Bài 4: Nhà sàn - công trình đoàn kết của cộng đồng

10/01/2013 19:02

Là người Thái, hầu như ai cũng biết truyền thuyết sự tích nhà sàn: Ngày trước, con người bị các loài thú săn đuổi, sống lay lắt trong hang động. Thần rùa thương cảm đến báo mộng cho người: “Hãy nhìn thân hình ta mà dựng nhà.” Thế là người bàn nhau làm nhà theo hình thù con rùa. Cột nhà như 4 cái chân rùa, mái cọ là mai rùa, sàn nhà là bụng rùa, vách nứa là mình rùa. Từ đó người tránh được thú dữ, cuộc sống yên ấm hẳn lên. Người ta dựng nhà sàn ở cạnh nhau mà nên bản mường.

> Xem bài: Bài 3: Tươi lại màu thổ cẩm

Kỳ công của cộng đồng

Kiến trúc nhà sàn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam khá đa dạng, từ nhà sàn cột vuông của người Tày ở Cao Bằng, Hà Giang đến nhà rông của người Ê Đê, Gia Rai, Bah Na (Tây Nguyên). Hiện nay, người Khơ mú, Đan Lai ở Nghệ An thường ở nhà cột chôn lợp lá cọ, gầm sàn thấp đi vào phải cúi gập người. Đó cũng là kiểu kiến trúc nhà sàn ngày trước của người Thái, là cộng động có truyền thống ở nhà sàn.

Nhà sàn nguyên bản của người Thái ở Nghệ An ngày trước chỉ có 2 - 3 gian, cột chôn. Gian để bàn thờ phía ngoài là nơi cấm kị đàn bà con gái ngủ nghỉ hay ngồi ăn cơm. Gian trong vừa để sinh hoạt cũng là gian bếp, về sau nhà có điều kiện thường dựng nhà kê táng (cột nhà được dựng trên các trụ đá). Dưới gần sàn người ta nuôi gà vịt, gia súc, đặt cối giã gạo... Tùy điều kiện của từng gia đình, ngôi nhà sàn cũng dài, ngắn khác nhau, nhưng gian ngoài cùng phía cầu thang vẫn để bàn thờ và gian trong cùng thường đặt chiếc bếp hình vuông làm nơi nấu nướng.

Để có được ngôi nhà sàn đòi hỏi sự góp công sức của cả cộng đồng. Những ngôi nhà bề thế càng cần sự giúp sức của nhiều người. Trong kế hoạch dựng nhà sàn, trước hết phải họp bàn với anh em họ tộc, sau đó người đàn ông trụ cột trong gia đình lên rừng chọn gỗ dựng nhà. Việc khó khăn đầu tiên là lựa gỗ làm cột, rồi đến các bộ phận khác của ngôi nhà. Để hoàn thiện được một ngôi nhà sàn theo kiến trúc ngày nay vẫn thấy tại các làng bản dọc tuyến Quốc lộ 7 phải cần đến hàng chục khối gỗ. Nhiều khi người ta mất hàng năm trời mới có thể xẻ đủ lượng gỗ dựng một ngôi nhà sàn, sau đó nhờ anh em chòm xóm đánh trâu vào rừng kéo về để thợ dựng nhà.

Trong công đoạn dựng nhà, người ta phải dùng đến 2 chiếc tời và hàng chục, thậm chí hàng trăm người kéo mới có thể dựng xong 1 vì nhà. Sau đó là việc lắp những bộ phận khác như kèo, xà thượng ốc đều là những thanh gỗ rất nặng nề, lại lắp đặt trên cao đòi hỏi sự khéo léo cũng như kinh nghiệm của người thợ làm nhà. Đến khi lợp nhà lại cần một lượng nhân lực rất lớn để vận chuyển vật liệu (thường là lá cọ hoặc ngói).

Sau khi hoàn thành việc dựng nhà, người Thái thường tổ chức lễ mừng nhà mới. Ngoài gia chủ còn có những người đã góp phần làm nên căn nhà, vì thế, những cuộc mừng nhà mới thường kéo dài thâu đêm suốt sáng. Tuy nhiên, hiện nay gần như đã thiếu vắng kiểu mừng nhà mới truyền thống. Không còn hội rượu cần và hát khắp trong ngày mừng nhà mới, thay vào đó là tiếng nhạc sàn và những điệu nhảy huyên náo.

Nhà sàn không chỉ là một không gian sinh hoạt, nó là kỳ công của cả cộng đồng, ở đó tình đoàn kết của cộng đồng làng bản được thể hiện rõ nét nhất. Có thể nói, ngôi nhà sàn là mối dây làm nên những buôn, những bản mường vùng cao.

Nhà sàn hồi sinh

Cũng như những sản phẩm văn hóa khác của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhà sàn của người Thái cũng từng đối mặt với nhiều thăng trầm. Từ những năm 1990 trở đi, nhà sàn đã gần như mất hẳn khỏi nhiều cộng đồng người Thái ở các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn.

Có một thời, nhiều người cho rằng nhà sàn không còn phù hợp với nếp sinh hoạt hiện đại nữa, nên tại nhiều cộng đồng người ta đua nhau bán nhà sàn để xây nhà. Tuy nhiên, cũng có nhiều người bán nhà sàn vì khó khăn về kinh tế. Sau khi bán nhà sàn, cất nhà xây người ta còn dư ra một khoản khá lớn nên nhiều người đã dễ dàng chia tay với những ngôi nhà sàn truyền thống bốn, năm chục năm tuồi. Tại 11 xã của huyện Nghĩa Đàn với trên 3 vạn người Thái sinh sống, thống kê gần đây của Trung Tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện cho thấy, hiện toàn huyện chỉ còn 80 căn nhà sàn nằm rải rác hầu khắp các xã. Riêng xóm Đồng Xằng (Nghĩa Hội), xóm còn nhiều nhà sàn nhất huyện, cũng chỉ còn 5 nhà. Tại cộng đồng này người dân vẫn nói tiếng Thái nhưng không gian sống, trong đó có kiến trúc nhà sàn, đã vắng bóng từ nhiều năm nay. Cụ Vi Ngọc Châu chuyển từ xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) lên xóm Đồng Xằng đã gần 20 năm. Ngày ấy, con cháu “vận động” ông bán đi ngôi nhà sàn vì phải vận chuyển hàng chục cây số, rất tốn kém, bán nhà sàn để cất nhà xây cho hợp thời nhưng ông nhất quyết không nghe. Thế nên hiện giờ gia đình ông vẫn là một trong những gia đình hiếm hoi giữ được nhà sàn.



Ngày càng có nhiều nhà sàn được dựng mới.

Tại nhiều địa phương, khi được hỏi về chủ trương khôi phục lại nhà sàn, chúng tôi nhận được câu trả lời từ những người đứng đầu ngành văn hóa: Chưa hề có một kế hoạch nào cho việc này. Ông Lương Bá Viễn- Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện Nghĩa Đàn, chia sẻ: “Là một người Thái, lại từng chứng kiến hiện tượng “chảy máu nhà sàn” diễn ra ngay trên quê hương mình nên tôi rất thấm thía một điều là mất đi nhà sàn là mất đi một không gian sống truyền thống, mất đi một điều thiêng liêng. Chúng tôi cũng đang chờ một chủ trương của trên để nhà sàn vốn là không gian sống truyền thống của người Thái được khôi phục lại”.

Trong khi chính quyền chưa có một động thái nào để khôi phục lại nhà sàn, thì tại nhiều nơi, trong đó có huyện Con Cuông, nhà sàn đang thực sự hồi sinh. Những năm gần đây, đời sống tại nhiều địa bàn của huyện miền núi này đang có những bước khởi sắc và chưa bao giờ phong trào dựng nhà sàn lại sôi động như vài năm trở lại đây, nhất là từ khi nhà nước có chủ trương hỗ trợ kinh phí xóa nhà tranh tre nứa lá tại những địa phương khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, rừng đang ngày càng ít gỗ đi do ảnh hưởng từ việc phát nương làm rãy tràn lan trước đây và chặt phá rừng. Bây giờ, để chuẩn bị đủ gỗ cho một ngôi nhà sàn bề thế đang trở nên ngày càng khó khăn, nên nhiều người chọn cột bê tông thay cho cột gỗ. Các bộ phận khác như xà, hạ đều được đúc bằng bê tông. Đây là một cách làm đỡ tốn kém, ít phải dùng đến gỗ rừng, lại vẫn đảm bảo được nét kiến trúc đặc trưng của ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái.

Bây giờ về bản, thấy nhà sàn đang dần được hồi sinh cùng những đổi mới đi lên của đời sống kinh tế, lòng người cũng nguôi đi phần nào. Chỉ cách đây 2 hôm, tôi có dịp dự một lễ mừng nhà mới. Đó là ngôi nhà sàn tình nghĩa của UBND Thành phố Hà Nội tặng cho ông Lương Yên, nạn nhân chất độc da cam ở xã Chi Khê (Con Cuông). Trong niềm vui khôn tả, ông cất cao một điệu hát mừng nhà mới nói về kỳ công của làng bản trong khi dựng nhà. Nghe ông hát, tôi hiểu rằng, nhà sàn đang thực sự hồi sinh.


Hữu Vi

Mới nhất
x
Bài 4: Nhà sàn - công trình đoàn kết của cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO