Bài cuối: Cần biện pháp mạnh

10/08/2011 09:40

(Baonghean) - Môi trường vốn là "cha chung...". Nhưng bài học từ tác động tiêu cực đến môi trường của các dự án ở Nghệ An cho thấy việc xử lý sớm và nghiêm khắc từ khi có dấu hiệu sẽ cứu được môi trường chung.

Từ qui hoạch... ẩu?!

Như đã phản ánh kỳ trước, ví dụ điển hình trong qui hoạch chưa "chuẩn" là nhà máy của Công ty nhựa Hùng Linh được đặt sát nhiều nhà dân. Vấn đề đang tranh cãi là ai phải đi? Nhà máy hay các hộ dân? Nếu cả chục hộ dân phải nhường chỗ cho một nhà máy với chỉ chục lao động và gây ô nhiễm liệu có công bằng không? Còn nếu nhà máy ở lại thì giải pháp đảm bảo môi trường sẽ thế nào? Hay như Nhà máy giấy Tân Hồng, được cấp phép xây dựng sát bên sông Lam là sai qui định của pháp luật. Trại lợn Thái Dương ở Đô Lương, khi qui hoạch ngành chức năng mới chỉ đánh giá tác động môi trường của 5000 con lợn nái mà không dự kiến lợn sẽ sinh đẻ. Khi kiểm tra ở thời điểm ô nhiễm nhất, trong trại lợn có tới 25.000 con, gấp 5 lần số lợn ban đầu.


Dây chuyền tái chế hạt nhựa gây ô nhiễm ở KCN Diễn Hồng (Diễn Châu)

Còn sát Bệnh viện Thành phố Vinh, chỉ cách nhà xác và lò đốt rác bệnh viện khoảng 400 m người ta lại cho xây nhà trẻ của phường Vinh Tân.

Còn Bệnh viện đa khoa Cửa Đông mở rộng lại được xây dựng ngay sát chợ Hưng Dũng, nơi ngã ba tấp nập người qua lại. Tại sao khi Bệnh viện đa khoa tỉnh đã phải chuyển ra Nghi Phú (dù việc chuyển ra đây còn nhiều bàn cãi), rồi Bệnh viện Thành phố cũng có kế hoạch chuẩn bị chuyển địa điểm thì cấp có thẩm quyền lại cấp phép xây dựng cho một số bệnh viện trong lòng thành phố như: Bệnh viện Mắt Sài Gòn, Bệnh viện Thành An, Bệnh viện Cửa Đông mở rộng? Trong khi các nhà máy lớn như Dệt kim Hoàng Thị Loan, Bia Vida đang phải di chuyển ra khỏi thành phố thì lại có thêm những khu công nghiệp nhỏ như Nghi Phú, Hưng Dũng.. mà sau này chắc chắn sẽ nằm ở trung tâm thành phố khi kết nối Vinh và Cửa Lò thành một. Việc sai từ qui hoạch chỉ là lợi trước mắt mà quên đi những hệ luỵ về môi trường về sau.

Còn "giơ cao đánh khẽ"

Công tác thanh kiểm tra về môi trường ở các dự án những năm qua đã được đẩy mạnh và thường xuyên hơn, nhưng sau thanh kiểm tra, việc xử lý còn chậm và thiếu kiên quyết. Việc khắc phục hậu quả còn mang tính đối phó ở nhiều nơi, chắp vá trong các công đoạn và có khi thể hiện sự bất lực. Lấy ví dụ như ở một dự án gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn (Nhà máy bia Sài Gòn- Nghệ An), đoàn kiểm tra đã kiểm tra từ tháng 11/2010 và có báo cáo nhưng đến tháng 4/ 2011, cấp có thẩm quyền mới tổ chức nghe báo cáo ra ý kiến chỉ đạo. Hay như khi kiểm tra môi trường xong ở Nhà máy đường Sông Con trên địa bàn vào tháng 4/2011, Đoàn kiểm tra Sở TN và MT có báo cáo biện pháp xử lý, trong đó: "Chuyển 1 hồ sơ sang cho Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường xử lý với tổng số tiền phạt 54 triệu đồng". Chúng tôi đã tìm gặp Chánh thanh tra Sở TN và MT để hỏi xem việc xử lý ra sao thì ông cho biết là... chưa từng được nghe nói đến hay đọc được một báo cáo như vậy! Mặt khác, việc kiểm tra còn chưa "trúng": chẳng hạn năm 2011, kiểm tra 3 nhà máy đường đúng lúc vào hai nhà máy ngừng hoạt động vì kết thúc vụ ép; kiểm tra 5 nhà máy sắn cũng "chọn" lúc 3 cơ sở quan trọng ngừng hoạt động.

Một số dự án do nể nang trong thu hút đầu tư nên công tác xử lý môi trường còn lúng túng. Trong những vi phạm của các nhà đầu tư, các cơ sở sản xuất cũng bộc lộ những hạn chế của công tác quản lý và đầu tư: Tại các khu công nghiệp và khu công nghiệp nhỏ, chưa ở đâu có khu xử lý chất thải tập trung. Công tác đôn đốc, giám sát, kiểm tra của các cấp, các ngành về các nội dung bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường ở các nhà máy, cơ sở còn nhiều hạn chế.

Để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, cần công khai các báo cáo đánh giá tác động môi trường, biện pháp bảo vệ môi trường, cũng như các biện pháp xử lý tại các cơ sở cho người dân được biết, tránh "bưng bít" thông tin như hiện nay để người dân và cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát... Cần đầu tư ngân sách nhiều hơn cho công tác xử lý chất thải ở các bệnh viện. Kiểm tra việc sử dụng nguồn kinh phí cho bảo vệ môi trường, nhất là ở cấp huyện. Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho tất cả mọi người dân, trước hết là những cán bộ quản lý trong qui hoạch, cấp phép và sự nghiêm túc trong kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường.

Năm 2010, ngân sách của tỉnh chi cho sự nghiệp môi trường (và cả quĩ địa chính) là 50,7 tỷ đồng, năm 2011 là 46.285 triệu đồng, trong đó, quan trắc: 24.800 triệu đồng, sự nghiệp biển đảo 200 triệu đồng, kinh phí xử lý rác thải y tế và xử lý môi trường các bệnh viện, trung tâm y tế: 4,5 tỷ đồng, các đề án khác khoảng 16,7 tỷ đồng.


Nhóm PV

Mới nhất
x
Bài cuối: Cần biện pháp mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO