ góp gần 10 ngày công lao động và 2 triệu đồng để mua vật liệu. Phấn khởi chỉ cho chúng tôi xem bể nước của đội 3, chị Lang Thị Xuân cho hay: “Từ ngày có bể nước, không phải lo giếng khơi cạn nước vào mùa hè, cũng không phải đi gánh nước tận 1 - 2 cây số như trước mà mọi sinh hoạt đều thoải mái hơn, cứ vặn vòi là có nước”.

Ông Hoàng Văn Trường, Trưởng bản Lè, cho biết: Định kỳ hàng tháng, các đội đều tiến hành phát dọn, cọ rửa khu vực bể chứa nước sạch sẽ. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn nước đầu nguồn sạch sẽ, không bị cạn kiệt, ngoài ý thức tiết kiệm, bà con còn vận động người dân trong bản bảo vệ diện tích rừng tự nhiên trong khu vực lấy nước. Nhờ vậy, từ khi các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đến nay luôn đảm bảo đủ nước cung cấp cho người dân ngay cả trong mùa khô.

Người hưởng lợi trực tiếp từ các công trình nước sinh hoạt cộng đồng, không ai khác là bà con trong bản. Do vậy những sáng kiến, kinh nghiệm của bà con tại một số địa phương nói trên là rất thiết thực. Giá như mỗi địa phương có kinh nghiệm riêng trong việc quản lý công trình nước sinh hoạt cộng đồng tự chảy cho bản mình thì sẽ hạn chế sự lãng phí đến nguồn đầu tư lớn của nhà nước và cuộc sống sinh hoạt của bà con ổn định hơn.

X.Hoàng - Đ.Cường

Mới nhất

x
Bài 2: Những cách làm sáng tạo, tự chủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO