Bài 2: Những chính sách phù hợp
Cánh đồng mẫu lớn là mô hình sản xuất nông nghiệp mà trong đó đòi hỏi rõ sự liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông trong đầu tư thâm canh 1 đến 2 loại giống cây trồng trên diện tích liền kề, áp dụng các tiến bộ KHKT để nâng cao năng suất và giá trị của sản phẩm nhằm mang đến lợi ích cho người nông dân. Trong sự liên kết đó, mỗi “nhà” sẽ đóng một vai trò, nhiệm vụ khác nhau. Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, quản lý và xây dựng quy hoạch, kế hoạch để xây dựng CĐML; đồng thời, tổ chức khâu nối các “nhà” lại với nhau bằng những chủ trương, chính sách hỗ trợ. Nhà khoa học đóng vai trò chuyển giao các tiến bộ KHKT trong sản xuất đến với người nông dân và giám sát người nông dân trong việc ứng dụng các tiến bộ này trong sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm. Nhà doanh nghiệp đóng vai trò trong việc cung ứng giống, vật tư và tổ chức bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Còn đối với nhà nông cần thực hiện đúng những quy trình sản xuất do nhà khoa học hướng dẫn và thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp.
Việc xây dựng cánh đồng thu nhập cao là một quá trình, trước hết được thể hiện bằng những chủ trương, chính sách. Năm 2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định 10/2010/QĐ-UBND, trong đó có nội dung hỗ trợ xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao. Theo đó, hỗ trợ 5 triệu đồng/ha để xây dựng mới 1 công thức luân canh có tổng thu nhập trên 50 triệu đồng/ha, lợi nhuận chiếm trên 30%, để nhân rộng. Quy mô ít nhất 5 ha/1 công thức; hỗ trợ 2 triệu đồng phục vụ khuyến cáo, truyên truyền để nhân rộng ra sản xuất đại trà cho 1 mô hình tối thiểu 20 ha có thu nhập cao đã được kết luận.
Tuy mức hỗ trợ không lớn, song nhờ chính sách này mà nhiều địa phương đã xây dựng được những cánh đồng có năng suất và giá trị tương đối cao. Sau khi có chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh đã tiếp tục ban hành Quyết định 09 vào tháng 2/2012 nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp giai đoạn 2012-2015. Trong đó, có các chính sách khuyến khích ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để xây dựng các cánh đồng mẫu sản xuất theo công nghệ cao, gồm các nội dung xây dựng cánh đồng mẫu được áp dụng cho các loại cây trồng: lúa, ngô, lạc với tối thiểu từ 30ha trở lên, cam tối thiểu 2ha, cao su và chè tối thiểu 10ha, rau các loại tối thiểu 5ha, trồng rừng bằng giống nuôi cấy mô tối thiểu 10ha... nhằm mục đích tổ chức lại sản xuất nông nghiệp có giá trị hàng hóa lớn và đảm bảo sản xuất bền vững. Đây cũng chính là một phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới hiện nay ở nước ta.
Người dân xã Tiền Phong (Quế Phong) sử dụng máy cày trong việc làm đất.
Theo quyết định này, các cơ sở sản xuất có xây dựng cánh đồng mẫu được UBND tỉnh hỗ trợ 30% giá trị các loại vật tư đầu tư theo quy trình sản xuất hiện hành và kinh phí hội thảo, tuyên truyền, tham quan học tập với mức 15 triệu đồng/cánh đồng mẫu. Trong năm 2012, toàn tỉnh đã xây dựng được 40 mô hình với tổng diện tích 2.222 ha trên các đối tượng cây trồng chính là lúa, ngô và lạc.
Đánh giá về kết quả của các mô hình này, ông Phan Duy Thiều, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Sau khi kết thúc mô hình, năng suất sản phẩm tăng tối thiểu từ 10 - 15%, giá trị kinh tế trên 1ha tăng từ 15 - 20 triệu đồng. Tập quán sản xuất của người dân đang dần được thay đổi với việc áp dụng các biện pháp KHKT, áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng mạnh mẽ hơn.
Những kết quả nêu trên là cơ sở để tổ chức lại sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu đạt được mục tiêu năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao phù hợp với nhu cầu hiện nay của người tiêu dùng trong và ngoài nước, đó là cần có các giống lúa chất lượng cao và an toàn sinh học để bảo vệ sức khỏe con người. Một số giống lúa như VTNA2, AC5 có chất lượng cao, được các công ty, doanh nghiệp cơ bản thu mua hết. Nhiều cánh đồng có thu nhập trên 100 triệu đồng như tại xã Phúc Thành (Yên Thành) đạt 140 triệu đồng/ha/vụ. Qua những mô hình này đã tạo được sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, được người dân tin tưởng, hưởng ứng.
Sau khi tổng kết, đánh giá các mô hình cánh đồng mẫu trong năm 2010, ngày 13/12/2012, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 68/2012/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” trên địa bàn, giai đoạn 2013 - 2015. Để nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND, ngày 15/1/2013 cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp.
Trong quyết định này, UBND tỉnh đã quy định cụ thể, rõ ràng về đối tượng áp dụng, mục tiêu và tiêu chí để lựa chọn xây dựng CĐML. Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ cho các địa phương trong công tác chỉnh trang đồng ruộng sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa; hỗ trợ chi phí mua giống, vật tư, phân bón và các chính sách hỗ trợ khác về tập huấn kỹ thuật cho nông dân.
Vụ xuân 2013 này, toàn tỉnh đã triển khai thêm được 15 mô hình CĐML tại 13 huyện. Trong đó, có 10 mô hình sản xuất lúa, 3 mô hình sản xuất ngô và 2 mô hình sản xuất lạc. Cho đến thời điểm này, các mô hình đang phát triển tương đối tốt, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới thành công.
Phạm Bằng