Bài 3: Cần chế tài xử phạt phù hợp!
Năm 2010, mặc dù BHXH Nghệ An đã có nhiều biện pháp mạnh để buộc các đơn vị sử dụng lao động phải tham gia BHXH và đóng BHXH cho người lao động theo đúng quy định, nhưng do chế tài xử phạt còn bất cập và nương nhẹ, các thủ tục pháp lý liên quan phức tạp và không đủ tính răn đe nên việc trốn, nợ BHXH đã trở thành "căn bệnh nhờn thuốc" ở các DN...Xem Bài 2: Ai bảo vệ quyền lợi người lao động?
Năm 2010, mặc dù BHXH Nghệ An đã có nhiều biện pháp mạnh để buộc các đơn vị sử dụng lao động phải tham gia BHXH và đóng BHXH cho người lao động theo đúng quy định, nhưng do chế tài xử phạt còn bất cập và nương nhẹ, các thủ tục pháp lý liên quan phức tạp và không đủ tính răn đe nên việc trốn, nợ BHXH đã trở thành "căn bệnh nhờn thuốc" ở các DN...
Xem Bài 2: Ai bảo vệ quyền lợi người lao động?
Trước tình trạng nợ BHXH tràn lan, kéo dài của các DN, hàng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo BHXH tỉnh, LĐLĐ tỉnh và Sở LĐTBXH tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra tình hình thực hiện chính sách lao động- BHXH ở các DN. BHXH tỉnh hàng quý còn gửi công văn yêu cầu các doanh nghiệp nợ BHXH tiến hành trả nợ, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những đơn vị nợ, thành lập các tổ thu hồi nợ.
Trong năm 2010, đoàn kiểm tra liên ngành của các cơ quan này đã kiểm tra hơn 30 DN, lập biên bản xử phạt đối với 3 DN vi phạm Luật Lao động, Luật BHXH. Tuy vậy, mức độ kiểm tra vẫn còn bất cập so với yêu cầu thực tế. Bà Hoàng Thị Hường - Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH nói: "Số lượng các DN, đặc biệt là DN ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh lớn nhưng hầu hết quy mô nhỏ lẻ, hoạt động phân tán, không ổn định, không đăng ký lao động..., trong khi đội ngũ thanh tra viên của các ngành còn mỏng (mỗi ngành chỉ có 5 - 6 thanh tra viên) nên dù cố gắng hết sức thì một năm, đoàn kiểm tra liên ngành chỉ làm việc được với khoảng vài chục doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ mạnh để buộc các DN nghiêm túc chấp hành pháp luật LĐ, chính sách BHXH. Trước đây, theo Nghị định 135/2007/NĐ-CP về quy định mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực BHXH, DN đóng không đúng thời gian, không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không đúng mức tiền lương thì bị xử phạt tối đa 20 triệu đồng.
Với mức phạt như vậy là không đủ sức răn đe, bởi nhiều DN nợ BHXH đến hàng trăm triệu đồng, hàng tỉ đồng sẵn sàng nộp phạt để tận dụng số tiền nợ quay vòng vốn sản xuất. Ngày 13-8-2010, Nghị định số 86/2010/NĐ - CP ra đời thay thế Nghị định 135 nhưng cũng chỉ nâng mức xử phạt tối đa lên 30 triệu đồng.
Mặt khác, Thông tư liên bộ số 3-2008/TTLB-BLĐTBXH-BTC-NHNN hướng dẫn thủ tục buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng và lãi phát sinh của số tiền chưa đóng, chậm đóng đó vào quỹ BHXH nhưng lại không nhắc đến biện pháp xử lý ra sao nếu tài khoản của người sử dụng lao động tại ngân hàng không còn số dư (!?). Những bất cập như vậy trong chế tài xử phạt khiến cho các doanh nghiệp càng thêm chây ì nợ đọng BHXH.
Thúc giục không được, xử phạt không xong, BHXH tỉnh đành phải sử dụng biện pháp kiên quyết cuối cùng là khởi kiện dân sự đối với các doanh nghiệp chây ì nợ BHXH.
Tháng 5-2010, BHXH tỉnh đã phối hợp với Tòa án nhân dân Thành phố Vinh và Tòa án nhân dân huyện Nghi Lộc khởi kiện 4 doanh nghiệp gần Công ty CP gốm Vinh Viglacera, Công ty CP công nghiệp ô tô Trường Sơn; Công ty CP xây dựng và tư vấn thiết kế cầu đường Nghệ An và Công ty nạo vét đường biển 2.
Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Nghệ An đang làm thủ tục khởi kiện ra Toà đối với Công ty Công trình giao thông miền Trung, Công ty cổ phần xây dựng công trình 484, Công ty cổ phần công nghiệp môi trường xanh - Nhà máy xử lý rác Đông Vĩnh...
Tuy vậy, dường như biện pháp được xem là "mạnh tay" này cũng chẳng làm các DN "lo sợ" bởi việc thi hành án diễn ra rất chậm. Sau khi có quyết định công nhận sự thoả thuận của Toà án chuyển Chi cục Thi hành án TP Vinh để thực hiện quyết định, BHXH Nghệ An đã phối hợp với Chi cục Thi hành án TP Vinh và huyện Nghi Lộc đề nghị các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội thực hiện nhưng phía các đơn vị này vẫn cố tình chây ì buộc BHXH Nghệ An phải có đơn yêu cầu cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, đến nay, các chi cục Thi hành án vẫn chưa triển khai yêu cầu này khiến cho việc thu hồi BHXH càng gặp khó khăn hơn.
Ông Trần Quốc Toàn - Giám đốc BHXH tỉnh băn khoăn: "Khởi kiện là biện pháp pháp lý cuối cùng và với các thủ tục phức tạp thì khi đã kiện thì phải đòi được nợ, đòi lại quyền lợi cho NLĐ. Nếu thắng kiện mà không đòi được nợ thì cũng chỉ thuần túy tạo ra ý nghĩa về mặt dư luận xã hội nhưng lại khiến các DN thêm "nhờn luật"".
Bên cạnh đó, trước thực tế trong số các "con nợ" của BHXH tỉnh có một số DN làm ăn thua lỗ, phải ngừng hoạt động, Luật sư Nguyễn Trọng Điệp - Phó chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh cho rằng các cơ quan chức năng cần phải bắt buộc các DN này tuyên bố phá sản, ưu tiên giải quyết chế độ, quyền lợi cho NLĐ.
Khi DN tuyên bố phá sản, cơ hội để cơ quan BHXH thu được tiền nợ là cao hơn nhờ thanh lý số tài sản còn lại của DN. Tuy nhiên, thủ tục kiện phá sản lại rắc rối, tất cả các chủ nợ phải được tập hợp lại thành hội đồng chủ nợ để thống nhất văn bản khởi kiện, gây tốn kém thời gian cũng như công sức.
Những rắc rối về thủ tục pháp lý như vậy đã khiến cho tình trạng nợ BHXH của các DN trở thành "căn bệnh nhờn thuốc". NLĐ bị tước đoạt quyền lợi nhưng chủ sử dụng lao động lại không bị truy cứu trách nhiệm.
Để thực hiện tốt chính sách BHXH, theo lãnh đạo các ban ngành liên quan, ngoài việc mở rộng đối tượng tham gia, UBND tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo Sở Kế hoạch đầu tư, Cục Thuế xây dựng quy chế kiểm soát hoạt động các doanh nghiệp ngoài quốc doanh sau khi cấp giấy phép đăng ký kinh doanh nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Bên cạnh đó, trong khi chờ các bộ ngành điều chỉnh chế tài xử phạt cho phù hợp với thực tế, tỉnh cần ban hành quy chế xử phạt vi phạm hành chính riêng đối với các đơn vị sử dụng lao động trốn, nợ BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.
Mặt khác ngành Thi hành án tỉnh cần chỉ đạo các Chi cục Thi hành án thực hiện nghiêm việc thi hành án đối với các vụ kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Các biện pháp trên cần được thực hiện đồng bộ, tích cực, có như vậy "căn bệnh" trốn, nợ BHXH mới có thể được chữa trị dứt điểm.
Luật sư Nguyễn Trọng Điệp: Việc chiếm dụng 6% tiền lương hằng tháng của công nhân của chủ sử dụng lao động để sử dụng vào mục đích khác thực chất là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản công dân, có thể được xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi một DN trốn thuế có thể bị truy tố trước pháp luật nhưng trốn BHXH thì lại chưa được xử lý tương tự. Vậy nhưng, trong các điều khoản của Bộ luật Hình sự thì không có điều khoản nào quy định về tội chiếm đoạt tiền BHXH nên không thể xử lý được. |
Minh Quân