Bài 5: Hang sâu Thẳm Phiu và những nỗi đau còn đó
Rời đỉnh Pung Xay, cùng Đội 4, Đoàn Quy tập chúng tôi trở về doanh trại ở Thị trấn Muang Kham... Trung tá Nguyễn Văn Dậu, Đoàn phó Đoàn Quy tập cho hay: "Bình thường khi xong việc ở địa bàn này thì đội sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm các liệt sỹ ở những địa bàn khác. Nhưng ngày mai 22/11, Bun Thẳm Phiu bắt đầu rồi. Đây là một lễ hội quan trọng của nước Lào nói chung và tỉnh Xiêng Khoảng nói riêng nhằm tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm nay, anh em đoàn mình cùng đến làm lễ tại đây".
(Baonghean) - Rời đỉnh Pung Xay, cùng Đội 4, Đoàn Quy tập chúng tôi trở về doanh trại ở Thị trấn Muang Kham... Trung tá Nguyễn Văn Dậu, Đoàn phó Đoàn Quy tập cho hay: "Bình thường khi xong việc ở địa bàn này thì đội sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm các liệt sỹ ở những địa bàn khác. Nhưng ngày mai 22/11, Bun Thẳm Phiu bắt đầu rồi. Đây là một lễ hội quan trọng của nước Lào nói chung và tỉnh Xiêng Khoảng nói riêng nhằm tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm nay, anh em đoàn mình cùng đến làm lễ tại đây".
Ăn vội ăn vàng bữa cơm tối, chúng tôi bám chân Thượng úy Quân y Nguyễn Mạnh Cường sang nhà đồng chí Pheng XaNa - Phó Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Công tác đặc biệt quy tập huyện Muang Kham (một gia đình gần đó có người ốm nên nhờ bộ đội mình đến khám và cho thuốc, Thượng úy Cường đi thăm bệnh và dẫn chúng tôi qua gặp gỡ đồng chí Pheng luôn). Đồng chí Pheng XaNa niềm nở lắm, nói tiếng Việt rất sõi, luôn tự xưng là bố và chúng tôi là con. Nói chuyện về lịch sử Thẳm Phiu, đôi mắt bố Pheng lúc như buồn buồn, lúc như có ánh lửa...
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ và phỉ Vàng Pao, Thẳm Phiu là nơi đặt bệnh viện chiến trường của Sư đoàn 316, bộ đội tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pathet Lào. Đồng thời, hang cũng là nơi trú ẩn của người dân các bản: Na Mơn, Phai, Buon Loong thuộc cụm Long Piu, huyện Muang Kham sơ tán vào. Ban ngày, người dân trú ẩn trong hang, ban đêm mới ra ngoài kiếm sống. Cuối tháng 11/1968, địa điểm bí mật này bị phát hiện, không quân Mỹ tập trung đánh phá. 15h30 ngày 24/11/1968, hàng loạt bom đã đánh trúng cửa hang, 2 quả rốc két bay vào lòng hang, Thẳm Phiu chìm trong biển lửa khói. Mãi đến ngày 28/11, những tảng đá lấp kín hang được dỡ ra, lực lượng cứu hộ mới vào được nhưng quá muộn. Tất cả 374 người đã hy sinh, người đứng, người ngồi, người không còn nguyên vẹn thân thể; có cả người dân Lào, dân quân, bộ đội Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam. Thi thể của họ được lấy ra và chôn vào 7 hố bom ngay trước cửa hang. Thẳm Phiu từ hôm đó có thêm 7 ngôi mộ tập thể...
Bố Pheng kể, ngày đó bố là dân quân từng ròng dây điện vào hang đưa các bác, các anh ra. Hầu như không cách nào phân biệt được đâu là bộ đội Lào, đâu là bộ đội Việt. Có nhiều gia đình mà bố Pheng biết thì hy sinh chẳng còn ai. Nỗi đau, sự căm giận tội ác ở Thẳm Phiu, người dân Lào chẳng bao giờ quên... Để tưởng nhớ những người đã mất, giáo dục thế hệ trẻ và tố cáo tội ác của chiến tranh, ngay sau hòa bình lập lại, Khu di tích Thẳm Phiu đã được nhà nước Lào xây dựng và Bun (Lễ hội) Thẳm Phiu ra đời. Cứ 5 năm một lần, lễ hội này được cấp Nhà nước và tỉnh tổ chức và mỗi năm là cấp huyện, kéo dài từ ngày 22 - 26/11 và ngày 24/11 là chính lễ. Lễ hội bao gồm nhiều hoạt động như: thắp hương, thi đấu thể dục thể thao, buôn bán, các trò chơi dân gian... Bố Pheng cho biết: "Hàng năm có rất đông bà con nhân dân các bộ tộc Lào đã đến đây cùng ôn lại lịch sử, thấu hiểu hơn tội ác của Đế quốc Mỹ xâm lược cũng như biết ơn bộ đội tình nguyện Việt Nam".
Người dân Lào từ khắp nơi về Bun (Lễ hội) Thẳm Phiu
Sáng 23/11, chúng tôi cùng các chiến sỹ đoàn quy tập tìm đến Khu tưởng niệm Thẳm Phiu, hòa chung với hàng vạn người dân Lào từ mọi miền nước Lào đến dâng lên nén hương thơm tưởng nhớ. Hướng về cửa hang, về 7 ngôi mộ chung của những người con anh hùng của hai đất nước kính dâng lễ thành, trong đoàn ai cũng rưng rưng. Trung tá Nguyễn Văn Dậu thay mặt đoàn khấn rằng: "...Chúng tôi hôm nay cũng là những đồng đội của các anh, các chị, là những con em đất Việt đang tiếp bước tình nguyện hy sinh để lịch sử Lạc Hồng mãi oanh liệt hào hùng, để Tổ quốc Việt Nam ngày càng toả sáng... Xin thay mặt: Các bậc lão thành, các cháu thiếu niên và toàn thể sáu mươi ba tỉnh thành, hơn tám mươi triệu người dân trong cả nước cùng lòng thành nguyện ước, xin thắp nén tâm hương để tri ân với các anh linh... Nguyện: Mãi thấm sâu tình nghĩa cao cả hai nước Việt - Lào, bồi đắp tình đoàn kết anh em sắt son đời đời bền vững, ra sức kiếm tìm, quyết đưa các chị, các anh về yên nghỉ đời đời trên quê mẹ..."
Đại úy XengPhet Xaichampi đã dẫn chúng tôi đi sâu vào lòng hang Thẳm Phiu, gặp gỡ những người dân về dự lễ. Thẳm Phiu nằm lưng chừng núi, gồm có 2 lối đi lên và 2 cửa đi vào. Nếu cửa dưới chỉ là một lối nhỏ hẹp thì cửa phía trên lại rất rộng. Lòng hang sâu hơn 2 km, càng đi vào càng hẹp, tối và phải sử dụng đèn pin. Trong hang là vô vàn tảng đá, mô đá mang dáng dấp người đứng người ngồi. Vách đá có nơi bị cháy sém, có đoạn bị thẫm nâu. Ở mỗi mô đá nhô lên giữa nền hang là vô số nén hương được thắp lên, cắm lại. Từ trên cao nhìn xuống, dòng người hướng về Thẳm Phiu không ngừng lại, thấy có những em bé, cụ già chống gậy và cả những nhà sư tìm đến nguyện cầu...
Bần thần bên ngôi mộ tập thể của người dân, bộ đội Lào, bộ đội tình nguyện Việt Nam, chúng tôi được Đại úy Trần Khắc Dũng đọc lại cho nghe lời phát biểu của cố Bí thư Lê Duẩn trong buổi gặp gỡ của đoàn đại biểu 2 nước ở Viêng Chăn: "...Biết bao mồ hôi và máu của thanh niên 2 nước đã đổ theo độ dài những con đường hành quân ra mặt trận. Trái tim của những bà mẹ Việt và Lào đã cùng một nhịp khi hàng triệu tấn bom Mỹ dội xuống núi rừng của 2 nước, khi những đứa con thân yêu cùng chiến đấu bên nhau và cùng ngã xuống trên một chiến hào...".
Rời Thẳm Phiu, hỏi Trung tá Nguyễn Văn Dậu chuyện quy tập ở các hang đá được biết: Đến nay, tại 2 tỉnh Xiêng Khoảng và Viêng Chăn, đoàn đã quy tập các liệt sỹ ở 8 hang và tìm được nhiều các bác, các anh. Tuy nhiên, vẫn còn một số hang cũng như địa điểm khác mà đoàn "lực bất tòng tâm", biết các anh còn ở đó mà không cách nào tìm thấy và đưa về. Đó là hang Nà Xay, huyện Muang Kham. Hang đã bị tên lửa Mỹ chẻ đôi, trở thành một khe núi hẹp, có chiều cao hơn 100 m. Địa chất ở đây rất yếu, kết cấu hang không vững, chỉ cần có một chấn động nhỏ là đất, đá từ phía trên lại rơi, đè xuống. Điều này đã khiến các chiến sỹ đoàn quy tập không thể đi vào dẫu biết trong hang vẫn còn bộ đội tình nguyện Việt Nam.
Đó còn là hang Noong Thặng ở huyện Phou Kout, lòng hang bị đánh sập và chia thành nhiều phần. Nếu như phần phía ngoài, đoàn quy tập phải mất 2 năm giải phóng hết số đất đá để vào tìm kiếm được hơn 100 liệt sỹ, thì phần phía trong, số lượng đất đá sập xuống quá khổng lồ, các chiến sỹ không cách nào đào bới, phá ra nổi. Tương tự là hang Việt Nam ở dãy núi Pù Bia, huyện Xay Xổm Bun, tỉnh Viêng Chăn. Hang đã bị hàng trăm khối đá, mỗi khối nặng hàng chục tấn vùi lấp. Theo người dân địa phương, trước đây có rất nhiều bộ đội tình nguyện Việt Nam đóng ở trong hang, sau khi hang bị đánh sập, mãi nhiều ngày sau vẫn nghe tiếng các bác, các anh kêu cứu trong đó... Được biết, những liệt sỹ còn nằm trong hang là thuộc đơn vị DKZ, Sư đoàn 316. Các phương án tìm kiếm, đào bới Đoàn Quy tập đã đưa ra, tính đến nhưng đều không khả thi. Không thể đưa máy móc hạng nặng vào bởi đây là vùng rừng sâu, núi cao, chưa có đường, có đoạn phải leo hàng buổi trời, sử dụng bộc phá, thuốc nổ cũng không được bởi đá tan thì thi thể các bác các anh cũng chẳng còn.
Đã có khá nhiều sơ đồ mộ chí của các đơn vị bộ đội ta bàn giao lại cho Đoàn Quy tập. Căn cứ các sơ đồ này, đoàn đã tìm thấy nhiều liệt sỹ, đưa về quê mẹ, đoàn tụ cùng người thân. Nhưng có rất nhiều trường hợp chẳng tìm được các anh bởi sau hơn 40 năm, địa hình, các dấu hiệu nhận biết đã có nhiều thay đổi... Như tại bản Na, phía Tây huyện Muang Pek, theo sơ đồ mộ chí của Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 bàn giao lại thì khu vực này hiện có 295 phần mộ, nhưng khi tìm kiếm đoàn chỉ mới quy tập được hơn 100 liệt sỹ, số còn lại chưa thể tìm thấy bởi địa mạo hoang hóa, biến đổi quá nhiều. Khu vực này rất khó để có được thông tin phần mộ từ phía người dân địa phương. Bởi lẽ, bản Na nguyên là căn cứ hậu cần của lực lượng phỉ Vàng Pao, sau năm 1975, người dân bản Na đã di tản đi khắp các tỉnh của nước Lào, sang Thái Lan và Mỹ. Một thời gian dài sau đó, vùng này vẫn có tàn dư phỉ Vàng Pao hoạt động nên không có người dân đến sinh sống, chỉ đến gần đây mới có hơn 20 hộ. Tương tự, khu vực Nặm Ngừm ở huyện Xay Xổm Bun, trước đây là một chiến trường ác liệt, nhưng hơn chục năm nay, dù đã tìm kiếm rất nhiều nhưng Đoàn Quy tập chưa phát hiện, thu được kết quả nào. Hiện nay, các phần mộ các liệt sỹ ở khu vực Nặm Ngừm (nếu có) đang có nguy cơ bị nhấn chìm bởi Thủy điện Nặm Ngừm bắt đầu tích nước.
Tâm sự với chúng tôi, Trung tá Hoàng Ngọc Lân, Đoàn phó Đoàn Quy tập xót xa: "Biết các anh còn ở trong đó, nơi đó mà không cách nào đưa ra, khiến mỗi chiến sỹ chúng tôi rất buồn. Mỗi năm vài lần chúng tôi đều đến các địa điểm này thắp hương, xin lỗi các liệt sỹ, cảm thấy mình đang mắc nợ các bác, các anh, mắc nợ với nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Mỗi cán bộ, chiến sỹ đoàn quy tập đã và đang luôn tự nhủ mình cần nâng cao quyết tâm tìm đưa các liệt sỹ mình trở về".
Thành Chung