Bài 4: Nắm chắc 7 vấn đề

27/11/2013 17:23

(Baonghean) - Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, để làm tốt công tác xây dựng nông thôn mới (NTM), trước hết cần giải quyết 7 vấn đề có tính lý luận vừa thể hiện tính thực tiễn là:

1) Tăng cường công tác tuyên truyền, đề cao nhận thức làm cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ bản chất của xây dựng NTM, nắm được nội hàm khái niệm, nội dung cơ bản, các bước cần làm, lợi ích mà NTM mang lại... Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho hay, khi đã triển khai chương trình NTM khá rộng rãi, nhưng phần đông nông dân còn mơ hồ về NTM, thậm chí có một số cán bộ và chuyên gia kinh tế vì chưa hiểu biết sâu sắc về NTM nên cho rằng Chính phủ Trung Quốc đang rơi vào chủ nghĩa trọng nông. Kết quả khảo sát ở vùng Tế Nguyên của tỉnh Hà Nam cho thấy 48,5% số hộ nông dân không biết gì về NTM, 40% số hộ biết sơ sài, chỉ có 11,5% số hộ hiểu biết tương đối.

Khảo sát ở Cán Châu (tỉnh Giang Tây) và Lô Châu (tỉnh Tứ Xuyên), thấy còn nhiều nông dân còn hiểu nhầm về xây dựng NTM nên có tâm lý lo lắng, sợ phải đóng tiền, tăng gánh nặng cho họ. Sở dĩ như vậy là vì qua thực tế, xây dựng một nhà vệ sinh cần 800-1000 nhân dân tệ nhưng Nhà nước chỉ hỗ trợ khoảng 1/3; xây dựng một bể nước, hay một hầm khí gas cần 2000 tệ, chính phủ hỗ trợ từ 800 đến 1000 tệ. Rút kinh nghiệm từ đó, để triển khai chương trình NTM được thuận lợi, Trung Quốc không ngừng tận dụng các hình thức, diễn đàn để kịp thời tuyên truyền rộng rãi đến nông dân.

2) Tập trung kinh phí, tăng cường đầu tư cho tam nông, tìm đáp án chính xác cho 2 câu hỏi là: Tiền lấy đâu ra và chi tiền như thế nào trong xây dựng NTM (xin trình bày về vấn đề này rõ hơn trong một bài viết khác). Kết quả điều tra một số tỉnh ở Trung Quốc cho thấy, có đến 68% số nông dân sẵn sàng tham gia xây dựng NTM với điều kiện họ không phải chi tiền. Qua đó, các chuyên gia về NTM chỉ ra rằng, muốn thành công, các cấp chính quyền tất yếu phải tăng cường đầu tư tài chính cho NTM. Họ tính toán trước là muốn đạt các tiêu chí NTM về giao thông, nước sạch, nhiên liệu, điện, viễn thông, phát thanh, truyền hình, nhà vệ sinh, nhà bếp, nhà ở, trường tiểu học, trung học và trung tâm y tế, các không gian công cộng cần thiết, xử lý rác thải..., đối với nơi có điều kiện bình thường thì số tiền cần đầu tư từ 1.700 tệ đến 4.900 tệ (hơn 17 triệu tiền Việt)/nông dân; ở khu vực khó khăn, vùng núi nghèo là 8.265 nhân dân tệ/ nông dân.

Để hoàn thành 13 hạng mục gồm "6 thông, 5 cải, 2 kiến thiết" (thông đường, thông nước, thông khí, thông điện, thông tấn, thông phát thanh truyền hình; cải tạo nhà vệ sinh, nhà bếp, chuồng trại, trường học, trạm y tế; kiến thiết không gian công cộng, trạm xử lý nước thải tập trung), cả nước cần đầu tư khoảng 2.050 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 71.750 tỷ tiền Việt), trong đó chính phủ chi 1.030 tỷ nhân dân tệ, còn nông dân góp là 1.020 tỷ nhân dân tệ. Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong một buổi quán triệt cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh về vấn đề xây dựng NTM, đề ra việc sử dụng tiền cho nông thôn cần tập trung vào 3 trọng điểm là giáo dục, y tế và văn hoá; chỉ ra 3 kênh tập trung vốn cho NTM là: hàng năm sử dụng 10% tăng thu tài chính, phát hành trái phiếu và trích tỷ lệ 60% lợi thu từ thổ địa cho xây dựng NTM.

3) Dựa vào các điều kiện cụ thể, nhu cầu khác nhau của nông dân từng địa phương mà đưa ra chính sách, tiêu chuẩn xây dựng NTM phù hợp, không nên áp đặt tiêu chí chung cho tất cả các địa phương. Thực tế các địa phương Trung Quốc đưa ra mục tiêu trước mắt là không giống nhau. Tỉnh Quý Châu thực hiện "5 thông, 3 cải, 3 kiến" tức là thông nước, thông đường, thông điện thoại, thông điện sinh hoạt, thông phát thanh truyền hình; cải tạo bếp núc, vệ sinh, môi trường; kiến thiết thư viện phòng đọc, công trình văn hoá thể thao, các biển cung cấp và quảng cáo thông tin nông thôn. Tỉnh Giang Tây thì thực hiện "3 thanh, 3 cải", tỉnh Giang Tô thì "6 thanh, 6 kiến", tỉnh Hà Bắc thì "3 thanh, 3 hoá", Liêu Ninh thì "6 khắc phục, 8 xây dựng", Tứ Xuyên thì "3 thanh, 4 cải, 5 thông"...

4) Xây dựng kế hoạch, có những bước đi cụ thể, lấy phương châm "quy hoạch làm đầu, khoa học chỉ đạo", trong đó quy hoạch phải có tính tổng thể, phù hợp với điều kiện địa phương, hài hòa với thiên nhiên, bảo tồn văn hoá truyền thống, giữ được nếp làng, phù hợp quá trình đô thị hóa và xu hướng biến động nhân khẩu; tránh lãng phí, thất thoát, hiện tượng hình thức, phong trào, tốn kém. Nên phân định phần cứng và phần mềm trong quy hoạch xây dựng NTM, tăng cường học tập địa phương có cách làm hiệu quả. Hiện nay Giang Tô, Giang Tây, Phúc Kiến, Cát Lâm được coi là những tỉnh có nhiều kinh nghiệm hay trong xây dựng NTM.

5) Cải cách phương thức hỗ trợ của chính phủ đối với nông dân, đổi mới sáng tạo hệ thống quản lý NTM. Một là, điều chỉnh cách phân bổ vốn đầu tư cho NTM, sử dụng tập trung để nâng cao hiệu quả. Hai là, thay đổi sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước đối với nông dân, lấy việc thưởng thay việc cho, lấy vật chất bù tiền mặt, dân xây trước, Nhà nước hỗ trợ sau. Ba là, thông qua cách thức linh hoạt, đa dạng để huy động, thu hút sự tham gia rộng rãi của xã hội vào xây dựng NTM. Bốn là, nhà nước cần có cơ chế quản lý, giám sát các hạng mục lớn ở nông thôn như đường giao thông chính, một số cơ sở hạ tầng công cộng khác nhằm tránh thất thoát; quy trách nhiệm đến cá nhân, theo nguyên tắc ai làm nấy chịu. Thực hiện cơ chế bảo hộ xây dựng theo kiểu phân rõ: người đầu tư, người sở hữu, người hưởng lợi và người chịu trách nhiệm.

6) Phân rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong xây dựng NTM. Đối với các hạng mục lớn có tính chất công thì Trung ương chịu trách nhiệm chính, còn lại do chính quyền địa phương đảm nhiệm; trường hợp đặc biệt thì trách nhiệm phân đôi giữa Trung ương và địa phương; đối với khu vực lạc hậu còn rất nhiều khó khăn thì chính phủ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn.

7) Tăng cường lãnh đạo của các tổ chức, thúc đẩy xây dựng NTM một cách tuần tự, chắc chắn, bền vững. Cần coi trọng xây dựng NTM, tăng cường tổ chức lãnh đạo, chỉ định người chuyên trách chuyên môn. Củng cố hệ thống lãnh đạo xã, phường, thôn, xóm. Việc lựa chọn cán bộ như xã trưởng, xóm trưởng, bí thư, chủ tịch hội nông dân, các hiệp hội khác tuân theo mô thức: 1 - Nguyên tắc "tứ dân", tức bầu cử dân chủ, quyết định dân chủ, quản lý dân chủ và giám sát dân chủ; điều hoà quyền lợi, phân rõ trách nhiệm, phân các tiểu tổ. 2- Phải lựa chọn người lãnh đạo có năng lực tổ chức, có ý thức trách nhiệm, người đức cao vọng trọng, có nhiều cống hiến, theo chế độ ưu tiên "ngũ lão" (tức là lão đảng viên, lão cán bộ, lão tay nghề, lão quân nhân, lão giáo viên), đưa họ vào công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát các hoạt động NTM. 3 - Khuyến khích, hỗ trợ để nông dân phát triển các hình thức tổ chức hợp tác kinh tế và các hội nghề nghiệp.

Lê Đức Hoàng

(Khoa Sử, ĐH Vinh)

Mới nhất
x
Bài 4: Nắm chắc 7 vấn đề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO