Bài 2: Nỗi lo trước mùa mưa lũ
Có thể nói, với tình hình đặc điểm của hệ thống đường thủy của địa phương, ẩn họa TNGT đường thủy luôn rình rập. Chính vì thế, thời gian qua, được sự quan tâm của tỉnh, ngành GTVT đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các dự án xây dựng cầu, từng bước xóa bỏ dần các bến đò ngang. Bằng các nguồn vốn huy động, nhiều dự án làm cầu đã được triển khai như các cầu treo Bản Mác, Đình Tiến, Khe Rạn, Bến Mượu, Làng Bộng; cầu bãi Lau, cầu Cây Chanh… Công tác đảm bảo ATGT đường thủy nội địa cũng được ngành GTVT và các ngành chức năng quan tâm đúng mức. Từ nửa cuối năm 2010 đến nay, đã thực hiện đăng kiểm, đăng ký được hàng trăm phương tiện; tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện, Sở GTVT phối hợp với Ban ATGT tỉnh cấp phát áo phao, cặp phao, dụng cụ cứu sinh cho các huyện với số lượng hàng ngàn chiếc.
Bến đò Hòn Rô (xã Nghĩa Bình, Tân Kỳ). Ảnh: Lê Bá Liễu
Tuy nhiên, với đặc điểm tuyến thủy nội địa phức tạp, công tác bảo đảm an toàn đường thủy vẫn còn nhiều bất cập. Một số nơi người dân vẫn phải qua sông bằng đò, trong khi các tuyến sông nhiều đoạn có độ dốc lớn và phức tạp, về mùa mưa lụt nước chảy xiết tạo thành nhiều dòng xoáy; các bến đò khách ngang sông thường ở những đoạn xa trung tâm huyện lỵ, trong khi phương tiện chủ yếu là thuyền gỗ gắn máy hoặc chèo tay, sức chở từ 5 đến 12 người; các bến đò dọc nằm ở các huyện miền núi phía Tây, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn; đò dọc chủ yếu là thuyền ba lá, lắp máy ngoài công suất từ 8 đến 12cv, sức chở dưới 5 người, cho nên công tác đảm bảo ATGT đường thủy cần được chú trọng hơn nữa.
Phó Trưởng phòng CSGT đường thủy - Thượng tá Nguyễn Đình Minh cho biết: Thực hiện quyết định 1791 của Chủ tịch UBND tỉnh, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa năm 2012 được thành lập. Quá trình kiểm tra, chấn chỉnh có một số địa phương làm khá tốt công tác quản lý. Điển hình như tại Anh Sơn - nơi có nhiều bến đò nhất tỉnh, với 11 bến, sông rộng nhưng địa phương nâng cao trách nhiệm quản lý chặt chẽ, chỉ đạo quyết liệt. Tất cả các bến đều có bậc lên xuống, nhà chờ, bảng nội quy, phương tiện được đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển có chứng chỉ chuyên môn... Song một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc cần chấn chỉnh kịp thời. Chẳng hạn tại bến Phú Sơn (xã Phú Sơn, Tân Kỳ) được đầu tư xây dựng cầu, nhưng bên trên công trình thi công, ngay phía dưới công trình, đò ngang vẫn hoạt động... Huyện Tân Kỳ đã đình chỉ hoạt động của bến đò này, nhưng để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, đoàn kiểm tra yêu cầu huyện tạo mặt bằng để di dời bến đò đến điểm khách, tạo thuận lợi cho việc đi lại của dân trong thời gian cầu Phú Sơn xây dựng.
Hay như bến đò Cung bờ phải thuộc xã Cát Văn, bờ trái thuộc xã Trung Sơn (Thanh Chương) là một trong những bến được tỉnh chọn xây dựng bến đò kiểu mẫu, lẽ ra phải xóa bỏ phương thức kinh doanh nhưng hợp đồng giữa xã và chủ bến vẫn khoán 40-50 triệu đồng/năm. Mức khoán cao này buộc chủ bến phải chở quá tải gây mất an toàn cho hành khách. Tại đây, phương tiện đã thay mới 4-5 tháng nhưng vẫn chưa được đăng kiểm. Hay tại thủy điện Hủa Na (Đồng Văn, Quế Phong) đò dọc, đò ngang đang phát sinh do nhu cầu qua lại làm ăn của người dân... Bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển hàng hóa và khai thác cát sỏi, vàng sa khoáng trên sông diễn biến phức tạp, phương tiện vận chuyển và khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng là các thuyền vỏ sắt lắp máy 24cv, trọng tải lớn và thường xuyên trong tình trạng quá tải.
Những vụ chìm đò luôn để lại ám ảnh khôn cùng. Mùa khai trường cũng là thời điểm mưa bão đang đến, sẽ là quá muộn nếu nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân sinh sống làm ăn trên các tuyến giao thông thủy hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đường thủy nội địa thấp; công tác quản lý nhà nước về ATGT đường thủy nội địa của UBND cấp huyện, xã bất cập, thiếu sự quan tâm đúng mức...
Thu Huyền