Bài 3: Mai này ai nhớ Xư Thanh?

13/07/2014 22:19

(Baonghean) - Xư Thanh là chữ viết của người Thái, nhóm Tày Thanh, ở miền Tây Nghệ An và Thanh Hóa. Tại Nghệ An hiện nay, hệ chữ này được một số ít người biết đến và đang có nguy cơ bị quên lãng.

Các cụ cao niên người Thái nhóm Tày Thanh ở huyện Tương Dương nói: Người Tày Thanh ở Tương Dương và nhiều nơi khác trong tỉnh vốn có nguồn gốc từ miền Tây tỉnh Thanh Hóa. Khi di cư vào Nghệ An, họ đã mang theo hệ chữ viết này theo về mường mới của mình. Xư Thanh có nghĩa là chữ của người Tày Thanh, cách tự xưng của nhóm người Thái này.

Ngày trước, chữ Xư Thanh được các ông mo, ông tạo đứng đầu mường dùng để ghi bài cúng, bài thuốc, hát khắp, những truyện thơ như Tống Trân Cúc Hoa, Pựn nộc Iểng (chuyện chim yểng) và cả những văn bản hành chính của cộng đồng, khế ước bán đất... Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì tại Nghệ An, hệ chữ vốn chịu ảnh hưởng của chữ Lào này có ở các cộng đồng người Thái nhóm Tày Thanh tại Tương Dương, Con Cuông, Nghĩa Đàn. Tại Bảo tàng Văn hóa huyện Quỳ Châu và một số bộ sưu tập cá nhân còn lưu giữ được những văn bản chữ Xư Thanh. Khắp các huyện miền núi Nghệ An, số người còn nhớ được chữ Xư Thanh chỉ còn một vài người!

Một trong những người rất tâm huyết với chữ Xư Thanh là ông Kha Văn Hợi, trú bản Lũng, xã Tam Thái (Tương Dương). Cụ ông 72 tuổi này nguyên là Phó Chủ tịch HĐND huyện Tương Tương. Từ ngày hưu trí, ông có thời gian nghĩ nhiều hơn về những thứ quý và đẹp đã thuộc về thời của ông cha nay chẳng còn mấy ai nhớ đến, trong đó có chữ Xư Thanh. Thứ chữ này ông đã được học từ thời niên thiếu, rồi thời cuộc đổi thay, chữ Xư Thanh đã gần như vắng bóng trong đời sống của cộng đồng. Chỉ còn một vài người già còn biết đến. Điều này khiến ông luôn đau đáu mong muốn phục hồi và truyền dạy hệ chữ viết này trong cộng đồng. Là một trong số ít người còn đọc được chữ Xư Thanh, hễ nghe thông tin ở đâu còn lưu giữ được những văn bản cổ ông lập tức tìm đến sưu tầm. Hiện tại bộ sưu tập của ông có hàng chục tài liệu được ông tìm kiếm trong vòng hơn 10 năm. Đó là những văn tự bán đất của người Tày Thanh ở Lang Chánh (Thanh Hóa), truyện Tống Trân - Cúc Hoa của người Thái, những bài hát khắp, bài cúng... Tất cả những tài liệu này được ông Hợi trân trọng như những báu vật.

Trong một thời gian dài, ông nung nấu một ý định sẽ đem chữ viết Xư Thanh truyền lại cho cộng đồng. Ông đọc báo, thấy ở huyện Lang Chánh (Bá Thước, Thanh Hóa) phong trào học chữ Xư Thanh diễn ra rất sôi nổi. Ông đã lặn lội tìm đến tận nơi để học hỏi và đã biên soạn được một tài liệu khá căn bản để truyền dạy chữ Xư Thanh trong cộng đồng. Rồi cơ may cũng đã đến, năm 2011, có một lớp học chữ Xư Thanh được tổ chức tại xã Chi Khê (Con Cuông). Dự án lớp học diễn ra trong 3 tháng, do ông Kha Văn Hợi và ông Ngân Văn Toán ở bản Quang Phúc, xã Tam Đình (Tương Dương) trực tiếp giảng dạy. Đó cũng là lần đầu tiên những dân bản ở Chi Khê biết dân tộc mình cũng có chữ viết. Hàng trăm người đến đăng ký tham gia theo học, nhưng chỉ có 35 người được nhận. Sau 3 tháng, có quá nửa số học viên đã đọc và viết được chữ Xư Thanh. Đó là lớp học chữ Thái đầu tiên ở huyện Con Cuông và cũng là lớp truyền dạy chữ Xư Thanh duy nhất cho đến bây giờ ở các huyện miền núi ở Nghệ An.

Học viên viết chữ Xư Thanh tại lớp học ở Con Cuông, năm 2011.
Học viên viết chữ Xư Thanh tại lớp học ở Con Cuông, năm 2011.

Lớp học kết thúc chỉ như một hòn sỏi ném vào mặt hồ tĩnh lặng. Dư âm của nó để lại cũng nhanh chóng tan đi như một gợn sóng. Những học viên chủ yếu là lớp trẻ, có cả những học sinh cấp 1, cấp 2. Lứa tuổi này học nhanh rồi cũng quên nhanh. Khi không được ôn tập, chỉ trong một thời gian ngắn, chẳng còn mấy ai nhận được mặt chữ nữa. Bây giờ hỏi lại, còn nhớ được bao nhiêu chữ Xư Thanh, nhiều người khi được hỏi chỉ cười trừ...

Mới đây, người viết bài này tìm đến thăm cụ Kha Văn Hợi, một trong 2 người truyền dạy chữ Xư Thanh tại Con Cuông năm 2011. Cụ ông đem khoe thêm những văn bản chữ Thái vừa sưu tầm được trong thời gian qua. Trong ánh mắt đang dần nhuốm vẻ già nua của cụ ông vẫn ánh lên niềm vui khi gặp được người tâm huyết với vốn văn hóa quý của ông cha. Thế nhưng, trong vòng một năm trở lại đây sức khỏe của ông đã có phần hạn chế đi nhiều nên không còn có thể dốc sức cho công việc sưu tầm cũng như dịch chữ Thái như trước đây nữa. Ông bảo: “Niềm đam mê với chữ Xư Thanh thì vẫn còn, nhưng đời người và sức lực thì đang dần cạn. Đành phải đặt kỳ vọng vào người trẻ hơn và có niềm đam mê chữ Thái mà thôi!”.

Chữ Xư Thanh tại Bảo tàng Văn hóa huyện Quỳ Châu.
Chữ Xư Thanh tại Bảo tàng Văn hóa huyện Quỳ Châu.

Chia tay ông Kha Văn Hợi, chúng tôi ngược Quốc lộ 7 lên Huồi Nạ, tên gọi của dân bản vẫn gọi một bộ phận của bản Lở xã Xá Lượng. Ở đây, có cụ ông Vi Văn Mính rất thông tường chữ Xư Thanh. Chính ông Kha Văn Hợi cũng tự nhận là học trò của cụ. Trong căn nhà gỗ bên cạnh quốc lộ, cụ ông Mính ngồi bên căn bếp tiếp chuyện chúng tôi. Mọi việc sinh hoạt đi lại đều phải nhờ con cháu. Từ vài năm nay, đôi mắt của cụ không còn nhìn rõ nữa. Cụ Mính cho biết: “Trước khi trở nên mù lòa, ta đã kịp truyền dạy chữ Thái cho thằng cháu. Thấy nó cũng ham thích, không biết cái ham thích này sống trong nó được bao lâu nữa?”.

Trên đường trở về, trong tâm trạng không mấy vui vẻ, người viết bài này ghé nhà cụ Ngân Văn Toán ở bản Quang Phúc (xã Tam Đình). Trong bản, còn có cụ Toán và cụ Lô Thanh Vinh là vẫn nhớ được chữ Lai Tay, tất cả đều đã ngoài “tuổi xưa nay hiếm”. Tuy đã gần ngưỡng tuổi 75, cụ Ngân Văn Toán hăng hái tham gia công tác xã hội. Cụ vừa là Chủ tịch hội NCT xã, lại là ông “mo” có uy tín trong cộng đồng. Hỏi chuyện về chữ Xư Thanh, cụ bảo: “Là người Thái nên tôi rất sợ một ngày nào đó chữ Xư Thanh cũng mất đi. Nếu chính quyền tổ chức cho một lớp học thì mình sẵn sàng đến lớp, dù là ở xa hay gần. Chỉ mong sao, chữ Xư Thanh không bị mai một!”.

“Chữ Xư Thanh không bị mai một”, đó cũng là niềm mơ ước của những người tâm huyết như ông Kha Văn Hợi, cụ Vi Văn Mính và cả bản thân người viết bài này. Tuy vậy, mối lo ấy đang trở nên hiện thực khi đang ngày càng có ít người quan tâm đến hệ chữ viết này, nhất là lớp trẻ ngày nay. Cũng phải nói rằng ngày nay, lớp trẻ có nhiều mối quan tâm thực dụng hơn, còn những người tâm huyết hầu hết đã ở tuổi xế chiều. Điều đó đang đẩy chữ Xư Thanh đến nguy cơ thất truyền ở trong các làng bản miền Tây Nghệ An!

Hữu Vi

Mới nhất
x
Bài 3: Mai này ai nhớ Xư Thanh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO