Bài 2: Những cái nôi đào tạo giáo viên trên đất Nghệ

17/11/2011 16:11

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 3 trường đại học, cao đẳng đã và đang đào tạo những người thầy cho tỉnh nhà và đất nước. Trường học đầu tiên phải nói đến là Trường đại học Vinh (tiền thân là Trường đại học Sư phạm Vinh) - một trong hai cái nôi lớn, đầu tiên của ngành Sư phạm cả nước.

(Baonghean.vn) Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 3 trường đại học, cao đẳng đã và đang đào tạo những người thầy cho tỉnh nhà và đất nước. Trường học đầu tiên phải nói đến là Trường đại học Vinh (tiền thân là Trường đại học Sư phạm Vinh) - một trong hai cái nôi lớn, đầu tiên của ngành Sư phạm cả nước.

Hơn 50 năm qua, Trường đại học Vinh đã đào tạo cho đất nước hàng chục ngàn giáo viên các cấp có trình độ đại học. Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, đã có 4.347 sinh viên sư phạmtốt nghiệp ra trường. Với chức năng đào tạo hệ sư phạm, Trường đã tạo dựng được uy tín, trở thành một thương hiệu được thừa nhận của cộng đồng xã hội và các cơ sở giáo dục trong toàn quốc. Sinh viên sau khi ra trường đã được các nhà tuyển dụng, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông đánh giá cao, đáp ứng được yêu cầu về trình độ, năng lực sư phạm, thích ứng kịp thời với hoạt động sư phạm ở trường phổ thông. Nhiều cựu sinh viên của trường đã và đang nắm giữ các chức vụ quan trọng ở các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương. Trường hiện có 16 ngành đào tạo sư phạm với trên 3.200 sinh viên theo học.



Thực hành đo đạc của sinh viên Khoa Địa Lý khoá 50.
Ảnh: Sỹ Minh

PGS.TS. Phạm Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Vinh, cho biết: "Trường đại học Vinh đã xây dựng chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ, với phương châm tăng các môn học chuyên ngành, đáp ứng thực tiễn đổi mới ở phổ thông, giảm bớt một số học phần không phù hợp, tích hợp các học phần, mềm hoá chương trình đào tạo. Trường đang tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đề cao công tác rèn nghề. Trong chương trình đào tạo của các ngành đều dành một thời lượng cho kiến tập, thực tập nghề nghiệp, bao gồm thực tập sư phạm, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên... Với phương châm rèn nghề cho thế hệ giáo viên kế cận, trường đã thực hiện phương thức gửi thẳng sinh viên về các trường phổ thông thực tập sư phạm dưới sự hướng dẫn, giám sát, kiểm tra của nhà trường. Việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên đã giúp sinh viên làm quen với môi trường công tác, hình thành và tích lũy trong họ các kỹ năng nghề nghiệp. Với hoạt động đổi mới giáo dục; giúp sinh viên có được sự tự tin và thích ứng nhanh với công việc sau khi ra trường nhận công tác, cũng như tăng thêm lòng yêu nghề sư phạm trước khi rời giảng đường đại học".


Trường cao đẳng Sư phạm Nghệ An được sát nhập từ nhiều trường sư phạm của tỉnh. Hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, Trường CĐSP Nghệ An đã đào tạo, bồi dưỡng trên 60.000 giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục cho các trường học từ bậc mầm non đến trung học cơ sở của tỉnh và một số tỉnh Trung bộ. Hiện nay, trường làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên có trình độ CĐSP cho các cấp học mầm non, tiểu học, THCS, bồi dưỡng chuẩn hóa trình độ TH, CĐ cho giáo viên, bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ; bồi dưỡng thay sách giáo khoa...


Để đáp ứng nhu cầu đào tạo trong giai đoạn mới, nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Trong tổng số 224 giảng viên, đã có 8 tiến sỹ, 3 nghiên cứu sinh, 116 thạc sỹ và 48 giáo viên đang học thạc sỹ. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học được quan tâm đầu tư xứng tầm. Nhiệm vụ quan trọng luôn được trường đặt lên hàng đầu là đào tạo nên thế hệ các giáo viên mẫu mực, có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi. Do đó, trong quá trình giảng dạy, nhà trường luôn chú trọng việc dạy lý thuyết gắn với thực hành sư phạm.

Vấn đề tu dưỡng đạo đức, hoàn thiện nhân cách của người giáo viên tương lai được nhà trường đặt ra song song với đào tạo chuyên môn. Nhờ quan tâm đúng mức đến các nhân tố góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nên trong những năm qua, tỷ lệ sinh viên khá, giỏi của trường không ngừng tăng cao. Năm học 2010-2011, Trường có trên 1.530 học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường, đạt tỷ lệ 95%; trong đó có 935 em tốt nghiệp loại khá, giỏi. Hầu hết sinh viên sau khi ra trường đều được tiếp nhận công tác và thể hiện tốt kiến thức được tiếp thu ở giảng đường.


Là trường đại học sư phạm duy nhất trên địa bàn Nghệ An đào tạo giáo viên dạy nghề, Trường ĐHSP Kỹ thuật Vinh đã chú trọng thu hút các giảng viên có trình độ chuyên môn cao, nhiệt tình, tâm huyết về giảng dạy ở trường, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng đào tạo theo hai hình thức là niên chế và tín chỉ. Học sinh, sinh viên của trường được đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, có khả năng thích ứng cao với thực tế công việc.

Trong những năm gần đây, với sự phát triển nhanh của nền kinh tế và sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, mạng lưới các trường dạy nghề đã được quy hoạch lại và có những bước phát triển tốt hơn nhằm đáp ứng nguồn lực lao động có tay nghề cho xã hội. Bắt nhịp với xu thế và đáp ứng yêu cầu đó, Trường Đại học SPKT Vinh đã mở rộng quy mô, đào tạo cho tỉnh hàng nghìn giáo viên dạy nghề.

Các trường: Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc, Cao đẳng Nghề Việt - Đức, Cao đẳng Nghề số 4 đều có chung nhận xét: Khi tiếp nhận sinh viên của Trường Đại học SPKT Vinh về công tác, chỉ sau một thời gian ngắn tiếp cận với công việc giảng dạy, các em đều thể hiện được phẩm chất, năng lực người giáo viên dạy nghề, đó là trình độ tay nghề, kỹ năng sư phạm và đạo đức, tác phong. Nhiều người đã phấn đấu trở thành cán bộ quản lý của trường, của khoa, trở thành giáo viên dạy giỏi.


Có thể nói rằng, các trường làm nhiệm vụ đào tạo người thầy trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đều đã xây dựng được vị thế, thương hiệu cho mình. Thời gian gần đây, nhiều học sinh giỏi không còn mặn mà với ngành Sư phạm. Trước tình hình ấy, các trường, không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng. Song về lâu dài, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu trình Chính phủ ban hành chính sách phù hợp; nếu không, dù các trường sư phạm có cố gắng đến đâu, nhưng đầu vào thấp thì đầu ra vẫn khó đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục để hội nhập.


Thảo Nhi

Mới nhất
x
Bài 2: Những cái nôi đào tạo giáo viên trên đất Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO