Bài cuối: "Bao giờ cho đến tháng mười"

30/03/2012 10:57

(Baonghean) - "Đã hết đợt gió mùa vớt vát cuối cùng. Sau 4 ngày, tôi gọi điện thoại cho Thu, tín hiệu báo ngoài vùng phủ sóng. Chắc anh em đã lại "đi vây". Tôi thầm mong cho "ván biển" tới biển cả sẽ hào phóng hơn với con tàu NA-90331-TS thân thiết với bà con xã biển Quỳnh Long..."


"Bao giờ cho đến tháng Mười" - ấy là tôi phóng dụ theo tên một bộ phim nổi tiếng để nói đến sự chờ đợi vụ cá chính (bắt đầu từ tháng Tư âm lịch) của ngư dân để có những chuyến bám biển thành công. 3,95 tấn cá là kết quả chuyến biển hơn 7 ngày của tàu NA - 90331 TS. Các tàu cá đi khơi của Quỳnh Long đã lần lượt về lạch. Thu cho biết, trong số 20 tàu đi biển cùng đợt chỉ có 3 tàu được cá, nghĩa là cũng chỉ trên dưới 10 tấn. Còn lại cũng chỉ vài bốn tấn cá như tàu của Thu.


Chạy suốt gần một ngày đến 19h00' tàu mới về đến cửa lạch Quèn. Tàu nhả neo đợi nước lên mới vào được bến. Năm trước, mỗi tàu cập cảng đóng lệ phí 50 nghìn đồng, năm nay đã tăng lên một trăm nghìn. Cảng cá Lạch Quèn đã quá tải với hơn 700 tàu đánh cá của các xã thường xuyên về neo đậu. Dịch vụ phát triển sôi động. Một gia đình chỉ cung cấp nước sạch cho tàu đi biển thôi, cũng có thể làm giàu. Mỗi ngày, một nhà cung cấp nước sạch (được khoan bơm về từ ngọn núi sau bờ cảng) cho khoảng 20 tàu, mỗi tàu 3 trăm nghìn đồng, đã thu hơn 6 triệu đồng.


Hơn 21h00', tàu chúng tôi mới vào được lạch. Một không khí tấp nập, náo nhiệt trên cảng. Tàu đậu san sát sáng đèn trông như một thành phố nổi. Cánh phụ nữ - vợ con của các thuyền viên đã đợi sẵn cùng các đầu mối thu mua cá. Thu cho tàu ghé bờ bên này để đón vợ và người nhà các thuyền viên. Chỉ có vợ, mẹ vợ của Thu, và anh Toàn và vài ba phụ. Thường khi cá về trên bờ đã đợi sẵn các khách hàng lớn đến từ Cửa Lò, Thanh Hóa và Hải Phòng. Đợt đi khơi này cá về ít, nên chủ yếu chỉ có các xe đông lạnh trọng tải nhỏ của Cửa Lò ra "ăn" hàng. Lúc này mới đến việc tuyển lựa, phân loại cá. Công đoạn này đòi hỏi sự thuần thục mà nếu như một người phụ nữ về làm dâu làng biển, tinh nhanh lắm cũng phải mất ba tháng mới thạo việc.



Chuẩn bị đưa cá lên bờ

Mỗi tàu về cảng nếu "được cá" phải tuyển lựa hàng nghìn khay cá, làm suốt đêm đến nửa buổi mai mới hết việc. Ở cảng còn có một đội ngũ các bà, các chị chuyên làm công việc bốc chuyển cá lên các xe hàng, cứ mỗi tấn như thế được trả 2 trăm nghìn đồng do chủ xe chi trả; thêm phần nữa là tiền trả cho các xe lam chở đá lạnh ra xay vụn tại chỗ để ướp lại cá sau khi đã tuyển lựa. Cá được ướp cân từng khay một, bên mua bên bán đều ghi, tiền thanh toán khách hàng có thể trả sau. Cá về nhưng không nhất loạt bán được một giá cho một loại cá, vì còn phụ thuộc độ tươi của con cá do chuyến biển dài, ngắn ngày hay chất lượng bảo quản.


Hơn ba tiếng đồng hồ, gần 4 tấn cá của tàu NA-90331-TS mới được bán xong. Bao giờ cũng thế, phải trừ lại một lượng cá có giá trị để rạng sáng mai bán lẻ. Khi mọi người đang thau rửa tàu, Thu nướng vội mấy con mực và thở phào: "May có khoảng gần 2 tấn cá đốm đỏ, bán được giá. Tổng thể chuyến này cũng được gần 70 triệu đồng, như vậy còn dư để chuẩn bị dầu, đá, lương thực cho "ván biển" sau. Nếu không có gì thay đổi bọn em sẽ đi luôn vào trưa mai". Vợ Thu ngập ngừng: "Anh ơi! Còn phải chờ làm lễ...!". Thì ra khi vào cảng, tàu Thu đã chạm vào một mô đất dưới lòng lạch. Trước đây, do có một người chết đuối, khi chết tay vẫn ôm ghì vào mô đất đó, mô đất hóa thiêng, tàu nào không may chạm vào đều phải làm lễ tạ mới có thể đi biển chuyến sau. Thực hư ra sao không rõ, nhưng người làng biển luôn phải đối diện với những bất trắc khó lường của biển khơi, cứ phải cẩn thận thế.




Bến cá ngày thuyền về

Đêm nay, cánh phụ nữ không về mà phải ngủ lại tàu - điều kiêng kỵ trước chuyến biển. Sáng mai công việc của họ là dậy sớm để chào bán lẻ số cá giữ lại. Thu quyết định chi hẳn hai lít rượu để uống bữa rượu đoàn tụ. Cởi mở, Thu giơ đôi gót chân dày lên một lớp dạn như đôi đế giày, nói: "Có lẽ cả nước không có ai có đôi bàn chân như em.

Đi biển từ năm 12 tuổi, đã hơn 20 năm em đứng ghì chân trên thuyền với bao sóng gió, gót chân thành dạn không mất được...". Tôi chợt nhớ cái dáng đi lệnh khệnh nhưng vững chãi trên boong tàu của Thu, không khỏi xúc động...Thu và "thủy thủ đoàn" đã ép bằng được tôi uống say. Một tuần với hơn 600 dặm lênh đênh trên mặt biển, những ngư dân mộc mạc, chân tình đã thân thuộc với tôi biết nhường nào.


Tôi lơ mơ sau giấc ngủ ngắn mê mệt. Trời vẫn chưa sáng. Phía đuôi tàu có tiếng đàn ông lào thào, sau lớn tiếng dần lên hào hứng anh anh, em em rất ngọt... Tôi nhỏm dậy, cố mở mắt. Trời ạ! Lão Dưỡng. Đêm qua vợ lão bận trông cháu nhỏ không xuống tàu, lão lẳng lặng uống và hình như không ngủ, sáng nay được vợ anh Toàn thức dậy sớm nên lão đang tranh thủ "tố" anh Toàn việc gì chăng? Thấy tôi tỉnh dậy, lão lảng ra boong tàu, nụ cười tủm tỉm hiền khô quen thuộc.


Trên bờ đã nhộn nhịp dần người xuống mua cá lẻ kịp về chợ bán. Thu khua cả tàu dậy. Cả một không khí bán mua tấp nập. Đắt khách, đắt hàng hay không lúc này mới cần đến cái duyên của cánh phụ nữ. Thu bảo, để lại bán lẻ thế này, mới thêm thắt vào để có ai cần việc nhà, có tiền mặt để chi trả, còn lại đành phải chờ chuyến biển sau.


Các thuyền viên vẫn phải ở lại trên tàu để chờ quyết định xem có đi biển ngay hay không. Tôi đặt chân lên bờ và lần đầu tiên hiểu như thế nào là "say đất", chếnh choáng không kém khi đi biển. Phút chia tay thật bịn rịn. Tôi nhận một chút "quà của biển" là cân mực khô mà anh em đã cẩn thận sấy, gói ghém trên tàu. Lão Dưỡng, anh Toàn lắc mạnh tay tôi: "Cứ kỳ con trăng, tranh thủ về Quỳnh Long uống rượu nhé!". Thu và các thuyền viên của mình đã không thực hiện được ngay chuyến biển kế đó vì bà nội Thu ốm nặng. Tôi nhớ mãi lời tâm sự của máy trưởng Thuân: "Nhà nghề mà một năm không đưa lại cho bạn ngang thu nhập khoảng một trăm triệu thì coi như thất bại!".

Hiện ở Quỳnh Long có một vài tàu cá cũ, thiếu các trang thiết bị cần thiết nên hoạt động không hiệu quả, bạn ngang bỏ đi tàu khác, nên tàu đành nằm cảng chờ bán. Tàu lớn như NA-90331-TS với nghề vây mà không sớm được trang bị máy dò ngang, thì cũng rất khó có thể đảm bảo được sản lượng cá khai thác, nâng cao thu nhập cho lao động đạt mức bình quân 8 triệu đồng/tháng, cao hơn thu nhập đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, để giữ chân họ...

Hiện tại, các tàu sử dụng máy dò đứng tầm dò chỉ khoảng 30 m; trong khi máy dò ngang tầm dò đạt tới 1.000m và có thể quan sát đến 360o trên các góc nghiêng. Thực tế nghề vây ở nước ta nói chung, đối với các tàu đã được lắp đặt máy dò ngang, hiệu quả khai thác tăng rõ rệt với chỉ số tăng khoảng 15% về sản lượng, tăng 20% về giá trị sản phẩm và tiết kiệm một lượng dầu đáng kể. Tuy nhiên, giá một bộ máy dò ngang hiện nay trên 300 triệu đồng, rất khó để ngư dân có thể chủ động lắp đặt.

Trần Xuân Thu cho biết, hiện tàu NA-90331-TS đang làm hồ sơ thủ tục để được hỗ trợ 40% kinh phí lắp đặt thiết bị dò ngang theo cơ chế. Còn theo ông Vũ Ngọc Chắt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Long, nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ thích hợp về lãi suất vốn vay trung hạn để đóng mới và chuyển đổi tàu đi khơi, thì cùng với xu hướng tăng của giá xăng dầu, ngư dân Quỳnh Long nói riêng sẽ đang khó khăn dài dài...


Trong khó khăn, ngư dân Quỳnh Long vẫn tích cực đi khơi bám biển. Đã hết đợt gió mùa vớt vát cuối cùng, tôi điện thoại cho Thu, tín hiệu báo ngoài vùng phủ sóng. Chắc anh em đã lại "đi vây". Tôi thầm mong cho "ván biển" tới biển cả sẽ hào phóng hơn với con tàu NA-90331-TS thân thiết, với bà con xã biển Quỳnh Long, để lại gom nhặt "quà của biển", chờ vụ cá chính tàu về cá bạc đầy khoang.


Đình Sâm

Mới nhất

x
Bài cuối: "Bao giờ cho đến tháng mười"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO