Bài cuối: Bắt đầu từ đội ngũ báo cáo viên
Đội ngũ báo cáo viên là “cầu nối” thông tin 2 chiều, là lực lượng nòng cốt chuyển tải chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Do vậy để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng, kịp thời định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, cần phải bắt đầu từ đội ngũ báo cáo viên cơ sở…
(Baonghean) - Đội ngũ báo cáo viên là “cầu nối” thông tin 2 chiều, là lực lượng nòng cốt chuyển tải chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Do vậy để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng, kịp thời định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, cần phải bắt đầu từ đội ngũ báo cáo viên cơ sở…
H iện nay, trên toàn tỉnh có hơn 2.540 báo cáo viên. Trong đó: báo cáo viên cấp tỉnh là 53 đồng chí; báo cáo viên cấp huyện và tương đương là 620 đồng chí; báo cáo viên, tuyên truyền viên các đoàn thể chính trị, xã hội là 260 đồng chí; báo cáo viên cơ sở xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp... là 1.571 đồng chí. Đội ngũ tuyên truyền viên tại cơ sở có khoảng 10.170 đồng chí. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của ban tuyên giáo các cấp thì đội ngũ báo cáo viên hiện nay “đông nhưng chưa mạnh”, số đông chưa đủ sức giải đáp có sức thuyết phục những vướng mắc do thực tiễn đặt ra; một số báo cáo viên, tuyên truyền viên còn thiếu kinh nghiệm và chưa sắc bén.
Phương thức hoạt động chưa có sự đổi mới rõ nét, tính chiến đấu còn hạn chế, phương pháp chưa linh hoạt; sự khô cứng trong những bài nói chuyện, chậm được khắc phục; tuyên truyền chưa gợi mở được nhiều những tư duy mới, mà mới chỉ dừng lại ở bài nói, bài viết định sẵn; chưa nghiên cứu đầy đủ các đối tượng nên tính hấp dẫn chưa cao; sự duy trì nền nếp thông tin tuyên truyền miệng ở cấp cơ sở chưa thường xuyên. Báo cáo viên có trình độ chuyên môn chưa qua đào tạo ở một số đảng ủy trực thuộc còn chiếm tỷ lệ khá cao. Ở huyện Tương Dương có tỷ lệ hơn 52%, ở Nghĩa Đàn chiếm 30%, Quỳ Hợp còn chiếm gần 27%... Mặt khác, ở nhiều địa phương - cơ quan, báo cáo viên có trình độ sơ cấp còn chiếm tỷ lệ khá cao, cao nhất là huyện Yên Thành, tỷ lệ này chiếm hơn 54%, Quỳnh Lưu 22%, Cửa Lò 20%... Do đó, dẫn đến năng lực của báo cáo viên, tuyên truyền viên, đặc biệt ở cơ sở còn yếu, chưa theo kịp yêu cầu.
Nhiều năm làm báo cáo viên thuộc huyện quản lý, ngoài việc tiếp thu thông tin từ bản tin của ban tuyên giáo các cấp, tình hình thực tế của địa phương, ông Lô Trung Tuyến - Bí thư Đảng ủy xã Châu Tiến (Quỳ Châu) còn phải chủ động thu thập thông tin thời sự qua truyền hình, báo đảng để phục vụ công tác tuyên truyền đảm bảo đúng – trúng - hay. Tuy nhiên, khi đánh giá về công tác tuyên truyền miệng ở địa phương, ông cho biết, thực tế đội ngũ tuyên truyền viên ở các chi bộ bản và ngay cả cán bộ Ban Tuyên giáo xã năng lực còn yếu, công tác tuyên truyền chỉ mới dừng lại ở mức độ hoàn thành nhiệm vụ. “Không phải ai cũng làm được báo cáo viên, tuyên truyền viên. Người làm được việc, nắm được thông tin lại không có khiếu nói, ngược lại, người có năng khiếu nói lại không nắm được thông tin đầy đủ . Vì vậy, tìm được người làm tuyên truyền viên ở các chi bộ rất khó. Hiện nay, hầu hết bí thư chi bộ bản kiêm luôn tuyên truyền viên”, ông Tuyến chia sẻ.
Theo đồng chí Thái Thị Thanh Vân - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Châu thì việc nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên gặp không ít khó khăn do thiếu nguồn báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở rất hạn chế, khó có thể đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về năng lực, trình độ cũng như năng khiếu dẫn dắt, truyền tải thông tin. Bên cạnh đó, chất lượng công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở còn bị ảnh hưởng do ở các tổ chức cơ sở đảng, công tác tuyên truyền miệng thường bị ghép chung vào thời gian sinh hoạt chi bộ với rất nhiều nội dung. Thời gian dành cho thông tin tuyên truyền miệng còn rất ít, dẫn đến nội dung thông tin hạn chế, chỉ mang tính chất chung chung.
Ông Quang Văn An, Phó Bí thư Đảng ủy, báo cáo viên Thị trấn Kim Sơn có “thâm niên” làm báo cáo viên từ 2005, chia sẻ: “Khi truyền đạt thông tin do không có văn bản đi kèm nên nhiều thông tin thu nhận, đặc biệt số liệu về kinh tế, xã hội không được chính xác. Năng lực nghe và ghi, truyền tải của mỗi người không đồng đều do đó khi về đến cơ sở thông tin không đồng nhất và còn thiếu thuyết phục”. Bên cạnh đó, theo ý kiến của một số báo cáo viên, thông tin đến với các cán bộ, đảng viên và nhân dân còn chưa thường xuyên, kịp thời, vẫn còn tình trạng thông tin chậm và lạc hậu. Điều này xuất phát từ nguyên nhân diễn đàn thông tin ở cơ sở còn ít, việc phổ biến thông tin trong sinh hoạt chi bộ còn hạn chế. Số đảng bộ ở cơ sở sinh hoạt thời sự hàng tháng hoặc 3 tháng 1 lần còn ít. Những nội dung thông tin thời sự có tính chất chuyên đề và có tính định hướng tư tưởng cao chưa được phổ biến đến đa số cán bộ, đảng viên hoặc phổ biến nhưng chậm so với tình hình thực tế. “Thông tin chính thống thường đi theo hệ thống từ trên xuống nên nhiều khi không còn mới trong khi phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin rầm rộ. Nhiều khi báo cáo viên đi tiếp thu về nhưng cũng bỏ qua nội dung đó vì không còn mang tính thời sự…”, ông Nguyễn Hữu Trung - Bí thư Đảng ủy phường Hưng Bình (TP. Vinh), bày tỏ.
Còn ông Đức Minh Hường, xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) cho biết, làm báo cáo viên từ năm 2006, tháng nào cũng đi dự hội nghị báo cáo viên ở Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện nhưng hầu như ông phải tự chủ động liên hệ với các chi bộ hoặc các tổ chức đoàn thể của xã tranh thủ 15-30 phút đầu các cuộc họp nói về những vấn đề đã được tiếp thu trên huyện. Cũng theo ông Hường thì “vì trách nhiệm mà làm chứ cũng chẳng ai đốc thúc, kiểm tra. Hơn nữa bây giờ thông tin nhiều nếu mình nắm không chắc nói chuyện người ta cũng không nghe…”.
Theo đồng chí Tô Hồng Hải - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thì đội ngũ báo cáo viên đông nhưng chưa mạnh, nguyên nhân là do công tác tập huấn chưa được thực hiện tốt. Vì vậy, để có đội ngũ vừa đông, vừa mạnh, cần đẩy mạnh tập huấn nghiệp vụ, tạo cho báo cáo viên có tầm nhìn bao quát, đầy đủ chứ không phải rập khuôn, sao chụp thông tin.
Đối với khu vực miền núi cần có phương pháp tuyên truyền, cung cấp thông tin phù hợp với từng đối tượng đặc thù; còn ở miền xuôi, khu vực đô thị phải kịp thời cung cấp thông tin chính thống bằng nhiều hình thức để định hướng dư luận, tránh tình trạng “nhiễu sóng” do luồng thông tin quá nhiều”. Bên cạnh đó, các cấp ủy cũng cần phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền miệng.
Đồng thời xác định rõ: Trình độ học vấn của người nghe ngày càng cao, không chỉ cần số lượng mà cả chất lượng thông tin, thông tin có chọn lọc, có định hướng. Do vậy, báo cáo viên phải xây dựng được các nhóm sự kiện theo thời gian, theo lĩnh vực, trong các mối quan hệ nhiều chiều để có đủ số lượng vấn đề thông tin, phạm vi thông tin và phục vụ các đối tượng được thông tin. Đổi mới phương pháp, hình thức hoạt động tuyên truyền miệng theo hướng tăng cường đối thoại giữa người nói và người nghe.
Tuỳ theo vị trí, chức vụ của báo cáo viên mà dùng các phương pháp đối thoại phù hợp và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu và sự mong đợi của người nghe. Sự gần gũi của người làm công tác tuyên truyền miệng là điều kiện thuận lợi để quần chúng nhân dân có thể bày tỏ thái độ, tình cảm của mình đối với những vấn đề xã hội; từ đó giúp cho người cán bộ, đảng viên có thể giải quyết kịp thời những vấn đề tư tưởng của cuộc sống đặt ra. Qua đó, góp phần tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội và những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Thành Duy - Khánh Ly