Bài ca không quên

(Baonghean) - Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhiều người con của quê hương Anh Sơn đã xung phong lên đường nhập ngũ, chiến đấu anh dũng bảo vệ Tổ quốc, có người đã để lại một phần xương máu, tuổi thanh xuân, có người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường… Họ đã góp phần vào ngày toàn thắng của dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng những ký ức hào hùng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm khảm của những người cựu binh…
Thời khắc vẻ vang
Học xong lớp 10, tháng 8/1971, chàng thanh niên 18 tuổi Nguyễn Đình Vinh (xóm 3, Lạng Sơn) lên đường nhập ngũ tại K14, đoàn 22A, quân khu 4. Sau một thời gian huấn luyện, năm 1972, ông cùng đơn vị lên đường vào Nam chiến đấu, ông được chuyển vào Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 B thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm và giải phóng tỉnh Quảng Trị. Năm 1973, ông được cử đi học tại Trường Sỹ quan lục quân I. Đầu năm 1975, ông được cử về công tác tại Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 của Quân đoàn 2. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ông cùng với quân đoàn tham gia chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng. Kể cho chúng tôi nghe về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông không dấu nổi sự xúc động: Sau khi đánh chiếm, bảo vệ thành công bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, 9 giờ ngày 7/4/1975, ông cùng với đơn vị được lệnh cơ động thần tốc Nam tiến.
Trên đường hành quân, đơn vị của ông phải dừng lại và đánh chiếm, tiêu diệt địch tại nhiều địa điểm như: Đồn điền cao su Ông Quế (Đồng Nai), Tổng kho Long Bình, Căn cứ Nước Trong, cầu Xa Lộ… đập tan tuyến phòng ngự cuối cùng của địch tiến thẳng vào nội thành Sài Gòn giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Từ ngày 24 tới ngày 29 tháng 4 năm 1975, thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chỉ huy chiến dịch “Thần tốc, táo bạo, quyết thắng”, các trận đánh của chiến dịch từ các hướng tiến công của quân ta được thực hiện khẩn trương. Sáng ngày 30/4, khi Quân đoàn phát lệnh tấn công, ông cùng các chiến sỹ Trung đoàn 113, Sư đoàn 304 phối hợp cùng Lữ đoàn 203 triển khai đội hình đột phá qua cầu Sài Gòn đập tan lực lượng địch bảo vệ cầu tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn. Tiếng gầm rú của xe tăng lẫn tiếng động cơ vang rền của hàng trăm xe cơ giới khác đang dấn ga xông tới khiến quân địch hết sức hoảng loạn, vứt súng, trút bỏ quân phục tháo chạy. Cũng trong sáng ngày 30/4/1975, nhận được điện Chỉ thị của Bộ Chính trị, các quân khu, quân đoàn, đơn vị tiếp tục tiến công nhanh vào các mục tiêu đã quy định, kêu gọi quân địch đầu hàng…
 
Giây phút nghe đài phát thanh Sài Gòn thông báo chính quyền Sài Gòn yêu cầu ngừng bắn thì ông cùng toàn thể cán bộ, chiến sỹ lúc bấy giờ hiểu rằng giờ toàn thắng đã đến và quyết tâm tiến nhanh vào dinh Độc Lập, bắt toàn bộ bọn đầu sỏ chính quyền. Đoàn xe tăng, xe cơ giới của Quân đoàn 2 tiến tới trước cửa dinh Độc Lập. Lúc 11h30 các xe tăng 843, 390 húc vào cổng dinh Độc Lập cũng là lúc Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ cùng một số cán bộ chiến sỹ trong lực lượng đột kích tiến vào dinh Độc Lập bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh đến đài phát thanh tuyên bố đầu hàng.
Hơn 30 năm trong quân ngũ, ông đã trải qua nhiều chức vụ, ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được tặng thưởng nhiều huân huy chương các loại cùng nhiều bằng khen. Năm 2003, ông về nghỉ hưu với quân hàm đại tá, về tại địa phương, ông là một cựu chiến binh gương mẫu, nhiệt tình tham gia mọi hoạt động của địa phương, sáng mãi phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ để con cháu noi theo.
Người lính đặc công thần tốc
Chúng tôi đến thăm Đại tá Nguyễn Đình Quý (thôn 2, Thạch Sơn) vào một chiều tháng Tư đầy nắng. Ông xúc động kể cho chúng tôi nghe về những ngày ông cùng các chiến sỹ trung đoàn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam thống nhất đất nước: “Tháng 4/1975, Trung đoàn 113 lại nhận được lệnh đánh vào Chi khu Dĩ An (Thủ Đức), Thiết đoàn cơ giới Hốc Bà Thức, đánh phá đầu Đông sân bay Biên Hoà và đánh phá cầu Ghềnh - một trong những cây cầu huyết mạch tiến về Sài Gòn. 
 
Bản thân ông được giao nhiệm vụ chỉ huy một tiểu đoàn và các lực lượng hoả lực đánh chiếm căn cứ xe tăng ở Hốc Bà Thức, giữ các cây cầu huyết mạch vào Sài Gòn những ngày cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, tạo điều kiện để 5 cánh quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn đánh thẳng vào cơ quan đầu não địch. 
Nhiệm vụ “đánh, chiếm, giữ” cầu với ông và các chiến sỹ lúc đó quả thật nặng nề. Để hoàn thành nhiệm vụ, các chiến sỹ đặc công phải tiêu diệt toàn bộ giặc trên cầu vào ban đêm một cách nhanh gọn và trước sự chống trả dữ dội của quân địch, nhiều chiến sỹ Trung đoàn đặc công 113 đã hy sinh anh dũng, bảo vệ thành công hàng chục cây cầu dẫn lối về Sài Gòn. Ngày 30/4/1975, các cánh quân đã đổ về nội đô Sài Gòn giải phóng miền Nam, ngày toàn thắng lịch sử đã đến, giờ phút cuối cùng của chiến dịch đã điểm nhưng máu của nhiều chiến sỹ đặc công vẫn đổ cho những cây cầu được giữ vững, để bánh xích xe tăng, để ý chí và sức mạnh tổng hợp của năm cánh quân ta rầm rập, hiên ngang băng qua những cây cầu, thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp phần làm nên mùa xuân đại thắng của dân tộc. 
Trong niềm vui của ngày toàn thắng cách đây 39 năm, ông cùng các chiến sỹ đã góp phần nhỏ công sức của mình làm nên chiến thắng lịch sử ấy. Người lính già xúc động tâm sự: “Tôi nhập ngũ năm 1963, khi tròn 18 tuổi. Đến năm 1975, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi lúc đó đã là chàng thanh niên 30 tuổi. Với tôi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mãi là ký ức hào hùng không thể nào quên...”. 
Một thời bám sông, ngủ hầm
Năm 1969, tròn 21 tuổi, ông Nguyễn Thanh Tùng (xóm 3, Lạng Sơn) xung phong lên đường nhập ngũ. Ông được biên chế vào K18, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325. Trải qua nhiều đơn vị chiến đấu, năm 1973, ông được cấp trên điều động về công tác tại Đoàn 232, Sư đoàn 8, Quân khu 8 đóng quân tại vùng Đồng Tháp Mười. Bồi hồi nhớ lại những ngày tháng lịch sử hào hùng, trong chiến dịch tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, người chiến sỹ bám sông, ngủ hầm năm xưa không khỏi xúc động: Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, sư đoàn của ông được giao nhiệm vụ cắt đường số 4 từ Sài Gòn – Cần Thơ, đánh sập cầu Long Định (huyện Cai Lậy), tỉnh Mỹ Tho… chặn đứng lính Quân đoàn 4 của ngụy từ Đồng Tháp, Cần Thơ về tiếp ứng cho Sài Gòn và ngược lại. Khi lệnh tổng tiến công Sài Gòn được truyền đi, trong vai trò là chính trị viên đại đội, ông cùng các chiến sỹ trong đơn vị đã đánh chiếm các đồn, bốt, chiếm các chi khu Long Định, phá sập cầu cống chặn đường số 4, bao vây cô lập Sài Gòn. Tạo điều kiện cho các cánh quân ta từ các hướng tiến công vào hang ổ cuối cùng của địch ở Sài Gòn. Trong chiến dịch này, rất nhiều đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh, nhiều người bị thương nặng. 
 
Trong phút chốc, giọng đại tá già như chậm lại, đôi mắt ông ngân ngấn lệ: “Ngày 30/4, khi hay tin miền Nam đã giải phóng, không thể tả nổi cảm xúc lúc đó, tôi và đồng đội đã hân hoan, rạo rực vui mừng trong niềm vui chiến thắng, rồi khóc rưng rức khi nghĩ về những đồng đội đã ngã xuống chiến trường để có được thời khắc lịch sử ấy”. Dấu ấn lớn nhất trong những ngày tháng Tư lịch sử năm xưa với ông Tùng là hình ảnh đồng bào miền Nam ùa ra 2 bên đường hò reo, cổ vũ tiếp tế lương thực cho quân giải phóng. Dẫu không được trực tiếp giải phóng Sài Gòn, nhưng ông cho mình là người may mắn khi được đóng góp chút công sức của mình vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trong ký ức những người lính, 30/4 là thời khắc lịch sử không thể nào quên. Bởi để có chiến thắng vang dội đó, họ đã hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu của mình, chiến đấu hết mình vì Tổ quốc, vì “Độc lập thống nhất nước nhà”. Với họ, đó là “Bài ca không quên”: “Bài ca tôi đã hát, bài ca tôi đã hát/Với quê hương, với bạn bè, với cả cuộc đời”...
Diệp Anh
Huyện ủy Anh Sơn

tin mới

Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ chiến sĩ Nghệ An

Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ chiến sĩ Nghệ An

(Baonghean.vn) - Tối 6/4, tại Trung đoàn 764, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Nhà hát Chèo Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

(Baonghean.vn) - Sáng 27/3, tại thủ đô Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

(Baonghean.vn) - Sáng 21/3, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

(Baonghean.vn) - Chiều 14/3, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến với các điểm cầu trong toàn lực lượng.

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

(Baonghean.vn) - Thường xuyên phải gác lại nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An luôn nêu cao tinh thần vượt khó, vượt gian khổ, tận tụy phụng sự tổ quốc và nhân dân. Họ không quản ngại mưa gió, nắng cháy, hiểm nguy để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.