Bài 3: Khi doanh nghiệp thất hứa...

14/12/2012 22:33

(Baonghean) - Nhu cầu việc làm của người lao động sau khi bị thu hồi đất là rất lớn. Song, doanh nghiệp thì hứa suông, còn địa phương thiếu quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho người dân…

Trong thời gian qua, cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi để phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế- xã hội. Hàng năm, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi cho phát triển công nghiệp khoảng trên 1.000 ha, chưa kể cho phát triển đô thị khoảng hơn 500 ha. Chỉ tính riêng một số huyện như Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TP.Vinh, Nghĩa Đàn… số diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi cho phát triển công nghiệp trong những năm gần đây đã lên hàng chục ngàn ha, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp. Trong quy hoạch từ nay đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi có thể tăng lên gấp đôi. Như vậy, đồng nghĩa với việc sẽ rất nhiều người dân trong diện thu hồi đất thiếu việc làm trầm trọng. Thực tế này đã và đang nảy sinh những vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Hiện nay, số doanh nghiệp (DN) đi vào hoạt động tại các khu công nghiệp (KCN) đóng trên địa bàn tỉnh ta là không ít, tuy nhiên không tạo ra nhiều cơ hội việc làm. KCN Nam Cấm, hiện đã có 24 DN vào sản xuất nhưng số lao động trong diện bị thu hồi đất được vào làm việc không đáng kể. Xã Nghi Long, số lao động bị ảnh hưởng do thu hồi đất là hơn 700 người nhưng chỉ có hơn 40 người được làm công nhân tại đó. Hầu hết, người dân phải tự xoay xở để tìm kiếm việc làm cho mình như đi làm công nhân ở miền Nam, làm thợ xây, làm thuê thời vụ hoặc ở nhà bám lấy số đất nông nghiệp ít ỏi còn lại.



Chỉ một số công ty may là giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Ông Nguyễn Văn Bá- Trưởng phòng Lao động TB&XH huyện Nghi Lộc cho biết: các DN ở KCN trên địa bàn huyện sử dụng lao động không nhiều, có DN sử dụng nhiều lao động nhất là 400 người, ít nhất 20 người. Đa số các DN chỉ sử dụng khoảng chục lao động. Cơ hội việc làm tại các nhà máy trong KCN đối với lao động bị thu hồi đất cũng rất hạn chế.

Ưu điểm của lao động địa phương khi DN tuyển dụng là không phải hỗ trợ vấn đề nhà ở, phương tiện đi lại. Trước khi vào hoạt động, các DN đã thực hiện ký cam kết thỏa thuận sẽ ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, đặc biệt là lao động bị thu hồi đất vào làm việc. Nhưng thực tế lại khác. Ông Nguyễn Quốc Trưng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Long (Nghi Lộc) cho biết: “Khi làm việc với chính quyền, họ (DN – PV) hứa trước dân là sẽ nhanh chóng nhận người dân vào làm việc, nhưng khi công ty vào hoạt động rồi thì lại không quan tâm ?” Lãnh đạo xã đã nhiều lần đến các DN để trao đổi về vấn đề này, nhưng chưa bao giờ được gặp trực tiếp lãnh đạo của DN. Địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng”.

Bà Đoàn Thị Kim Oanh, phòng Quản lý doanh nghiệp lao động- Ban Quản lý KKT Đông Nam cho biết: Việc DN ký cam kết ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương là thủ tục phải thực hiện trước khi đi vào hoạt động. Tuy nhiên, chưa có cơ sở pháp lý quy định bắt buộc DN phải tuyển lao động địa phương, do đó Ban Quản lý KKT Đông Nam cũng chỉ dừng lại ở mức độ vận động, kêu gọi, định hướng DN tuyển lao động. Trong chức năng của mình, hàng năm Ban thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện về pháp luật lao động tại các DN này. Sau khi kiểm tra, nếu DN nào chưa thực hiện tốt thì Ban sẽ có công văn đôn đốc DN thực hiện đúng, nếu DN cố tình vi phạm thì Ban sẽ có công văn đề nghị Sở LĐ -TB&XH xử phạt theo quy định.

Một trong những khó khăn khiến các DN chưa mặn mà tuyển lao động địa phương là chưa có tay nghề. Vì vậy, đây là một trong những đối tượng được đưa vào trong Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Chính phủ. Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho những đối tượng này đã được các cấp chính quyền, và các tổ chức ở các địa phương bị thu hồi đất thực hiện. Tuy nhiên, số lượng và hiệu quả chưa được cao. Theo số liệu của Sở LĐ- TB&XH, trong 3 năm (2010 – 2012) tổng số lao động nông nghiệp được đào tạo nghề gồm 20.927 người, trong đó có 2.456 lao động bị thu hồi đất. Số lao động có việc làm 1.950 người, chiếm 9,3% số lao động được đào tạo. Tại huyện Quỳnh Lưu, trong vòng 2 năm qua, Phòng LĐ - TB&XH phối hợp với Trường dạy nghề Bắc Nghệ An chỉ mở được 2 lớp với 60 học viên của 2 xã Quỳnh Lộc và Quỳnh Dị với 2 nghề là thú y và chăn nuôi gia cầm. Hiện 2 lớp học này vẫn chưa kết thúc. Ông Lê Duy Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc (Quỳnh Lưu) cho biết: Trong số tiền đền bù có tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nhưng người dân ở đây không biết chuyển đổi nghề gì cho phù hợp. Trong khi đó, công tác đào tạo nghề chưa được quan tâm thực sự.

Không chỉ kết quả thấp mà nội dung đào tạo chưa sát với tình hình thực tế và nhu cầu của các DN do chưa có sự phối hợp giữa các bên. Trong 3 năm qua, tại xã Nghi Long đã mở được 5 lớp, 150 học viên tham gia với các nghề như gò hàn, thú y, trồng hoa và mây tre đan, nhưng thực chất người lao động không mặn mà với việc học nghề. Nhiều lao động chỉ học được 1 buổi là bỏ. Còn đối với những người có chứng chỉ sau khi kết thúc khóa học thì phải tự tìm kiếm việc làm cho mình do rất khó có cơ hội tìm việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Anh Đặng Doãn Phong, xóm 1, xã Nghi Long, sau khi tham gia học nghề gò hàn nhưng đến nay, anh vẫn không thể tìm được việc làm tại các nhà máy trong KCN. Ông Trưng cho biết thêm, hầu hết số người dân được học nghề rất khó để tự chuyển đổi nghề. Xã đã nhiều lần đề nghị với huyện xem các công ty nào có nhu cầu ngành, nghề gì để đào tạo cho phù hợp và có thể giải quyết việc làm cho người dân nhưng cho đến nay vẫn chưa có gì biến chuyển.

Do lựa chọn ngành nghề không phù hợp nên dù được đào tạo họ vẫn thất nghiệp, vì không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ngay tại địa phương mình cư trú, do chính quyền và các trung tâm dạy nghề chưa có mối liên hệ trực tiếp với các DN để định hướng việc học nghề cho những người tham gia học.

Vì sao công tác đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất đạt thấp? Ông Kiều Ngọc Thanh, Phó phòng LĐ - TB&XH huyện Quỳnh Lưu cho rằng, cái khó trong đào tạo nghề là ngành Lao động không nắm được các DN có tuyển lao động địa phương hay không và nếu có thì sẽ tuyển bao nhiêu? Hiện nay, số lượng DN vào hoạt động tại KCN Hoàng Mai là rất ít, và các DN này cũng không làm việc với ngành về nhu cầu tuyển dụng sau khi vào hoạt động. Vì thế, huyện rất khó định hướng đào tạo nghề gì cho người lao động sau khi bị thu hồi đất. Từ đây dẫn đến hiệu quả đào nghề chưa được cao. Bên cạnh đó, các xã có diện tích đất bị thu hồi còn lúng túng trong công tác tuyên truyền, vận động và đăng ký học nghề cho người dân. “Người dân băn khoăn là sau khi học nghề xong thì có việc làm trong KCN hay không? Nhưng chính chúng tôi cũng không thể trả lời câu hỏi này. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, đầu ra cho công tác đào tạo nghề là rất khó”! Ông Thanh chia sẻ.


Q.Lan – P.Bằng

Mới nhất
x
Bài 3: Khi doanh nghiệp thất hứa...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO