Bài 7: "Rái cá" trên Nậm Nơn
(Baonghean) - Chỉ sau vài năm tích nước, lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ rộng hàng ngàn héc ta và sâu dễ đến trăm mét cao trình đã trở thành “vựa cá” dồi dào của miền Tây đất Nghệ. Nguồn thủy sản tự nhiên phong phú ấy tất yếu thu hút một lượng lớn người dân hành nghề đánh bắt, song trên hành trình khám phá lòng hồ, khó khăn lắm, chúng tôi mới tìm gặp được một “rái cá” thực thụ, với vô vàn chuyện nghề hấp dẫn...
Vợ chồng ông Hoành thả lưới trên lòng hồ. |
“Rái cá” Vi Văn Hoành gõ gõ đầu ống thuốc lào, nhẩn nha vê thuốc, châm lửa, rít sòng sọc một hơi dài đầy khoan khoái. Tay “rái cá” này nom chẳng giống những gì chúng tôi đã hình dung trước đó về một con người dạn dày sương gió, thông thạo luồng lạch lòng hồ như đường chỉ tay của mình. Năm nay 43 tuổi, anh Vi Văn Hoành trò chuyện nhỏ nhẹ, từ tốn, khuôn mặt vẻ thư sinh, nếu không được đồng chí Nguyễn Ngọc Chỉ - Trạm phó Trạm Biên phòng Khe Bén (Mai Sơn, Tương Dương) giới thiệu từ trước đây là tay “sát cá” nhất nhì vùng lòng hồ rộng lớn này, thì dễ mà nhầm lẫn lắm! Căn nhà gỗ của gia đình anh Hoành dựng sát mép lòng hồ. Ở nơi này, dắm được khoảnh đất bằng phẳng, rộng rãi vậy kể cũng là hiếm có. Vợ chồng anh Hoành còn “tiện nghi hóa” chốn đắc địa của mình, bằng cách kê bộ bàn ghế gỗ dài ra hiên nhà, treo vài lồng chim lảnh lót, trồng cây đào xuân mà hoa đã he hé hồng trước ngõ. Chốn ấy, nên thơ đến đỗi, cuộc chuyện trò mê say về những điều kỳ thú lòng hồ thi thoảng vẫn ngưng lặng trước làn gió ướp hương trong veo chốn thanh bình này.
Chuyện đời của “rái cá” Vi Văn Hoành nhiều khúc quanh, ngã rẽ, nhưng ở đoạn đời nào, anh cũng gắn với mênh mông sóng nước như duyên phận không thể khác. Quê gốc của anh Hoành ở bản Cành Sọt, xã Hữu Dương (Tương Dương). Lên 10 tuổi, anh đã biết theo cha đi đánh bắt cá trên dòng Nậm Nơn, mà Nậm Nơn mấy mươi năm về trước lắm ghềnh thác hiểm trở, chứ đâu lặng yên như bây giờ. Vậy mà thành quả mỗi đêm của cha con anh, ít cũng vài cân cá, chưa bao giờ về không. Trải qua tuổi thơ và cả thời niên thiếu khuya sớm trên sông, nghề đánh bắt cá đã thành nghiệp trong anh tự bao giờ. Anh khẳng định, non nửa đời người gắn với lòng sông, dường như chẳng có loại thủy sản nào ở Nậm Nơn mà anh chưa từng thấy. Cùng với đó, kỹ thuật đánh bắt các loại cá đều thông thạo, nhuần nhuyễn, nhưng “mê nhất và “sát” nhất vẫn là đánh bắt các loại cá da trơn như lăng, lệch, ghé...”- anh Vi Văn Hoành chia sẻ.
Lăng, lệch, ghé... hiện đều là những loài cá da trơn hiếm, quý, cao giá trên thị trường. Thế nhưng theo lời kể của anh Hoành, độ mươi năm về trước, các loại cá này còn cơ man, và lượng tiểu thương đổ về buôn bán cá cũng chưa nhiều như bây giờ, chủ yếu cá đánh lên được dùng đổi cho dân các bản xung quanh lấy các mặt hàng nông sản địa phương. Khi Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ xây dựng, lòng hồ tích nước, thu hút một lượng lớn người bản địa và người di cư tự do đến hành nghề đánh bắt cá, nên dần dà, cách khai thác tận diệt đã làm hao hụt đáng kể nguồn cá quý hiếm ấy.
“Nói là hiếm quý, nhưng không phải không còn. Tuy nhiên, để đánh bắt cá da trơn trên lòng hồ thì không phải ai cũng làm được”- anh Vi Văn Hoành mỉm cười, phong thái đầy tự tin và ẩn chứa những bí quyết nhà nghề hút chúng tôi say sưa vào câu chuyện. Anh chia sẻ, trong các hang đá dưới mặt nước hầu hết đều có cá da trơn. Lòng hồ sâu không thấy đáy, người đánh bắt chơi vơi trên thuyền ba lá, vẻn vẹn trong tay chỉ lưỡi câu, mồi, đèn..., làm thế nào để “dụ” cá ra ngoài và dính mồi? Bao năm khuya sớm trên lòng hồ, “rái cá” Vi Văn Hoành rút ra kinh nghiệm, dụng cụ để đánh bắt hiệu quả nhất là sử dụng câu vương, kể cả con cá nặng hàng yến, nếu dính câu, không thể thoát được. Nói đoạn, anh vào nhà, lấy ra một dây câu vương cho chúng tôi xem tận mắt. “Câu vương này tôi phải đặt mua ở Hà Tĩnh, giá 1,2 triệu đồng/dây. Mỗi vương câu có trên 300 lưỡi câu, lưỡi câu này rất bén, được làm bằng thép cứng” - anh Hoành thổ lộ.
Nhưng không phải cứ thả câu là được cá. Đi kèm với dụng cụ đắc lực là sự tính toán, đong đếm thiên thời, địa lợi, là những kinh nghiệm được đúc kết sau mấy mươi năm bươn chải với nghề. Phải vân vi mãi, rằng thì là những bài học ấy cũng là món quà tặng của Mẹ thiên nhiên, và dẫu có viết tràng giang về các kỹ thuật đánh bắt, rơi vào tay người vô tâm, thì chắc gì lòng hồ đã “đãi”. Thoáng ngập ngừng trôi qua, “rái cá” Vi Văn Hoành mới nhỏ nhẹ bật mí, rằng ngoài câu vương, thì trước khi thả câu, phải biết vùng nước này sâu bao nhiêu và xác định tối nay sáng trăng hay tối trăng. Nếu hang đá ở vùng nước sâu, trăng sáng thì đặt câu sâu xuống đáy nước. Nếu đêm tối trăng thì đặt câu vào vùng nước cạn. Thời gian thả câu từ 16h chiều đến rạng 4h sáng mai mới vòng thu về. “Khi câu vương thả xuống nước, con cá dạo tìm mồi sẽ vương vào, lưỡi câu bén ngọt cắm sâu vào thân con cá, cá càng giãy, lưỡi câu găm càng sâu và lúc đó hàng chục lưỡi câu vương chùm cùng găm vào con cá đó, không thể nào thoát được!”- anh Vi Văn Hoành vừa nói, vừa dùng đôi bàn tay diễn tả cách đánh bắt bí truyền.
Anh khẳng định, với cách đánh đó, không có đêm nào về không, ít cũng có 10 kg cá, nhiều 20 - 30 kg cá, toàn cá trên 1 kg. “Có lần, tui câu được con cá ghé nặng 20 kg, vợ chồng khênh lên nhà, dân bản cứ tưởng bắt được con lợn rừng”- anh cười bảo. Loại cá da trơn này đắt vô kể, chỉ có nhà hàng, khách sạn mới mua về đãi tiệc. Khi cá da trơn hiếm dần, anh chuyển sang đánh bắt các loại cá có vảy. Ở lòng hồ Bản Vẽ này, các loại cá có vảy dường như vô tận...
Đánh bắt được nhiều các loại cá có vảy cũng cần có “bí quyết”. Bao năm lênh đênh trên mặt nước, anh Hoành hiểu được quy luật của các loài cá đi kiếm mồi. “Nào cá bọp, rầm, chép, trắm... ở lòng hồ này, loại 5 - 10 kg là chuyện thường, nhưng để bắt được chúng là một vấn đề không phải dễ. Khác với đánh bắt cá da trơn là dùng câu, thì cá có vảy chủ yếu thả lưới”- anh Hoành bắt đầu chia sẻ về kỹ thuật đánh bắt cá có vảy của mình. “Cách đây 2 năm, bản thân tui và người dân bản địa sử dụng lưới cước, hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, có một số người từ Thái Nguyên vào đây đánh bắt cá ở lòng hồ, được nhiều lắm. Tui làm bạn, người ta bày cho sử dụng loại lưới dù, vừa bền, đánh được cá to. Từ đó đến nay, tui hoàn toàn sử dụng lưới dù.” Lưới dù cao 6 m, dài 100 m, thả sát đáy hồ.
Hiện trong nhà anh Hoành có 6 bộ lưới như thế. Mỗi ngày, từ khi trời tang tảng sáng, vợ chồng anh dùng chiếc thuyền gỗ và chiếc bè kết bằng 9 cây mét, cùng đi thả lưới. Hàng ngày, nhìn vào mặt nước để thăm lưới. Nếu nước đục, mỗi ngày có thể thăm 3 lần, nước trong xanh, mỗi ngày thăm 2 lần. Bởi, khi nước hồ đục, mồi nhiều, các loại cá dạo kiếm ăn dễ dính lưới. Ngược lại, nước hồ trong xanh, cá ít dạo. Và cũng như cá da trơn, các loại cá có vảy cũng tuân thủ quy luật theo trăng: “Ví như, vào ngày 13 âm lịch, trăng lên lúc chập tối, đồng nghĩa với thả lưới lúc mặt trời lặn. Ban ngày cũng vậy, nếu không nhìn thấy trăng, thì dựa vào gió để tính. Thường thì lúc trăng lên là ít gió, mặt nước phẳng lặng, cứ thế mà đi thả lưới, thể nào cũng bắt được nhiều cá. Bởi thế, có người thấy người ta đánh được cá cũng sắm lưới làm nghề, nhưng do không nắm được đặc tính của con cá nên phải về không”- anh Vi Văn Hoành giải thích cặn kẽ.
Nói đoạn, vợ chồng anh Hoành hứng khởi đưa chúng tôi ra hồ thăm lưới. Có đi mới biết, người phụ nữ mập mạp, phúc hậu, thường thẹn thùng đứng sau lưng chồng, lẳng lặng châm trà, thêm nước ấy cũng chính là tay “sát cá” chính hiệu chẳng kém cạnh ai. Chị Lương Thị Thanh - vợ anh Hoành, tự tin trên chiếc bè nứa mỏng manh, đẩy bè ra thăm lưới. Hai vợ chồng, mỗi người một bên, tấm lưới khổng lồ nặng trĩu đan bằng dây dù màu xanh nhạt dần được kéo lên khỏi mặt nước. Vô số cá, nào trôi, chép, những con to hơn bàn tay người lớn dính lưới. Anh Hoành nhẹ nhàng gỡ từng con cá khỏi mắt lưới thả vào khoang thuyền. Cá mỗi lúc càng nhiều, giãy đành đạch, vảy ánh lên sắc nắng. Toàn bộ cá đánh bắt được, không cần đi đâu xa để bán, bà con dân bản bây giờ nhiều gia đình có điều kiện để ăn cá tươi, nhưng chủ yếu vẫn là bán nhập cho các trường học bán trú, nấu cho học sinh ăn hàng ngày.
Hôm nay, vợ chồng anh thả 6 bộ lưới, mỗi ngày thăm 2 lần, việc vất vả nhưng bao năm nay đã thành kế sinh nhai ổn định, giúp nuôi con cái học hành đến nơi, đến chốn. Trên lòng thuyền ăm ắp, anh Hoành nhẹ giọng: “Tôm cá lòng sông này đã nuôi sống gia đình tôi qua nhiều đận khó. Tôi nặng ơn với dòng Nậm Nơn!”. Cũng chính bởi sự nặng ơn ấy, mà bao năm nay, anh vẫn trung thành với kỹ thuật đánh bắt truyền thống của mình mà không thử nghiệm các kiểu đánh bắt tận diệt khác như đánh bả, đánh điện... - những cách đánh bắt trái pháp luật, hủy diệt môi trường sinh thái đâu đó vẫn lén lút sử dụng. Lòng hồ thăm thẳm và mênh mông bao năm nay đã “đãi” những con người có tâm cuộc sống êm thuận, đủ đầy như thế. Và ân tình của những con người ấy, như anh Vi Văn Hoành, với lòng hồ, đã góp phần làm nên bức tranh nghĩa tình thiêng liêng nơi chốn sơn thủy tận cùng này.
Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN