Bài 3: Về bản Xiềng, nghe hát giao duyên

05/04/2013 14:51

>Bài 2: Nhà sàn, thổ cẩm và guồng nước

Nhiều nơi ở miền núi Nghệ An có bản Xiềng, và ở xã Môn Sơn (Con Cuông) cũng vậy. Đây là một trong những điểm du lịch cộng đồng được chính quyền huyện cho gắn biển từ cuối năm 2012.



Đường vào bản Xiềng.

Chúng tôi đến nhà trưởng bản Ngân Văn Mại, xin đi thăm bản và hỏi chuyện bà con nơi đây làm du lịch ra sao? Ông bảo: “Các anh vậy là gặp may rồi đấy. Chỉ chậm dăm phút nữa, tôi đã đi lên rãy”. Trên ấy đang có một đàn bò chờ cỏ, vì vậy ông Mại chỉ có thể dành cho chúng tôi một khoảng thời gian ngắn ngủi. Ông cho biết, bản được coi như một điểm du lịch cộng đồng vì lợi thế riêng.

Ngoài sản phẩm du lịch như nhà sàn, thổ cẩm, hát khắp thì bản còn có thắng cảnh đập nước Phà Lài. Con đập cũng là điểm du lịch hàng năm thu hút một lượng lớn người gần khách xa đến thưởng ngoạn. Đây cũng là bến sông để từ đó người ta có thể ngồi xuồng máy vào với bản của người Đan Lai đầu nguồn sông Giăng. Đi trên sông, người ta có thể thấy thấp thoáng bóng vài chú khỉ thoăn thoắt bám cành, những loài thú nhỏ như sóc, cày bay... vẫn nhiều lắm. Tại bản cũng đã có nhà sắm thuyền máy phục vụ nhu cầu đi lại của bà con vào ra các bản đầu nguồn con sông, các đoàn công tác, còn khách du lịch thì năm thì mười họa mới có.

Từ ngày được công nhận là điểm du lịch cộng đồng, ban quản lý thôn bản đã có một chuyến tham quan học hỏi cách làm du lịch ở Mai Châu (Hòa Bình). Ở đó, có bản Lác đã thành điểm du lịch từ những năm 1960, nên có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Khách Tây khách ta tìm đến nườm nượp... “Tiếng Thái ở đó cũng như ở người mình, nhà sàn của bản mình đẹp cũng không kém gì họ. Vậy sao mình lại kém họ chứ? Tôi tin rằng, nếu làm đúng cách thì chúng ta cũng sẽ được như họ” - ông Mại tin tưởng nói.

Cảnh quan sông Giăng và đập nước Phà Lài đã có tiếng lâu nay, nhưng câu chuyện cộng đồng làm du lịch mới chỉ bắt đầu. Đi xem bản của người ta làm, mới biết nhà sàn cũng có thể làm nơi lưu trú cho khách. Lúc này, người bản mới nghĩ đến chuyện này nhưng thấy nhà sàn ở đây vẫn thiếu thốn nhiều thứ, ví như một công trình vệ sinh khép kín. Nhà sàn của người Thái ở bản Lác thậm chí không cao như nhà của bản mình nhưng tiện nghi đầy đủ, có thể đón tiếp khách du lịch phương tây. Còn những người đến với bản Xiềng tham quan xong họ lại ra nghỉ lại ở Lục Dạ, hoặc tại Thị trấn Con Cuông. Dù đã nghĩ đến việc cơ cấu một số nhà sàn đẹp tại bản làm điểm lưu trú cho khách du lịch, nhưng việc đầu tư cải tạo lại những ngôi nhà sàn này thường ngốn hàng chục triệu đồng, nên mới chỉ dừng lại ở dự định.

Bản có một tổ dệt hoạt động thường xuyên, từ năm 2008 đến nay, chủ yếu là chị em phụ nữ tranh thủ làm thêm khi nông nhàn, chưa thành làng nghề. Tuy đã thành lập hợp tác xã, nhưng thu nhập lại không đều đặn như làng nghề Hoa Tiến ở Quỳ Châu. Chị Hà Thị Hằng - Chủ nhiệm HTX thủ công – mỹ nghệ bản Xiềng cho biết: “Khách hàng chủ yếu vẫn là khách du lịch ngoại quốc. Trong chuyến viếng thăm gần đây nhất của đoàn khách du lịch đến từ Pháp, xã viên của HTX bán được cả chục triệu đồng”.

Những dịp như vậy, các xã viên của HTX lại kiêm nhiệm việc nấu các món ăn dân tộc, biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách. Nhưng mỗi năm cũng chỉ có 6 – 7 đoàn khách đến với bản, vì thế công việc chủ yếu là dệt may thổ cẩm.

Những người cao tuổi ở bản Xiềng vẫn còn yêu thích những làn điệu khắp. Qua lời giới thiệu của chị Hà Thị Hằng, chúng tôi tìm đến nhà bà cụ Thương. Hỏi cụ họ gì, cụ liền bảo: “Cứ gọi là cụ Thương bản Xiềng thôi!”.



Cụ Thương, nghệ nhân hát khắp của CLB Dân ca Thái.

Đã chiều muộn, bà cụ dong đàn bò vào cổng. Nghe chị Hằng nói, tôi làm báo, lại là người Thái, thích nghe hát khắp, cụ buộc vội đàn bò vào chuồng. Dẫu đã ngoài tuổi “cổ lại hi”, cụ hãy còn tinh anh lắm. Mỗi bước đều lẹ làng. Cụ nói với tôi bằng tiếng Thái: “Tưởng các anh trẻ không thích nghe hát khắp”. Tôi bảo: “Nhưng cháu biết điệu xắng chụ muốn được nghe cụ hát.” Cụ cười tinh nghịch: “Nó chỉ dành cho người cùng lứa tuổi với nhau, mà chỉ hát khi còn trẻ thôi!”. Rồi cụ cất lời: “Này chú trai bản xa/Đến mường ta chớ buông lời suồng sã”. Nghĩ một lúc tôi đáp lại bằng điệu hát nhuôn quê tôi: “Tôi chỉ là con chim nhỏ đang học đẻ trứng/Chú gà trống choai đang học gáy...”. Điệu hát nhuôn có vẻ không ăn nhập với hát khắp của cụ Thương, khiến ai nấy cười ngặt nghẽo.

Ngày thường, tôi và những người trong cộng đồng chỉ nghe âm nhạc hiện đại. Dù không nói ra thì trong trái tim mình, luôn dành một góc cho dân ca Thái. Nó như một thứ mạch nguồn, chỉ chờ dịp là tuôn trào. Hôm ấy, cụ Thương cũng vui vì ít ra thì cụ cũng không phải thất vọng vì những người trẻ yêu dân ca Thái.

Khi chia tay, cụ Thương bảo: “Hôm nay gặp cháu khiến bà nhớ lại hồi còn trẻ trai gái đi hát khắp. Con trai thổi pí, con gái thì hát, vui lắm”. Còn chị Hằng thì nói: “Muốn nghe hát khắp thì dịp nào bản có đám cưới chị gọi cho. Những dịp như vậy mới gọi là hát khắp thực sự…”.


Hữu Vi

Bài 3: Về bản Xiềng, nghe hát giao duyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO