Bài 5: Giấy thờ và chiếc "xử ca"

21/05/2015 18:35

(Baonghean) - Ngoài chiếc khèn ra thì còn một thứ gắn bó với đời sống tâm linh của người Mông, đó là những tờ giấy do chính tay bà con sản xuất. Chiếc “xử ca” là vật thờ chính của hầu hết các dòng họ cũng được làm từ những tờ giấy này.

Phụ nữ Mông làm giấy thờ

Đặt chân đến bất cứ gia đình người Mông nào cũng thấy rằng, nhà nào cũng dán ở bàn thờ, cột nhà hay bàn ghế những vuông giấy trắng. Quan sát kỹ thì đó không phải là loại giấy thường được sử dụng trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Hỏi ra mới biết, loại giấy này do người Mông tự sản xuất để thờ cúng thần linh. Dẫu không sành sỏi tiếng Kinh nhưng chị Lầu Y Mái, bản Buộc Mú (Na Ngoi – Kỳ Sơn) vẫn giải thích với chúng tôi rằng: “Con người sinh ra ai cũng có hồn, có vía và cần phải có giấy để cúng vía. Vì thế mà phụ nữ Mông, ngoài trồng lanh, tước sợi, ai cũng thạo việc làm giấy thờ”.

Giấy thờ trang trí trên bàn thờ của người Mông ở Nậm Càn - Kỳ Sơn.
Giấy thờ trang trí trên bàn thờ của người Mông ở Nậm Càn - Kỳ Sơn.

Cách làm giấy thờ của người Mông cũng cực kỳ đơn giản. Chị Y Mái cho biết nguyên liệu chính là cây nứa, tre, hoặc cây giang non. Độ tuổi của cây lúc ấy không còn là cây măng nữa cũng chưa thành tre. Người ta chặt về chẻ nhỏ, bỏ lớp vỏ ngoài, chỉ giữ lại phần cật bên trong rồi cho vào chiếc chảo lớn. Cứ sau một lớp tre, nứa non lại rải lên phía trên một lớp tro. Sau đó đổ nước vào rồi đun trong vòng nửa ngày. Khi nguyên liệu đã mềm, người ta vớt ra rồi đem rửa sạch và giã nhuyễn.

Để tăng thêm độ bền cho tờ giấy, người ta còn cho một thứ nhựa cây rừng vào bột giấy rồi cho thêm nước, khuấy đều lên. Lúc này những thứ nguyên liệu ban đầu trở thành một thứ dung dịch đặc sánh. Sau đó, múc thứ nước sền sệt ấy đổ vào những tấm vải rồi tráng mỏng. Sau khi phơi nắng, người ta có thể bóc lấy những từ giấy và chuẩn bị mẻ tiếp theo. Cứ thế công việc diễn ra cho đến khi gia chủ nhận thấy số lượng giấy đã đủ dùng mới ngừng lại.

Xử ca và hình ảnh về không gian  tâm linh của người Mông.
Xử ca và hình ảnh về không gian tâm linh của người Mông.

Tại những bản Mông, cứ vào mỗi độ tết đến xuân về và mùa mưa đến, cây măng bắt đầu mọc, bà con lại nô nức rủ nhau lên rừng lấy giang, tre, nứa về làm giấy. Có một điều lạ là, nghề làm giấy của người Mông có tự xa xưa và không ai bảo ai, cứ đời này sang đời khác người ta sinh ra đã biết làm giấy, những tờ giấy không bao giờ được viết, không bao giờ được dùng để gói đồ mà đơn thuần chỉ để thờ cúng. Gia đình nào cũng vậy, tết đến phải có giấy như người Kinh phải có bánh chưng để thờ vậy.

Trong các lễ cúng của nhiều dòng họ đều phải dùng đến thứ giấy này. Theo anh Xồng Tồng Chò, trú ở bản Buộc Mú, là chồng chị Lầu Y Mái, thì trong đám tang, người Mông họ Xồng phải cúng đến 200 xấp giấy thờ. Những tập giấy được xếp chồng lên nhau cho người chết mang về trời dùng mà không phải mất công làm nữa.

Huyền thoại về “xử ca”

Chúng tôi đi tìm hiểu về nguồn gốc của nghề làm giấy và những tấm “xử ca” trên bàn thờ người Mông. Đây là một vật thờ của hầu hết các dòng họ người Mông ở miền Tây Nghệ An. Nó cũng được làm từ những tờ giấy thờ và được trang trí bằng những hình vẽ chủ đạo là gam màu đỏ, thể hiện không gian tâm linh của người Mông. Chẳng còn mấy ai có thể biết được xuất xứ của chiếc “xử ca” và những tờ giấy thờ. Chỉ biết rằng những tấm giấy đó là cha ông truyền lại, con cháu chỉ biết theo đó mà làm. Bỏ làm giấy thờ cũng đồng nghĩa với việc bỏ quên nguồn cội.

Tuy nhiên, về tấm “xử ca” dán trên bàn thờ thì chúng tôi được nghe cụ Và Xếnh Lù ở bản Thăm Hín (Nậm Càn) kể lại rằng: Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em rất đỗi tài giỏi. Người anh tên là Xử Ca, người em tên Lò Rê. Họ giúp dân bản trồng trọt chăn nuôi nên đời sống dân bản đời đời ấm no, hạnh phúc. Sự ấm no ấy đã khiến các bộ lạc bên ngoài dòm ngó để xâm chiếm. Một ngày nọ, giặc kéo lên rất đông, dân làng chống đỡ không nổi phải rút về núi cao. Trong tình thế nguy cấp, chàng trai Xử Ca đã xông ra cản đường để dân bản kịp chạy thoát. Chàng hy sinh anh dũng dưới mũi tên bọn giặc, còn dân làng cũng tìm được một vùng đất mới trù phú hơn.

Từ đó, để nhớ ơn người anh cả Xử Ca đã có công cứu giúp dân làng, cứ mỗi dịp tết đến, người ta lại dán lên bàn thờ tấm giấy mang tên người anh hùng. Tấm “xử ca” vừa có ý nghĩa để nhớ ơn người có công với bản làng vừa để thờ cúng cầu mong cho người anh luôn luôn đi theo giúp đỡ, bảo vệ các thành viên trong gia đình và cũng là sự báo hiệu một năm mới sắp tới.

Bởi vậy, vào nhà người Mông đều thấy trên bàn thờ có tấm giấy cắt theo hình răng cưa, ở trên có gắn ba cái lông gà trống. Cụ Và Xếnh Lù bảo rằng: ba cái lông gà ấy là ba con mắt nhìn xuyên ba cõi của người anh Xử Ca để theo dõi mọi việc trong gia đình. Ai làm việc tốt hay xấu đều không qua được mắt Xử Ca. Tấm xử ca có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông nên mỗi khi chuyển nhà đi đâu họ cũng không quên mang theo tấm xử ca. Chỉ có người đứng đầu trong gia đình mới được quyền chạm vào tấm xử ca ấy, người nào cố tình đập vào xử ca sẽ phải chịu những hình phạt nặng nề do gia chủ và dòng họ quy định.

Với các bản người Mông, mùa vui nhất là vào thời điểm tháng 9, tháng 10 âm lịch. Lúc đó khắp bản làng đều rộn lên tiếng đập giang quen thuộc. Những người phụ nữ Mông trên vai nặng trĩu những cây giang vừa đến độ không non không già. Nếu chọn cây non quá sẽ không đảm bảo độ dai của giấy, ngược lại già quá sẽ thiếu bột không đủ độ kết dính. Không chỉ nấu một mình cây giang mà người Mông còn trộn vào đó tro của cây lanh và vôi bột.

Thầy cúng Lầu Vả Tu ở bản Nậm Khiên (Nậm Càn) cho biết: “Năm mới, người Mông chỉ được dùng loại giấy do chính mình tự làm mới chứng tỏ được tấm lòng thành đối với thần linh, tổ tiên. Chỉ có loại giấy này mới xin được các bậc thần linh phù hộ cho gia đình, dòng họ một năm mới an lành, mưa thuận gió hòa”. Bởi vậy, trong ngôi nhà người Mông, vào năm mới người ta thay các tấm giấy cũ trên bàn thờ bằng những tờ giấy mới. Ở các cột nhà, cửa phòng hay bàn ghế đều được dán các tấm giấy nhỏ cầu mong sự may mắn trong năm mới. Như vậy, có thể thấy rằng, với mục đích rất riêng của mình, những tấm giấy do người Mông chế tạo ra có tầm quan trọng rất lớn trong đời sống tâm linh của dân tộc. Nó thể hiện một nét đẹp trong văn hóa người Mông đối với tổ tiên mình.

Hữu Vi – Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Bài 5: Giấy thờ và chiếc "xử ca"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO