Bài 3: Niềm vui viết sách, làm báo

20/11/2014 18:57

(Baonghean) - Viết sách, báo tưởng như là công việc rất đỗi khó khăn đối với những người cao tuổi miền núi, thế nhưng, tại nhiều làng bản vẫn có những cây viết đang góp phần gìn giữ và truyền bá văn hóa của cộng đồng đến với xã hội...

Một buổi chiều cuối thu, tôi vượt núi tìm đến thăm ông Lương Viết Thoại ở bản Còn (xã Châu Quang - Quỳ Hợp). Từ gần 20 năm nay, tác giả Thái Tâm, bút danh của ông Thoại, đã trở nên quen thuộc trên báo Nghệ An và nhiều báo trung ương, địa phương khác. Lâu nay, ông được xem là một trong những cây bút tiêu biểu của vùng Phủ Quỳ. Thái Tâm chuyên viết về các vấn đề văn hóa, xã hội khu vực tuyến Quốc lộ 48. Trong số này có những bài nghiên cứu văn hóa đặc sắc được ông tập hợp trong bản thảo cuốn sách “Đánh một tiếng cồng”. Ông Thoại cho biết, dẫu chưa có điều kiện xuất bản nhưng đó là những điều ông tâm huyết về văn hóa Thái.

TIN LIÊN QUAN

Ông Vi Khăm Mun và những bản thảo đang hoàn thành.
Ông Vi Khăm Mun và những bản thảo đang hoàn thành.

Năm nay đã bước sang tuổi 60, ông Thoại hiện đang tham gia biên tập cuốn tập san của CLB Văn học nghệ thuật huyện Quỳ Hợp. Tập san này đã ra được 29 số, là sân chơi của những cây viết chuyên và không chuyên gần xa. Còn với ông thì đây là nơi lưu giữ những nét văn hóa truyền thống mà ngày nay đã và đang dần mai một.

Trước đây, ông Lương Viết Thoại là một CCB chống Mỹ từng tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên năm 1975, sau đó ông được bố trí công tác ở Hải đội 9 của lực lượng Hải quân Việt Nam. Năm 1988, ông tham gia phục vụ hậu cần và cứu thương trong trận đánh bảo vệ đảo Gạc Ma trước quân xâm lược Trung Quốc. Đến năm 1991 vì lí do gia đình, ông xin nghỉ hưu. Từ đó ông bắt đầu bước vào nghiệp viết với bút danh Thái Tâm. Từ năm 1995, những bài viết của ông về văn hóa Thái xuất hiện nhiều trên báo Nghệ An, báo Quân đội Nhân dân và những tạp chí về khoa học và văn học, nghệ thuật. Những bài nghiên cứu của ông về tên bản, tên mường, lịch sử dựng bản lập mường của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc Nghệ An thực sự trở thành những tư liệu chân thực về một vùng văn hóa còn nhiều bí ẩn.

Đáng chú ý, gần đây trên báo Nghệ An đăng loạt bài của ông về nghề mo trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Thái ở huyện Quỳ Hợp. Ngày xưa, những ông mo, bà mo thực sự là những người kết nối thế giới thực với cõi tâm linh. Phần lớn họ đều là người đức độ, không vì vật chất nên được cộng đồng kính trọng. Trong thời đại ngày nay, nghề mo cũng đã có những thay đổi. Ngoài những người hoàn toàn vì niềm tin tâm linh thì cũng có những thầy mo xem đây là nghề “kiếm cơm”. Họ có thể ra giá cho một buổi gọi vía hay trừ tà... Theo ông thì đây là những biến tướng của một công việc vốn giàu ý nghĩa về tâm linh cũng như sự cố kết cộng đồng.

Ngoài những bài nghiên cứu văn hóa, ông Thoại còn là một cây bút văn xuôi sắc sảo trên các thể loại truyện ngắn, bút ký. Năm 2013, ông xuất bản một cuốn tiểu thuyết lịch sử về cuộc khởi nghĩa Tồng Lôi diễn ra vào những năm cuối thế kỷ XIX. Cuộc khởi nghĩa do Lương Văn Bản khởi xướng đã được chuẩn bị chu đáo nhưng bị bại lộ. Thực dân Pháp đã đàn áp dã man cuộc nổi dậy này. Cuốn sách dày dặn trên 700 trang, ngoài câu chuyện về cuộc kháng chiến chống Pháp của người vùng cao Phủ Quỳ, còn chất chứa những cảnh sinh hoạt văn hóa tinh thần và những phong tục từ ma chay, cưới hỏi đến những hoạt động lễ hội. Hầu hết những sinh hoạt này hiện nay đều có sự biến đổi hoặc đã mai một. Dù là một tiểu thuyết, “Tiếng thét Tồng Lôi” còn là một công trình nghiên cứu về phong tục truyền thống của người Thái, những phong tục được giới thiệu bằng truyện kể.

Với Thái Tâm, một bài viết dù hay hoặc chưa hay nhưng một khi nó xuất hiện trên mặt báo, ông như đang được nói lên tiếng nói của chính mình. Viết thực sự là một nhu cầu của những người tâm huyết với văn hóa cổ truyền như ông. Trong sự biến đổi chóng mặt của xã hội, những ngôi nhà sàn ở bản của ông cũng đã vắng bóng. Chỉ còn cây cổ thụ trên đường vào bản, cũng là một nét văn hóa của người Thái, vẫn ngạo nghễ cùng tuế nguyệt. Ông cũng là một trong những cây đại thụ như thế.

Từ xã Châu Quang, theo Quốc lộ 49C, tôi lại tìm đến bản Xiềng Líp (xã Yên Hòa - Tương Dương). Thật khác với bản Còn của nhà văn Thái Tâm. Nơi đây vẫn còn đó những nếp nhà sàn cổ. Những điệu dân ca truyền thống vẫn hiển hiện trong cuộc sống của những người cao tuổi nơi đây. Trẻ em vẫn còn thuộc nhiều bài đồng dao trong những trò chơi gọi bươm bướm, chuồn chuồn, gọi trăng...

Trong bản Xiềng Líp, ông Vi Khăm Mun được mến mộ không chỉ vì đức tính hòa nhã, ông còn được biết đến là người truyền bá chữ Thái hệ Lai Pao ở nhiều xã, bản ở các huyện Con Cuông, Tương Dương và đã mở được hàng chục lớp truyền dạy. Không những thế, cụ ông 72 tuổi này còn là người sưu tầm văn hóa dân gian rất tích cực. Trong 4 năm trở lại đây, ông liên tục nhận được giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vì những công trình sưu tầm về thành ngữ, tục ngữ của người Thái nhóm Tày Mường ở huyện Tương Dương, truyện cổ tích dân gian... mỗi công trình đều dày dặn từ 2 đến 3 tập.

Sinh ra và lớn lên trong cộng đồng người Thái, từ nhỏ đã là người nổi tiếng ham học hỏi, ông trở thành một trong những học sinh vùng cao đầu tiên của người trường mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng. Sau đó ông tiếp tục học lên và chọn nghề Sư phạm và công tác suốt trên 30 năm trong ngành Giáo dục. Năm 2009, khi đã nghỉ hưu, ông tham gia học chữ Thái hệ Lai Pao do cụ Lô Văn Thoại truyền dạy. Từ đó ông trở thành một trong những người truyền dạy chữ Thái tích cực nhất ở huyện Tương Dương.

Khi nghỉ hưu ông có thời gian nhiều hơn để rong ruổi trên khắp những làng bản trong các xã Yên Hòa, Yên Na, Yên Tĩnh, Nga My để sưu tầm những câu tục ngữ, thành ngữ, những làn điệu dân ca... sau đó những cuốn sách lần lượt ra đời. Đó thực sự là niềm vui tuổi già của ông. Hiện tại ông đã xuất bản được 4 trong số 7 tập bản thảo gửi Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Trong khi vui chuyện ông “khoe” với tôi chồng bản thảo đang hoàn thành. Trong năm 2014, ông đã hoàn thành được 4 cuốn. Trong đó là những sưu tầm của ông về đồng dao của người Thái huyện Tương Dương như gọi bướm, kể về hoa văn chiếc nong, gọi nàng “xòng”, gọi trăng, truyện tiếu lâm, phong tục xem ngày tốt, xấu trong những công việc như cưới hỏi đến những việc như đóng chuồng gà, làm kho lúa... Những hoạt động này đều có những nguyên tắc chọn ngày giờ khác nhau được thể hiện bằng văn vần. Tất cả những công trình sưu tầm vừa kể đều được thể hiện bằng song ngữ tiếng Thái và tiếng Việt. Ngoài ra, ông cũng đã hoàn thành cuốn tài liệu hướng dẫn dạy và học chữ thái hệ Lai Pao.

Những người viết sách, báo ở miền núi như ông Lương Viết Thoại, Vi Khăm Mun hay nhà văn Sầm Nga Di, ông Lô Khánh Xuyên (Mường Nọc - Quế Phong) thực sự là những viên ngọc quý của bản mường. Họ đang góp phần quan trọng để truyền bá và gìn giữ những giá trị trong văn hóa truyền thống của người vùng cao...

Bài, ảnh: Hữu Vi

Mới nhất
x
Bài 3: Niềm vui viết sách, làm báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO