Bài 4: Hạ tầng giao thông vùng biển tạo đà cho phát triển

09/12/2011 14:25

(Baonghean) - Trong những năm qua, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế nói chung và kinh tế biển nói riêng, hạ tầng giao...

(Baonghean) - Trong những năm qua, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế nói chung và kinh tế biển nói riêng, hạ tầng giao thông đã được chú trọng. Từ phát triển giao thông đã hình thành các trung tâm kinh tế dựa trên thế mạnh của vùng miền. Có thể thấy rõ tốc độ phát triển của ngành công nghiệp xi măng khi hệ thống giao thông đã được mở rộng. Dựa vào nguồn nguyên liệu dồi dào có trữ lượng, chất lượng lớn nhất nước, trên địa bàn tỉnh có 6 nhà máy sản xuất xi măng, một số đã hoạt động, một số đang xây dựng với tổng công suất dự kiến đến 2015 sẽ đạt 7,7 triệu tấn. Xi măng và nguyên liệu than chủ yếu theo đường biển phục vụ cho các tỉnh phía Nam hoặc xuất khẩu:

Ngoài xi măng, khu vực miền núi Tây Nghệ An rất giàu khoáng sản như đá trắng ở Quỳ Hợp, đá đen ở Con Cuông, Nghĩa Đàn, đá xây dựng, đá vôi, than mỡ, than bùn,… và cần các yếu tố tốt về hạ tầng và tiêu thụ. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đến năm 2020. Có 8 khu công nghiệp và kinh tế đã được phê duyệt, như Khu kinh tế Đông Nam với diện tích gần 19.000 ha, KCN Hoàng Mai với diện tích 600 ha, KCN Đông Hồi 600 ha, KCN Tân Kỳ 600 ha… Sản phẩm của các khu công nghiệp sẽ được xuất chủ yếu qua đường biển đến các địa phương và ra nước ngoài. Đây là điều kiện tốt nhất để giúp cho Nghệ An phát triển ngành vận tải biển. Để phục vụ mục tiêu đó, trong những năm qua, hệ thống giao thông, cảng biển đã được chú trọng đầu tư để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh nhà.

Để phục vụ cho việc phát triển khu vực kinh tế Nam Thanh, Bắc Nghệ như KCN Hoàng Mai, KCN Đông Hồi. Một cảng nước sâu được khảo sát, thiết kế tại Quỳnh Lập, với tổng số 28 bến, tổng công suất 25 triệu tấn thông qua cảng. Giai đoạn 1 thực hiện 10 bến. Hiện đang lập dự án xây để chắn sóng dài hơn 2.400m, luồng tàu dài 1.400m. Đây là cảng nước sâu, có độ sâu từ 14 - 17m bảo đảm cho tàu 3 - 5 vạn tấn ra vào an toàn.



Thi công đường xuống biển Quỳnh Lưu.

Song song với việc quy hoạch Cảng nước sâu Đông Hồi, Cảng nước sâu Cửa Lò đã được khởi công. Hiện tại Cảng Cửa Lò chỉ mới đảm nhận được việc bốc xếp khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Luồng chạy tàu chỉ mới đảm bảo cho tàu 1 vạn tấn không tải ra vào. Theo dự báo, với tốc độ phát triển kinh tế hiện nay, đến năm 2015, lượng hàng hoá thông qua cảng sẽ là 2,8 triệu tấn/năm, năm 2020 sẽ là 5 triệu tấn/năm. Để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, Cảng Cửa Lò đang tiến hành thiết kế để xây dựng cảng nước sâu cho tàu 3 - 5 vạn tấn cập vào. Dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Nhà tư vấn đang thiết kế kỹ thuật. Trong tương lai gần, giữa mũi Gà, mũi Rồng của xã Nghi Thiết, 1 cảng sâu hiện đại sẽ mọc lên, với khu vực hậu cần rộng 100ha. Hơn 3km đường dẫn từ bờ ra tới cầu Cảng nằm trên hệ thống cọc đỡ nối với 2 cầu tàu, 1 cầu dài 1.500m và một cầu dài 1.000m sẽ là một điểm nhấn trên khu vực đô thị du lịch. Nếu như cảng Đông Hồi phục vụ cho các KCN Đông Hồi, Hoàng Mai, Phủ Quỳ... thì Cảng Cửa Lò lại gắn với sự phát triển của khu kinh tế Đông Nam, KCN Bắc Vinh, KCN Tân Kỳ.

Song song với việc quy hoạch phát triển cảng, hệ thống giao thông phục vụ cũng đang được đẩy mạnh. Năm 2010, dự án đường nối Quốc lộ 1 Cảng Đông Hồi đã được khởi công. Với tổng chiều dài 12km nối từ Quốc lộ 1 xuống khu vực dự kiến xây dựng Cảng nước sâu Đông Hồi. Với thiết kế đường cấp 3 đồng bằng. Sau hơn 1 năm thi công, tháng 8/2011, công trình đã được bàn giao đưa vào sử dụng. Sau khi Quốc lộ 1 nối Đông Hồi hoàn thành, 1 tuyến khác nối từ Quốc lộ 1 - Thái Hoà đã được khởi công, với chiều dài 29km. Tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng. Hiện đã bàn giao mặt bằng được 20km, nhà thầu là Công ty 36, Bộ Quốc phòng đang phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng vào tháng 3/2012. Đây là trục nối Đông - Tây với Cảng Đông Hồi. Khi tuyến đường hoàn thành, hàng hoá từ vùng Tây Bắc Nghệ An theo Quốc lộ 48, đường Hồ Chí Minh về cảng sẽ rút ngắn khoảng cách được 25 km. Đây là tuyến phục vụ cho khu vực sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, đá, khoáng sản...

Để tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng Tây Nam Nghệ An, một trục nối hành lang Đông Tây thứ 2 sẽ hình thành là tuyến nối đường N5 của KKT Đông Nam với Tân Kỳ. Đây là tuyến làm nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực Tây Nam tỉnh Nghệ An. Tổng chiều dài toàn tuyến 50km, với tổng mức đầu tư 3.600 tỷ đồng. Sản phẩm, hàng hoá của khu vực Tây Nam sẽ theo tuyến này về Cảng Cửa Lò, rút ngắn được khoảng 50km so với tuyến hiện nay.

Bên cạnh các tuyến đường ngang tạo thành trục Đông Tây, một tuyến đường chạy dọc theo bờ biển nối Nghi Sơn - Cửa Lò với tổng chiều dài 87km đang giai đoạn lập dự án. Tuyến đường hoàn thành sẽ kết nối 3 cảng lớn là Nghi Sơn, Đông Hội, Cửa Lò tạo nên sự liên kết chặt chẽ trong việc phát triển vận tải biển, tạo điều kiện để đẩy nhanh tốc độ, phát triển kinh tế vùng. Đồng thời, đây là tuyến để tăng cường công tác phòng thủ trên biển.

Hệ thống giao thông nối với cảng biển hoàn thành, không chỉ giúp cho Nghệ An đẩy nhanh tốc độ xây dựng các KCN, thu hút các nhà đầu tư mà còn giúp cho Nghệ An tạo mối liên kết với nước bạn Lào, Thái Lan và các nước trong khu vực thông qua các cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Thanh Thuỷ (Quốc lộ 46) Lạc Xao (Quốc lộ 8)... giúp cho Nghệ An đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá - hiện đại hoá.


Anh Tuấn

Mới nhất
x
Bài 4: Hạ tầng giao thông vùng biển tạo đà cho phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO