Bài 3: Mục tiêu và giải pháp
(Baonghean) - Trong thời điểm kinh tế lạm phát hiện nay và dự báo kinh tế trong những năm tới với nhiều thách thức đang đặt ra thì việc đề ra các giải pháp để đạt mục tiêu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 là vô cùng quan trọng!
Mục tiêu cơ bản để trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 là: tốc độ tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 đạt 16,35%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 19,35%. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trong GDP của tỉnh chiếm 39 - 40%, trong đó công nghiệp là 23,2% (giai đoạn 2011 - 2015) và giai đoạn 2016 - 2020 là 44 - 45%, trong đó công nghiệp là 31%. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 17.620 tỷ đồng và đến năm 2020 là 43.800 tỷ đồng. Quy mô và số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khoảng 45.000 cơ sở, tạo thêm việc làm từ 5 - 10 nghìn lao động mới mỗi năm. Phấn đấu đảm bảo nguồn thu ngân sách từ sản xuất công nghiệp đạt 1.500 tỷ đồng (năm 2020). Đây là mức phấn đấu vô cùng khó khăn, do quy mô nền kinh tế và thu nhập đã cao hơn nhiều so với thời kỳ trước (mốc giá trị sản xuất công nghiệp năm 2001 chỉ là 1.568 tỷ đồng, hiện nay là 8.542 tỷ đồng), đạt được tốc độ tăng bình quân cao là rất khó so với khi quy mô nền kinh tế nhỏ.
Ông Nguyễn Huy Cương - Phó Giám đốc Sở Công Thương, khẳng định: Tỉnh đã định hướng rất rõ cho phát triển công nghiệp với những vấn đề trọng tâm: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn có sản phẩm cạnh tranh cao vừa phục vụ thị trường nội địa, vừa đẩy mạnh xuất khẩu, gồm chế biến nông sản, khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may. Phát triển một số ngành công nghiệp tạo nền tảng cho phát triển kinh tế như năng lượng (thủy điện, nhiệt điện), cơ khí, công nghiệp phần mềm, vật liệu mới; chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ như sản xuất các linh kiện cơ khí, điện tử, nguyên phụ kiện ngành may, nhựa. Trên cơ sở đó, đón đầu sự hỗ trợ của các chương trình phát triển của Chính phủ, sự chuyển dịch làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư ngoài nước vào Việt Nam đối với những vùng có tiềm năng lao động, thuê mặt bằng sản xuất rẻ...
Ông Trịnh Ngọc Sơn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Thương mại Nghệ An, cho rằng: "Có điều kiện đi nhiều nơi, kể cả trong nước và nước ngoài, đánh giá, so sánh trong nhiều tác động và nhiều điều kiện khác nhau thì công nghiệp Nghệ An không thể so sánh được với các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng... Song, nếu so với các địa phương cùng điều kiện thì công nghiệp Nghệ An đã có bước phát triển tốt, tạo ra những cơ sở phát triển vững chắc. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển đạt mục tiêu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp đòi hỏi phải có những dự án công nghiệp lớn mang ý nghĩa giải quyết đầu ra cho sản phẩm công nghiệp nhỏ. Muốn vậy, cần chú trọng đến điều mà các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm khi xem xét việc đầu tư vào một địa phương là mặt bằng, thủ tục hành chính và nguồn nhân lực tại chỗ. Các yếu tố này chính là vấn đề quyết định khả năng cạnh tranh của mỗi địa phương trong thu hút đầu tư. Vì vậy, tỉnh cần phải chủ động tập trung làm tốt giải phóng mặt bằng và giao mặt bằng "sạch" cho nhà đầu tư; quan tâm giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, dễ dàng, minh bạch, tránh tình trạng chủ trương của tỉnh thì rất rõ ràng, đúng đắn, nhưng đến các ngành, các cấp thừa hành lại chậm chạp, thậm chí gây cản trở. Mặt khác cần quan tâm nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chuyên viên các ngành, các cấp tạo điều kiện và môi trường hoạt động cho các doanh nghiệp, đó mới là điều quan trọng mang yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp chứ không phải chính sách hỗ trợ. Tỉnh cũng cần chăm lo đào tạo nguồn nhân lực kể cả trình độ tay nghề và tác phong lao động công nghiệp, đáp ứng cho các dự án công nghiệp trên địa bàn".
Thực tế, trên tinh thần cầu thị với mong muốn khai thác một cách hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời khắc phục những khuyết điểm, yếu kém để phát triển nhanh và bền vững, liên tiếp trong thời gian qua, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, gặp gỡ, tọa đàm nhằm tranh thủ những ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn, các doanh nghiệp nhằm đưa công nghiệp của địa phương phát triển nhanh và bền vững trong thời gian 10 năm tới. Đơn cử như hội thảo "Phát triển công nghiệp Nghệ An, giai đoạn 2011 - 2015"; hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp được tổ chức hàng năm và gần đây nhất là hội nghị gặp gỡ - tọa đàm "Nghệ An - Hội nhập và phát triển" với sứ quán, các tổ chức thế giới và các doanh nghiệp nước ngoài; các cuộc trao đổi, gặp gỡ không chính thức... Thông qua đó, Nghệ An đã tiếp thu có chọn lọc và xác định được những nhóm ngành nghề có lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường nội địa và tham gia xuất khẩu các mặt hàng chế biến có giá trị gia tăng và năng suất lao động cao thay vì hàng nông sản và gia công như hiện nay. Và mặc dù là địa phương có nguồn nguyên liệu lớn để trở thành trung tâm công nghiệp xi măng của cả nước nhưng tỉnh định hướng công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy hải sản bằng công nghệ cao, ít tác động môi trường vẫn là ngành nghề có lợi thế cạnh tranh cao của tỉnh. Đồng thời ưu tiên lựa chọn thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính, sử dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại ít tác động đến môi trường vào đầu tư trên địa bàn. Nghệ An cũng đang quyết tâm thực hiện cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và minh bạch, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện đồng bộ các giải pháp khác, quyết tâm thực hiện vận động, thu hút đầu tư vào Nghệ An nhanh, nhiều và hiệu quả, bổ sung nguồn vốn vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bền vững môi trường.
Mai Hoa