Bài 3: Nghề nuôi ong dạo
Đoạn qua địa bàn huyện Thanh Chương, bên cạnh những đồi chè biếc xanh là những rừng keo ngút ngàn. Trong cái nắng của tháng Năm, thỉnh thoảng chúng tôi nhìn thấy những lều bạt dựng tạm dưới những tán keo, cạnh đó là hàng trăm tổ ong mật, được xếp hàng ngay ngắn. Đó chính là những người làm nghề nuôi ong dạo. Mùa này, lá keo đâm chồi nảy nở, thợ ong chuyển về đây lấy mật...
(Baonghean) - Đoạn qua địa bàn huyện Thanh Chương, bên cạnh những đồi chè biếc xanh là những rừng keo ngút ngàn. Trong cái nắng của tháng Năm, thỉnh thoảng chúng tôi nhìn thấy những lều bạt dựng tạm dưới những tán keo, cạnh đó là hàng trăm tổ ong mật, được xếp hàng ngay ngắn. Đó chính là những người làm nghề nuôi ong dạo. Mùa này, lá keo đâm chồi nảy nở, thợ ong chuyển về đây lấy mật...
>> Bài 2: Khi tiềm năng được đánh thức
Xế chiều, chúng tôi ghé vào trại ong dưới một khu rừng keo dày đặc, thuộc xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương. Chủ trại ong là cha con ông Hoàng Công Thìn. Ông Thìn dáng người vạm vỡ, tầm thước, trò chuyện với ông mỗi lúc càng thêm hấp dẫn, bởi những lời nói của ông rất chân tình, cởi mở. Bắt đầu câu chuyện về nghề nuôi ong dạo, ông Thìn bộc bạch ngay: Chuyến đi trước của cha con tôi bị “móm”, vì thời điểm đó ở Bắc Giang mưa to, khiến lượng mật trên hoa bị trôi hết, ong không kịp lấy. Hết mùa hoa vải ở Bắc Giang, cha con tôi chuyển về Ninh Bình để lấy mật từ hoa nhãn, rồi chuyển về vùng đất này cách đây 5 hôm. Đây là lần đầu tiên tôi đưa ong đến vùng đất này.
Ông Thìn năm nay đã ngoài tuổi 50, quê gốc ở tỉnh Thanh Hóa, vào miền Nam làm ăn, nay gia đình sống tại Thành phố Vũng Tàu. Qua nhiều ngành công tác, từ công an phường, cán bộ kiểm lâm, nhưng do tính tình cương trực, thẳng thắn, ông chấp nhận rời bỏ cơ quan nhà nước, trở về làm ăn với cơ chế thị trường. Sau nhiều nghề kiếm sống tại địa phương, cũng không mấy khấm khá, một lần được bạn bè “mách” nghề nuôi ong dễ làm giàu, thế rồi từ đó ông kiên trì đọc báo, xem ti vi, tham khảo các loại sách về kỹ thuật nuôi ong. Và nghề nuôi ong di động bén duyên với ông từ năm 2008. Vốn liếng ban đầu là 250 triệu đồng, mua gần 200 tổ ong mật và một số dụng cụ khác.
Với người ta, “ong đi tìm mật cho mình”, còn với cha con ông Thìn thì ngược lại “mình đi tìm mật cho ong”. Nghề nuôi ong di động chấp nhận vậy. 12 tháng trong năm, những địa phương ông chọn để di chuyển ong đến là từ Đồng Tháp lên Lâm Đồng, ra Bắc Giang, xuống Ninh Bình rồi vào Nghệ An. Mỗi địa phương có một thế mạnh về cây trồng khác nhau, nên dựa vào đó để di chuyển ong đến cho phù hợp. Nếu không, lượng mật lấy được trong năm sẽ rất ít.
Người dân địa phương học hỏi cách nuôi ong di động của ông Hoàng Công Thìn
Qua nghiên cứu cho thấy, có loại cây mật được chiết từ hoa, cũng có cây mật chiết từ nách lá. Làm nghề nuôi ong dạo trước hết là phải nắm được điều đó thì mới thu lợi được nhiều mật. Nhãn, vải, cà phê… là mật được chiết từ hoa, còn cao su và keo mất được chiết từ nách lá non. Đối với Nghệ An, thời điểm này là đầu mùa hè, rất phù hợp với điều kiện sống của ong, hơn nữa đây là thời điểm lá cây keo phát triển mạnh, nên lượng mật được chiết ra rất nhiều.
Vì sao ông chọn rừng keo ở vùng này để đặt ong? Ông Thìn bộc bạch: “Đi nhiều nơi, tôi thấy keo ở đây phát triển mạnh, chứng tỏ đất đai ở đây rất phù hợp với trồng keo, và keo càng phát triển tốt thì lượng mật được chiết ra càng nhiều. Trong những rừng keo bạt ngàn ấy, ẩn chứa một lượng mật ong rất lớn. Nếu con người không biết khai thác, sẽ đánh mất một nguồn thu lợi từ thiên nhiên quý giá. Hơn nữa, mùa này vùng đất Nghệ An ít mưa, nên lượng mật đậu ở nách lá càng nhiều, con ong không phải bay xa để kiếm mật. Nắm được những đặc điểm của từng loại cây trồng, người nuôi ong căn từng thời điểm ra hoa của các loại cây để di chuyển ong đến. Nghề nuôi ong di động phải nay đây mai đó, quanh năm sống nơi đất khách quê người...”
Để ong luôn được đảm bảo sức khỏe, người nuôi phải nắm chắc các triệu chứng bệnh của chúng. Giống ong Ý ông nuôi thường mắc các bệnh chấy (con chấy bâu vào cuống cánh), thối ấu trùng, đau bụng... Do đó, trong quá trình nuôi ong, con người phải thường xuyên theo dõi, nếu thấy con ong có biểu hiện bất thường là đoán biết được bệnh của nó để chữa trị kịp thời. Do vậy, trong hành lý mang đi kèm, lúc nào cũng có thuốc chữa các loại bệnh mà ong thường gặp. Bên cạnh đó còn phải biết đề phòng ong bốc bay. Đối với giống ong Ý, nguyên nhân dẫn đến ong bốc bay thường là do thiếu phấn và thiếu mật. Kinh nghiệm của ông Thìn cho rằng, nếu thiếu phấn thì người nuôi phải kịp thời cho ong ăn bột đậu nành; nếu ong thiếu mật thì cho ăn đường. Bởi thế, suốt từ năm bắt đầu chuyển sang nghề nuôi ong di động đã 6 năm nay, ong của ông Thìn chưa bị bốc bay tổ nào.
Nhìn những dãy tổ ong được xếp thành hàng nối dài dưới tán rừng keo, ông Thìn cho biết thêm: Mặc dù tổ ong đã cũ, nhiều nơi đã bị hở ván, nhưng mưa to mấy cũng không sợ nước mưa chảy vào trôi mất mật. Bởi vì, khi ong vào tổ, bao giờ chúng cũng bám vào tầng, bộ cánh của chúng bao bọc lấy tầng ong. Nếu có giọt nước mưa vào thì cũng rơi vào cánh, lăn xuống chân cầu, giữ an toàn tuyệt đối cho mật.
Tổng đàn ong của cha con ông Thìn hiện có 195 tổ, mỗi tổ được đặt 10 cầu. Do được di chuyển đến những nơi có nhiều mật tự nhiên, cộng với sự cần mẫn của hàng triệu con ong, nên mật rất nhanh đầy cầu. Ông Thìn cho biết, bình thường cứ 15 ngày quay mật một lần. Mỗi lần thu được 1 tấn mật ong. Mật ong thu được, không trộn lẫn bất kỳ một hóa chất gì, và vận chuyển về bán cho Công ty ong mật Đồng Nai với giá 40 nghìn đồng/kg, được 40 triệu đồng. Ngần ấy tiền thu được trong vòng 15 ngày, thì mỗi năm tính sơ sơ cũng gần tỷ đồng. Nhưng theo ông Thìn thì đúng là vậy, tính ra mỗi năm 2 cha con chỉ lãi được 300 triệu đồng, bằng một suất đi lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ông Thìn khẽ thở dài: Nghề nuôi ong dạo chi phí trên đường tốn lắm. Mỗi lần di chuyển vị trí là thuê xe ô tô vận chuyển hết cả chục triệu đồng. Rồi sau đó là khoản tiền “ngoại giao” với chính quyền địa phương, người dân. Và cũng có chuyến “móm” như chuyến đi Bắc Giang vừa rồi chẳng hạn! Mình phải chấp nhận những thực tế đó, vì có như thế mình mới ở được đất khách quê người một cách vô tư.
Hai bên đoạn đường Hồ Chí Minh, dài hơn 40 km, qua các xã của huyện Thanh Chương: Thanh Mỹ, Thanh Hương, Thanh Tịnh, Thanh An… đến xã cuối cùng là Thanh Xuân, chúng tôi đếm được 7 trại nuôi ong di động. Qua quan sát, cuộc sống của những người làm nghề nuôi ong di động rất đơn sơ, tạm bợ. Trong những cái lều bạt là chiếc giường, cùng với cái tráp bằng gỗ để đựng quần áo, mấy cái nồi nhôm méo móp, can nhựa đựng nước, bát đĩa… Nhưng tài sản của họ mang theo là rất lớn, đó là hàng trăm tổ ong mật, trị giá mỗi tổ 10 triệu đồng. Trước một tài sản lớn như thế, lại sống ở đất khách quê người, không nhà cửa, không anh em họ hàng, lấy gì để giữ an toàn cho tài sản và con người.
Để đảm bảo không bị mất mát hay bị những kẻ xấu lợi dụng, là một điều không phải dễ chút nào. “Đất có thổ công, sông có hà bá”, trước khi đến vùng đất nào là mình đã có mối quan hệ thân thiết với ít nhất là một người ở địa phương đó. Với chính quyền mình phải xin phép tạm trú và cam kết không làm mất an ninh trật tự, không để xẩy ra cháy rừng… Với người dân mình phải hài hòa, cởi mở và hiểu được phong tục tập quán của người ta. Thậm chí mình sẵn sàng giúp đỡ người dân một việc gì đó có thể. Ví như một lần lên Đồng Nai, có người ngỏ ý muốn đi theo để học nghề nuôi ong, ông Thìn sẵn sàng. Chỉ sau 1 năm, người đó trở thành ông chủ trại ong. Đó là những việc làm đầu tiên trước khi đặt ong xuống vùng đất đó. Con ong không làm hại gì đến cây trồng, mà ngược lại nó còn giúp ích cho các loài hoa của cây trồng dễ dàng thụ phấn. Nhận biết được lợi ích của con ong, chính quyền địa phương nào và người dân cũng giúp đỡ, tạo điều kiện rất thuận lợi. Những người làm nghề nuôi ong di động được ví như “làm dâu trăm họ”.
Ngay cả việc chọn vị trí để đặt tổ ong cũng không ảnh hưởng gì đến cây trồng. Lều bạt buộc chặt vào thân cây làm nơi ở cho người, trong quá trình nấu ăn hàng ngày, mình luôn đảm bảo an toàn khi sử dụng lửa, không để xẩy ra cháy rừng. Cho đến nay, ông Thìn đã có một mạng lưới quan hệ thân thiết từ Bắc vào Nam, và nắm được quy luật phát triển của các loại cây trồng trong năm để di chuyển ong đến đó, không bao giờ bị cản trở từ người dân địa phương. Ngay cả phương tiện vận chuyển ong đi, ông cũng có các mối quan hệ thân thiết, khi cần là gọi điện thoại, người ta đến chở đi ngay.
Nghề nuôi ong dạo là vậy, mặc dù vất vả nhưng vì đam mê nên lúc nào cũng thấy vui. Từ ngày có đường Hồ Chí Minh, những người nuôi ong di động rất thuận lợi trong quá trình vận chuyển. Trong số những chủ trại ong dạo trên đường Hồ Chí Minh là mỗi người một quê, nhưng đều chung một hoàn cảnh, nên họ luôn tạo được môi trường sống lành mạnh, hòa nhập, bởi một lẽ, ong là loài côn trùng luôn mang lại lợi ích thiết thực cho con người và cây trồng.
Bài, ảnh: Xuân Hoàng