Bài 4: Mường Quạ

19/09/2013 16:36

(Baonghean) - Là một trong những mường lớn của miền Tây Nam Nghệ An, Mường Quạ thuộc 2 xã Môn Sơn, Lục Dạ ngày nay. Mường này gắn với sự tích mường Hầu Bông từ mường Ca Da (miền tây Thanh Hóa) đến khai khẩn đất đai, làm nên cánh đồng lúa nước 2 vụ...

>>Bài 3: Huyền tích và những lễ hội xưa

Không ít người dù trẻ hay già ở huyện Con Cuông đều biết đến Mường Quạ. Từ năm 2002, có ngôi trường cấp ba mang tên mường cổ này, đứng chân tại bản Khe Ló, xã Môn Sơn. Nhưng khi hỏi Mường Quạ có từ bao giờ và vì sao lại mang tên như vậy thì không mấy ai kiến giải một cách thuyết phục, kể cả những người thông tường về văn hóa khu vực này. Có người cho rằng, người lập mường khi đến đây đã nhìn thấy những đàn quạ nên đặt tên như vậy. Cũng có người nói đây là cách gọi chệch đi của Mường Phạ (mường Trời). Nhưng xem ra, chưa có cách giải thích nào thỏa đáng!.

Có một huyền tích được những nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc sưu tầm những năm trước đây tại bản Xiềng Pún (tên gọi theo nghĩa tiếng Thái là trung tâm sự may mắn, nay gọi là bản Làng Xiềng, thuộc xã Môn Sơn), nơi được coi là trung tâm ngày đầu lập mường. Chúng tôi về, không còn tìm thấy người nào nhớ được huyền tích này nữa. Thế hệ trẻ cũng chẳng nhớ được tên gọi bản Xiềng Pún.



Một góc cánh đồng ở bản Xiềng Pún, trung tâm mường xưa.

Huyền tích kể rằng: Hơn trăm năm trước có vị tên gọi là Hầu Bông (cụ Lương Văn Quế sinh năm 1919, trú bản Tân Sơn, xã Môn Sơn gọi là Nhà Hầu Bông), tên húy là Lang Văn Út, đến vùng Yên Khê ngày nay. Ông vốn là người Tày Thanh từ nơi khác đến nên bị người Tày Mường coi thường. Một ngày, ông lên đỉnh Pù Ông, ranh giới giữa 2 xã Yên Khê và phát hiện ra vùng thung lũng rộng lớn có suối nước trong xanh. Ông cả mừng, liền cho chiêu tập anh em họ hàng lập nên mường mới. Về sau, Hầu Bông còn chiêu tập người đào nên con mương dài khoảng 31m nối từ bản Hua Nà (xã Lục Dạ) xuống đến bản Thái Sơn - Môn Sơn. Đây có thể coi là một trong những công trình thủy lợi cổ ở miền Tây Nghệ An. Hiện nay, con mương này vẫn góp phần quan trọng trong việc tưới tiêu đồng ruông của nhiều làng bản ở Mường Quạ.

Các cụ ở làng Xiềng, trung tâm mường xưa, người nhiều tuổi nhất cũng chỉ ngoài 70, phần lớn từ bản khác đến sinh sống từ vài chục năm trở lại đây. Lớp già hơn đều đã về "mường Trời". Lớp sau còn nhớ mang máng ngày xưa ở đầu bản có ngôi nhà 7 gian của quan mường nhưng không ai biết họ tên gì? Cụ mo Đoàn, già nhất bản Mét (xã Lục Dạ) cũng chỉ nghe nói đến chuyện, sau khi đánh thành Trà Lân vua Lê Lợi từng cho quân lính nghỉ lại vùng này 6 đêm, nên gọi là Lục Dạ.

Được giới thiệu, chúng tôi tìm đến cụ Lương Văn Quế, trú bản Tân Sơn (Môn Sơn). Ông tham gia hoạt động cách mạng từ ngày cướp chính quyền ở Môn Sơn, năm 1945, giữ chức vụ trung đội trưởng du kích xã. Hiện cụ ông 94 này vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn và thích tham gia các hoạt động của Hội người cao tuổi ở địa phương. Cụ Quế kể, ngày trước ở Mường Quạ có 2 tổng, gọi là Xống Tờ và Xống Nưa. Xống Tờ thuộc xã Môn Sơn và bản Hua Nà (Lục Dạ) ngày nay. Xống Nưa do ông Xống Ngát là chánh tổng và ông lý Hào làm lý trưởng. Đứng đầu Xống Tờ là chánh tổng Phùng và ông Thiệu làm lý trưởng.

Ngày trước, bản Xiềng Pún là nơi ở của Nhà Hầu. Đó là ngôi nhà rộng lợp bằng lá cây mây, cột nhà rất lớn, hơn tất cả những nhà trong mường. Có lần cụ Quế kéo lá mây đi lợp nhà giúp Nhà Hầu. Đám lợp nhà đông người là vậy nhưng Nhà Hầu ở miết trong nhà, không ai thấy mặt. Nhà lợp bằng lá cây mây, bền bằng 2 lần lợp lá cọ, nên mỗi lần được chừng 15 năm mới phải lợp lại. Vì vậy, trong suốt thời trai trẻ đến năm 1945 xóa bỏ chính quyền cũ, cụ Quế chỉ có một lần đến nhà của Nhà Hàu lợp nhà. Khi lợp nhà, thường có hiệu lệnh bằng chiêng trống.

Cứ sau một tiếng trống, một hồi chiêng, người trên mái nhà mới được cầm cái kẹp lá mây đem lợp. Cách làm này đảm bảo cho những tấm lợp bằng lá ngay hàng thẳng lối, lại bền và đẹp. Có tiếng chiêng trống giữ nhịp, không khí buổi việc thêm khẩn trương, vui nhộn. Ngày ấy, Nhà Hầu không bắt ai phải đi cày ruộng phát rãy cho mình, mà chỉ cho họp dân lại khi có việc như lợp nhà mà thôi, vì làm nhà sàn phải cần rất nhiều người. Ai không tham gia cũng không bị phạt hay khiển trách gì. Ruộng của Nhà Hầu đều do người nhà và con cháu đảm hết. Nhà họ nhiều người nên cũng lắm ruộng, rẫy...

Ở Hầu Bông, nhân vật khai khẩn nên vùng đất Mường Quạ được cụ Quế cho biết chỉ nghe ông nội mình kể lại. Cụ Nhà Hầu vốn ghét người Pháp, nên kêu gọi các cộng đồng tập trung tại Mường Quạ, rồi ông cho khai hoang làm ruộng.

Trong Mường, có đền Pục là ngôi đền lớn nhất mường ở bản Mon. Ai đi qua đền phải bỏ mũ, nón, không được chuyện trò. Ngày lễ, đền thường mổ trâu hoặc lợn. Ngày lễ chức sắc trong mường, người dân đến ăn cỗ phải ngồi ngoài. Ngôi đền làm bằng gỗ như nhà sàn người Thái. Ngày ấy toàn mường chỉ có ông Phó Ngoan nói giỏi tiếng Kinh, biết đi buôn, nên mua được ngói từ miền xuôi về lợp nhà.

Ngoài Mường Quạ, ở huyện Vĩnh Hòa xưa (Con Cuông ngày nay) còn có Mường Chai. Mường cổ này bao gồm toàn bộ xã Chi Khê ngày nay. Mường có 11 bản người Thái, nhóm Tay Mương. Những người cuối cùng của chế độ cũ đứng đầu mường Chai là dòng họ Lương...


Bài ảnh: Hữu Vi

Mới nhất
x
Bài 4: Mường Quạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO