Bài 2: Viêng Chăn - Nhịp điệu mới

06/12/2012 15:05

Nằm ở tả ngạn sông Mekong, Viêng Chăn có diện tích 3.920 km2 và dân số vào khoảng 1 triệu người; Hiện nay là trung tâm văn hóa, thương mại, hành chính, kinh tế lớn nhất xứ sở hoa Chăm Pa. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, Viêng Chăn đang có tốc độ phát triển nhanh chóng; cũng như Thủ đô Hà Nội của Việt Nam, Viêng Chăn xứng đáng là thủ đô vì hòa bình.

> Xem Bài 1: Ký ức Khăm Muộn

Theo chương trình của tỉnh Khăm Muộn, tổ cựu chuyên gia 37 đã được mời đi thăm Thủ đô Viêng Chăn trong 3 ngày. Từ Tha Khek, theo những con đường uốn lượn bên dòng Mêkông, vượt qua gần 400 km, chúng tôi đến vùng đất được mệnh danh là “Xứ Chùa” với nhiều lễ hội… Đến Bôlykhămxay, đã thấy từng đoàn ô tô, xe tuck tuck rợp cờ xí và tiếng nhạc rộn ràng nối đuôi nhau kéo về Viêng Chăn. Hỏi anh Xi Thôn – Phó Ban Tuyên huấn tỉnh Khăm Muộn thì biết, Bun That Luang (lễ hội Tháp Lớn - một trong những lễ hội cấp quốc gia lớn nhất trong năm, mang đậm nét văn hóa Lào) đã bắt đầu diễn ra từ ngày 22-28/11; That Luang nằm ở trung tâm Thủ đô Viêng Chăn được xem là biểu tượng của đất nước Triệu Voi. Về đến khách sạn Chalunxay (Chiến Thắng) – một khách sạn có nhiều nhân viên người Việt ở Viêng Chăn mới giữa chiều, hòa vào dòng người chúng tôi tìm đến That Luang.

Bun That Luang - ngày hội lớn của nhân dân Lào.

That Luang được xây dựng vào năm 236 Phật lịch - năm 1566 dưới triều vua Xệt-thả-thi-lạt; That Luang được coi là biểu tượng Phật giáo nhưng cũng là biểu tượng lòng tri ân của các thế hệ người Lào đối với lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân các bộ tộc Lào. Bun That Luang được tổ chức hàng năm, có các phần lễ do những nhà sư và quan chức điều hành, phần hội chợ du lịch thương mại và các hoạt động văn hóa văn nghệ; Hội đã là nơi hướng đến, mong về của mọi người dân Lào.

Trong ánh chiều, That Luang lung linh huyền bí và lộng lẫy hơn bao giờ hết. Chúng tôi chứng kiến Quảng trường That Luang rộng lớn chứa hàng vạn người đổ về hành hương và tham gia các hoạt động cũng như mua sắm. Lễ hội diễn ra thật sôi nổi nhưng rất trật tự. Ý thức tham gia hội của người dân rất cao: Không cãi vã chen lấn, không có các nạn móc túi, người ăn xin; hầu hết mọi người đi hội đều trong trang phục nghiêm túc, người sau từ từ tiếp bước người trước. Anh Xao Mi, một người dân về từ tỉnh Át Ta Pư, cho hay: Lễ hội được coi là ngày hội của sự đoàn tụ, đoàn kết dân tộc, có ý nghĩa quan trọng cả về văn hóa, lịch sử và tâm linh. Người dân khắp đất nước về tham dự, vui chơi ca hát nhiều ngày; mệt thì ra thưởng thức cơm lam, gà nướng bày bán phía ngoài…

Viêng Chăn cổ kính như cảnh quan That Luang và chùa Phra Keo, chùa Ông Tự, chùa Sí Mương, chùa Sisaket, vườn Phật Suốn Xiêng... Chúng tôi đã tìm đến Đài Patuxa của nước Lào nằm trên đại lộ chính Lạn Xang, đối diện tòa nhà làm việc của Chính phủ Lào. Đài Patuxa (Đài Chiến thắng) trước đây có tên là Đài Anou Savary (Đài chiến sĩ vô danh – được đổi tên vào năm 1975) được tạo dựng từ năm 1958 và trùng tu vài lần; Đài có kiến trúc tổng thể giống Khải Hoàn Môn của nước Pháp ở Paris, nhưng về các chi tiết lại mang đậm nét kiến trúc, phù điêu đặc thù của Lào; 13 cầu thang phía trong dẫn lên đỉnh Đài – từ đây sẽ nhìn được toàn diện cảnh quan Viêng Chăn. Nếu That Luang được xem là biểu tượng của nước Lào thì Đài Patuxa chính là biểu tượng của Viêng Chăn. Song đã đến Viêng Chăn mà chưa thăm Bảo tàng Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản – vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân các bộ tộc Lào thì cũng như chưa đến nước Lào – anh Phôn Sắc, phụ trách bảo tàng khẳng định như vậy. Năm 1992, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản qua đời, Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã quyết định xây dựng bảo tàng về vị lãnh tụ này. Bảo tàng được khởi công vào năm 1997 và năm 2000 bắt đầu đón khách.

Ngay từ cổng vào, đã thấy lớp lớp học sinh sinh viên, thanh, thiếu niên nước Lào đến tham quan, tìm hiểu ở bảo tàng. Trên đài cao là tượng đồng chí Cayxỏn Phômvihản. Sau cửa chính bảo tàng là bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản được treo trang trọng trên bức tường, nơi dễ thấy nhất. Rất nhiều em thiếu niên người Lào đang đứng chụp ảnh lưu niệm ngay dưới bức ảnh đó. Khi biết đây là đoàn khách từ Nghệ An sang, tất cả cán bộ bảo tàng đều reo hò mừng vui: “Ồ. Quê của Bác Hồ”.

Anh Phôn Sắc cho hay: “Nhân dân Lào ngưỡng mộ Bác Hồ lắm”. Bằng tiếng Việt rõ ràng rành mạch, Phôn Sắc đã giới thiệu về Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản. Theo đó, bảo tàng này có kiến trúc giống với Bảo tàng Hồ Chí Minh, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam giúp đỡ trong việc cung cấp tư liệu và trình bày. Các tranh ảnh, kỷ vật ở bảo tàng thể hiện 7 chủ đề, bao gồm giới thiệu 49 bộ tộc Lào cùng với đời sống văn hóa tinh thần của họ; giới thiệu về tiến trình lịch sử của đất nước Triệu Voi, nước Lào Lạn Xạng; Thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản; Những thành tựu của nước Lào hôm nay… Kết thúc buổi tham quan, Phôn Sắc tâm tình: Lúc sinh thời, đồng chí Cayxỏn Phômvihản – vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân các bộ tộc Lào, đã có lời dạy: “Tình hữu nghị đặc biệt Lào – Việt cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, thơm ngát hơn các loài hoa”. Ngày nay, mỗi người con đất nước Triệu Voi luôn quyết tâm làm theo, gìn giữ mối quan hệ ruột thịt của 2 dân tộc.

Viêng Chăn cổ kính là thế, song với tiến trình lịch sử Thủ đô Chăm Pa hiện đang phát triển rất nhanh, đặc biệt là trong 3 năm gần đây. Trước hết là sự thay đổi về mặt tư duy làm ăn kinh tế. Từ chi tiết nhỏ là đội ngũ thợ chụp ảnh ở các khu di tích – chưa đầy 2 phút đã có ảnh in ra cho khách hàng; hay như những gian hàng từ rất nhiều quốc gia tập trung về hội Bun That Luang. Về mặt đô thị, Viêng Chăn đã bắt đầu xuất hiện những tòa nhà cao 7-8 tầng, nhịp sống về đêm đã bắt đầu lan tỏa từ những khu bờ sông lan vào trung tâm thủ đô; Đường phố xuất hiện nhiều loại phương tiện hơn. Nhưng Viêng Chăn vẫn hiền hòa, dẫu đường đông đúc phương tiện vẫn không hề có hiện tượng lấn đường, cả thành phố không hề nghe một tiếng còi xe, ai cũng thong thả nhẹ nhàng như bản chất con người Lào vậy…

Viêng Chăn đang vươn mình trở thành đô thị hiện đại: Cầu Hữu nghị Thái - Lào số 1 bắc qua sông Mêkông nối Thành phố Nong Khai ở Thái Lan với Thủ đô Viêng Chăn dài 1174m, với 2 làn xe luôn nhộn nhịp thông thương; sân bay Wat Tay đã được nâng cấp, có thể tiếp nhận được 20 chiếc máy bay, trong đó có 10 chiếc Boeing 747 – mỗi năm đón gần 1 triệu lượt khách. Những siêu thị lớn đang được xây dựng, mọc lên. Tuy vậy, những giá trị truyền thống, lòng tự tôn dân tộc và bản sắc văn hóa Lào vẫn luôn được bảo vệ và phát huy. Vừa qua, đền cột trụ thành Viêng Chăn 472 năm xây dựng dưới thời trị vì của Vua Chao Phô-thi-sa-rát (Chao Phothisarath), Vương Quốc Lạn Xạng (Lane Xang) đã được khôi phục và mới khánh thành; Những con đường của thủ đô vẫn luôn được các em thiếu niên, nhi đồng dọn vệ sinh vào thứ 7, Chủ nhật hàng tuần nên khá sạch...

Giữa một Viêng Chăn dồn nén phát triển, vẫn thấy một dòng chảy ngầm của người dân Việt đang góp phần tích cực tạo nên động lực, sức mạnh phát triển cho thủ đô này. Dọc những con phố trồng nhiều hoa Chăm Pa (hoa Đại), có thể gặp rất nhiều những cửa hàng, khách sạn, công ty do người Việt đến làm ăn, định cư lập nghiệp mở ra; những Sacombank, BIDV, Viettinbank, UniTel, HAGL đã trở thành thương hiệu quen thuộc. Hầu hết người Việt sống, làm ăn tại Lào đều chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật nước bạn. Đồng chí Xay Xỉ Vi Xỏn- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trong buổi chiêu đãi thân mật đoàn, cho biết: Thông qua con đường ngoại giao chính thức, hiện có khoảng trên 300 công ty Việt Nam có quan hệ làm ăn với Lào, chủ yếu 100% vốn của các doanh nghiệp Việt Nam.

Những dấu ấn của người Việt khá rõ ở Thủ đô Viêng Chăn. Đó là chợ Sáng ở Đại lộ Lạn Xang, một nửa người bán hàng là người Việt, những cửa hàng vàng phần lớn là của người Việt; là chùa Phật Tích, chùa Bàng Long, tịnh thất Ngọc Thiện của người Việt (Chùa Phật Tích được khởi công từ tháng 4/2008 trên khuôn viên 1.300m2, với chi phí 450.000 USD. Chùa được khánh thành năm 2010 chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và 450 năm Viêng Chăn); là Trường Tiểu học Nguyễn Du dành cho con em Việt kiều và người Lào đến học văn hóa và tiếng Việt từ hệ mẫu giáo đến trình độ tiểu học (trường mở năm 2007, có tổng vốn đầu tư khoảng 457.000USD, trong đó Chính phủ Việt Nam tài trợ 200.000 USD, xây dựng trên diện tích 10.400m2 do chính quyền Thủ đô Viêng Chăn cấp. Trường có tòa nhà chính cao 3 tầng khép kín, gồm 29 phòng học, 1 phòng máy tính, thư viện, phòng họp)…

(Còn nữa)


Thành Chung

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Bài 2: Viêng Chăn - Nhịp điệu mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO