Bài cuối: Bất cập, khó thực thi!
(Baonghean.vn) - Trong thực tế, có nhiều ca ngộ độc rượu dẫn đến tử vong. Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013) nhằm thắt chặt các hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công để hạn chế rượu “đểu” tràn lan trên thị trường. Thế nhưng thực tế thực hiện Nghị định này còn quá nhiều bất cập.
Nghị định đã có hiệu lực được 4 tháng nhưng qua khảo sát của chúng tôi, các hộ vẫn vô tư nấu và các cửa hàng, quán nhậu thì vẫn vô tư bán mà không cần có giấy phép sản xuất cũng như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh rượu. Trong khi đó, chính quyền các cấp đang loay hoay, chưa chủ động triển khai.
Giải thích về vấn đề này, chị Trần Thị Mỹ Hà – Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương cho biết: Sở Công thương đã triển khai Nghị định 94 xuống phòng công thương các huyện, thành phố, thị xã và có văn bản đôn đốc các huyện thực hiện nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có số liệu báo cáo từ các huyện về việc cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Hiện nay, việc triển khai Nghị định 94 gặp phải một số vướng mắc khi thực hiện, nhất là ý thức chấp hành của người dân. Bởi vì người dân cho rằng họ chỉ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp là chính chứ không phải sản xuất rượu hàng hóa nên không cần thiết đăng ký giấy phép sản xuất.
Theo số liệu thống kê của phòng Công Thương huyện Hưng Nguyên, trên địa bàn huyện có 62 hộ nấu rượu, trong đó Hưng Châu 43 hộ, Hưng Thịnh 14 hộ. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Lan – Phó trưởng phòng Công thương huyện Hưng Nguyên thì số liệu này chưa phản ánh đúng thực trạng số hộ nấu rượu trên địa bàn vì có rất nhiều hộ nấu rượu nhưng không tự giác khai báo. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện chưa có hộ dân nào đăng ký giấy phép sản xuất kinh doanh rượu thủ công.
Ông Lan cho biết việc triển khai Nghị định 94 gặp một số khó khăn như: ý thức chấp hành của người dân chưa cao, họ cho rằng chỉ sản xuất nhỏ lẻ, lời lãi không bao nhiêu nên việc đăng ký giấy phép sản xuất sẽ mất nhiều thời gian, thủ tục và gây rất nhiều phiền hà. Bên cạnh đó, tại Nghị định 94, điều 18, mục 1, khoản C quy định giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu trên địa bàn một quận, huyện, thành phố, thị xã được xác định theo nguyên tắc không quá một giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu trên 1000 dân và phù hợp theo quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu.
Theo quy định này thì trong vòng mật độ 1000 dân chỉ được cấp 1 giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu. Thế nhưng, trên thực tế tại địa bàn xã Hưng Châu, cả xã có 4.100 dân, theo quy định, chỉ được cấp 4 giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn, trong khi đó, xã này có đến 43 hộ sản xuất kinh doanh rượu!
Làng nghề rượu nếp cổ truyền xã Nghi Phú do không có hộ dân nào tham gia nên phải đóng cửa
Cùng chung tình trạng trên, tại địa bàn TP Vinh có hàng trăm hộ sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Đến thời điểm này, phòng Kinh tế UBND thành phố Vinh cũng chưa cấp được giấy phép sản xuất rượu thủ công nào cho người dân. Anh Hà Thái Sơn – Phó trưởng phòng Kinh tế UBND TP Vinh chia sẻ: Để người dân chấp hành theo Nghị định 94 là rất khó, bởi quan niệm của người dân từ xưa đến nay là họ chỉ sản xuất rượu nhỏ lẻ, manh mún trong dân nên họ không cần thiết phải xin giấy phép sản xuất, kinh doanh.
Năm 2010, TP Vinh xây dựng làng nghề rượu nếp cổ truyền xã Nghi Phú do Doanh nghiệp TN Toàn Tâm làm đại diện với mục đích huy động các hộ dân trên địa bàn xã bán lại rượu cho Doanh nghiệp TN Toàn Tâm để đóng chai, dán nhãn mác sau đó mới bán ra thị trường. Thế nhưng, do tập quán sản xuất nhỏ lẻ từ xưa đến nay nên không có hộ dân nào tham gia, vì vậy hoạt động được hơn 1 năm không có hiệu quả, DNTN Toàn Tâm phải “đóng cửa”.
Thực tế cho thấy việc chấp hành xin giấy phép sản xuất, kinh doanh sẽ còn nhiều trở ngại. Để được cấp phép thì phải qua kiểm nghiệm chất lượng, trong khi đó đội ngũ cán bộ, thiết bị để kiểm nghiệm ở tỉnh ta gần như chưa có. Còn nếu đi kiểm tra và xử phạt theo quy định thì chắc chắn tất cả các hộ gia đình nấu rượu thủ công đều vi phạm. Nghị định 94 đã có hiệu lực nhưng các cơ quan chức năng xử phạt như thế nào cũng là vấn đề được quan tâm. Vì nếu thực hiện nghiêm thì cả làng, cả xã bị phạt, bị đình chỉ, rồi họ sẽ làm gì khi không ít hộ coi nấu rượu là nghề chính. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Nghị định 94 cũng chưa quyết liệt nên rất khó để người dân hiểu và chấp hành.
Việc quản lý sản xuất và kinh doanh rượu là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, tuy nhiên để Nghị định 94 đi vào cuộc sống còn rất nhiều việc mà các cấp ngành chức năng cần phải làm ngay. Trước mắt, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền Nghị định tới các đối tượng sản xuất, kinh doanh rượu; hướng dẫn chi tiết các thủ tục hành chính cần thiết theo quy định mới để các hộ sản xuất, kinh doanh thực hiện, sau đó mới tiến hành kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và cấp phép cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu có các sản phẩm đạt chất lượng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát rượu trong vận chuyển, trong tiêu dùng ở các nhà hàng, quán ăn, xây dựng các chế tài cụ thể để xử lý nghiêm các vi phạm. Có như vậy, mới có thể từng bước đưa sản xuất, kinh doanh rượu đi vào trật tự, nề nếp, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Võ Huyền (TP Vinh)