Bài cuối: Bỏ ngỏ giải pháp?
Bài toán để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý kinh doanh xăng dầu chính là việc siết chặt công tác quản lý chất lượng, giá cả của loại mặt hàng này.Tuy nhiên, vẫn chưa có sự nhất quán ngay trong việc tổ chức các đoàn liên ngành thanh, kiểm tra. Bên cạnh đó, là sự phối hợp chưa cao giữa các cơ quan chức năng trong từng đợt kiểm tra.
Đoàn liên ngành kiểm tra kho nguyên liệu của cơ sở sản xuất bánh Tràng An.
Theo ông Phan Bá Quang – Chi cục phó Chi cục Tiêu chuẩn & Đo lường chất lượng (Sở KH&CN), thì hiện nay năng lực hoạt động của Chi cục hạn chế do thiếu thiết bị và nguồn nhân lực; mặt khác hoạt động phối hợp của Chi cục còn bị động, phụ thuộc vào các ngành, cơ quan chức năng khác nên chỉ phát huy được một phần chuyên môn nghiệp vụ, tính phối hợp nói chung chưa cao nên khó khẳng định được hiệu quả kiểm tra chất lượng hàng hóa trên thị trường. Còn đại diện Công ty Gas Đất Việt(doanh nghiệp bị cơ sở chiết nạp gas là công ty TNHH khí đốt Nghệ An vi phạm về tem niêm phong giả mang thương hiệu Đất Việt với số lượng lớn đã bị phát hiện xử lý), thì cho rằng: Xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng là 2 loại mặt hàng nhạy cảm, tác động nhiều đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh ở bất cứ nơi đâu.
Chính vì vậy, các giải pháp đồng bộ và toàn diện để giám sát hoạt động thương mại của các loại mặt hàng này là cấp thiết. Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, cần thiết lập kỷ cương trong kinh doanh mặt hàng xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh xăng dầu, niêm yết giá, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, đầu cơ găm hàng, gian lận về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng. Có như thế quyền lợi của người tiêu dùng mới được đưa lên hàng đầu, góp phần xây dựng một thị trường thương mại an toàn và lành mạnh.
Công tác giám sát, bảo đảm VSATTP vẫn là một bài toán khó đối với toàn xã hội nói chung và lực lượng QLTT nói riêng. Về mặt nguyên tắc nhà nước, Chi cục QLTT là một trong những đơn vị chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động thương mại nói chung của toàn xã hội. Theo đó, các hành vi vi phạm pháp luật thương mại sẽ bị xử lý, trong đó có cả hành vi sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, công tác giám sát chất lượng VSATTP, Chi cục QLTT thiếu hẳn một quy trình giám sát chất lượng mà bấy lâu nay đành phải lâm vào thế “lực bất tòng tâm”. Không có cán bộ kỹ thuật để có thể tiến hành đo đạc, kiểm tra chất lượng VSATTP, vì thế, trong các đợt kiểm tra, Chi cục QLTT đành phải “mượn” cán bộ kỹ thuật của các đơn vị có chức năng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ này. Do đó mà kế hoạch, công tác kiểm tra, giám sát VSATTP gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Về thị trường vật tư nông nghiệp, bất cập lớn nhất hiện nay là vấn đề phân bón. Về giống khi đã về tận tay người tiêu dùng được sử dụng, có thể khắc phục ngay từ đầu mùa vụ nếu giống kém chất lượng, không nảy mầm hoặc nảy mầm không đồng đều, dễ phát hiện; nhưng phân bón phải đợi một quá trình nhất định trên đồng ruộng mới kiểm chứng được. Trong khi đó, nhiều tổ chức, cơ sở lại mua thẳng từ nhà sản xuất cung ứng về tận tay người nông dân, không qua khâu trung gian là thị trường thương mại, nên rất khó kiểm tra, kiểm soát…
Mục tiêu của công tác quản lý thị trường năm 2012 trên địa bàn tỉnh là ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; không để tình hình hàng lậu, hàng giả bùng phát phức tạp tại một số thời điểm như dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, qua phân tích thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường tỉnh nhà và từ những khó khăn cụ thể trong công tác thanh, kiểm tra, xử lý của các đơn vị, ngành chức năng, có thể nhận thấy chưa “hé lộ” được giải pháp hữu hiệu để thắt chặt quản lý thị trường, ngăn chặn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Đình Sâm