Bài 3: Đi hay ở ?
Một loạt những thảm họa thiên nhiên liên tiếp hoành hành ở vùng đất mới với nguy cơ nhãn tiền là nhà cửa, của cải, thậm chí tính mạng luôn thường trực bị đe dọa. Mong mỏi lớn nhất của người dân Khe Chóng, Khe Ò là muốn có một nơi ở mới an toàn để an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, còn đó biết bao trăn trở được - mất để đi đến một quyết định cuối cùng: "đi hay ở?".
(Baonghean.vn). Một loạt những thảm họa thiên nhiên liên tiếp hoành hành ở vùng đất mới với nguy cơ nhãn tiền là nhà cửa, của cải, thậm chí tính mạng luôn thường trực bị đe dọa. Mong mỏi lớn nhất của người dân Khe Chóng, Khe Ò là muốn có một nơi ở mới an toàn để an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, còn đó biết bao trăn trở được - mất để đi đến một quyết định cuối cùng: "đi hay ở?".
Xem Bài 2 -> Hiểm họa được báo trước!
Gia đình ông Lương Văn Phỏng là một trong 24 hộ nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm cần phải di dời gấp khỏi Khu tái định cư Khe Chóng. Sau hai ngày trận lở núi xảy ra, khi tôi đến thăm, tâm trạng của ông vẫn đang hết sức rối bời. Ông tâm sự: "Mình già rồi cũng ngại di chuyển lắm! Bây giờ mà chuyển nhà đi nơi khác là bỏ lại hết nhà cửa ở lại đây à, tài sản tích cóp một đời của cả gia đình tôi đó". Gia đình ông có căn nhà xây khá đàng hoàng nhờ số tiền đền bù ngót nghét 80 triệu đồng của Thủy điện Bản Vẽ. Trong đợt sạt lở vừa qua, do sức ép của đất, đá trên núi lao xuống, cái nền gạch hoa bong lên thành những mảng nham nhở.
Tôi hỏi: Vậy nếu có chủ trương chuyển đi, ông có đi không? Ông Phỏng sau một hồi im lặng, nhìn quanh cảnh nhà ngổn ngang, chép miệng: "Cũng phải ra đi, sống ở đây nguy hiểm quá! Mình già rồi răng cũng được, còn con, còn cháu, phải lo an toàn cho chúng nó".
Rời nhà ông Phỏng, tôi ghé thăm bà Lương Thị Huynh. Như bao hộ dân khác ở khu tái định cư này, gia đình bà cũng có một căn nhà khá khang trang. Những ngày gần đây, một mình bà Huynh khòm lưng đánh vật với đống đất to tướng đằng sau nhà do núi lở, vừa giúp xã thống kê thiệt hại. Hỏi chuyện nhà, chuyện cửa xong, đoạn tôi hỏi đến việc nay mai có thể sẽ chuyển đi nơi ở mới, giọng bà Huynh chùng xuống: "Thì đó, nhà tui làm rẫy có mùa, còn quanh năm ông nhà đi đánh cá kiếm thêm thu nhập, giờ mà đi thì khó khăn, nhà cửa không biết ra răng đây...nhưng mà ở lại thì lo chú à!".
Gặp ai, tôi cũng thấy bà con trăn trở, phân vân chuyện đi hay ở, thực ra tâm lý chung của bà con đều muốn đi, mà đi thì phải bỏ lại tất cả cơ nghiệp gây dựng cả đời; còn ở thì thảm họa cứ treo lơ lửng trên đầu không biết khi nào ập xuống. Theo ông Lô Hoài Thơm - Chủ tịch UBND xã Yên Na, cả Khu tái định cư Khe Chóng và Khe Ò có hơn 110 hộ với gần 500 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu là làm rẫy với năng suất thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao.
Hiện nay, huyện Tương Dương cũng đang phải loay hoay tìm ra một giải pháp lâu dài, nhằm ổn định cuộc sống cho bà con. Ông Nguyễn Hồ Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương trăn trở: "Chúng tôi đang chỉ đạo xã cùng bà con khảo sát trên địa bàn xã nhằm tìm ra một vùng đất mới, hội tụ đủ điều kiện, bảo đảm an toàn, có đất sản xuất, có nguồn nước để chuyển dần các hộ dân về đó. Trước mắt là 8 hộ thuộc diện cần phải di dời gấp, sau là các hộ khác thuộc khu vực này. Bên cạnh đó, huyện cũng đang báo cáo với tỉnh có kế hoạch lồng ghép các dự án vào khu dân cư này, giúp đồng bào nhanh chóng ổn định cuộc sống. Ngoài ra, huyện cũng cần sự trợ giúp của các tổ chức, các nhà hảo tâm chứ huyện nghèo, nguồn lực cũng có hạn".
Trong chuyến đi kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Tương Dương vừa rồi, khi vào thăm bà con Khu tái định cư Khe Chóng, đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: "Huyện cần di dời gấp những hộ dân thuộc diện bị sạt lở. Chính quyền địa phương kết hợp với Thủy điện Bản Vẽ khảo sát và tìm ra biện pháp khắc phục lâu dài, nếu không được thì phải chuyển toàn bộ dân cư đến nơi an toàn".
Các cấp, các ngành trong tỉnh đã, đang có những biện pháp giúp đỡ bà con tại Khe Chóng, Khe Ò. Thế nhưng, nếu di dời nhà cửa, bà con chỉ được hỗ trợ 7 triệu đồng theo quy định của tỉnh. Với số tiền này, nếu không có sự trợ lực thêm từ bên ngoài, thật khó để bà con bản nghèo nơi đây yên lòng chuyển đến nơi ở mới, khi đã bỏ lại đằng sau tất cả nhà cửa, ruộng vườn.
Khi tôi rời Khe Chóng, qua đến khu công trường cũ ngổn ngang đất đá của Thủy điện Bản Vẽ, có mấy nóc nhà tranh thấp thoáng hiện lên. Anh Viên, cán bộ xã cho biết: "Đó là nhà của 7 hộ ở Khe Ò, đất đá sạt lở họ phải chuyển ra đây, làm nhà tranh ở tạm. Toàn là hộ nghèo của xã cả, không có điều kiện làm nhà xây, nhà sàn mô".
Trời đã chiều, ngược trở ra Thị trấn Hòa Bình, hình ảnh những ngôi nhà tạm bợ, trống huơ vừa vô tình gặp trên đường trở ra cứ bám chặt lấy suy nghĩ của tôi. Liệu, đó có phải là hình ảnh của hàng trăm người dân Khe Chóng nếu họ bất đắc dĩ phải chuyển đi trong nay mai?.
Thành Duy