Bài 6: Những "bộ tộc" giữa lòng hồ

05/02/2015 16:14

(Baonghean) - Chuyến hành trình đầu năm dọc lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, ngoài những điều kỳ thú về cảnh sắc thiên nhiên và tầng sâu văn hóa giàu bản sắc, vẫn có những khoảng lặng khiến chúng tôi không khỏi suy tư. Dọc hai bên lòng hồ, không hiếm những hình ảnh “bản làng” tự phát của người dân tái định cư, cuộc sống không có sự quản lý của chính quyền địa phương, được ví như những “bộ tộc” giữa lòng hồ…

Vẫn dưới bàn tay cự phách của lái thuyền Lương Văn Tửm, con thuyền ba lá rẽ sóng êm đềm giữa mênh mông mặt hồ Bản Vẽ. Trời đã nghiêng trưa, ánh mặt trời nhanh chóng xua đi màn sương buổi sớm, chói chang đổ xuống những bóng thuyền nhỏ bé. Lúc này, các thành viên trong đoàn bắt đầu thấm mệt sau hàng giờ lênh đênh, thi thoảng lại quay lại hỏi nhau “đã đến nơi chưa?”. Hỏi là bởi không gian sông nước bao la trước mắt chẳng cho người miền xuôi chút định vị nào, chứ thực tình, ai cũng ngầm hiểu, đã dấn vào chuyến đi này, thì tiện đâu nghỉ đó, không lựa chọn, không đòi hỏi, mục đích chính là khám phá cho kỳ cùng những “chuyện lòng hồ”.

Quang cảnh bản tái định cư tự do Xốp Lằm.
Quang cảnh bản tái định cư tự do Xốp Lằm.

Anh bạn đồng nghiệp lăm lăm chiếc máy ảnh, ngồi tột mũi thuyền để chú mục “săn” những hình ảnh đẹp, chợt reo lên khi thoáng thấy mờ xa nhấp nhô mái nhà ven mép hồ. “Gần đến bản rồi, sắp được gặp đồng bào rồi!”- cả đoàn ồ lên mừng rỡ. Lương Văn Tửm nghiêng cần lái, điều chỉnh thuyền theo hướng tay chỉ. Bản làng ven mép hồ dần hiện rõ. Những mái nhà sàn lợp tranh, lá dừa hoặc lá cọ trông có vẻ tạm bợ, nhà cách nhà thưa thớt kéo từ mép hồ lên đến tận đỉnh đồi, chênh vênh bám theo mấp mô thẻo đất chẳng hề bằng phẳng.

Thuyền cập bến, anh bạn cùng đoàn là đồng bào Thái, lãnh nhiệm vụ “ngoại giao” nhảy xuống đầu tiên. “Vơ… Khỏe pọ?” (Xin chào. Khỏe không?)- anh bạn cất tiếng chào thân thiện. Ông lão gầy gò đứng trên bờ tươi cười đáp lại điều gì đó, và rất nhanh, đoàn chúng tôi được mời vào bản. Ông lão tên là Lô Bun My - người cao tuổi nhất nơi quần cư này, được bà con tôn là già làng. Cuộc trò chuyện diễn ra bên bếp lửa nhà sàn, và cũng từ đây, nhiều thông tin của bản làng được ông Lô Bun My sẻ chia thật tình. “Bản giờ không có tên đâu mà, gọi chung là vùng lòng hồ thôi, còn trước đây là bản Xốp Lằm, thuộc xã Hữu Dương (Tương Dương). Trước khi lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ tích nước, 16 hộ dân của bản Xốp Lằm về tái định cư (TĐC) ở bản Na Hốc, xã Nậm Nhóong (Quế Phong). Nơi ở mới không có đất sản xuất, nên dân bản lại quay về đây sinh sống”- ông Lô Bun My tâm sự.

Ngày quay về nơi ở cũ từ năm 2013, đến nay đã hơn 1 năm, 16 hộ đồng bào Thái của bản sinh sống chủ yếu bằng cách… phá rừng làm rẫy, chăn nuôi nhì nhằng lợn, gà để tự túc lương thực, thực phẩm. Mà ngay cả chuyện phá rừng, thì cũng chẳng lấy gì làm đảm bảo cho tương lai lâu dài, bởi sống dọc lòng hồ, ai cũng biết rằng sự thiếu thốn trầm trọng nhất luôn là thiếu đất sản xuất. Bởi vậy, như ông Lô Bun My chia sẻ, người dân nơi đây phải sống dựa vào nghề đánh bắt cá; và một số đàn ông có sức khỏe thì chạy thuyền chở khách. Những nghề có tính thời vụ, thu nhập bấp bênh khiến cuộc sống cứ quẩn quanh và qua ngày, đoạn tháng như thế. Chúng tôi đưa mắt nhìn quanh bản làng, vẫn là những nếp nhà sàn đặc trưng của đồng bào trên khắp rẻo miền Tây xứ Nghệ, mà sao không hiện hữu sự bình yên, mà là thứ cảm giác tạm bợ, trống trải, hoang vắng… Nơi đây, trước mặt là diệu vợi lòng hồ, sau lưng là tột cùng đồi núi, việc đi lại, giao thương chỉ dựa vào những con thuyền mong manh. Điện - đường - trường - trạm là những điều quá xa vời. Khắp bản, ngoài mấy chiếc điện thoại được trẻ con giành nhau nghe nhạc suốt cả ngày, thì chẳng hề có sự tồn tại của bất kỳ vật dụng điện tử, công nghệ nào của thời hiện đại.

Ông Lô Bun My bảo, bản không có trưởng bản, không có bí thư chi bộ bởi hiện tại, nơi này đang hoàn toàn nằm ngoài sự quản lý của chính quyền địa phương. Khổ nhất là mấy đứa trẻ con, nhà nào bố mẹ quan tâm thì chịu khó đánh thuyền lên xã Hữu Khuông- được xem là nơi gần nhất- để xin được đến trường. Ốm đau, tật bệnh, bà con chủ yếu vẫn tự chữa bằng cây lá trong vườn, trên đồi, còn nếu trở nặng thì lại lên nhờ cậy Trạm xá xã Hữu Khuông.

Câu chuyện với ông Lô Bun My để lại cho chúng tôi những khoảng lặng đầu tiên trong hành trình khám phá lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Lòng hồ mênh mông và bao dung ấy, không chỉ là điểm nhấn sinh thái tuyệt mỹ của miền Tây xứ Nghệ, mà còn chuyên chở bao buồn – vui thân phận người sống dọc lòng hồ. Rời bản nhỏ của ông Lô Bun My, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá của mình và càng đi, càng ngỡ ngàng nhận ra, những bản làng sống tự do, không có sự quản lý của chính quyền địa phương như vậy không phải là hiếm có. Nhật ký hành trình dày lên những chuyện đời, mà chuyện nào cũng đầy ẩn ức, vừa đáng thương, vừa đáng giận…

Bản Chà Coong - một trong những bản làng tự do dọc lòng hồ để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng bởi những câu chuyện buồn như thế. Người dân nơi đây sống như “bộ tộc” giữa hồ, không điện thắp sáng, không thông tin liên lạc, không có bảo hiểm y tế và thậm chí, những đứa trẻ sinh ra cũng không có được tấm giấy khai sinh. Chúng tôi gặp anh Lương Quang Nhất trong ngôi nhà sàn nhỏ hẹp của gia đình anh ở bản Chà Coong. Thoáng ngập ngừng ban đầu qua mau, nhường lại cho những chia sẻ, băn khoăn: Gia đình anh có 8 người, vào đây sinh sống cùng với nhiều hộ khác. Để có cái ăn, gia đình anh phát được gần 3 ha nương rẫy, trồng ngô, lúa kết hợp chăn nuôi trâu, bò, lợn. Cái sự tự túc lương thực, thực phẩm như thế đã là tạm ổn định. “Không mấy lo cái ăn, chỉ lo cái học, cái ở cho con cái thôi. Ở đây không có chính quyền quản lý, việc học hành, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt con cháu sinh ra không làm được giấy khai sinh”- anh Nhất cho biết. Và chỉ vào đứa bé nhỏ chừng hơn 2 tuổi, bảo: “Đây là cháu nội của tôi, gia đình đặt tên là Moong Thanh Hải, nhưng đặt để gọi thế thôi chứ chưa làm được giấy khai sinh cho cháu”.

Hoàn cảnh sống của gia đình 8 người nhà anh Lương Quang Nhất đặc biệt hơn cả so với các hộ dân khác trong bản Chà Coong. Ngoài 4 người con, vợ chồng anh còn phải nuôi 2 đứa cháu của anh trai, một sinh năm 1982, một sinh năm 1985. Mẹ mất khi các cháu đang nhỏ nên anh Nhất trở thành người nuôi nấng các cháu từ đó. Khi nhà nước kê khai tài sản và con người để TĐC về nơi ở mới là xã Thanh Sơn (Thanh Chương), 2 đứa cháu nhỏ này không được tính vào diện kê khai, hỗ trợ nên gia đình anh quyết định không di dời đến khu TĐC mới mà ở tại đây sinh sống. Mãi sau này, nhà nước có chính sách hỗ trợ 2 đứa cháu của anh, nhưng bấy giờ đã quá muộn, nên gia đình anh không di dời đến nơi ở mới nữa.

Đang dở chuyện trò cùng anh Lương Quang Nhất, thì nghe vọng lên tiếng rộn rã khắp bản Chà Coong khi nghe tin có đoàn khách tới thăm. Dường như, cuộc sống tự do nơi đây đã cách biệt họ với cộng đồng, khiến niềm vui chuyện trò giản dị cũng trở thành “sự kiện” đáng chờ đợi. Tay bế đứa con bên nách, vừa đi, chị Lô Thị Thơ - người dân bản Chà Coong vừa cười nói: “Khách hỏi chuyện bản phải không? Hỏi chuyện trẻ em sinh ra không có giấy khai sinh, không được đi học, nhà nào cũng có chuyện để kể hết”. Đoạn chị kể: “Vợ chồng mình sinh được 2 đứa con. Đứa đầu sinh năm 2009, lúc đó chưa có chủ trương TĐC nên đã được khai sinh ở xã Hữu Khuông. Đứa sau sinh năm 2012, chưa được khai sinh. Nguyên nhân thì cũng như các gia đình ở đây thôi, không đi TĐC mà ở bản cũ nên giờ không thuộc địa phương nào cả…”.

Chúng tôi nhìn đứa bé rụt rè ngồi trong lòng mẹ, ánh mắt thơ ngây chẳng thể biết người lớn đang nói chuyện mình, lòng gợn lên những xót xa. Bản Chà Coong này có bao nhiêu đứa trẻ như cháu anh Nhất, như con chị Thơ? Khắp vùng lòng hồ này có bao nhiêu “bộ tộc” tự do như bản Chà Coong, như bản Xốp Lằm? Suốt hành trình dài ngày, chúng tôi đã bắt gặp nhiều bản làng như thế. Những ngôi nhà bé nhỏ, chơ vơ bên mép nước, cách đó không xa là khoảng đồi trơ trụi mà người dân đốt nương làm rẫy, phục vụ cho cuộc sống tự cấp, tự túc mờ mịt tương lai của mình. Mỗi người có lý lẽ khác nhau về quyết định mưu cầu sinh sống tự do nhưng dù lý lẽ gì đi nữa, thì đó đều là sự lựa chọn sai trái, đi ngược với quy định của Nhà nước. Hệ lụy nhận lại là bao hiểm nguy, bất trắc, bấp bênh trong cuộc sống thường ngày. Chúng tôi tin rằng những người dân ấy, họ đã nhận về mình những bài học, và sự nhận thức về một cuộc sống trong khuôn khổ pháp luật, trong sự quản lý của Nhà nước đã bắt đầu hình thành trong tâm trí, bởi nhiều người trong số họ đã thổ lộ ước mong, rằng mong muốn trong tương lai không xa, nhận được sự quan tâm của các cấp, nhập họ về địa phương hoặc thuộc xã Hữu Khuông, hoặc về xã Nhôn Mai để được hưởng các chính sách, quyền lợi của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào các dân tộc vùng sâu vùng xa…

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Bài 6: Những "bộ tộc" giữa lòng hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO