Bài 4: Cố tình vi phạm, phớt lờ bồi thường

09/08/2011 08:37

(Baonghean) - Gây ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có nhà máy, cơ sở nào đền bù cho người dân bị ảnh hưởng. Một số cơ sở chủ ý trong vi phạm và thể hiện thái độ bất hợp tác.

Trong các biện pháp khắc phục mới nhất về vấn đề môi trường ở Nhà máy Bao bì Sabeco, Sở Tài nguyên Môi trường Nghệ An có nội dung "yêu cầu công ty hợp tác và chấp hành nghiêm túc kết luận của Thanh tra môi trường, các công văn của Sở tài nguyên..." Rõ ràng khi cơ quan cao nhất quản lý Nhà nước về môi trường đã ra kết luận nhưng Công ty vẫn chưa chấp hành thì những văn bản của cấp dưới, của xã, kiến nghị của dân liệu có được công ty đoái hoài? Trong khi công luận đang lên tiếng bảo vệ môi trường và bảo vệ quyền lợi của người dân thì việc chỉ đạo tính toán đền bù thiệt hại cho dân, bảo vệ quyền lợi cho người dân chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, chính sự thiếu kiên quyết và vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng khiến công ty càng được lướt. Họ cho rằng do Khu công nghiệp chưa có khu xử lý nước thải tập trung nên họ xả thẳng là..không có lỗi; Vả lại tỉnh đã " trải thảm đỏ" mời họ về. Nhưng theo Luật Bảo vệ môi trường (2005) Điều 37 qui định rõ: " Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ phải có hệ thống kết cấu hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường".

Công luận đã từng lên tiếng về hàng loạt nhà máy ngang nhiên gây ô nhiễm môi trường như Nhà máy sắn Thanh Chương, Nhà máy sắn Yên Thành, Nhà máy xi măng Anh Sơn... nhưng chưa từng có nhà máy nào đền bù thiệt hại cho dân. Có chăng họ cũng chỉ mới xử lý được vấn đề nội bộ của nhà máy.


Thực tế qua kiểm tra cho thấy: những vi phạm về pháp luật môi trường ở các nhà máy, cơ sở hầu hết là có chủ ý. Đầu tư lớn, doanh thu lớn, nạp ngân sách nhiều, nhưng rất ít dự án đầu tư hệ thống xử lý môi trường hoặc đầu tư không đồng bộ, khi vận hành lại chưa thực sự nghiêm túc. "Con bài" của họ là không vận hành nhật ký xả thải, không thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường hay đánh giá tác động môi trường, gian lận khi quan trắc, không vận hành đúng yêu cầu của hệ thống xử lý hoặc xin đất xây dựng gần sông để tiện...xả thải. Có đơn vị cố tình không vận hành thiết bị vì tiết kiệm tiền điện, nước, phí xả thải, đặc biệt là hóa chất vốn rất đắt.... Hiện cơ quan nhà nước mới có cơ sở đánh giá lượng nước xả thải qua đồng hồ nước máy. Chính vì thế, nhiều nhà máy sử dụng nước giếng khoan để xả thải, tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng và tránh phải nộp phí xả thải. Một số nhà máy, đến khi bị phát hiện vi phạm, dư luận lên tiếng mới lo bảo vệ môi trường, nhưng cũng chưa có nhà máy nào đền bù thiệt hại cho dân về kinh tế và cả về sức khỏe.

Với thực trạng hầu hết các dự án, nhà máy đều có vi phạm về pháp luật môi trường khi thanh tra, kiểm tra, nhiều nhà máy gây ô nhiễm kéo dài, mức độ nghiêm trọng, cho thấy hậu quả sẽ khôn lường cho hệ thống nước mặt của thành phố, của khu vực dân cư lân cận. Người dân sống quanh các nhà máy, bệnh viện đã và đang từng giờ phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm nước, không khí, tiếng ồn...ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống, thậm chí là tính mạng của họ. Thật không công bằng khi nhà máy mọc lên, mang lại những giá trị kinh tế cho một bộ phận nào đó, nhưng lại để cộng đồng gánh chịu hậu quả. Hơn nữa, nước thải của bệnh viện, nhà máy dù chảy đi đằng nào cũng đổ ra sông, sông lại đổ ra biển. Còn hệ thống sông Lam, sông Cấm...là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho cả Vinh, Cửa Lò, rồi đây với khu xử lý rác thải Nghi Yên, nước thải của các nhà máy bia, nhà máy bột cá, nhà máy gỗ dăm... tuồn về biển cả thì nguồn nước sinh hoạt của cộng đồng không dám chắc sẽ còn bảo đảm.

(Còn nữa)


Nhóm PVKT

Mới nhất
x
Bài 4: Cố tình vi phạm, phớt lờ bồi thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO