Bài 4: Anh Sơn - Nỗi khổ của người dân vùng tả ngạn

22/02/2012 15:55

(Baonghean)- Những ngày mưa phùn, gió rét, nếu có dịp về các xã vùng tả ngạn sông Lam thuộc huyện Anh Sơn mới thấu hiểu được nỗi gian nan, vất vả trong việc đi lại của người dân nơi đây. Bởi lẽ, mỗi khi mưa kéo dài, tuyến đường chính nối liền các xã (thường gọi là Quốc lộ 7B) trở nên lầy sục. Vài năm gần đây, việc thi công tuyến đường 7B rồi bỏ dở chừng làm cho việc đi lại trong những ngày mưa càng thêm cơ cực.

Xem Bài 3: Khổ ải vì những con đường

Những ngày đầu năm, chúng tôi tìm về xã Vĩnh Sơn. Đến cầu treo Anh Sơn (nối Thị trấn Anh Sơn với xã Vĩnh Sơn và Đức Sơn), thấy mấy người đi đường dày dép, quần áo đều lấm lembùn đất, chiếc xe máy cũng nhuộm màu vàng. Gặp chúng tôi, một trong số những người ấy lên tiếng: "Đường lầy và trơn lắm, các anh chị không đi xe đến được đâu, tốt nhất là gửi xe ở đây rồi đi bộ". Nghe theo lời khuyên, chúng tôi vào nhà một gia đình ở gần cầu treo gửi xe để cuốc bộ xuôi theo hướng xã Vĩnh Sơn.

Đoạn đường khoảng 5 km, gần như đều phải dò dẫm lội bùn. Dọc đường đi, chứng kiến cảnh nhiều em học sinh đến trường bị ngã do đường trơn, áo quần lấm đầy bùn. Đối với các em nhỏ, bố mẹ phải thay nhau cõng đến lớp. Thấy chúng tôi lội bì bõm dưới bùn, có một vài người lên tiếng: "Đường đi ở đây như vậy đó, anh chị có đi mới biết được nỗi khổ hàng ngày của chúng tôi".

Ông Đường Văn Vỹ (xóm 8, Vĩnh Sơn) cho biết: "Từ lâu, người dân Vĩnh Sơn và các xã vùng tả ngạn hết sức bức xúc vì việc thi công tuyến đường 7B rồi bỏ giữa chừng khiến cho đường thành... ruộng, việc đi lại khổ sở không thể kể hết. Chúng tôi phải thường xuyên thay nhau kéo xe bò để chở bọn trẻ đến trường, công việc làm ăn sản xuất bị bê trễ...".


Xong công việc riêng, chúng tôi lại lội bì bõm ngược trở về phía cầu treo. Chưa vội lấy xe về ngay, chúng tôi quyết định tiếp tục cuốc bộ khoảng 5 km ngược lên xã Đức Sơn để xem đoạn đường này có gì khả quan hơn hay không. Nhưng rồi, đi được một đoạn ngắn thì sự thất vọng chợt đến khi thấy đoạn đường phía trước chẳng khác gì một bãi lầy dài vô tận, việc đi lại còn khó khăn hơn nhiều so với đoạn xuống Vĩnh Sơn.

Ông Nguyễn Văn Hùng đang cào lớp bùn sệt trước cổng, cho biết: "Phải cào lớp bùn đất này để mỗi khi ra vào cổng được dễ dàng hơn. Ở đây, mỗi khi có việc phải đi ra đường là cả một nỗi ám ảnh, ai cũng hết sức ngán ngẩm rồi. Hơn 1 tháng nay, chiếc xe máy của tôi nằm yên trong nhà vì đường không thể chạy được. Bây giờ, chúng tôi không gọi tuyến đường này là đường 7B nữa, mà gọi là đường... "bỏ bê" có lẽ chính xác hơn".

Trên đường trở lại cầu treo, đi cùng chúng tôi là một nữ giáo viên Trường THCS Đức Sơn. Qua chuyện trò, được biết nhà chị ở xã Thạch Sơn, phía bên kia cầu. Vào những ngày mưa, đường trơn và lầy lội, chị và các đồng nghiệp khác đều phải gửi xe gần cầu treo rồi cuốc bộ chừng 5 cây số để đến trường. Những ngày như thế, chị phải đi sớm về muộn. Có những hôm bị ngã, áo quần và cặp sách, giáo án đều bị ướt. Đến lúc chia tay, chị không giấu được tiếng thở dài rồi than thở: "Không biết còn phải lội bùn như thế này đến bao giờ?".


Được biết, Dự án Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 7B đã được Chính phủ phê duyệt với tổng số tiền lên tới hơn 200 tỷ đồng và được khởi công từ năm 2009. Công trình này do UBND huyện Anh Sơn làm chủ đầu tư. Đoạn đường có chiều dài 35 km, qua địa bàn các xã: Tào Sơn, Lạng Sơn, Vĩnh Sơn, Đức Sơn, Hùng Sơn, Đỉnh Sơn và Thành Sơn.

Đến nay, sau gần 3 năm khởi công vẫn còn một số vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu vốn nên tiến độ thi công của các nhà thầu không đảm bảo. Hiện tại, các nhà thầu cơ bản mới chỉ dừng lại ở việc san gạt mặt đường, một vài đoạn làm mương và cống thoát nước. Do thiếu vốn, thời gian gần đây, tất cả các nhà thầu đều đã dừng hẳn việc thi công.

Theo dự kiến ban đầu, các gói thầu sẽ được hoàn thành trong vòng hơn 1 năm. Lúc ấy, người dân các xã vùng tả ngạn hết sức vui mừng và hy vọng, bởi tuyến đường 7B được nâng cấp sẽ mở ra nhiều cơ hội để giao lưu và phát triển kinh tế- xã hội. Trước hết là việc đi lại sẽ đỡ phần gian nan, cách trở. Tiếp đến là khai thông tuyến đường đến các vùng chè và gỗ nguyên liệu cũng như việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Thế nhưng, trước thực trạng này, người dân đã thật sự thất vọng...


Thiết nghĩ, UBND huyện Anh Sơn cần sớm tìm ra giải pháp để khắc phục tình trạng nêu trên, để việc đi lại của người dân không còn là một nỗi ám ảnh. Và điều quan trọng hơn nữa là củng cố lòng tin, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế- xã hội, xóa bỏ đói nghèo, lạc hậu...


Tường Anh

Mới nhất
x
Bài 4: Anh Sơn - Nỗi khổ của người dân vùng tả ngạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO